NẾU PHỤ NỮ MỘT ĐỜI KHÔNG KẾT HÔN THÌ SẼ NHƯ THẾ NÀO?

Kể chuyện cũ nghe nhé! Mười năm trước có một bộ phim tài liệu tên là “Tự chải đầu-自梳” (tên tiếng Anh là “Living without Men”).

Bộ phim tài liệu này được quay bởi đạo diễn Luo Yi (Lạc Nghi), vào năm 2011 bộ phim này đã được công chiếu ở các liên hoan phim trong nước (Trung Quốc) (bây giờ cũng có thể lên mạng tìm xem, tầm hơn 20 phút, xem một tí là hết, đừng tìm sai phim là được vì có một bộ phim điện ảnh trùng tên với bộ này.)

Những thước phim trong bộ phim này đã ghi lại cuộc sống rất đặc biệt của một nhóm người gọi là – “Phụ nữ tự chải đầu-自梳女”. Như thế nào được gọi là “Phụ nữ tự chải đầu”? 

Cụm từ này để chỉ một nhóm những cô gái đặc biệt, họ đứng lên chống lại lễ giáo phong kiến, thề không bao giờ kết hôn. Nhóm người này xuất hiện lần đầu tiên có lẽ là vào khoảng giữa hoặc cuối triều đại nhà Minh, có nguồn gốc xuất phát từ khu vực Thuận Đức, đỉnh cao là vào cuối triều đại nhà Thanh và đầu thời kỳ Trung Hoa Dân Quốc, đây là một hiện tượng độc nhất vô nhị xuất hiện ở khu vực đồng bằng sông Châu Giang.

Bối cảnh là vào thời đại đó (cho tới cuối thời nhà Thanh), ngành công nghiệp tơ lụa ở Quảng Đông vô cùng phát đạt, có rất nhiều lao động nữ trong ngành, có thu nhập cao, là bước khởi đầu cho khả năng độc lập mưu sinh của phụ nữ. Đồng thời những người phụ nữ này nhận ra rằng những người chị em đã kết hôn xung quanh họ, sau khi kết hôn đều sống có địa vị vô cùng thấp kém trong gia đình, cả đời đi phục vụ hầu hạ người khác, sống vô cùng cực khổ từ đó nảy sinh ý nghĩ không muốn lấy chồng, kết hôn. Nói trắng ra là phiên bản “Không chồng, không con, giữ bình an” thời cổ đại.

Thời đó, phụ nữ chưa chồng có một tập tục là trước khi lấy chồng các cô gái sẽ nuôi tóc dài rồi thắt thành bím tóc đuôi sam thả xuống sau lưng. Khi nào chuẩn bị lấy chồng, mẹ của cô gái hoặc là những người phụ nữ lớn tuổi trong nhà, trong dòng tộc sẽ giúp cô ấy đem lọn tóc đuôi sam bối thành búi tóc cao ở sau đầu, biểu thị cô ấy đã là người phụ nữ có gia đình rồi. Còn những cô gái không muốn kết hôn lúc đó cũng sẽ trải qua một nghi lễ “Chải đầu” đặc biệt, họ để những cô gái tự chải tóc khác chải đầu và bối một búi tóc cho mình, ngoài ra còn phải vái lạy Quan Âm và Tổ tiên để lập lời thề “Đời này không gả, đời này không hối hận”. Cho nên mới có tên gọi là “Phụ nữ tự chải đầu”, đại ý là những người phụ nữ này họ tự chải đầu cho chính bản thân mình. Còn về việc đầu tóc của cô gái đầu tiên trong nhóm “Phụ nữ tự chải đầu” là ai bối tóc cho thì không biết rõ lắm, mà việc này cũng không quan trọng.

