Ngày này năm xưa (4/9/476). Hoàng đế cuối cùng của La Mã bị phế truất. Đế Chế miền Tây sụp đổ
Cuối thế kỷ thứ 5, Đế quốc La Mã lúc này đã bị chia làm 2. Miền Đông của nó vẫn còn hùng mạnh nhưng Miền Tây liên tiếp gặp dịch bệnh, nạn đói thiên tai tàn phá. Những cuộc nội chiến, tranh giành quyền lực xảy ra liên miên càng làm cho người dân cùng quẫn. Đế chế đã kiệt sức. Mọi lãnh thổ bên ngoài đều đã bị các dân tộc Ostrogoth, Visigoth, Vandal,… tràn vào đánh chiếm. Miền Tây đế chế lúc này chỉ còn kiểm soát được bán đảo Ý mà thôi!
Chỉ trong vòng 20 năm, hàng chục hoàng đế lên ngôi rồi bị phế truất và giết hại. Trong hoàn cảnh đó, vào năm 475, chú nhóc Romulus Augustus được nhường ngôi từ người cha của mình và đăng quang khi mới 11 tuổi.
Số là trước kia, cha ruột của Romulus (Orestes) đã từng hứa với Odoacer, thủ lĩnh bộ lạc đánh thuê Scirii, rằng sẽ chia sẻ 1/3 bán đảo Ý cho họ nếu gửi quân tới giúp cha con cậu lật đổ hoàng đế La Mã đương thời.
Tuy nhiên, khi đã nắm được quyền lực, những người man di chỉ nhận được những mảnh đất cằn cỗi xung quanh dãy Núi Apennine. Chưa hết, Orestes còn bí mật cho tổ chức một đội quân riêng đánh úp những người man di để không phải thực hiện cam kết trước đó. Kế hoạch bị bại lộ, Odoacer đã rất tức giận trước sự phản bội này nên đã đem toàn bộ quân đồng minh tấn công thành Ravenna. Orestes thua trận và bị hành quyết. Sau khi cuộc nổi loạn chấm dứt, lực lượng đánh thuê ngoại tộc, cũng như phần lớn quân đội La Mã người Ý, tất cả đều tuyên bố Odoacer là vua “nước Ý”.
Cuối năm 476, Odoacer dẫn quân đội tiến về Ravenna và đánh chiếm thành phố này, giết cả gia đình Romulus và phế truất cậu.
Sau cuộc đảo chính của Odoacer, Viện nguyên lão La Mã (tương đương với Thượng Viện – Quốc Hội ngày nay) đã gửi cho Zeno (Hoàng đế Đông La Mã đương thời) một bức thư, nói rằng “sự uy nghi của một vị vua có khả năng lan tỏa khắp nơi và bảo vệ cả phương Đông và phương Tây”. Trong khi Zeno đáp lại Viện nguyên lão cho rằng Nepos (hoàng đế bị đảo chính đang lưu vong) là người cầm quyền tối cao duy nhất của họ, ông không nhấn mạnh đến điểm này và chấp nhận biểu tượng quyền lực do Viện nguyên lão mang đến.
Còn số phận của vị hoàng đế trẻ tuổi thì sao?
Nhiều nguồn sử học cho rằng cậu đã bị đày đến Campania, khu vực xung quanh Napoli, để sống nốt phần đời còn lại. Sau đó, số phận của cậu đã trở thành ẩn số của lịch sử. Nhiều bằng chứng gợi ý với các sử gia rằng Romulus đã chết trước năm 488. Tuy nhiên, 1 bức thư gửi từ Vua Theodoric đại đế (của người Ostrogoth) vào năm 507 cho rằng cậu vẫn còn sống đến tận lúc này…
Ảnh: Romulus Augustus khi bị Odoacer phế truất.