Bà và mẹ bảo hôm nay là 30 Tết, Phượng phải dọn dẹp nhà cửa và lau chùi, sắp xếp bàn thờ cho sạch sẽ, gọn ghẽ. Mẹ đã giở tờ lịch Việt Nam cho Phượng xem, đây này 30 Tết tức là đêm giao thừa đấy, ngày này thiêng liêng và quan trọng lắm, chúng ta phải cúng để tiễn năm cũ đi, đón mừng năm mới đến với thật nhiều ước vọng may mắn.
Xem thì xem, nhưng những con số trên tờ lịch chẳng làm Phượng nhớ, chẳng chờ mong, và chẳng nôn nao khi Tết đến. Việc ấy đã có bà và mẹ lo.
Khi Phương thấy mẹ đi chợ Việt Nam về, mua những lá chuối, nếp, đậu rồi bà rửa lá, ngâm nếp… có nghĩa là Tết đấy, vì những ngày thường bận rộn quanh năm, chẳng ai muốn bày việc này ra làm gì. Nhiều khi bố thấy bà và mẹ bận rộn quá, nói mua bánh trái làm sẵn ở chợ cho tiện, nhưng bà cương quyết không chịu, mẹ cũng thế, nguyên liệu, thực phẩm ở Mỹ này rẻ quá, chỉ bỏ tí công là có đồ ăn tươi ngon và tiết kiệm được tiền, mình biết làm tội gì để cho họ ăn lời dễ dàng thế, nên hai người đàn bà này ra sức làm công việc bánh trái với tất cả lòng hăng say và yêu thích của họ.
Năm nào cũng vậy, bà gói bánh chưng, không cần khuôn, chỉ bằng tay thôi mà cái nào cái nấy vuông vức đều nhau, y như sản phẩm ra lò từ một khuôn mẫu có sẵn. Lần đầu thì luộc bánh bằng nồi to ở sau vườn với bếp củi, khói lửa lên nhiều quá, hàng xóm chạy sang phàn nàn, bố còn bảo coi chừng họ gọi 911 sở cứu hoả đến thì phiền. Nên từ năm sau trở đi bà gói bánh nhỏ lại và luộc bằng bếp gas trong garage.
Khi bánh vừa vớt ra, Phượng thích được nếm thử, gọi là nếm chứ cô xơi luôn một cái, nếp và đậu mềm nhuyễn, thơm phức mùi thịt mỡ hạt tiêu.
Công việc của mẹ là xay lá gai (do mẹ trồng và hái lá để đông lạnh, tới dịp cần dùng thì mang ra) để nhồi với bột nếp làm bánh gai, nhân đậu xanh trộn với dừa non thái sợi vương vấn mùi nước hoa bưởi. Ban đầu nhìn thấy cái bánh màu đen nhánh Phượng sợ lắm, không dám ăn, nhưng khi ăn thử rồi Phượng thấy thích. Bà và mẹ đã tập cho Phượng ăn đủ thứ món ăn Việt Nam, có cái Phượng ăn được, có cái Phượng không thích, những lúc Phượng chê đồ ăn Việt Nam thì bà mắng: con này, mày đẻ tại Mỹ nên quên cả nguồn gốc rồi, Phượng biết nguồn gốc mình là người Việt Nam chứ, nhưng bắt Phượng ăn mắm tôm, ăn tương, ăn giò heo nấu giả cày của bà thì Phượng xin chịu thua, ghê quá!
Hôm nay là 30 Tết Việt Nam, bà và mẹ lại làm như mọi năm, bà gói bánh chưng (bà bảo cho đến khi nào già yếu quá, tay run lẩy bẩy không gói được thì sẽ nhường lại việc này cho mẹ) còn mẹ đang làm bánh gai.
Phượng giặt giũ quần áo, chăn gối xong thì lau bàn thờ, bà bảo năm mới mọi thứ trong nhà phải mới, cô vừa lau vừa hỏi bà:
– Bà ơi, ngày mai mồng một Tết chúng ta có tục lệ lì xì phong bao tiền, phải không?
Bà cười hiền hậu:
– Ông bà, cha mẹ sẽ lì xì tiền cho con cháu, để chúc con cháu được mọi sự tốt lành.
– Vậy bà nhớ lì xì cho cháu nhiều tiền vào nhé, tiền già của bà mỗi tháng vài trăm bà để dành làm gì?
Mẹ mắng Phượng:
-Con gái lớn rồi mà ăn nói như còn bé lắm ấy, tiền bà để dành cúng chùa, giúp đỡ những họ hàng nghèo khó ở Việt Nam và mới đây, bà đóng góp tiền giúp nạn nhân bão lụt đấy.
Bà chép miệng:
– Tội nghiệp! bao nhiêu nhà cửa đổ nát, người chết thảm thương, cháu đừng quên lời bà dặn nhé, hãy mở lòng ra với mọi người nghèo khó hơn mình, hay đang gặp hoạn nạn, khó khăn.
– Bà dặn cháu nhiều lần rồi, cháu không quên đâu, nhưng phải đợi cháu ra trường có việc làm đã, cháu lo thân cháu xong rồi muốn giúp ai thì giúp.
– Cháu bà ngoan quá, bà sẽ lì xì cho cháu nhiều nhất nhà. Nhưng ngày xưa, khi bà 20 tuổi bằng cháu bây giờ, bà đã có 3 mặt con rồi đấy.
Phượng nhẩy cẩng lên thích thú:
– A! cháu thích nghe chuyện ngày xưa của bà, sao ngày ấy bà lấy chồng sớm thế? Boyfriend của bà đòi cưới hay bà đòi cưới?
– Boyfriend là gì hở cháu?
– Là người yêu đó, anh ta yêu bà lắm phải không?
Mẹ cau mày mắng Phượng:
– Con ăn nói phải giữ lời, “anh ta” nào thế? Ông ngoại của con đấy.
Phượng nũng nịu nắm tay mẹ phân trần:
– Trong tiếng Anh già trẻ, ông cháu gì thì cũng dùng từ như thế thôi, mẹ biết điều đó mà.
– Nhưng mẹ sợ bà không biết bà giận.
Bà đỡ lời:
– Không sao, các cháu nó nói tiếng Anh là chính, tiếng Việt nam thế là giỏi rồi, cháu cứ tự nhiên, vì lúc nào cháu cũng là cháu gái bé bỏng của bà.
Rồi bà kể tiếp:
– Thời xưa đâu có người yêu như bây giờ, cha mẹ đặt đâu thì ngồi đó.
Phượng kêu lên:
– Bất công! Và tước đoạt quyền tự do của người con gái.
– Nhưng chả sao cả cháu ạ, người ta vẫn sống hạnh phúc êm đềm và sinh con đẻ cháu. Ai như bây giờ, tự do lựa chọn người mình yêu rồi một sớm một chiều đã li dị, con cái thì bơ vơ, xa mẹ vắng cha.
Phượng cười:
– Hên cho bà là anh ta đẹp trai, cháu đã nhìn thấy hình ông ngoại hồi trẻ rồi, nếu bà lấy người xấu thì cháu cũng xấu luôn, cháu sẽ bắt đền bà đấy.
Bà mơ màng trôi về quá khứ:
– Ông ngoại đẹp trai mà nghiêm lắm, bà nể sợ ông, không dám cãi một câu, ông vừa là người chồng vừa là người chủ của bà. Bà làm dâu, hàng ngày đã bận rộn làm lụng, mỗi lần Tết đến càng bận rộn thêm, vừa trông coi vừa làm, nào gói bánh chưng, bánh gai, bánh dày, nấu chè kho, muối dưa hành. Nào mổ lợn để làm giò lụa, nem chua, nấu thịt đông, xương thì nấu măng, nấu miến… cỗ bàn 3 ngày Tết không lúc nào ngơi tay.
Phượng ngạc nhiên:
– Bà khổ thế sao? Họ abuse bà đấy, nếu ở Mỹ thì họ đáng tội vào tù.
Mẹ giải thích:
– Chẳng ai hành hạ bà cả, bà hãnh diện và sung sướng được làm những công việc ấy, chứng tỏ mình là vợ đảm dâu hiền.
Phượng chặc lưỡi ngẩn ngơ:
– Thời xưa lạ nhỉ! bị hành hạ mà vẫn sung sướng. Thế 3 ngày Tết ăn uống nhiều thứ bà có sợ mập không? Sau Tết bà có diet cho xuống cân không?
– Ăn thì cứ ăn, chẳng sao cháu ạ.
Rồi bà chép miệng:
– Ngày xưa, phong tục lễ Tết rất nhiều, ngày nay càng ngày càng đơn giản đi, và sang đến Mỹ thì mất gần hết rồi, con cháu đẻ ra ở đây, chẳng biết ngày Tết quý giá và thiêng liêng thế nào. Ngày Tết xa xưa, bà ăn một miếng bánh chưng thơm mùi nếp mùi lá dong, bà nghĩ tới những cánh đồng lúa chín vàng, tới những giọt mồ hôi cày cấy của người nông dân…
Mẹ tiếp lời:
– Bây giờ chúng nó nhìn bánh chưng bằng đôi mắt dửng dưng hoặc tò mò hỏi cái gì đây rồi lắc đầu từ chối, ngay cả không thèm ăn thử lấy một miếng.
Phượng lý luận:
– Thì bà và mẹ cũng không thích ăn hamburger, có bao giờ ăn thử miếng nào đâu!
Mẹ hồi tưởng:
– Sống ở quê hương mình, trải qua những mùa mưa nắng, những lúc đói no, mới thấm được hương vị ngày Tết. Khi đất trời vào Xuân, có nắng vàng, có gió nhẹ thổi sạch những chiếc lá khô nhỏ trên hè phố, khi chợ búa bắt đầu đổi màu sắc, ngập tràn cam quýt chín vàng, dưa hấu chất từng đống giữa chợ… còn rau sao mà nhiều thế? Sà lách xanh, bông cải trắng, cà chua chín đỏ như hẹn nhau cùng mùa thu hoạch cho kịp Xuân về… Và khi người ta vội vã mua sắm đồ Tết làm như sẽ không còn dịp nào để mua sắm nữa. Những hình ảnh đó, cảm giác đó, người Việt Nam tha hương chẳng bao giờ quên.
Phượng ngừng tay lau chùi, quay lại nhìn bà và mẹ, hai thế hệ đã qua, mỗi người có một mùa Xuân đẹp theo ý họ, trông bà lưng còng tóc bạc, trông mẹ tuổi đã xế chiều Phượng khó có thể hình dung được họ đã từng có những mùa Xuân lộng lẫy trong đời, từng bâng khuâng xao xuyến khi thời tiết giao mùa, cây cối đơm hoa nẩy lộc. Bây giờ họ thích ôn lại kỷ niệm và kể cho con cháu nghe.
Phượng nghĩ vẩn vơ sau này mình già thì sẽ có kỷ niệm gì để kể cho con cháu nhỉ? Cô sẽ kể lại cái ngày 30 Tết này vậy, rằng là bà không biết gói bánh chưng, bánh gai, nên bà ngoại và mẹ của bà sai bà làm đủ thứ chuyện, mệt kinh hồn.
Mẹ nhìn vẻ đăm chiêu của cô và hỏi:
– Con đang nghĩ gì mà ngẩn người ra thế? Lại đây mẹ chỉ cách gói bánh gai, sau này làm cho các con nó ăn.
Phương dẫy nẩy lên:
– Các con của con sẽ không thích ăn bánh này đâu.
– Con chỉ lười thôi, mấy món bánh đơn giản này mà cũng không chịu học.
Bà than thở:
– Tôi đã nói rồi mà, càng ngày con cháu ở xứ người càng quên đi mọi thứ liên quan đến cội nguồn của nó, chẳng biết tới đời con, đời cháu nó có còn biết nếm cái mùi vị ngon của bánh chưng, bánh gai, hay dưa hành ngày Tết không?
Mẹ nói như an ủi bà:
– Cũng phải thế thôi, biết sao bây giờ? Mình đâu có sống đời mà hướng dẫn chỉ bảo chúng nó được.
Bà đã gói bánh xong, gọi Phượng vào thu dọn, rồi mang bánh chưng và nồi ra garage để nấu bánh, chưa hết, bà còn giao cho Phượng một công việc nữa là đêm nay chở bà đi chùa đón Giao thừa. Bà rất chăm đi chùa, có lần Phượng đã hỏi bà :
– Bà ơi, đi chùa có vui không? Sao tuần nào bà cũng đòi đi?
Bà âu yếm mắng cháu:
– Chùa là chốn tôn nghiêm, đâu phải chỗ giải trí mà vui, nhưng có niềm vui của tâm hồn, được bình an, được thanh thản.
Tuần nào không đi được bà buồn hẳn ra, cứ than thở là già cả ở Mỹ này chỉ trông vào con cháu chở đi chùa vào dịp cuối tuần, thế mà đôi khi cũng không xong, khi vui nó chở, khi buồn thì không.
Bà nói đúng quá, những hôm bận Phượng chẳng muốn chở bà đi chùa, hay có chở thì cũng vùng vằng, kém vui. Biết sự cần thiết của bà Phượng làm tới, cô hay năn nỉ bà kể chuyện ngày xưa cho cô nghe, nếu bà không kể cháu “cúp” luôn không chở bà đi chùa nữa. Và bao giờ Phượng cũng được vừa ý.
Thường thường Phượng chở bà đến chùa và hẹn giờ đến đón, một hôm cao hứng Phượng ở lại lễ chùa với bà, cô tò mò xem có gì hấp dẫn mà tuần nào bà cũng đi như những người yêu nhau không bao giờ lỗi hẹn, cô ngồi cạnh bà, cũng quỳ, cũng lạy, nhưng cô không biết tụng kinh, chỉ biết ngồi im nghe, người ta đọc hết trang này đến trang khác làm cô sốt cả ruột hỏi bà chừng nào xong? Bà nói tụng hết cuốn kinh Pháp Hoa này, cô nhìn cuốn kinh dày cộp thở dài ngao ngán, tự trách mình lỡ dại trót ngồi đây rồi bỏ ra về giữa chừng sao được!
Từ đó, Phượng chẳng bao giờ vào chùa đọc kinh nữa và thầm phục bà mỗi tuần ngồi cả giờ đọc đi đọc lại những câu kinh ấy, những sách kinh ấy mà không chán, mà vẫn sốt sắng khăn áo đến chùa. Sau này dù Phượng có già, cũng không thể làm như bà được.
Bánh chưng và bánh gai đang được nấu trên bếp nên mọi người cảm thấy rảnh rang, bà quay ra kể chuyện đi chùa đón giao thừa, nghe tiếng chuông chùa báo hiệu năm mới vừa sang rồi ra vườn chùa hái lộc. Phượng hỏi:
– Hái lộc là gì hở bà?
– Cháu hái bất cứ một cành lá nào, gọi là hái lộc đầu năm để cầu ước mọi điều trong năm mới sẽ được tốt tươi như cành lộc ấy.
Mắt Phượng sáng long lanh:
– Cháu muốn được hái lộc, tối nay cháu vào chùa với bà.
Bà nghi ngờ:
– Nhưng đừng có chóng chán đòi về nhé?
Cô cương quyết:
– Cháu sẽ ở bên bà từ đầu đến cuối, bà biết không? Cháu sẽ cầu ước nhiều thứ lắm: bà khoẻ mạnh sống lâu, bố mẹ cháu cũng thế và cháu thì học hành khá hơn… Phượng ngừng không nói tiếp những ý nghĩ còn trong đầu là cô sẽ gặp một người tình vừa ý như mơ, điều ấy cô biết một mình là đủ rồi.
Lòng hớn hở, vui vẻ, Phượng dặn bà:
– Tối nay đi chùa bà nhớ mặc nhiều áo ấm vào, Tết của người Việt Nam, mùa Xuân của người Việt Nam, nhưng ở Mỹ này là mùa Đông đấy, bà hãy cẩn thận kẻo cảm lạnh bà nhé.
Tác giả: Nguyễn Thị Thanh Dương