Sau khi “Tự chải đầu” xong những người phụ nữ này dành phần đời còn lại của mình để làm việc trong các nhà máy, không kết hôn, không sinh con, không dựa vào đàn ông để tồn tại. Đa số họ vẫn sống ở nhà mẹ đẻ, lúc rảnh rỗi thì tới “Nhà của các cô dì” cùng các cô gái tự chải đầu khác gặp mặt, tiệc tùng. Đến lúc già nhiều tuổi rồi thì dọn đến “Nhà của các cô dì” ở , họ không thể mất ở nhà mẹ đẻ được. Sau này, ngành công nghiệp tơ lụa ngày một suy tàn cộng thêm chiến tranh xảy ra, họ cùng nhau lập đoàn đến Nam Dương, HongKong làm việc, chủ yếu làm người giúp việc. Cho đến khi giải phóng thì họ lần lượt về nước, có những người trở về quê sinh sống, mọi người cùng nhau giúp đỡ nhau sống cho tới cuối đời, có những người thì lại lựa chọn cuộc sống ở Viện dưỡng lão.

Mặc dù “Tự chải đầu” có các quy định và nghi thức riêng nhưng đối với những người phụ nữ đó mà nói thì việc này vô cùng đơn giản: Vào năm 20 tuổi đến lúc cần phải xuất giá, người nhà sẽ thương lượng với cô ấy, muốn kết hôn hay muốn ở thế, tự do lựa chọn không ép buộc. Cũng giống như trong bộ phim tài liệu có một cụ bà kể rằng, cả quá trình kỳ thực rất đơn giản, em trai họ của bà ấy muốn lấy vợ nhưng theo truyền thống em trai không được kết hôn trước chị gái, người nhà liền hỏi ý kiến của cụ rằng “Con định lấy chồng hay định “chải đầu” không thôi, cả đời này đều không lấy chồng?” Cụ bà lúc đó suy nghĩ một chút rồi vẫn chọn “chải đầu”. Thế là vào năm 24 tuổi, cụ trở thành người phụ nữ “Tự chải đầu”, vẫn độc thân sống đến bây giờ. Một cụ bà khác lựa chọn “Tự chải đầu” cũng giống như cụ bà này. 

Trong bộ phim tài liệu này chủ yếu phỏng vấn ba cụ bà, lúc đang quay bộ phim này có rất nhiều “Phụ nữ tự chải đầu” còn tại thế. Vậy vì sao trước đây họ lại không muốn kết hôn?

Các cụ bà đều trả lời tương tự nhau: Hôn nhân chẳng có gì tốt đẹp cả, sống một mình tốt hơn nhiều.

“Tôi là người thích tự do”.

“Tôi làm công nhân dệt, lúc dệt sợi thì con chỉ có thể đặt xuống đất mà thôi” hàm ý là: Kết hôn thì được cái gì chứ?

“Kết hôn rồi vừa phải chăm con vừa phải đi làm, thế thì chi bằng không kết hôn còn hơn”.

Ngoài ra, còn có một nỗi lo lắng được gọi tên là nhỡ gả nhầm người thì sao?

Tổng kết một chút, không kết hôn họ vẫn đi làm, kết hôn rồi vừa đi làm vừa chăm sóc người này, chăm sóc người kia. Gặp được người đàn ông tốt thì còn đỡ, nếu như không gặp được người tử tế bản thân không chỉ càng buồn bã mà còn có khả năng gánh trên lưng một cục nợ hoặc là bị đàn ông bắt nạt. Xem đi xét lại thì một mình đi làm nuôi sống bản thân mình là một lựa chọn an toàn hơn rất nhiều.

Nếu như nói rằng ban đầu những người phụ nữ này vì sợ hãi việc kết hôn lại còn không còn con đường khác có thể lựa chọn, bị động lựa chọn “Tự chải đầu” nhưng mà càng về sau này họ thật sự cảm thấy rằng sống một mình bản thân cũng rất hạnh phúc, cho nên cứ như vậy sống một mình cho tới bây giờ. Sau khi quen dần với việc sống như vậy, những người phụ nữ này càng ngày càng không muốn kết hôn nữa.

Trong phim tài liệu có một cụ bà, sau khi giải phóng cụ mới có 30 tuổi, lúc đó tập tục “Tự chải đầu” đã không còn nữa rồi. Ở thời đại mới cũng không còn quan trọng việc hối tiếc hay không nữa rồi, nên có rất nhiều người khuyên cụ dù sao lúc đó cụ vẫn còn trẻ, nên lấy chồng thì vẫn nên lấy đi. Kết quả, cụ trả lời rằng: Đừng lừa gạt (忽悠) tôi nữa!

Liệu những người phụ nữ lựa chọn cuộc sống không kết hôn, không sinh con này có bị mọi người coi thường và soi mói hay không? Không hề nhé. Bởi vì  “Tự chải đầu” được coi là một phong tục, tập quán phổ biến tại thời điểm đó, nên không kể nam nữ, mọi người đều rất thoải mái chấp nhận nó. Họ đều có THU NHẬP và TIỀN TIẾT KIỆM riêng của mình, điểm dựa kinh tế vô cùng vững chắc.

“Ai dám xem thường tôi, thì tôi liền phớt lờ kẻ đó”.

“Anh có cuộc sống của anh, tôi có cuộc sống của tôi, anh đâu có cho tôi ăn cơm hay cho tiền tiêu đâu, liên quan méo gì tới anh cơ chứ!”

“Anh coi thường tôi ấy hả, tôi cũng đang coi thường anh đây này!”

Ở tuổi già, các cụ bà đều cảm thấy vô cùng tự hào đối với sự lựa chọn của bản thân mình: Tôi tự kiếm tiền nuôi sống bản thân mình, không cản trở cuộc sống của ai, cũng không ăn bám ai cả, cả cuộc đời tuy rằng vất vả nhưng vô cùng tự do vui vẻ, con đường này tôi không hề chọn sai.

“Lấy chồng ấy liền bị người khác quản, cuộc sống của tôi, tôi nói mới tính.”

“Không có bao nhiêu đàn ông đáng để kết hôn cả, tự gả cho chính mình đi!”

Có lẽ đọc tới đây có nhiều người sẽ cảm thấy không vui vẻ gì nhỉ: Lại bàn chuyện phải không? Lại tuyên truyền chủ nghĩa không kết hôn hả?

Lúc mà tôi nghe nói về bộ phim tài liệu này liền đặc biệt tìm xem hết, đặc biệt đi tìm hiểu về đoạn lịch sử này, sau đó lại kể lại vô cùng chi tiết câu chuyện này cho mọi người nghe không phải là để cổ súy cho việc không kết hôn tốt như thế nào, mọi người đừng kết hôn nữa. Mà là tôi từ trong cộng đồng những người “Phụ nữ tự chải đầu” nhìn thấy một lựa chọn khác dành cho phụ nữ, hoặc là cũng có thể nói là một khả năng khác của phái nữ. Thế nên, quay trở lại vấn đề ban đầu: Phụ nữ nếu cả đời không kết hôn thì sẽ sống như thế nào?

Đáp án là: Hình như cũng không sao cả.

Ít nhất từ khinh nghiệm thực tiễn mà nhóm các cụ bà “Phụ nữ tự chải đầu” đã chứng minh rằng phụ nữ có thể “sống một mình cho tới già – 孤独终老” mà không sao cả.

Bạn nhìn những cụ bà này mà xem nửa đời của họ gặp phải chiến tranh, loạn lạc, cuộc sống nay đây mai đó, ăn không đủ no mặc không đủ ấm (颠沛流离-cụm từ này ai có cách dịch khác hay hơn thì góp ý giúp mình nhé). Trải qua những ngày tháng khó khăn, vất vả nhất của đời người, họ không phải cũng một mình vượt qua tất cả sống tới tám mươi tuổi, chín mươi tuổi hay sao.

Trong phim, những cụ bà này đang sống ở một Viện dưỡng lão địa phương được thành lập đặc biệt dành cho những người già neo đơn và góa bụa sinh sống. Ở đây có y tá, có bác sĩ. Bình thường những cụ bà này tụ tập chơi bài, chơi mạt chược với nhau; lúc thời tiết đẹp thì ra ngoài tản bộ phơi nắng, cũng không thiếu thốn thứ gì cả. Nếu những cụ bà này làm được thì tất nhiên những cô gái khác cũng có thể làm được.

