Tôi bắt chuyến xe muộn từ Thái Bình lên Hà Nội, xe lăn bánh từ 19h40, đường ngày hôm nay muộn nhưng khá đông và tắc nhẹ. Đặt chân lên Hà Nội là vừa tròn 22h, bước chân xuống xe, một chú chạy xe ôm công nghệ chạy ra hỏi:
– “Cháu về đâu, chú chở cho”
Nhìn chú cũng có tuổi, nho nhỏ người, nét mặt hiền lành đầy sương gió.
“Cháu về 447 Lạc Long Quân. Cháu tra ứng dụng từ đây về đó 33.000, cháu gửi chú 35.000 nhé”
Chú nhìn tôi lưỡng lự một lúc, tần ngần không nói gì, tôi thương lượng thêm:
“Cũng muộn rồi, vậy cháu gửi chú 40.000 nha”
Chú vẫn lưỡng lự và không nói gì.
“Nếu chú không nhận cuốc này thì thôi, cháu book hệ thống cho rẻ, hoặc không thì cháu đi xe anh kia vậy”
– “Từ đây về 447 Lạc Long Quân mà 40.000 thì rẻ quá, thôi trả chú 45.000 chú chở cho”
“Thôi, trên hệ thống 33.000 mà cháu trả 40.000 là được rồi, chú chạy thì chạy, không thì cháu đi anh kia”
-“Thôi, lên xe đi chú chở”
Thời tiết hôm nay khá tuyệt, gió mát, se se, tôi bâng quơ bắt chuyện.
“Chú chạy Grab được lâu chưa”
-“Chú chạy xe ôm lâu rồi, nhưng không chạy cho Grab”
“Cháu thấy chú có áo đồng phục Grab với mũ Grab nên cứ nghĩ là chú chạy cho công ty”
-“Không cháu ạ, mũ với áo này mua ngoài chợ đầy mà cháu, còn rẻ hơn so với mua mũ và áo của công ty ấy”
“Sao chú không chạy cho công ty để được thưởng rồi có chế độ nọ kia”
-“Chẳng hơn chạy xe ôm đâu cháu ạ, cắt phế nhiều lắm, mà nhận thưởng của Grab đâu có dễ, cháu phải chạy trên 10km mới được 1 điểm thưởng, mà một điểm chỉ đổi ra được 1.000 thôi cháu ạ, mà Grab thì tính phí nhiều, mỗi chuyến họ ăn mất của mình 30%, ví dụ chú chở cháu chuyến này 33.000 thì chú cũng chỉ được 23.000 thôi. Chưa kể, có những chuyến book khách xa lắc xa lơ, chạy đến đón khách cũng chẳng bõ, mà huỷ chuyến thì chỉ cần huỷ 5 chuyến là họ khoá ứng dụng của mình, khỏi chạy luôn, nên chú mặc áo Grab nhưng chạy xe ôm thì còn lãi nhiều hơn”
Thì ra, có rất nhiều người mặc áo Grab nhưng không chạy cho Grab, họ chỉ mặc để người khác dễ nhận ra họ chạy xe ôm, và họ nhận được đồng công cao hơn. Cũng nhờ có Grap mà họ trở nên dễ nhận diện hơn nơi đông người, nhưng cũng vì Grab mà họ bị định giá mỗi chuyến đi bởi khách hàng tự tra giá tiền trên app, họ không có cơ hội tự định giá và lấy giá theo “tâm trạng” làm việc của chính họ, theo cái cách mà nhiều bác XE ÔM vẫn làm.
“Quê chú ở đâu?”
-“Quê chú ở Hưng Yên, nhưng lên Hà Nội làm việc từ năm 19 tuổi, năm 1989 thì gia đình bắt về quê lấy vợ, làm mối cho chú cô em gái của anh rể, nhưng chú không đồng ý, về sau chú cũng đồng ý yêu cô đấy nửa năm nhưng cuối cùng chú cũng không cưới, rồi lại bỏ lên Hà Nội. Đến năm 1992 thì chú lấy vợ trên Hà Nội, 1993 thì mua đất, 1998 thì xây nhà”
“Chú lấy vợ thua mấy tuổi?”
-“Cô ấy bằng tuổi chú”
“Người ta nói, lấy vợ bằng tuổi, nằm duỗi mà ăn đó chú, chú được mấy người con?”
-“Chú có 1 cô con gái, nó cũng lấy chồng rồi, cũng bằng tuổi, cũng nằm duỗi mà ăn” chú cười.
Chú hơn bố tôi 1 tuổi, và thật tình cờ là con gái chú cũng bằng tuổi tôi.
“Con gái chú học gì và làm gì?”
-“Nó học sư phạm, bây giờ làm giáo viên lớp 3”
“Con gái chú học xong xin việc có dễ không chú?”
-“Hồi nó mới tốt nghiệp, xin cho nó vào trường ở quận Cầu Giấy, người ta đòi 380 triệu, mà lương tháng có 2 triệu, trợ cấp 20.000 tiền ăn trưa mỗi ngày”
“Mức lương có 2 triệu thôi hả chú, thế làm sao mà sống được. Cháu tưởng thấp nhất cũng phải 5 triệu chứ?”
-“Ừ, may mà sau xin vào được trường khác, không mất tiền mà lại được lương hơn 5 triệu một tháng, trợ cấp ăn trưa mà còn được 300 nghìn tiền xăng xe nữa”……
Tôi và chú cứ say sưa hỏi chuyện, rồi cửa nhà nơi tôi ở đã hiện ra trước mặt 2 chú cháu. Tôi đưa chú 50.000
“Cháu gửi chú, chú không cần trả lại tiền thừa cháu đâu”.
-“Chú cảm ơn nhé!”
Chú ấy cười, một nụ cười hạnh phúc.
“Chú thường chạy đến mấy giờ?”
-“Chú chạy đến 11h tối, nhưng hôm nay chú không chạy nữa, giờ chú vào viện với con gái, con chú mới đẻ hôm qua”
“Chúc mừng chú nha, chú về cẩn thận nhé”.
Cuối ngày, có người đang chăn ấm đệm êm, có người đang vui vầy đâu đó, nhưng cũng có những người đội sương gió kiếm cơm. Có những người kiếm những đồng tiền bạc tỷ, nhưng lại có những người hạnh phúc chỉ với mấy chục ngàn. Có những người cũng bằng ấy tuổi, đã yên bề gia thất, chồng con đủ cả, nhưng lại có những người vẫn mải miết đi tìm thành công của sự nghiệp.
Âu cũng là xã hội, mỗi người mỗi việc, mỗi người mỗi tầng lớp, và lao động vẫn là cốt lõi của mưu sinh.