Nhiều bạn hỏi rằng – tại sao nhiều người (Đặc biệt là ở Mỹ và các rappers) lại thích mặc đồng phục của giải bóng rổ nhà nghề Mỹ như thế ? Và tại sao NBA jersey lại có thể đóng một vai trò (nào đó) trong quá trình phát triển của streetwear/ thời trang đường phố.
Thực ra thì, những cổ động viên NBA nói riêng và thị trường đại chúng nói chung không mặc đồng phục của các đội bóng nhà nghề từ thời rất lâu. Lúc đó – chỉ có những vận động viên bóng rổ mới mặc uniform của đội nhà. Giai đoạn 1950 – 1960, khi tham gia các trận đấu NBA, chúng ta sẽ chỉ được xem người dân mặc đồ bình thường, ở nhà hay đồ làm việc, office work các thứ.
Nhưng – có 1 con người làm bùng lên 1 cơn sốt và đánh dấu cho việc phát triển NBA Jersey. Không ai khác ngoài huyền thoại số 23 của Chicago Bulls – Michael Jordan. Đúng vậy, Michael Jordan với câu chuyện về đôi giày 1s Banned màu đỏ đen đã đi vào huyền thoại của bao nhiêu đầu giày, cũng là khởi nguồn của việc ảnh hưởng màu sắc đồng phục lên thị trường đại chúng Mỹ những năm 90s.
Người đàn ông bay chơi càng hay, càng khởi sắc thì ảnh hưởng của những đôi giày ông đi, những bộ đồng phục của Bulls ông mặc càng khiến người hâm mộ thèm thuồng. Bóng rổ không chỉ là 1 trò chơi thể thao đối với người Mỹ mà nó là 1 phần của nền văn hóa, cùng với sức sôi động vượt trội có thể khiến hàng trăm, hàng ngàn người cùng theo dõi 1 trận playoff khu vực. Sự khởi đầu của Michael Jordan là bước đệm cho những con người đi tiếp theo với những bộ Jersey cùng những con số đi vào tâm trí của biết bao người – Kobe Bryant, Lebron James, T-Mac Tracy Mcgrady…
Rào cản về kĩ thuật và công nghệ trong truyền thông đại chúng (Mass media) đã được bỏ đi khi truyền hình vô tuyến (TV) trở nên đại trà và Internet giai đoạn từ năm 1980s đến khoảng 2013. Giờ ai cũng có thể theo dõi 1 trận NBA dễ dàng, trực tiếp ngay từ sân đấu. Điều đó có nghĩa là – sự ảnh hưởng của màu sắc đội bóng đến người xem ngày càng nhiều hơn, và thôi thúc họ mua những sản phẩm Jersey để present thành phố đang ở cũng như ủng hộ thần tượng. Những đội bóng đã nhanh chóng ngửi được mùi tiềm năng này và sản xuất ở quy mô bán merch tại các trận đấu lớn cho đến sản xuất hàng loạt và bán online.
Fans bắt đầu mặc những bộ Jersey đến các trận đầu. Các ngôi sao NBA mặc chúng như 1 minh chứng cho quyền lực của họ tại đấu trường và tự hào của họ – người yêu thích bắt chước theo. Những đứa trẻ, những thanh niên tụ tập với nhau bắt đầu mặc NBA jersey trong các buổi party và cho nó rằng đó là thời trang.
Nhưng – phải có xúc tác mới bùng lên mạnh mẽ đúng không?
Và việc Jersey (Đồng phục hay áo đấu thể thao) trở thành một items yêu thích của những người trẻ phải đến từ các Rappers giai đoạn 1990s. Ai cũng biết những năm thập niên đó, rap là một thứ âm nhạc thời thượng trong văn hóa Mỹ và hoạt động mạnh mẽ ở thế giới ngầm Underground. Huyền thoại Tupac – với bức ảnh đã thành icon của mình, với động thái nhổ vào mặt các phóng viên, Tupac đang mặc chiếc jersey của đội tuyển khúc côn cầu nổi tiếng là Detroit Red Wings (Và Tupac phải đeo turban/ bandana) chứ nhỉ. Lại chưa hết, Snoop Dogg – thời điểm đó là Da best MC – đã mặc chiếc Jersey của đội Pittsburgh Penguins (cũng của khúc côn cầu) cho MV “Gin and Juice”.
