nen-dam-bao-muc-tang-luong-huu-toi-thieu-la-11-13%-khi-cai-cach-tien-luong

Nên đảm bảo mức tăng lương hưu tối thiểu là 11-13% khi cải cách tiền lương

Cải cách tiền lương, lương hưu thấp khiến nhiều người về hưu khốn đốn

Hơn 30 năm công tác trong ngành thực phẩm, ông Nguyễn Như Được (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) về hưu và nhận mức lương hưu hơn 5 triệu đồng, cộng cả tiền thương bệnh binh hơn 2 triệu đồng tổn tiền lương hiện nhận của ông là hơn 7 triệu đồng.

Tuy không phải là người có mức lương hưu thấp nhất thời điểm này, nhưng với 7 triệu đồng tiền lương hưu, vẫn không đủ để ông sống dư giả lúc về già.

Ông Được kể: “Vợ tôi không có lương, trước bà làm nông nghiệp. Giờ về già 2 ông bà trông chờ vào hơn 7 triệu đồng. Tuy không phải lo tiền ăn (các con lo – PV), nhưng tiền đình đám nhất là tiền thăm khám ốm đau thì không thể đủ”.

tăng lương hưu

Các chuyên gia cho rằng nên duy trì mức tăng lương hưu ít nhất từ 11-15%. Ảnh: Trung Hiếu

Ông Được chia sẻ, vợ ông mắc bệnh dạ dày phải khám định kỳ, ông thì bị thoát vị đĩa đệm, gút. Mỗi tháng tiền thuốc men của 2 ông bà cũng mất hơn 3 triệu đồng. Chắt bóp, tiết kiệm lắm mới đủ ăn tiêu.

Ông Được chia sẻ, nếu lương hưu tăng thêm được 15% thì mỗi tháng ông cũng có thêm khoảng gần 1 triệu đồng, khoản tiền này khá lớn với ông bà lúc về già.

Không như ông Được, nhiều người về hưu còn có mức lương hưu thấp hơn rất nhiều, nhất là với những người về hưu trước năm 1995. Nếu không tăng lương hưu thì rất nhiều người sẽ không thể sống nổi.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Nhâm (Nam Từ Liêm, Hà Nội) 63 tuổi, là giáo viên mầm non về hưu. Gần 20 năm cống hiến với nghề, nhưng lúc về hưu bà Nhâm chỉ nhận mức lương hưu vài trăm nghìn. Mãi mấy năm gần đây khi Chính phủ liên tục điều chỉnh lương hưu thì mức tiền lương của bà mới tăng lên được một chút. 

“Dù tăng lên một chút nhưng mức tăng này không đáng kể, hiện giờ tôi nhận mức lương hơn 1,8 triệu đồng. Tôi  đang hy vọng Trung ương sớm thực hiện cải cách tiền lương và tăng lương hưu cho người về hưu”, bà Nhâm nói. 

Lương hưu nên tăng trên 10%

Sáng nay (22/3) chia sẻ với PV Dân Việt, ông Phạm Minh Huân – nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết, người đang hưởng lương hưu thấp sẽ muốn mức tăng nhiều hơn. Nhưng vấn đề mức tăng đó có khả thi với nguồn ngân sách hiện có hay không. Việc điều chỉnh lương hưu cần hợp lý giữa 3 nhóm đối tượng được điều chỉnh, khi mà thực trạng đời sống của phần lớn người về hưu đang rất thấp.

Theo ông Huân, nếu điều chỉnh lương hưu ở mức thấp (tối thiểu 8%), mức cải thiện đảm bảo trượt giá và mức sống của người nghỉ hưu không được nhiều. Nó sẽ ảnh làm cho khoảng cách giữa các nhóm đối tượng về hưu trước và sau năm 1995 ngày càng chênh lệch.

cải cách tiền lương

Nhiều giáo viên mầm non có mức lương hưu chưa tới 2 triệu đồng/tháng. Ảnh: Nguyễn Lan

Ông Huân cho rằng, phương án mức đề xuất tăng lương hưu 15% là hợp lý. Nhưng nếu Bộ Tài chính cho rằng mức tăng này sẽ dẫn đến việc vượt khả năng cân đối của ngân sách thì có thể giảm ở mức phù hợp từ 11 – 13%, còn không thể ở mức 8% như đề xuất của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

“Thực tế cải cách tiền lương tác động mạnh nhất tới nhóm công chức, viên chức, tuy nhiên các nhóm khác cũng cần được điều chỉnh. Nếu tiền lương của các nhóm khác như: người về hưu; công nhân viên chức; nhóm đối tượng bảo trợ… không được tăng lên thì tác dụng của cải cách tiền lương cũng không được đầy đủ”, ông Huân nói.

Trước đề xuất của Bộ Tài Chính với Bộ LĐTBXH nên báo cáo xin nguồn dư từ chương trình cải cách tiền lương tại các địa phương, ông Huân cho rằng các Bộ, ngành cần cân nhắc để tìm phương án hợp lý nhất. Nên có sự thống nhất giữa Bộ Tài chính và Bộ LĐTBXH về mức tăng. Khi cải cách tiền lương, phải xem việc cải cách lương hưu cho người về hưu là mục tiêu quan trọng bắt buộc phải thực hiện.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *