Sau khi Thế chiến II kết thúc năm 1945, trên lãnh thổ cũ của Đệ Tam Đế chế xuất hiện 4 vùng chiếm đóng của 4 cường quốc thắng trận Anh, Pháp, Mỹ và Liên Xô. Trong khi 3 vùng chiếm đóng của Anh, Pháp, Mỹ hợp nhất trở thành nước Cộng hòa Liên bang Đức (Tây Đức) thì vùng chiếm đóng của Liên Xô cũng trở thành một quốc gia cộng sản với tên gọi Cộng hòa Dân chủ Đức (Đông Đức). Để bảo vệ tiền đồn Đông Đức của chủ nghĩa cộng sản cũng như sẵn sàng cho một cuộc tấn công răn đe vào thế giới tư bản phương Tây, hơn nửa triệu binh lính Xô viết đã đóng quân trên vùng đất này suốt gần nửa thế kỷ. Đây là lực lượng quân sự đông đảo nhất và được vũ trang tốt nhất của Liên Xô ở Đông Âu với tên gọi là Tập đoàn quân phía Tây.
Đông Đức đã sụp đổ vào tháng 11 năm 1989 khi chế độ Cộng sản chìm ngập giữa sự phản kháng của người dân và sự yếu kém về kinh tế.
Việc rút quân cuối cùng của Nga được đưa ra theo các điều khoản của hiệp ước năm 1990 đã mở đường cho sự thống nhất và khôi phục hoàn toàn chủ quyền của Đức. Nhiều người Nga cáo buộc Tổng thống Boris Yeltsin đã đưa ra quá nhiều nhượng bộ cho “người bạn Helmut” Kohl của ông lúc bấy giờ. Việc rút quân đã được xác định bắt đầu vào ngày 12 tháng 10 năm 1990 – chỉ 9 ngày sau khi thống nhất nước Đức. Khi nhận được lệnh rút quân, tư lệnh tập đoàn này Tướng Boris Snetkov đã từ chối tuân thủ cấp trên. Vị chỉ huy thứ 15 này của tập đoàn thắc mắc sao lại giải tán tập đoàn khi mà Nguyên soái Zhukov đã lập ra nó. Do kháng lệnh này, Tướng Boris Snetkov đã bị cách chức và thay thế bằng Tướng Matvey Burlakov, người trước đó đứng đầu Tập đoàn quân phía Nam.
Quân đội Nga đồng ý rút khỏi nước Đức hoàn toàn nhưng đòi hỏi phải được nhận món quà chia tay trị giá 9 tỷ USD kèm theo để tái định cư cho những người lính sắp ra đi. Gần như tất cả người Đức coi số tiền này là khoản chi tốt, một khoản tiền không đáng kể để đảm bảo việc rút nhanh chóng đội quân chiếm đóng mà một số người ban đầu lo ngại sẽ còn bám trụ lại Đức trong nhiều thập kỷ.
Phần lớn số tiền 9 tỷ USD đó đã biến mất trong tay những người Nga được giao trách nhiệm xây dựng những ngôi nhà mới. Kết quả là, nhiều gia đình quân nhân thực sự bị mất nhà cửa trong một thời gian dài và những người khác phải sống trong lều khi trở về Nga.
Quyết tâm đáp ứng cam kết rời khỏi Đức trước ngày 31 tháng 8 năm 1994, người Nga đã nhanh chóng lên kế hoạch từng ngày. Các chyến xe lửa, xe tải, tàu và máy bay được đóng gói đầy đủ trang bị hàng hóa đã rời khỏi Đức để đến Nga gần như hàng ngày kể từ đó. Từ khi rút khỏi miền đông nước Đức bắt đầu vào năm 1990, người Nga đã vận chuyển hơn 540.000 người – bao gồm binh lính, thường dân và thành viên gia đình – và 2,6 triệu tấn thiết bị, đủ để lấp đầy 13.400 máy bay phản lực. Các hàng hóa được rút bao gồm 4.200 xe tăng, 3.700 khẩu pháo, 1.400 máy bay và 677.000 tấn đạn dược.
“Những kẻ thù cũ của chúng ta từ phương Tây đã giúp chúng ta sinh ra một nền dân chủ ổn định của Đức, một liên minh quân sự và tình bạn tuyệt vời”, một bài xã luận trên tờ báo Berlin Tagesspiegel phản ánh suy nghĩ chính thức ở Đức. “Mặt khác, các đơn vị Liên Xô vẫn giữ nguyên những gì họ đã có từ đầu: những người chiếm đóng và những trở ngại lớn đối với một nước Đức tự do, thống nhất và dân chủ. Vẫn chưa đến lúc quên đi sự khác biệt.”
Người Nga trả lại cho Đức các căn cứ diện tích lên tới 927 dặm vuông – một khu vực tương đương kích thước của Luxembourg nhưng phần lớn đất đai đã bị ô nhiễm tàn phá nặng nề. Các cuộc khảo sát của các kỹ thuật viên người Đức đã xác định 2.000 nơi cần hành động ngay lập tức để ngăn chặn các vụ nổ, ô nhiễm nước ngầm nghiêm trọng hoặc các thảm họa khác. Không có ước tính chi phí để dọn sạch nhưng dự kiến sẽ phải trả hàng chục tỷ USD.
Ngày 31 tháng 8 năm 1994 tràn ngập những cử chỉ tượng trưng cho sự hòa giải giữa những kẻ thù trước Thế chiến II và Chiến tranh Lạnh, Yeltsin và Kohl đã đặt vòng hoa tại ngôi mộ tập thể của 7.000 binh sĩ Liên Xô đã thiệt mạng trong trận chiến đỉnh cao ở Berlin năm 1945. Hai nhà lãnh đạo cùng nhau leo lên 60 bậc đến đỉnh của đài tưởng niệm chiến tranh lớn của Liên Xô trong Công viên Treptow, nơi có bức tượng cao 40 feet của một người lính Liên Xô cầm kiếm đang giương cao những tàn tích vỡ tan của một hình chữ vạn của Đức quốc xã.
“Do hậu quả của cuộc chiến kéo dài và đẫm máu nhất này, châu Âu đã được cứu khỏi chủ nghĩa Hitler”, Yeltsin tuyên bố giữa hàng ngũ binh sĩ Nga và Đức. “Ở đây, tại Berlin, rễ độc của cái ác chưa từng có này đã bị xé toạc, tro cốt của những kế hoạch quái dị của Hitler đã bị ném vào gió.”
Kohl thừa nhận rằng “những điều khủng khiếp đã được thực hiện đối với người dân Nga bởi người Đức và nhân danh nước Đức. Chúng tôi cúi đầu kính trọng trước hàng triệu người dân quê của bạn đã mất mạng trong cuộc chiến khủng khiếp này.”
Nhưng thủ tướng cũng đã trích dẫn những thời khắc đen tối của sự chiếm đóng lâu dài của Liên Xô – “những gì người Nga sau này đã gây ra cho người Đức”, như ông đã nói – bao gồm cả nỗ lực bỏ đói Tây Berlin vào đầu năm 1948-49, sự đàn áp của Liên Xô lên cuộc nổi dậy của công nhân ở Đông Đức vào năm 1953 và việc xây dựng Bức tường Berlin năm 1961.
Những người lính Nga rời đi và gia đình của họ đã lột bỏ hầu hết mọi thứ trong doanh trại có thể được sử dụng ở Nga: cửa ra vào, cửa sổ, đường ống, ống nước, dây cáp điện và máng xối nước mưa. Tại sân bay của Nga ở Neuruppin, quân đội thậm chí đã tháo dỡ đường băng được ốp bê tông và đóng gói để vận chuyển về nhà.
Matvei Burlakov, chỉ huy lực lượng Nga ở đây, nói với một tờ báo Đức rằng ông ta đã ra lệnh cho binh lính của mình “lấy mọi thứ như một phần của việc rút lui của chúng tôi”, bởi vì ngay cả một cột xi măng “cũng có thể được giao dịch ở Nga tương đương với năm con lợn.”
Tướng Burlakov tự hào nhớ lại: “Trong 49 năm binh sĩ chúng tôi đồn trú ở Đức, chúng tôi chưa bao giờ hăm dọa ai, chúng tôi cũng chẳng sợ ai cả. Là tập đoàn đông nhất của quân đội Liên Xô và Nga, Tập đoàn phía Tây đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử là bảo vệ hòa bình và ổn định ở châu Âu. Không thể biết trật tự thế giới hậu Thế chiến sẽ ra sao nếu không có quân Liên Xô đóng ở Đức, Tiệp Khắc, Hungary và Ba Lan”
Khi một số đại đội lính Nga chào tạm biệt Đức vào một buổi tối, tâm trạng của họ cũng lạnh lẽo và cay đắng như không khí đêm bên ngoài nhà ga xe lửa tồi tàn ở đây.
“Chúng tôi sẽ rút quân vì chúng tôi đang theo lệnh rời đi, nhưng không ai trong chúng tôi muốn đi”, một sĩ quan nói khi chuẩn bị cho chuyến đi kéo dài 36 giờ tới Moscow. “Tôi sẽ không có nơi ở khi tôi trở về nhà. Người Đức đã giết hàng triệu người của chúng tôi và đốt cháy một phần ba đất nước của chúng tôi, bây giờ họ đều giàu có và chúng tôi bị đuổi ra như những con chó.”
Tại quán cà phê nơi nhiều binh sĩ rời đi dừng lại để uống một cốc bia Đức cuối cùng, một nữ phục vụ người Nga cho biết hầu hết khách hàng có vẻ buồn rầu và tức giận.
“Tại sao họ phải hạnh phúc?” Cô hỏi. “Họ đang quay trở lại với điều kiện tồi tệ (ở Nga). Mọi người trong số họ muốn ở lại đây cho đến giây phút cuối cùng có thể. Tôi cũng vậy.”
“Chúng ta đã đánh bại chủ nghĩa phát xít nhưng thua trong Chiến tranh Lạnh”, đó là cách mà nhiều người Nga cảm thấy cay đắng trong ngày hôm đó.