Dựa trên cảm hứng của các rappers trên – NBA Jersey cũng trở thành 1 trong những sảm phẩm yêu thích thuộc giai đoạn thập niên 90s. Chiếc áo của các đội tuyển bóng rổ được xem như 1 chiếc tank-top oversize mát mẻ cho các thanh niên thời điểm đó, mà lại được xem là hàng hiệu (Vì nó có logo, số hiệu và tên thành phố của khu vực bạn sống). Xu hướng bắt đầu, các trận đấu NBA diễn ra với background xung quanh dần dày đặc những CĐV cuồng nhiệt mặc đồng phục thi đấu của các đội tuyển. Không những vậy, những người trẻ bắt đầu mặc chúng mọi nơi – mọi lúc. Không chỉ trong lúc chơi bóng rổ mà còn là đi học, đi làm hay đi chơi với bạn bè.
Nhưng có lẽ – phải có một người đứng ra phân phối toàn bộ chứ nhỉ. Người đã góp công tuyên truyền văn hóa và thu lợi hàng triệu dollars từ NBA, NFL và NHL jersey và các thứ liên quan – không ai khác chính là Mitchell & Ness. Cái tên này có vẻ sẽ lạ lẫm với các bạn hiện tại, nhưng tin mình đi. Đã là dân chơi hiphop/sneaker/streetwear của Việt Nam giai đoạn đầu 2007 -2008, không ai là không biết tới Mitchell & Ness cả. Bắt đầu năm 1980 với 1 cửa hàng nhỏ ở Philadelphia – dòng sản phẩm MLB retro là bước đi đầu tiên của M&N, nhưng họ đã tặng các rappers, những người hoạt động ngầm các ấn phẩm thuộc thành phố họ đang ở. Nhanh chóng, M&N trở thành thương hiệu yêu thích của những người trẻ và trở thành xu hướng. Thoải mái, rộng rãi và dễ mặc. Năm 1990s, Mitchell & Ness có trong tay quyền sử dụng tên các đội tuyển vào mục đích thương mại ở 3 giải đấu lớn như mình kể trên (NBA, NFL và NHL) – doanh thu nhảy bậc từ $2.8m năm 2000 đến $23m năm 2002.
NBA Jersey (Hay các bộ môn thể thao khác thuộc quyền quản lí và sản xuất của Mitchell and Ness) một bước nữa đánh dấu ảnh hưởng của nó trong nền văn hóa đường phố cũng như thời trang. Ngày càng nhiều Rappers, MC, người nổi tiếng mặc NBA Jersey và nó dần trở thành một item, một món ăn không thể thiếu trong văn hóa Mỹ nói riêng và thế giới nói chung. Mà cái gì gắn liền với văn hóa – thì sẽ tồn tại mãi thôi. Dù bây giờ, NBA jersey không còn chuộng nhiều nữa – nhưng trong tủ đồ của thế hệ đi trước vẫn chắc chắn còn 1-2 chiếc áo đấu của đội tuyển mà mình yêu thích.
Ở Việt Nam – cơn sốt NBA Jersey chắc bắt nguồn từ sneaker community (Tiền thân của Streetwear community bây giờ). Những anh em chơi giày thế hệ đầu – ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng bởi 3 tiêu chí sau: Bóng rổ, Rap và Breakdancing. Ồ, it makes sense khi cả 3 keywords trên đều có “dính dáng” tới chiếc áo đồng phục NBA. Như mình đã kể trên về con đường phát triển của của nó, thì ở một giai đoạn nào hồi trước – đối với các dân chơi giày, việc sở hữu 1 chiếc áo Jersey của đội bóng yêu thích (May mắn lắm thì có số tuyển thủ yêu thích) cùng với đôi giày mà player đó đi – Không khác gì một sự tự hào cả.
Văn hóa đi qua, ở lại bây giờ chắc chỉ có những chiếc áo MLB cùng đôi giày chunky đại trà và vô danh..
Trí Minh Lê