#Nam_Đế_Vạn_Xuân
#Phùng_Văn_Khai #ĐặngXuânLương
KHAI QUỐC – VẠN XUÂN
Đây là cuốn tiểu thuyết lịch sử thứ ba tôi đọc của tác giả Phùng Văn Khai. Hai cuốn trước đó là “Phùng Vương” và “Ngô Vương”. Ở cuốn “Nam Đế Vạn Xuân” này tôi nhận thấy tác giả có nhiều biến chuyển trong bút pháp, tuy nhiên có hai món “đặc sản” vẫn không thay đổi và luôn khiến tôi khoái trá là hịch văn và trận mạc.
Về hịch văn, hiện nước ta còn lưu giữ được bản “Hịch tướng sĩ” do Hưng Đạo Vương viết khi chuẩn bị đánh đại quân Nguyên Mông, một áng hùng văn khiến lòng người bừng bừng hào khí. Khi đọc các tài liệu lịch sử tôi thường thấy các anh kiệt nước nhà khi khởi binh dẹp loạn cũng đều thảo hịch để tăng cao sĩ khí toàn quân. Tác giả Phùng Văn Khai đã đưa vào tiểu thuyết của mình những bản hịch văn ngút trời hào khí của Ngô Vương, Phùng Vương, Nam Việt Đế khiến tôi rất lê tê phê.
Về trận mạc, đây thực sự là một thứ đặc sản gợi hoài niệm trong bối cảnh tiểu thuyết bùng nổ như nấm sau mưa bây giờ. Tôi vẫn nghĩ để mô tả một trường đoạn lịch sử dài hơi với bối cảnh không gian và thời gian rộng lớn thì tiểu thuyết chương hồi là thể loại phù hợp nhất. Tiểu thuyết chương hồi dễ dàng gợi lại cái không khí cổ điển đặc trưng của một thời binh đao loạn lạc xa xưa. Đọc tiểu thuyết của tác giả Phùng Văn Khai tôi có cảm giác tác giả là một nhà quân sự chứ không chỉ đơn thuần là một nhà văn bởi chiến trận được mô tả trong các tác phẩm mạch lạc, chi tiết với những phân tích sắc bén tình hình chiến sự khiến tôi bị thuyết phục.
Tiểu thuyết lịch sử “Nam Đế Vạn Xuân” viết về cuộc đời của một anh hùng rất đặc biệt trong lịch sử dân tộc Việt: Lý Bí.
Lý Bí là vị hoàng đế đầu tiên của nước ta.
Lý Bí đã xây dựng chùa Khai Quốc, sau gần 1500 năm, ngôi chùa ông đặt nền móng vẫn kiên gan cùng tuế nguyệt, là một biểu tượng của thủ đô Hà Nội, bền bỉ làm nhiệm vụ Trấn Quốc, như chính cái tên của ngôi cổ tự hiện tại.
Lịch sử dân tộc có một sự lặp lại đầy ngẫu hứng sau gần 500 năm. Hai vị anh hùng dân tộc cùng mồ côi từ nhỏ, cùng xuất thân từ cửa thiền, cùng làm tướng, cùng lên ngôi vị quân trưởng, cùng khai mở một triều đại, cùng đóng đô ở thủ đô Hà Nội bây giờ, cùng họ Lý. Một người là Lý Bí và người kia là Lý Công Uẩn.
“Lời quân sư [Tinh Thiều] chưa dứt ai nấy đều xôn xao bàn tán. Mới hơn nửa năm trời theo về cờ nghĩa, quả không ít người còn bối rối trước chiến thắng vang dội của nghĩa quân. Từ vị trí là người bị sai khiến, làm tôi tớ, trâu ngựa cho binh tướng phương Bắc, đất đai tổ tiên bị chúng biến thành quận huyện, nay phút chốc đứng lên làm chủ, ai nấy đều bâng khuâng bỡ ngỡ chưa biết hành xử ra sao.”
Sau hơn sáu thế kỷ bị phương Bắc đô hộ, từ ngọn lửa tự chủ đầu tiên do Hai Bà Trưng nhen lên, đến thời Lý Bí lần đầu tiên đất nước có một hoàng đế là Nam Việt Đế, sánh ngang với các hoàng đế phương Bắc, thực là: “Nam quốc sơn hà nam đế cư/ Tiệt nhiên định phận tại thiên thư” vậy. Nền độc lập tự chủ của dân tộc được đặt nền móng từ năm 544 với dấu mốc là sự ra đời của nhà nước Vạn Xuân, qua hàng nghìn năm vẫn tiếp tục được bao thế hệ người Việt vun đắp vững vàng thêm như ngôi cổ tự Khai Quốc kia đến ngày nay vẫn bền bỉ Trấn Quốc. Có lẽ tôi hơi lãng mạn khi luôn nghĩ cổ tự Trấn Quốc còn nghĩa là tinh thần của Nam Việt Đế vẫn còn, và ngài vẫn luôn đồng hành cùng dân tộc cùng hiện thực giấc mơ đất nước Vạn Xuân.
“Hai tiếng Vạn Xuân ngay cả trong mơ mọi người đều nhắc đến, khi thì thầm khi hét vang lên. Ngay chủ công Lý Bí cũng không thể ngờ được sự thiêng liêng của quốc hiệu Vạn Xuân lại trở thành ngọn lửa cháy rừng rực, khơi nguồn sức mạnh khắp trong toàn cõi Giao Châu đến như thế.”
Ghi chú: những đoạn văn trong “.” Không ghi nguồn được trích từ tác phẩm.
Hình ảnh: Bìa sách; tranh thờ Lý Bí [ngài ngồi kiết già]; lão tướng Phạm Tu theo mô tả của tác phẩm; chùa Trấn Quốc.