Ngày 29/4/1951, tại thủ phủ Dihua (nay là thành phố Urumqi) thuộc tỉnh Tân Cương, Trung Quốc – hơn 8 vạn nhân dân các dân tộc Tân Cương tham dự một buổi xét xử lớn nhất lịch sử địa phương. Chính quyền Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa kết án và tử hình tướng cướp người Kazakh – Osman Batyr – người đã lãnh đạo các nhóm vũ trang hàng vạn quân của người Kazakh trên lãnh thổ Tân Cương trong hơn 40 năm từ những năm đầu thế kỷ 20.
Các nhóm cướp và các cuộc nổi dậy vũ trang của người Kazakh ở Tân Cương là một trong những thách thức lớn nhất mà Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa phải đối mặt sau khi thành lập. Nó đi vào lịch sử với tên gọi ”Chiến dịch tiễu phỉ Tây Bắc” kéo dài suốt từ năm 1949 tới năm 1958 mới dẹp được hoàn toàn. Sở dĩ đối mặt với khó khăn như vậy, là vì dưới thời ảnh hưởng của Liên Xô, những biến động liên tiếp trong khu vực Trung Á đã làm đảo lộn đáng kể cấu trúc dân cư khu vực này. Trong trường hợp cụ thể, vào những năm 1930s, nạn đói khủng khiếp gây ra bởi chính sách tập thể hóa nông nghiệp ở Kazakhstan đã làm khoảng 1 triệu người chết đói và làm hàng trăm nghìn người Kazakh tràn sang Tân Cương chạy trốn. Cuộc di cư đã đẩy dân số người Kazakh ở Tân Cương tăng đột biến lên hơn 300.000 người, trong khi dân số người Hán ở vùng Tân Cương chỉ khoảng 100.000 người.
Do dân số đông, đói kém cộng với tình trạng loạn lạc ở Tân Cương trong những năm ảnh hưởng bởi Liên Xô, người Kazakh ở đây đã thành lập nên những nhóm vũ trang hàng vạn người để kiếm sống. Việc kiếm sống của họ có thể thực hiện bằng việc đánh thuê cho chính quyền và các lãnh chúa, hoặc bằng cách cướp bóc dân thường người Hán, Hồi, Mông Cổ, Tây Tạng,… trong vùng. Các nhóm này đã không bị trấn áp bởi Liên Xô hay Quốc Dân Đảng, ngược lại còn bị tận dụng để phục vụ mục tiêu của mình, dẫn đến các nhóm cướp vũ trang Kazakh trở thành nỗi ám ảnh của người dân Tân Cương trong hàng chục năm.
Phải đến thời Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, việc trấn áp các nhóm vũ trang Kazakh mới được thúc đẩy mạnh mẽ. Tuy nhiên, việc đó lại dẫn đến những vấn đề căng thẳng giữa Trung Quốc với Liên Xô và các nước Trung Á sau này. Thực tế, khi chia rẽ và xung đột nổ ra giữa Liên Xô và Trung Quốc, hai bên tranh chấp và giao tranh nhiều nhất là trên biên giới Tân Cương chứ không phải trên đảo Damasky/Trân Bảo như trước nay người ta nghĩ. Thậm chí, trong khi Trung Quốc coi Osman Batyr là ”tướng cướp” và xử tử, thì ở Liên Xô, Kazakhstan, Thổ Nhĩ Kỳ sau này người ta vẫn coi Osman Batyr là hiện thân của chủ nghĩa anh hùng, đấu tranh cho dân tộc Kazakh. Và cho đến tận ngày nay, vấn đề sắc tộc ở khu vực Tân Cương vẫn không thể nói là đã được giải quyết, giữa Kazakhstan và Trung Quốc vẫn tồn tại căng thẳng thường trực.
Đệm trước thế này, cụ thể về vấn đề người tị nạn và cướp vũ trang Kazakh ở Tân Cương sẽ nói đến trong bài sau. Bạn nào muốn đọc kỹ hơn về vấn đề nhân khẩu học trong lịch sử Tân Cương, có thể đọc cuốn ”Modern China’s Ethnic Frontiers: A Journey to the West” của tác giả Hsiao-ting Lin.