Tôi rất phản cảm với một số người nói rằng không kết hôn già rồi sẽ thảm như thế nào, sẽ đáng thương như thế nào, cái gì mà không có ai chăm sóc cả, cái gì mà sẽ sống vô cùng cô độc, cái gì mà sống ở Viện dưỡng lão sẽ bị người ở đó đối đãi không tử tế. Những vấn đề này chẳng nhẽ kết hôn rồi thì có thể không xảy ra nữa ư?

Chẳng nhẽ kết hôn rồi đến lúc già thì không buồn bã nữa hả? Hai vợ chồng sống với nhau chắc chắn sẽ có một người “đi” trước, người còn lại thì cũng sống một mình “không ai chăm sóc”, chẳng nhẽ ông ấy/bà ấy không sống nữa à?

Có chắc chắn khẳng định rằng con cháu sẽ ở bên khi bạn về già không? Con cháu nhất định sẽ chăm sóc tốt cho người già hả? Nói khó nghe một chút nhỡ như người tóc bạc tiễn kẻ đầu xanh thì sao, phải làm sao đây? Chẳng nhẽ người già ở lại thì không sống nổi nữa rồi?

Nói đến vấn đề Viện dưỡng lão liệu có đối đãi không tử tế với những người già neo đơn hay không ấy, vấn đề này là một lỗ hỏng mà chúng ta cần phải nghĩ cách giải quyết nó, bắt buộc phải thay đổi tình trạng này, chứ không phải dùng nó làm một nguyên nhân để thúc ép con người ta đi tới hôn nhân. Bởi vì, không cần biết mọi người có kết hôn hay không thì vẫn sẽ có người già neo đơn, góa bụa mà thôi.

Luôn có một số người sẽ hùng hồn tuyên bố rằng: “Những người già neo đơn, góa bụa ở Viện dưỡng lão làm sao mà bị bắt nạt, bị vũ nhục (欺侮) được”. Đây chẳng nhẽ là lỗi của những cụ già neo đơn sao?? Sao anh không đi mà mắng chửi Viện dưỡng lão ấy? Chẳng nhẽ nét đẹp đạo đức của việc kính già yêu trẻ (尊老爱幼) lúc này không còn tồn tại nữa hả?

Lại nhắc tới “Sự cô độc” càng không còn gì để nói nữa, con người về bản chất vốn dĩ là cô độc, có bạn đời kề bên vẫn cô độc, tìm sai người đồng hành càng cô độc hơn. Chúng ta phải học cách chấp nhận sống chung với sự cô độc, chứ không phải vì bệnh nặng liền uống thuốc bừa bãi được (病急乱投医).

Luôn có người quy chụp rằng “Kết hôn rồi thì sẽ có người cho bạn chỗ dựa, có người luôn giúp đỡ bạn”. Những cuộc hôn nhân thượng cẳng tay hạ cẳng chân bạn thấy còn ít sao? Có bao nhiêu phụ nữ đã kết hôn, khi họ nói chuyện với chồng thì chồng họ đến nghe còn lười nghe, những người phụ nữ này còn dựa vào ai được cơ chứ?

Tất nhiên, phim tài liệu cũng chỉ là phim tài liệu, chỉ có thể kể một phần của câu chuyện, không thể đại biểu cho tất cả câu chuyện được.

“Phụ nữ tự chải đầu” cũng chỉ là một bộ phận nhỏ trong giới nữ, cũng chỉ có thể làm một ví dụ tham khảo cho việc “cả đời không kết hôn vẫn tốt” mà thôi, không thể bao hàm tất cả được. Nhưng bất luận là điều kiện hay là hoàn cảnh, bây giờ so vớ trước kia đều tốt hơn rất nhiều. Nhưng không giống với việc thời đại thay đổi phát triển hơn, phụ nữ bây giờ đã mất dần cơ hội/khả năng lựa chọn sống độc thân cho đến già rồi, phải không?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *