Nature Tonic – Cuốn sách chữa lành hướng bạn tới lối sống hòa hợp với tự nhiên

Đọc cuốn Nature Tonic của Jocelyn de Kwant giống như vừa được thưởng thức một ly tonic mát lành được làm từ giấy, bút, thật nhiều hoa cùng những giờ phút lắng đọng và thư giãn.

Tonic là một thứ đồ uống được làm từ một hợp chất có soda, bắt đầu được con người sử dụng do tác dụng của nó trong việc phòng chống bệnh sốt rét. Không lâu sau đó, cảm nhận được sự sảng khoái và mát lành của thứ thức uống tốt cho sức khỏe này, tonic đã bắt đầu được sử dụng rộng rãi như một thứ nước uống giải khát. Khi cầm trên tay cuốn sách “Nature Tonic” (Tạm dịch: Ly Tonic của Thiên nhiên), lật giở qua những trang giấy được minh họa xinh xắn với thật nhiều màu sắc pastel, bạn đọc chắc hẳn cũng sẽ có cảm nhận giống như việc được uống một ly tonic để giải khát – mát lành, sảng khoái, hơn nữa lại còn có ích cho sức khỏe!

Nữ tác giả Jocelyn De Kwant đã tìm thấy cảm hứng viết cuốn sách của mình từ một việc rất đơn giản. Khi cảm thấy choáng ngợp bởi áp lực từ cuộc sống nơi công sở của mình, cô đã tìm thấy sự chữa lành chỉ bằng việc ngắm nhìn những đóa hoa tươi, những lốm đốm quả trong khu vườn kiểu Tây Ban Nha mọc dại. Sự thật giản đơn là nào hoa, nào quả, nào cành cây đều đang sinh trưởng một cách hạnh phúc bên trong bụi rậm, bằng một cách thần kỳ nào đó, khiến cho cô cảm thấy được chữa lành. 

I have found the holy grail of well-being. It’s really simple. If we want to stay sane in this world, if we want to refrain from being overwhelmed, we’ve got to return to nature.” – Tôi đã tìm thấy chén thánh của niềm hạnh phúc. Nó thực sự rất đơn giản. Nếu chúng ta muốn sống một cách lành mạnh và tỉnh táo trong thế giới này – nếu như chúng ta muốn không bị choáng ngợp – chúng ta phải trở về với tự nhiên.

Từ xa xưa, tổ tiên loài người chúng ta vốn dĩ sinh sống hòa mình với thiên nhiên. Họ đã di chuyển từ hết trảng rừng này sang trảng rừng khác, từ đồng cỏ này đến đồng cỏ khác, vô cùng quen thuộc với những mảng màu dịu êm, tiếng ríu rít xa xăm của muôn loài, và nhịp thở đều đều của ngày và đêm đang tĩnh lặng xoay vần. Khi phải đối mặt với sự bùng nổ của thế giới hiện đại, phải tiếp xúc với những thứ đang liên tục cố gắng thay đổi cách sống tự nhiên trong hàng chục nghìn năm của chúng ta – nếu không tìm được cách dung hòa, con người sẽ nảy sinh nhiều bệnh lý cả về mặt thể xác lẫn tâm hồn. 

Những bảng hiệu quảng cáo rực rỡ mọc san sát kia khác hoàn toàn so với những mảng màu dịu êm và hài hòa của lá cây; tiếng rền rĩ của máy móc đâu có giống tiếng líu lo nơi cuống họng của một chú chim đang chuyền cành nơi xa lắm; tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ nhân tạo kia đang điều khiển ta hành xử như thể mọi giây phút, mọi khoảnh khắc, mọi ngày đều như một, và rằng chúng ta phải chạy đua không ngừng nghỉ để đạt tới một ước vọng xa xôi nào đó.

Linh hồn chúng ta cứ trôi dạt từng ngày giữa một bể nhiễu loạn cùng ồn ào như thế, ắt hẳn sẽ có ngày cần phải được nghỉ ngơi.

Một trong những cách thức hay được mọi người áp dụng như một liều thuốc “cấp cứu” cho tâm hồn mỗi khi mệt mỏi, chính là tìm cách “đi trốn”. Không phải là ngẫu nhiên khi những chuyến đi bộ đường rừng, leo núi hay cắm trại giữa thảo nguyên hoang vắng lại được ưa chuộng bởi thế hệ trẻ đầy lo âu của thời hiện đại đến như vậy. Nhưng thay vì phải dành dụm tiền bạc, thời gian và công sức để hưởng thụ những buổi “đi trốn” nhiều khi rất chi là tốn kém ấy, tại sao chúng ta không chủ động dành ra chỉ năm mười phút mỗi ngày, quan sát thật kỹ một đóa hoa ngọn cỏ bên đường, “đi trốn” thật nhanh bằng việc đắm mình trong những dấu ấn của thiên nhiên đang ở xung quanh ta? Như Jocelyn de Kwant đã gợi ý trong cuốn sách nhỏ xinh của mình, những ly Tonic mát lành của tự nhiên không khó tìm đến thế đâu!

 

Nature Tonic – Tặng bạn ly Tonic mát lạnh làm dịu mát tâm hồn

Cuốn sách nhỏ này được chia thành mười hai chương, với tổng cộng 365 gợi ý và bài tập nhỏ để chúng ta có thể “đi trốn” với thiên nhiên. Những “bài tập” này không nhất thiết phải được thực hành theo thứ tự, cũng không nhất thiết phải được làm hết từng cái từng cái một như cuốn vở của một học sinh chăm chỉ trên lớp. Mỗi bạn đọc có thể lựa chọn chỉ một số những bài tập phù hợp với bản thân, hoặc làm đi làm lại chỉ một bài tập ưa thích mỗi ngày. Những “bài tập” được tác giả đề cập đến trong cuốn sách này vô cùng phong phú, là một sự kết hợp lạ kỳ giữa một chút tỉnh thức (mindfulness), một chút suy tư, một chút sáng tạo, và một chút sự tò mò giống như một đứa trẻ bập bõm chơi đùa giữa những luống hoa. 

Những “bài tập” này có thể là những điều vô cùng giản đơn, như hãy chọn ra ba chiếc lá khác màu mọc trên cùng một cái cây, để ý xem loài hoa trên bậu cửa của bạn nở hoa lúc mấy giờ, hoặc dành thời gian dạo bộ cùng một người trân quý với bạn ngay hoàng hôn chiều nay, trong khi cả hai bạn đều im lặng không nói gì. Những “bài tập” này cũng có thể là điều gì đó hơi cầu kỳ hơn một chút, như tìm một loại đá phù hợp với nguồn năng lượng của bản thân, xây dựng một chiếc lều nhỏ chỉ với cành và lá, hoặc viết nên một câu chuyện ngắn với nhân vật chính là một loài hoa nở về đêm. Bạn đọc không nhất thiết phải thực hiện tất cả các “bài tập” một cách chuẩn chỉ và nghiêm túc, chỉ cần thường xuyên làm một hoặc hai bài tập phù hợp với mình trong đó, cũng đã là một cách thức “đi trốn” vào thiên nhiên một cách vô cùng hiệu quả rồi. 

Những bài tập được trình bày đẹp đẽ và sinh động suốt chiều dài cuốn sách đều đang cố gắng nhắn nhủ chúng ta về sự quan trọng, thiết thân của thiên nhiên đang hiện diện quanh ta – thứ mà khi chúng ta điên cuồng chạy đuổi theo tham vọng giữa chốn thương trường, ta thường hay bỏ lỡ. Vốn dĩ chúng ta không được sinh ra và lớn lên với chiếc điện thoại gắn chặt vào tay, không trải qua mỗi ngày với chiếc sổ ghi chép dày ken đầy lịch trình ở trong túi, và chiếc đồng hồ treo tường kia thực chất cũng chỉ là một công cụ được tạo ra bởi con người mà thôi. Chúng ta vốn tỉnh dậy với tiếng chim hót và ánh mặt trời, nghỉ ngơi bên dưới bóng tối êm như lụa và bầu trời đầy sao. Vì vậy, dù là chỉ trong vài giây phút ngắn ngủi thôi, nếu như chúng ta có thể tạm thời buông bỏ những điện thoại thông minh, sổ ghi chép lịch trình và đồng hồ treo tường, dành thời gian để ngắm nhìn sự thay đổi vị trí của vầng dương trên đỉnh đầu, để ý sự khác biệt trong tiếng chim hót, hay leo lên một đỉnh núi cao nơi ô nhiễm ánh sáng đã bị lu mờ và những vì sao đang chiếu rọi, bằng một cách thật tự nhiên và nhẹ nhàng như nước chảy mây trôi, tâm hồn đang mỏi mệt của chúng ta ắt sẽ được gột rửa. 

Nếu như bạn biết rằng một ai đó đang mỏi mệt giữa cuộc sống bon chen này – một người bạn, một người mẹ, một người anh, hay một đồng nghiệp thân thiết – thì “Nature Tonic”, Ly Tonic của Thiên nhiên, sẽ là một món quà tuyệt vời để gửi đến cho họ. Những minh họa xinh đẹp cùng nội dung tương tác mang tính chữa lành của cuốn sách thật giống như những cái ôm thật chặt, an ủi vỗ về ta giữa thế giới bộn bề này. Hoặc nếu như chính bạn là con người đang mỏi mệt, thì cuốn sách này cũng sẽ là một ly nước mát sảng khoái, một món quà ý nghĩa để bạn dành cho phần tâm hồn đang hướng về phía thiên nhiên của mình.

Huyền Linh

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *