ngai-yeu,-luoi-de:-“kich-sinh”-can-giai-phap-toan-dien-(ky-cuoi)

Ngại yêu, lười đẻ: “Kích sinh” cần giải pháp toàn diện (kỳ cuối)

Trao đổi với PV Dân Việt, GS.TS Hoàng Bá Thịnh, Chuyên gia nghiên cứu Gia đình và Giới cho hay, có hiện tượng người trẻ lười kết hôn và nhiều cặp vợ chồng trẻ ngại sinh, lười sinh. 

PV: Theo ông, tại sao lại có xu hướng ngại yêu, lười đẻ trong khi cuộc sống của chúng ta sung túc, đầy đủ hơn đời bố mẹ, ông bà ta rất nhiều? 

GS.TS Hoàng Bá Thịnh: 

– Có nhiều nguyên dân dẫn đến ngại yêu, lười kết hôn và lười đẻ. Nhiều bạn trẻ hiện nay có xu hướng kết hôn muộn hoặc thẳng thừng “không kết hôn”. 

Ngại yêu, lười đẻ:

Nhóm kết hôn muộn là vì bạn trẻ muốn kéo tuổi độc thân để tự do theo đuổi các sở thích cá nhân, học hành, vui chơi, phấn đấu cho sự nghiệp, kiếm tiền, làm giàu. 

“Theo Tổng cục Thống kê, tuổi kết hôn lần đầu trung bình trên cả nước năm 2021 là 26,2 tuổi (cao hơn 0,5 tuổi so với năm 2020); năm 2022 là 26,9 tuổi.

Khu vực thành thị có độ tuổi kết hôn rất muộn. Điển hình như TP Hồ Chí Minh: Năm 2022 độ tuổi kết hôn trung bình lần đầu là 29,8 tuổi. Tỉ lệ người độc thân đang có xu hướng tăng nhanh từ 6,23% năm 2004 lên 10,1% năm 2019.

Còn trên thế giới có những nước 34,35 tuổi mới kết hôn lần đầu. Các nước Châu Á khoảng 30-31 tuổi. Độ tuổi kết hôn lần đầu ngày càng tăng lên”

GS Hoàng Bá Thịnh

Nhóm không kết hôn (độc thân vui vẻ) sớm thẳng thắn không muốn lấy vợ, lấy chồng. Họ sợ va chạm trong hôn nhân, thích theo đuổi tình yêu màu hồng không bị “cơm áo gạo tiền” của hôn nhân mà thay đổi. Họ cũng ngại đối mặt với việc sinh con, nuôi dạy con cái… Điều này góp phần tạo ra số giới trẻ hiện nay lười kết hôn, lười đẻ. 

Theo ông, nguyên nhân xu hướng kết hôn muộn và lười đẻ này do đâu? 

– Nguyên nhân là do các bạn trẻ ngày càng có yêu cầu cao đối với chất lượng cuộc sống. Họ tập trung cho học hành, sự nghiệp, phấn đấu. Họ muốn có thời gian hưởng thụ cuộc sống. Họ chưa muốn vướng bận vào vai trò làm vợ, chồng, cha mẹ. 

Một điều nữa kết hôn sinh con phát sinh nhiều vấn đề như chi phí nuôi dạy con cái, thời gian chăm sóc con nhỏ sẽ khiến họ không còn thời gian để phấn đấu trong công việc, không còn tiền dành cho các thú vui… dẫn đến việc lười kết hôn, lười đẻ.

Đối với việc lười đẻ, thì không ít các bạn trẻ không phải không muốn sinh con mà vì chi phí nuôi dạy con hiện nay quá lớn, còn họ chỉ là lao động có thu nhập “trung bình khá”, không thể “kham” được việc cho 2 con ăn học nên nhiều gia đình chỉ lựa chọn sinh 1 con. 

Ngại yêu, lười đẻ:

Chỉ sinh 1 con, nhiều gia đình đang đứng trước mô hình “4 ông bà, 2 con và 1 cháu”. Ảnh minh họa Istockphoto

Nói là TP có điều kiện kinh tế khá giả nhưng nhiều cặp vợ chồng trẻ ở trong tình trạng “giật gấu vá vai” vì kiếm được vài chục triệu thì chi phí cho thuê nhà, cho con ăn học, sinh hoạt… cạn kiệt, không có tích lũy. Do đó, họ không dám sinh thêm con. 

Xu hướng “lười đẻ” lan rộng nhưng việc ngăn chặn làn sóng này rất khó khăn. Các bài học của Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Thụy Điển… là những kinh nghiệm xương máu. Sau khi vận động và đạt mức sinh thay thế, mức sinh của các nước này tiếp tục giảm đến mức báo động. Phụ nữ Hàn Quốc, Nhật Bản có xu hướng sinh 1 con thậm chí không sinh con.

Đến giờ, các nước này có nhiều chính sách để hỗ trợ phụ nữ sinh con, hỗ trợ trẻ em từ chăm sóc sức khỏe đến giáo dục thì phụ nữ vẫn… lười đẻ.

Tại Việt Nam, chúng ta càn phải sớm có giải pháp và động thái để điều chỉnh mức sinh cho phù hợp từng vùng miền. Nơi nào có mức sinh thấp cần khuyến khích để họ sinh đủ 2 con, còn vùng nào có số con đông thì lại phải vận động để họ giảm mức sinh xuống.

GS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Dân số và Các vấn đề xã hội (ĐH Kinh tế quốc dân)

Hệ lụy của việc ngại kết hôn và lười đẻ hiện nay là gì thưa ông? 

– Việc người trẻ lười kết hôn và nhiều cặp vợ chồng trẻ ngại sinh đã tạo ra không ít hệ luỵ cho gia đình, xã hội. Chúng ta có nhiều bài học rõ ràng. 

Từ những năm 80 – 90 của thế kỷ XX, các nước phương tây rơi vào khủng hoảng tan giã gia đình, giới trẻ phương Tây ngại kết hôn, tuổi kết hôn muộn hoặc không kết hôn tăng lên.

Khủng hoảng gia đình hiện nay ngoài lý do bạo lực gia đình, ly hôn tăng thì tỷ lệ kết hôn giảm cũng là một nguyên nhân. 

Nếu xu hướng lười kết hôn lan rộng, số lượng thành viên gia đình giảm, tăng gia đình độc thân, tăng nhóm thanh niên 35-40 tuổi vẫn chưa kết hôn sẽ ảnh hưởng đến phát triển dân số. 

Độ tuổi kết hôn muộn thì chất lượng dân số tương lai cũng bị ảnh hưởng rất nhiều khi sinh muộn, thậm chí dẫn đến vô sinh thứ phát, lúc đó muốn sinh cũng chẳng sinh được hoặc muốn sinh lại phải chạy chữa, thụ tinh nhân tạo… vô cùng tốn kém, dẫn đến nhiều người lại phải thêm gánh nặng “kiếm tiền để sinh con” rồi lại “kiếm tiền nuôi con”… 

Ngại yêu, lười đẻ:

GS Hoàng Bá Thịnh cho rằng, các bạn trẻ sẽ yên tâm lập gia đình, sinh đủ 2 con khi chế độ an sinh xã hội tốt hơn, giúp họ đỡ gánh nặng về nhà ở, học phí, viện phí… Ảnh minh họa Pixabay

Dự báo nếu mức sinh xuống thấp, ngày càng có nhiều người lười đẻ lan rộng thì dân số Việt Nam sẽ đến lúc “toàn người già”, dân số giảm, thiếu lao động, kinh tế trì trệ. Theo ông, cần làm gì để ngăn chặn xu hướng này lan rộng? 

– Tôi thấy việc thúc đẩy bạn trẻ kết hôn, sinh con không hẳn là vấn đề quá lớn, mà chuyện nuôi con, dạy con mới là vấn đề cần bàn. Chúng ta cần phải có các giải pháp để hỗ trợ những người trẻ sắp và đang có ý định lập gia đình hiểu rằng nuôi dạy con là niềm vui chứ không phải áp lực, hoang mang. 

Xu hướng giảm sinh là không tránh khỏi

“Xu hướng giảm sinh đã xảy ra ở nhiều nước trên thế giới ở hàng chục năm trước. Hiện nay, nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp… đã có các chính sách khuyến sinh nhiều rất ưu việt như vợ chồng trẻ được ưu tiên mua nhà, quyền lợi khi mang thai gia tăng, hỗ trợ sinh con, hỗ trợ về y tế, giáo dục, xóa nợ…

Tuy nhiên cho dù các chính sách rất tốt nhưng tỷ lệ sinh vẫn giảm. Do đó, chúng ta cần phải có giải pháp quyết liệt để mức sinh không giảm sâu đến mức “không thể cứu vãn”.

GS Hoàng Bá Thịnh

Bên cạnh đó, đừng tạo thêm áp lực chuyện kết hôn, sinh con vì càng gây áp lực thì càng khiến người trong cuộc thêm phần e ngại. 

Những người lớn nêu ra đủ các lý do để ép người trẻ phải yêu, phải cưới, phải sinh con sẽ khiến họ càng cảm thấy áp lực, e ngại, dẫn đến việc chùn bước trong việc yêu, cưới hay sinh con. 

Hiện nay, Bộ Y tế đề xuất hỗ trợ một lần bằng tiền khi phụ nữ sinh đủ 2 con, cùng với đó là đề xuất miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho trẻ em lứa tuổi mầm non, tiểu học… tại các khu vực có mức sinh thấp. 

Tuy nhiên, chính sách này hấp dẫn được một bộ phận những người trẻ thu nhập thấp hoặc những người khó khăn. Còn nhóm bạn trẻ có thu nhập trung bình, khá giả thì họ không cần quan tâm điều này bởi họ xem chất lượng sống tốt hơn. 

Họ không cần thưởng tiền khi sinh con thứ 2 bởi mức hỗ trợ có đáng gì so với chi phí nuôi dạy con cái. Trước đây, người dân có cần thưởng đâu mà vẫn sinh nhiều con. Do đó, để “khuyến sinh”, “kích sinh” cần phải có giải pháp dài hơi hơn. 

Chúng ta phải tăng cường các chính sách an sinh xã hội. Như giải quyết vấn đề nhà ở cho các cặp vợ chồng trẻ. Những công nhân lao động, người thu nhập thấp muốn mua nhà không mua được hoặc mua nhà phải còng lưng gánh nợ ngân hàng, ai dám sinh con.

Đầu năm, các vợ chồng trẻ lại gồng mình với các khoản học phí cho con, chưa kể mỗi lần thi lên cấp cả gia đình, xã hội sôi sùng sục thi cử, tìm trường, chạy trường… Các bậc phụ huynh sợ “mất mất”, không dám đẻ…

Ngại yêu, lười đẻ:

GS Hoàng Bá Thịnh cho rằng, chúng ta cần phải có giải pháp quyết liệt để mức sinh không giảm sâu đến mức “không thể cứu vãn”. Ảnh minh họa Pixabay

Theo tôi, nếu không giải toả được rào cản về nhà ở, về thu nhập, về học phí hay trường lớp đó thì hỗ trợ tiền cho phụ nữ sinh đủ 2 con sẽ giống như ‘chuồn chuồn đạp nước”, không có tác dụng bền vững. 

Chỉ cần chúng ta có chính sách bài bản, để bạn trẻ thấy rằng khi lập gia đình có nhà ở, khi sinh con có  hệ thống an sinh xã hội bảo đảm, về y tế, giáo dục không phải gánh nặng đóng góp thì họ sẽ thoải mái mà sinh 2-3 con mà không cần tiền thưởng. 

“Việt Nam cần sớm có các chính sách để việc mang thai, nuôi con không còn là gánh nặng kinh tế, không xung đột giữa vai trò làm mẹ và người lao động, sẵn sàng cung cấp dịch vụ hỗ trợ sinh sản… KHi đó chắc chắn sẽ có thêm nhiều bà mẹ muốn sinh con hơn”.

ông Hà Anh Đức, Chánh Văn phòng Bộ Y tế

Tôi cho rằng xu hướng dám sinh là không tránh khỏi. Xu hướng giảm sinh đã xảy ra ở nhiều nước trên thế giới ở hàng chục năm trước. 

Hiện nay, nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp… đã có các chính sách khuyến sinh nhiều rất ưu việt như vợ chồng trẻ được ưu tiên mua nhà, quyền lợi khi mang thai gia tăng, hỗ trợ sinh con, hỗ trợ về y tế, giáo dục, xóa nợ…

Tuy nhiên cho dù các chính sách rất tốt nhưng tỷ lệ sinh vẫn giảm. Do đó, chúng ta cần phải có giải pháp quyết liệt để mức sinh không giảm sâu đến mức “không thể cứu vãn”.

Xin cảm ơn ông!

Giới trẻ không còn áp lực kết hôn, sinh con

Chia sẻ về nguyên nhân giới trẻ lười yêu, ngại kết hôn hiện nay, chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa cho biết, tiêu chuẩn của người Việt trước đây là “trai lớn dựng vợ, gái lớn gả chồng”, “sinh con nối dõi tông đường”, “nuôi con để làm chỗ dựa về già”…

Tuy nhiên ngày nay, các tiêu chuẩn đó đã bị phá vỡ bởi lối sống hiện đại. Người trẻ hướng tới cuộc sống hưởng thụ, tự do, không ràng buộc và lệ thuộc kể cả về mặt tinh thần lẫn kinh tế.

“Các cô gái trẻ không có nhu cầu tìm chồng để “tòng phu” hay về già có nhu cầu “tòng tử” nữa. Họ có sự nghiệp, có các thú vui riêng khi còn trẻ, về già họ cũng có tiền tích cóp, có lương hưu. Họ không có áp lực phải cưới, phải có con khi “đến tuổi” mà chỉ cưới khi thực sự tim được người yêu thương, đáng tin cậy.

Còn các chàng trai cũng có nhiều áp lực khiến họ lười yêu, ngại kết hôn. Họ đứng trước các định kiến xã hội phải thành đạt, phải giàu có, phải để vợ con sung sướng. Các cô gái độc lập kinh tế, thành công nên tiêu chuẩn người yêu, bạn đời của họ cũng cao hơn”, ông Hòa nói.

Ngoài ra, theo ông Hòa, có thể thấy nhiều clip trên mạng mà các cô gái khi được phỏng vấn cho rằng nếu lương 10-15 triệu thì không thể chăm lo cho vợ con. Trong khi mới ra trường, thanh niên ở thành phố cũng chỉ có thu nhập 7-8 triệu, thậm chí thấp hơn.

Do đó, nếu thu nhập không cao, không đủ để chi trả tình phí, hay nuôi vợ con thì các thanh niên cũng ngại yêu và ngại kết hôn.

Chưa kể đến việc mất cân bằng giới tính khiến đàn ông càng ngày càng “mất giá”. Những người không có hình thức tốt, công việc thành đạt, không kiếm được nhiều tiền càng khó lựa chọn được một đối tượng như ý và càng lớn tuổi càng khó lựa chọn.

Tạo điều kiện để sinh con không còn là gánh nặng

Ông Mai Trung Sơn, Phó Phòng Quy mô dân số – Kế hoạch hóa gia đình, Cục Dân số (Bộ Y tế) cho biết đang tham mưu xây dựng dự thảo Luật Dân số, trong đó, đề xuất các biện pháp của nhà nước khuyến khích sinh đủ 2 con tại tỉnh, thành phố có mức sinh thấp. Theo đó, có 4 biện pháp:

Thứ nhất, đề xuất hỗ trợ một lần bằng tiền khi phụ nữ sinh con thứ 2. Mục đích là trong quá trình mang thai phụ nữ cần nghỉ làm, bồi dưỡng sức khỏe.

Cùng đó, đề xuất miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho trẻ em lứa tuổi mầm non, tiểu học…

Thứ hai, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình được hưởng các chính sách khuyến khích xã hội hoá trong lĩnh vực y tế.

Thứ ba, xây dựng môi trường, cộng đồng phù hợp tạo điều kiện cho các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con, chăm sóc và nuôi dạy con tốt, chia sẻ trách nhiệm giữa các thành viên gia đình.

Thứ tư, quy định trách nhiệm xã hội của người sử dụng lao động đối với người lao động nuôi con nhỏ và các biện pháp khác.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *