Nét đẹp văn hóa trong cơi trầu người Việt

“Miếng trầu là nghĩa tương giao
Muốn cho đây đấy duyên vào hợp duyên”
Ăn trầu là một phong tục cổ truyền của người Việt Nam có từ thời Hùng Vương. Miếng trầu gắn liền với một câu chuyện cổ tích Trầu Cau đầy tình anh em, vợ chồng. Miếng trầu xuất hiện nhiều trong đời sống sinh hoạt của người dân Việt.
Nghệ thuật têm trầu đã đi sâu vào văn hóa và đời sống người Việt. Để têm được miếng trầu đẹp, với: cau, lá trầu, thuốc xỉa và vôi, đòi hỏi người têm trầu phải khéo tay, gấp nếp miếng trầu vuông vắn. Têm trầu cánh phượng – Nghệ thuật của người Hà Nội “Quả cau nho nhỏ, lá trầu xanh.”
Người Hà Nội nói riêng và người Việt Nam nói chung xưa kia coi việc têm trầu là một nghệ thuật. Nói đến trầu têm cánh phượng là nói đến miếng trầu vùng Kinh Bắc. Cũng vẫn nguyên liệu ấy, nhưng cách têm đẹp, kiểu cách, đã thể hiện sự khéo léo của những liền chị, người gái quê Kinh Bắc. Vì thế, miếng trầu có sức hấp dẫn đặc biệt và để lại ấn tượng sâu sắc cho bất cứ ai, dù chỉ một lần được mời. Nhìn miếng trầu têm có thể phán đoán được tính cách, nết người têm trầu.
Miếng trầu “là đầu câu chuyện”, là cầu nối, se tơ duyên cho các đôi nam thanh nữ tú. Thế nên, những miếng trầu têm khéo như một lời giãi bày đầy ngụ ý, sự yêu thương chân thành của cô gái dành cho chàng trai. Miếng trầu e ấp trong cơi mở ra một mối tình:
“Trầu em trầu gói trong khăn,
Trầu gói trong áo, anh ăn sao đành”
“Đôi ta như trầu với cau
Vừa vôi, môi đỏ tìm đâu cho bằng”
“Miếng trầu ăn kết làm đôi
Lá trầu là vợ, cau tươi là chồng
Trầu xanh, cau trắng, chay hồng
Vôi pha với nghĩa, thuốc nồng với duyên”.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *