NAM PHƯƠNG HOÀNG HẬU: TÔI TỰ HỎI BÀ ĐÃ BAO GIỜ HẠNH PHÚC HAY CHƯA?

NAM PHƯƠNG HOÀNG HẬU: TÔI TỰ HỎI BÀ ĐÃ BAO GIỜ HẠNH PHÚC HAY CHƯA?

PHU QUÂN: BẢO ĐẠI

TẠI VỊ: 21/3/1934-30/8/1945

Nam Phương hoàng hậu tên thật là Nguyễn Hữu Thị Lan, là hoàng hậu cuối cùng của triều Nguyễn và cũng là hoàng hậu cuối cùng của dân tộc Việt Nam. Bà là một trong những hoàng hậu nổi tiếng bậc nhất lịch sử không chỉ vì thời gian sống rất gần với thời đại của chúng ta mà là vì cuộc đời gian truân đầy ắp thăng trầm của mình. Để rồi có đôi lúc ngẫm lại ta tự hỏi cuộc đời bà đã bao giờ thực sự hạnh phúc hay chưa?

Nếu coi cuộc đời bà như là một bản nhạc thì có lẽ đây là một bạc nhạc trầm bổng nhưng mãi là một bản nhạc buồn, buồn một cách da diết. Cuộc đời bà sống bằng những hi vọng, nuối tiếc thì cũng chết bằng những hi vọng, nuối tiếc đó!

Được sinh ra trong 1 gia đình tài phiệt giàu có bậc nhất Việt Nam lúc bấy giờ có lẽ đó là một niềm hạnh phúc của Nam Phương. Chí ít ra bà sẽ không lại chịu cái cảnh ăn đói mặc rách, cái cảnh hàng triệu người Việt đang phải chịu dựng lúc bấy giờ. Cuộc sống của bà cứ khách quan mà nói là sung sướng, đầy đủ, được cưng chiều. Bà đã sống tuổi thanh xuân êm đềm và mơ mộng, và có lẽ đó là giai đoạn hạnh phúc nhất đời của người thiếu nữ sau này làm hoàng hậu. Theo một tờ báo ở Đông Dương bà còn có sắc vóc mà bao cô gái mơ ước. Sở hữu gia cảnh giàu có lại thêm nhan sắc có phải là 1 cơ hội để cuộc sống bà sau này thêm phần sung sướng hay không?

12 tuổi bà lên đường sang Pháp du học. Đây quả thực là cơ hội hiếm có, là điều không tưởng của nhiều người khác. Đến với Pháp có lẽ cô gái ấy sẽ trưởng thành hơn về trí tuệ và nhân cách. Bà đã hội tụ đủ các yếu tố để trở thành một người con gái đẹp. Nhưng đẹp ở thời ấy thì cũng chẳng để làm gì vì bà có là chủ của cuộc đời mình đâu. Một sự thật phũ phàng rằng bà chỉ là 1 quân cờ ‘vip’ mà Pháp cất công tạo dựng và đồng hóa. Các cụ vẫn luôn nói “Hồng nhan bạc mệnh” và có lẽ câu nói này đã ứng nghiệm lên bà. Đến giờ tôi vẫn tự hỏi liệu có phải bà đã có một tuổi thơ hạnh phúc thì phải trả lại bằng cả tương lai đau khổ hay không?

Bà trở về nước được một năm thì mọi sự cũng dàn xếp xong. Không biết mấy năm qua có đủ để cho bà chuẩn bị tâm lí đối mặt với giông bão của cuộc đời hay không? Nhưng tôi nghĩ rằng phần nào đó bà đã hiểu những gì mình đang và sẽ làm. Được sự sắp xếp cẩn thận của Toàn quyền Pháp, không nằm ngoài dự đoán bà đã lọt mắt xanh của Bảo Đại. Tôi không biết rằng có nên mừng hay không vì ít ra kế hoạch đã thành công. Nếu mọi tính toán mà không thành chẳng biết rằng bà còn sống được với Pháp nữa? Nhưng cũng chẳng thể mừng vì bà đang từng ngày đâm mình từng nhát từng nhát một.

Tôi không biết bà có yêu Bảo Đại hay không? Nhưng việc người Pháp sắp xếp là có thật. Tôi vẫn hay nghĩ một người con gái tiếp nhận văn hóa Tây phương từ nhỏ ắt sẽ không giống những cô gái Việt thuần phác, cam chịu mà sẽ đấu tranh hết mình cho tình yêu và sẵn sàng trả bất cứ cái giá nào vì nó. Tôi thì vẫn luôn hi vọng rằng giữa 2 người ít ra cũng đã từng thực sự thuộc về nhau, chí ít ra bà vẫn còn biết vị ngọt của tình yêu là như thế nào? Nhưng có lẽ khi đôi chân bước vào Tử Cấm Thành thì vị ngọt ấy sẽ nhanh tan biến đi thôi!

Khi thanh xuân của bà còn quá dài thì bà đã cất lại nó ở đấy- Tử Cấm Thành- để sống sao cho đúng nghĩa với một bậc “mẫu nghi thiên hạ”. Gần 10 năm đầu của cuộc hôn nhân bà chỉ làm đi làm lại việc mang bầu và sinh con. Một công việc nhàm chán mà bà làm đi làm lại 5 lần. Nếu chỉ có thế thì cuộc đời bà đã dễ dàng quá. Cuộc đời thì luôn phải được điểm xuyến hoặc tô đậm bằng một màu đen. Và mẹ Bảo Đại xuất hiện như một màu đen tăm tối đó. Việc mẹ chồng nàng dâu thì đã là chuyện muôn đời khó tránh nhưng ít nhiều mang lại những tổn thương và trắc trở cho bà. Mẹ Bảo Đại còn là mầm mống cho sự ngoại tình của Bảo Đại sau này. Liệu rằng sống trong cái lồng khắc tên Tử Cấm Thành bà đã bao giờ tuyệt vọng hay chưa?

5 đứa con xuất hiện trong cuộc đời bà như một niềm an ủi duy nhất cho sự đánh đổi đầy may rủi. Thà rằng Bảo Đại và Nam Phương chưa từng yêu nhau có lẽ sẽ bớt đau khổ đi. Khi anh ngoại tình dan díu ngoài kia, anh còn nhớ lời hẹn ước với tôi năm nào. Anh bảo anh sẽ mãi yêu tôi cơ mà, anh bảo cả cuộc đời này sẽ chỉ có một mình tôi thôi. Nam Phương ơi đừng bao giờ tin người như thế, càng đừng bao giờ tin một kẻ vô đạo như Bảo Đại. Lời hứa ấy chẳng bao giờ ông ta giữ được đâu. Ngoại tình như một tín hiệu đổ vỡ trong mối quan hệ của 2 người, đẩy họ ngày càng xa nhau. Quyết định lấy Bảo Đại liệu có phải một quyết định đúng đắn không?

Ngày Bảo Đại thoái vị, Nam Phương luôn ở bên. Bà đứng đó vẫn đầy sự tự tôn và mạnh mẽ. Bà từ chối mọi sự giúp đỡ từ chính phủ lâm thời, dọn ra khỏi cung cấm, một mình nuôi mẹ chồng và 5 con. Còn chồng bà đang ăn chơi nơi nào không rõ. Một người tràn đầy hy vọng và quyết tâm như bà lại lấy phải 1 người đàn ông nhu nhược, chỉ biết chơi bời như Bảo Đại quả thực là 1 sự thất bại. Hãy sống như bà, có như thế mới xứng đáng có được lòng tôn trọng của mọi người, Bảo Đại à!

Nam Phương trở thành quân cờ hết hạn trong tay Pháp khi mà chế độ phong kiến sụp đổ, khi bà đã không còn là hoàng hậu của Việt Nam. Hình ảnh một hoàng hậu giỏi giang, nết na lại phải kết thúc trong tình huống như vậy chẳng khác nào công sức đổ sông đổ biển. Sinh ra vào lúc chuyển giao quyền lực thật sự chẳng sung sướng gì mà phải chịu biết bao tủi cực cay đắng. Đầu năm 1947, bà cùng các con lên đường sang Pháp. Việc quyết tâm dứt bỏ mọi thứ có lẽ là một động thái cho việc từ bỏ quá khứ, bắt đầu một cuộc sống mới. Việc bà ra đi là điều dễ hiểu vì ở đấy chẳng còn gì lưu luyến bà. Bà chẳng còn gì ngoài con! Ngôi vị hoàng hậu mất cả thanh xuân gây dựng hay người chồng đầu ấp tay gối, hoặc là ngôi nhà ấm áp trong cung cấm. Không mất hết rồi. Đặc biệt là trái tim người bà yêu thương.

Có lẽ dời đi là một quyết định đúng đắn của bà. Ít ra bà tìm thấy được sự yên bình và tự do trong cuộc sống, tránh xa khỏi những cuộc chiến tranh giành hay những áp bức và trách nhiệm nặng nề. Những kí ức muốn quên nhất lại là những kí ức khó quên nhất. Tình yêu với Bảo Đại có lẽ vẫn còn ở đó chẳng qua bà cố chôn vùi đi thôi. Những ngày Bảo Đại sang Pháp dẫn bà đi chơi lại khiến bà vui vẻ hơn, nhớ lại quãng thời gian 2 người mới kết hôn, lúc ấy hạnh phúc biết bao. Khi con người ta đã trải qua sóng gió cuộc đời tự nhiên bản thân tĩnh lặng đi nhiều, đâu đó trên nét mặt phảng phất một nỗi buồn khó nguôi ngoai. Mỗi ngày trôi qua rất bình yên trong cuộc đời bà, nhổ cỏ trồng hoa, mua sắm quần áo, chơi dương cầm, thưởng thức tranh ảnh hay chơi thể thao,… đó đều là những thú vui tao nhã. Có lẽ Nam Phương cũng chỉ cần thế là đủ. Dù ly thân với Bảo Đại nhưng bà cũng chưa từng đi chơi hay gặp bất kì người đàn ông nào khác. Sự chung thủy này của bà Bảo Đại có biết hay không?

Càng về cuối đời, khi con cái đã trưởng thành, chúng cùng Bảo Đại đã dời đi làm ăn xa. Sự cô đơn đã bủa vây lấy bà, một sự cô đơn cùng cực khi không còn người thân nào ở bên. Bà dọn đến một biệt thự mới tách biệt với cuộc sống phồn hoa tấp nập. Nơi đây chỉ còn lại bà và rừng cây. Liệu có phải Nam Phương thích sự cô đơn rồi chăng? Thực ra chẳng ai thích được cả, mà mình phải chịu đựng từng ngày mà thôi. Có lẽ bà vẫn đang tìm sự tĩnh lặng trong tâm hồn mình!

May mắn bà sở hữu nhiều tài sản nên cuộc sống có phần nhẹ nhàng hơn, không giống Bảo Đại mà phải lo cơm áo gạo tiền. Dân làng nơi bà sinh sống có kể lại rằng, bà Nam Phương giàu có, nhưng sống thiếu hạnh phúc. Bao nhiêu năm chỉ thấy cựu hoàng Bảo Đại về thăm Hoàng hậu mấy lần, lần được nhớ nhất là vào dịp lễ cưới của công chúa Phương Liên kết hôn với chàng trai người Bordeaux. Buồn nản vì tình cảm của mình, bà Nam Phương chỉ sống âm thầm trong ngôi nhà vắng vẻ. Họa hoằn bà mới về thăm Paris vài ngày. Có lẽ vui nhất là dịp nghỉ hè, các con mới có dịp về thăm bà.

Những năm sau này bà Nam Phương ít đi ra ngoài và gặp gỡ ai. Cũng có đôi khi bà đi Paris để thăm các con đang học và làm ăn ở đó. Và ngược lại những dịp hè thì các con có về đây thăm mẹ ở ít ngày cho bà đỡ buồn. Thời gian này bà bị bệnh tim nặng làm khó thở. Đến cuối đời điều bà thực sự mong muốn chỉ là có một gia đình êm ấm hạnh phúc nhưng giờ vẫn hưu quạnh 1 mình.

Ngày 14 tháng 9 năm 1963, sau khi ra nắng bị cảm lại đi tắm bà bị sốt cao, bà thấy đau họng. Bác sĩ tới thăm bệnh, nói bà bị viêm họng nhẹ. Không ngờ sau đó, bà bị khó thở. Ông quản gia và mấy cô giúp việc vội chạy đi tìm bác sĩ khác ở làng bên, cách mươi cây số. Nhưng vì bệnh viện ở xa, bác sĩ không tới kịp nên bà đã ra đi vào lúc 5 giờ chiều.

Ngoài hai người giúp việc trong nhà, không có một người ruột thịt nào có mặt bên cạnh bà trong giờ phút lâm chung. Khi đó các con bà đang đi học hoặc làm ở Paris, còn Bảo Đại sống ở miền Nam nước Pháp. Có lẽ đó là điều đau khổ cuối cùng mà bà phải chịu đựng trên thế gian này. Những nốt nhạc buồn cứ réo rắt trong cuộc đời bà mà thôi. Sự cô đơn là nỗi sợ lớn nhất của bà, nó càng khiến lòng bà thêm đau và nụ cười dường như tắt hẳn, tìm ở đâu ra hạnh phúc bây giờ.

Đám tang của bà Nam Phương được cử hành theo nghi thức đạo Công giáo rất đơn giản. Đám tang vỏn vẹn chỉ có các Hoàng tử, Công chúa và một số bạn bè thân thiết của gia đình. Tại địa phương có vị Tỉnh trưởng và dân biểu địa phương bà Nam Phương cư ngụ tới chia buồn và dự tang lễ. Đặc biệt có sự tham dự của Công chúa Như Lý, con gái của vua Hàm Nghi. Công chúa Như Lý cũng ở gần nơi bà Nam Phương cư ngụ, nhưng chưa bao giờ khi bà Nam Phương còn sống bà Như Lý tới thăm mà duy nhất lần này bà Nam Phương tạ thế Công chúa tới dự đám tang.

Ngày tang lễ, ngoài hai Hoàng tử và ba Công chúa đi bên cạnh quan tài của mẹ không có một người bà con nào khác. Về phía quan chức Pháp thì chỉ có hai Quận trưởng của Brive la Gaillarde và Chabrignac. Đấy, một đời làm hoàng hậu vẻ vang mà giờ lại chết đi một cách thầm lặng. Và điều bà mong chờ nhất là được gặp lại người bà đã yêu thương cả đời. Nhưng không được vì giờ ông ta còn say vui bên người đàn bà khác. Ông ta có lỗi với bà, là người có tội lớn nhất vì đã đẩy bà đến bước đường hôm nay.

Kết thúc một cuộc đời, kết thúc một số phận khiến lòng ta chợt quặn thắt. Những gì bà chịu được quả thực chẳng mấy ai chịu đươc. Những gì bà có được càng không phải ai cũng có được. Tôi tin rằng nếu có kiếp sau, Nam Phương tuy nghèo nhưng sẽ có một cuộc sống hạnh phúc, và trong cuôc đời ấy sẽ không bị bủa vây bởi cô đơn và nuối tiếc. Còn bà thì cho dù bây giờ hay tương lai vẫn sẽ là Nam Phương hoàng hậu của dân tộc Việt Nam.

Và giờ là lúc đặt dấu chấm hết cho một cuộc đời bi kịch.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *