Nên làm gì khi con cái cảm thấy mất mặt với nghề nghiệp của bố mẹ?

Bởi vì sức khỏe không tốt nên vợ chồng tôi chỉ có thể bán bánh trứng kiếm sống qua ngày. Hôm nào con trai cũng tức tối nói nó xem thường chính mình, xem thường cái nhà này. Năm nay con trai học lớp 9, tuy trong trường không ai nói gì nhưng nó vẫn cảm thấy vì chúng tôi mà bản thân bị thầy cô giáo xem thường, bạn bè khinh khi, không ai thèm chơi, không ai để ý đến. Chúng tôi hỏi nó không làm cái này thì làm cái gì, nó nói bản thân cũng không biết, chung là không làm cái nghề này là được. Tôi nên làm sao bây giờ?

Luna Luna [23k+ Likes]

Tôi đọc thấy có rất nhiều câu trả lời bảo phải dạy dỗ lại con cái cho thật tốt, bán bánh trứng không phải chuyện mất mặt, bố mẹ cực khổ kiếm tiền thì con cái phải biết ơn,….Những lời này không sai, nhưng lại không phù hợp với câu hỏi.

Đứa trẻ trong câu hỏi không phải là người thiếu khuyết đạo đức hay giáo dục, thằng bé chỉ đang thiếu khuyết lòng dũng cảm để đối diện với hiện thực cuộc sống.

Chuyện này rất dễ hiểu. Những đứa trẻ trong tuổi dậy thì vốn chẳng quan tâm đến tiền bạc hay địa vị, chúng chỉ đế ý đến các mối quan hệ giữa người với người mà thôi. Đây cũng là lần đầu tiên chúng bước ra khỏi thế giới nhỏ bé của mình để tiếp xúc với môi trường rộng lớn bên ngoài. Chúng dần hiểu được bản thân không phải là trung tâm của thế giới nên muốn thử và cố gắng hòa nhập với mọi người.

Giống như trong phần tự thuật của câu hỏi này vậy, điều đứa trẻ để ý là mặt mũi. Ánh mắt của thầy cô và bạn học đôi khi sẽ trở thành cầu nối hoặc chướng ngại trong quá trình hòa nhập của trẻ nhỏ với xã hội bên ngoài.

Tuy người lớn ai cũng nói nghề nghiệp thì không chia cao, thấp hay sang, hèn, nhưng trên thực tế thì…ngại quá…hoàn toàn tương phản đấy (Trong phần bình luận có một câu rất hay: Nghề nghiệp không phân chia sang hèn, chỉ là có mặt mũi hay không. Mà cái có thể chia được sang hèn, cũng chỉ có nhân phẩm.) Điều này càng được hiển thị rõ hơn và tàn khốc hơn trong thế giới của những đứa trẻ mới chập chững bước vào đời. Bởi vì chúng vẫn là những tay lính non, vẫn còn thiếu dũng cảm để đối mặt, nên nghề nghiệp của bố mẹ mới trở thành chướng ngại vật ngăn cản chúng hòa nhập với mọi người.

Cho nên, đáp án phù hợp nhất với câu hỏi này không phải giúp đứa trẻ che đậy hiện thực tàn khốc bên ngoài, mà là giúp chúng có đủ dũng cảm để tự mình bỏ đi tấm màn che mắt, dùng ánh mắt trong suốt và kiên định để nhìn nhận thế giới.

Đầu tiên, các bậc cha mẹ cần phải thừa nhận rằng, con của mình đang thật sự gặp khó khăn. Điều kiện gia đình không tốt là thật, ở trong trường con cái bị thầy cô bạn bè xem thường cũng có thể là thật. Mà ở những ngôi trường càng tốt, càng có tiếng thì tỷ lệ xảy ra chuyện này càng cao hơn. Hãy nói với chúng:

“Nếu quãng thời gian cấp 2 của các con trôi qua không mấy vui vẻ vì nghề nghiệp của bố mẹ, thậm chí, con chẳng có nổi một người bạn thân thì cho bố mẹ xin lỗi.”

“Mặt khác, bố mẹ rất tự hào vì sự cố gắng của bản thân có thể khiến con được ngồi học chung với những bạn khác có hoàn cảnh gia đình tốt hơn. Vì vậy, con đừng lãng phí hoàn cảnh học tập tốt như vậy, hãy làm tròn chức trách của một người học sinh, thậm chí, con còn phải khắc khe với với chính mình hơn bạn bè đồng trang lứa. Nếu không, sự cố gắng của bố mẹ và điều con đang chịu đựng đều trở nên vô nghĩa.”

“Bố mẹ không thể từ bỏ nghề nghiệp hiện tại để tìm một công việc mới tốt hơn trong tương lai gần. Vì vậy, con phải tự điều chỉnh tâm trạng của mình để thích ứng với hoàn cảnh và sống tốt nhất có thể. Nhưng bố mẹ cũng có thể đổi địa điểm buôn bán xa trường, xa nhà các bạn học của con, như vậy con sẽ thoải mái hơn khi tiếp xúc với mọi người.”

Cuối cùng, tôi cảm thấy vấn đề này bùng nổ sớm như vậy là một chuyện tốt. Rất nhiều đứa trẻ ở tuổi dậy thì cần phải đối mặt với suy nghĩ phủ định bản thân, phủ định gia đình của chính mình. Gần như ai trải qua thời kỳ này cũng cảm thấy dằn vặt, đau khổ, và gần như ai cũng đổ lỗi lên đầu cha mẹ. Nếu không giải quyết sớm thì mâu thuẫn giữa con cái và cha mẹ sẽ ngày càng nghiêm trọng và có thể kéo dài đến khi trưởng thành.

Trong trường hợp bi quan hơn, con cái sẽ nghĩ: “Tôi muốn trách bố mẹ, nhưng tôi không biết họ làm sai điều gì, vì vậy tôi chỉ có thể tự trách chính mình vô dụng.” Tự mình chán ghét chính mình sẽ dẫn đến những vấn đề tâm lý nghiêm trọng hơn. Nếu lúc này đứa trẻ có thể tìm ra điểm mâu thuẫn trong gia đình là nghề nghiệp của bố mẹ thì chỉ cần vượt qua được ải này và không biến thành người tự ghét chính mình thì sau này sẽ không có gì có thể ngăn cản được bước chân của chúng.

“Bố mẹ tao bán bánh trứng thì làm sao? Có ngon thì mày đừng có ăn!”

Khi mâu thuẫn giữa con cái và cha mẹ được hóa giải, bản thân chúng sẽ dễ dàng tự hòa giải với chính mình hơn người khác, đây cũng là điều quan trọng để duy trì và rèn luyện một trạng thái tâm lý vững vàng, mạnh mẽ.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *