Nếu không thử cất bước, ta sẽ ngồi im một chỗ cả đời

Từ khi sinh ra, con người luôn phải đối mặt với những việc chưa từng làm qua trước đó. Sau khi kết hôn, tác phẩm đầu tiên tôi tạo ra đó là thử nấu một bát canh rong biển. Tôi gọi điện cho mẹ để hỏi.

“Mẹ, mẹ hướng dẫn cho con cách nấu món canh rong biển đi.”

“Cứ cho thịt, rong biển, nước và đun từ từ là được.”

“Con cũng làm thế rồi mà không được!”

“Thế đầu tiên ngâm rong biển trước.”

“Ngâm bao nhiêu ạ?”

“Thì cho đủ vừa ăn. Sau đó cho thịt vào xào với dầu vừng.”

“Dầu vừng cho bao nhiêu ạ?”

“Cho vừa đủ thôi! Cho nước vào, rồi cho rong biển vào đun lên

là được.”

“Cho bao nhiêu nước ạ?”

“Đổ vừa vừa là được. Nhìn bằng mắt thường cũng biết mà.”

Điều tôi bối rối nhất khi hỏi mẹ về cách nấu nướng đó là làm thế nào để định lượng cho mức “vừa đủ”. Tôi không thể biết chính xác là bao nhiêu và đoán rằng chỉ những người nấu ăn chuyên nghiệp mới hiểu được. Cứ như vậy, liên tục nấu lần một, lần hai, lần ba, bây giờ thì tôi đã nấu được món canh rong biển này thành tuyệt phẩm rồi. Tuy nhiên, điều quan trọng là tôi không chắc món canh rong biển tôi nấu ngon tới mức nào, chỉ biết rằng tôi đã nấu khá tốt.

“Dù thế nào cũng cứ làm thử. Luyện tập. Và rồi bạn sẽ làm được mọi thứ.”

Câu này nghe có vẻ vô dụng nhưng thực ra lại là bước đầu tiên để trở thành một người chuyên nghiệp. Áp dụng câu này ở trong đời sống thường ngày, tại nơi làm việc, hay trong hoạt động tình nguyện đều được, đây vẫn là một nguyên tắc chung và chỉ khác biệt về nơi ta sẽ áp dụng mà thôi.

Hãy nhớ lại ngày xưa bạn bắt đầu học đi xe đạp như thế nào. Ai cũng bắt đầu đạp pê-đan bằng nỗi sợ hãi chẳng may sẽ bị ngã, chứ không ai tự tin là mình sẽ đi băng băng ngay từ đầu. Và thật lạ là khi đạp pê-đan được rồi thì ta sẽ cảm thấy cực kỳ tự hào vì bản thân đã chiến thằng được nỗi sợ hãi và làm được như vậy. Tất nhiên, có thể ta cũng sẽ bị ngã, đổ xe, nhưng đến một lúc nào đó, đi được xe rồi thì trong ta lại bùng lên cảm giác hạnh phúc tự hào to lớn, chẳng thể nào diễn tả hết thành lời.

Thỉnh thoảng, em gái cũng gọi điện và hỏi tôi: “Chị ơi, em nên làm gì?”

Một người đã sống gần 50 năm trên đời mà còn không hiểu bản thân muốn làm gì thì người chị này sao có thể trả lời thay cho được. Một câu hỏi như vậy thôi cũng cho thấy ý chí thử thách của người hỏi chưa đạt đến độ chín muồi. Chỉ cần đến trung tâm văn hóa, trung tâm hỗ trợ phụ nữ dang dở sự nghiệp, hoặc ít nhất lên các website tra cứu là sẽ ra hàng ngàn công việc đáng để thử nghiệm, vậy mà em lại đặt câu hỏi, khiến tôi chỉ còn biết thở dài ngao ngán.

Cuối cùng, tôi chỉ có thể dành cho em một lời khuyên giản dị: “Đừng hỏi như thế, em hãy thử thực hiện hai vấn đề này thôi. Thứ nhất, dành một ngày tìm hiểu về chính bản thân mình. Thứ hai, dành một ngày để tìm kiếm thông tin trên mạng. Cứ tìm kiếm thông tin về bản thân mình và cuộc sống ngoài kia rồi dần dần em sẽ phát hiện ra mối liên hệ giữa chúng với nhau.”

Khi đã thực lòng muốn đi làm, bạn sẽ dần tìm ra giao điểm để có thể kết nối những việc mình có thể làm tốt và đang làm tốt với thế giới ngoài kia. Ít nhất, phải cất bước một lần thì mới có thể bước ra ngoài thế giới, nếu chỉ suy nghĩ lặp đi lặp lại hàng ngàn hàng vạn lần trong đầu thì rốt cuộc đó cũng chỉ là những suy nghĩ mông lung vẫn thường xuất hiện trong cuộc sống mà thôi.

Ước mơ không phải là thứ được thực hiện trong thế giới tưởng  tượng mà phải được chuyển hóa bằng hành động thực tế. Ước mơ là một thực thể có thật, vì vậy, tùy theo hành động của ta mà nó sẽ đến gần hay ngày càng lùi ra xa hơn.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *