nganh-y-te-binh-duong-se-duoc-bo-sung-hon-40-ty-dong/nam-de-nang-cap-chat-luong

Ngành y tế Bình Dương sẽ được bổ sung hơn 40 tỷ đồng/năm để nâng cấp chất lượng

Chế độ thu hút nhân lực ngành y tế Bình Dương chưa đáp ứng yêu cầu 

Theo dự thảo Tờ trình của UBND tỉnh Bình Dương về việc ban hành chính sách mới thay thế Nghị quyết 05, gửi Thường trực HĐND tỉnh, chính sách mới nhằm thu hút nguồn nhân lực có trình độ, năng lực trong các ngành, lĩnh vực mà nhân lực hiện có của Bình Dương chưa đáp ứng được. Chính sách này dành sự quan tâm lớn đến ngành y tế.

UBND tỉnh cho biết, bên cạnh kết quả đạt được, Nghị quyết 05 phát sinh một số vướng mắc do chưa có quy định, hoặc do tình hình thực tế phát sinh.

Trường Cao đẳng Y tế Bình Dương đã chuyển sang thực hiện cơ chế tự chủ. Ảnh: T.L

Trường Cao đẳng Y tế Bình Dương đã chuyển sang thực hiện cơ chế tự chủ. Ảnh: T.L

Ví dụ như một số đơn vị sự nghiệp y tế công lập khi chuyển sang cơ chế tự chủ đã không đủ kinh phí để thực hiện chính sách thu hút nhân lực, không đủ kinh phí cử viên chức, người lao động đi đào tạo, bồi dưỡng.

Số lượng viên chức ngành y tế thu hút có tăng nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh; tỷ lệ bác sĩ/1 vạn dân ở Bình Dương còn thấp so với chỉ tiêu Bộ Y tế đề ra.

Số lượng bác sĩ tuyển mới chưa đủ bù đắp số bác sĩ nghỉ việc, nghỉ hưu, chuyển công tác; thiếu nhân viên quản lý trang thiết bị y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh; một số trường hợp thu hút sau một thời gian làm việc đã xin thôi việc.

Theo ông Võ Văn Minh – Chủ tịch UBND tỉnh, chế độ thu hút của tỉnh thường xuyên được sửa đổi, bổ sung theo hướng tăng lên nhưng chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Nguyên nhân do có sự chênh lệch về tiền lương và chính sách đãi ngộ giữa khu vực công lập và ngoài công lập còn khá lớn.

Mặt khác, sự cạnh tranh gay gắt nguồn nhân lực chất lượng cao giữa các địa phương làm cho việc thu hút bác sĩ, nhân viên y tế không thực hiện được theo số lượng, nhu cầu đặt ra.

Tình trạng thiếu nhân lực ngành y tế Bình Dương bộc lộ rõ trong mùa dịch Covid-19 vừa qua. Ảnh: T.L

Tình trạng thiếu nhân lực ngành y tế Bình Dương bộc lộ rõ trong mùa dịch Covid-19 vừa qua. Ảnh: T.L

Một số trường hợp sau thời gian thu hút đã đề nghị chuyển công tác, xin nghỉ do xét thấy môi trường làm việc không phù hợp, hoặc tìm được công việc khác có thu nhập cao hơn.

Dự chi bổ sung hơn 40 tỷ đồng mỗi năm để nâng cấp chất lượng ngành y tế

Để khắc phục những hạn chế, UBND dự kiến sửa đổi, bổ sung thêm một số chính sách, chế độ để đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân, trong điều kiện nhân lực y tế còn rất thiếu. Kinh phí thực hiện do ngân sách tỉnh cấp.

Theo dự thảo báo cáo đánh giá tác động việc ban hành chính sách mới, chính sách về hỗ trợ về đào tạo, bồi dưỡng sẽ đáp ứng yêu cầu thực tiễn, khắc phục những hạn chế, thiếu sót mà chính sách hiện hành chưa đáp ứng được. 

Việc thực hiện sửa đổi, bổ sung các chế độ hỗ trợ sẽ tăng thêm kinh phí. Tổng kinh phí tăng thêm hơn 28,96 tỷ đồng/năm. Trong đó, kinh phí hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cho các đơn vị sự nghiệp y tế công lập thực hiện cơ chế tự chủ tài chính và Trường Cao đẳng Y tế Bình Dương là 9,415 tỷ đồng.

Theo UBND tỉnh, việc ban hành chính sách mới sẽ góp phần khắc phục những hạn chế của ngành y tế hiện nay. Ảnh minh họa: T.L

Theo UBND tỉnh, việc ban hành chính sách mới sẽ góp phần khắc phục những hạn chế của ngành y tế hiện nay. Ảnh minh họa: T.L

Về chính sách thu hút nguồn nhân lực, tổng kinh phí dự kiến tăng thêm là 33,65 tỷ đồng/năm. Trong đó kinh phí thu hút đối với các đơn vị sự nghiệp y tế là 27,85 tỷ đồng.

Ngoài chế độ hỗ trợ cho bác sĩ, để nâng cao chất lượng khám và điều trị, lực lượng điều dưỡng và nữ hộ sinh là hết sức quan trọng. Tuy nhiên, nhiều năm qua, tỉnh Bình Dương không tuyển đủ các chức danh điều dưỡng, nữ hộ sinh.

Trong khi đó, số lượng xin nghỉ việc, chuyển sang các đơn vị y tế ngoài công lập ngày càng nhiều. Vì thế, UBND tỉnh cũng xem xét có chế độ hỗ trợ phù hợp cho các chức danh này. 

Theo đó, UBND bổ sung chế độ hỗ trợ thâm niên cho điều dưỡng, nữ hộ sinh để các cơ sở y tế có đủ lực lượng để thực hiện nhiệm vụ khám chữa bệnh. Kinh phí hỗ trợ dự kiến 3 tỷ đồng/năm.

Như vậy tính tổng cộng, chính sách về hỗ trợ về đào tạo, bồi dưỡng; chính sách thu hút nguồn nhân lực, và chế độ hỗ trợ thâm niên cho điều dưỡng, nữ hộ sinh là hơn 40 tỷ đồng/năm.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *