nam-2025-co-tang-luong-toi-thieu-vung?

Năm 2025 có tăng lương tối thiểu vùng?

Lao động kiến nghị tiếp tục tăng lương tối thiểu vùng năm 2025

Điều 91, Chương VI Tiền lương, Bộ Luật Lao động năm 2019 quy định về mức lương tối thiểu vùng là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội.

Mức lương tối thiểu được xác lập theo vùng, ấn định theo tháng, giờ. Mức lương tối thiểu được điều chỉnh dựa trên mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường; chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung, cầu lao động; việc làm và thất nghiệp; năng suất lao động; khả năng chi trả của doanh nghiệp.

Năm 2025 có tiếp tục tăng lương tối thiểu vùng? - Ảnh 1.

Định kỳ hàng năm Hội đồng tiền lương sẽ xem xét tăng lương tối thiểu vùng. Ảnh: N.N

Mục 4 của điều 91 cũng quy định: Chính phủ quy định chi tiết Điều này; quyết định và công bố mức lương tối thiểu trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng tiền lương quốc gia. Định kỳ hàng năm Hội đồng tiền lương sẽ họp xem xét đề xuất tăng lương tối thiểu vùng.

Mới đây, để có căn cứ tăng lương tối thiểu vùng, Bộ LĐTBXH đang yêu cầu các địa phương tiếp tục xem xét, rà soát và đánh giá vùng mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; tương quan với mức lương thị trường; chỉ số giá tiêu dùng, để đề xuất, khuyến nghị Chính phủ phương án lương tối thiểu vùng phù hợp… trong năm 2025.

Như vậy, nhiều khả năng tiền lương tối thiểu vùng vẫn sẽ được xem xét đề xuất tăng lương trong năm 2025.

Trong khi đó, trước thực trạng đời sống công nhân, người lao động ngày càng khó khăn, nhiều người lao động đang kiến nghị Chính phủ tiếp tục tăng lương tối thiểu vùng. Mức tăng trong khoảng từ 6-10%.

Ổn định quan hệ lao động, giảm tranh chấp tiền lương

Bộ này cũng mới triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu tranh chấp lao động tập thể, đình công liên quan tới tiền lương, góp phần ổn định an ninh, trật tự xã hội.

Theo đó, để thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa, giải quyết tranh chấp lao động, Bộ LĐTBXH sẽ hướng dẫn, hỗ trợ, thúc đẩy các hoạt động đối thoại, thương lượng tập thể ở doanh nghiệp, cấp ngành và nhóm doanh nghiệp để xây dựng môi trường ổn định trong quan hệ lao động đồng thời đôn đốc theo dõi, cập nhật, đối chiếu, báo cáo về tranh chấp lao động, đình công; đề xuất, hỗ trợ triển khai các biện pháp xử lý vụ việc phát sinh, sớm ổn định tình hình.

Bộ cũng sẽ hỗ trợ các địa phương xây dựng, triển khai Đề án phát triển quan hệ lao động các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo yêu cầu, nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết số 109 của Quốc hội và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 41/TTg-QHĐP.

Năm 2025 có tiếp tục tăng lương tối thiểu vùng? - Ảnh 2.

Lao động đang kiến nghị năm 2025 tăng mức lương tối thiểu vùng thêm 10%. Ảnh: N.T

Giải pháp nữa cũng được tính đến là nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế giải quyết tranh chấp lao động, đình công (hòa giải viên lao động, Hội đồng trọng tài lao động), thúc đẩy giải quyết tranh chấp lao động, đình công theo đúng quy định.

Về xây dựng chính sách pháp luật, Bộ sẽ tiếp tục thực hiện vai trò thành viên của Hội đồng Tiền lương Quốc gia trong việc xem xét, rà soát và đánh giá mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; tương quan với mức lương thị trường; chỉ số giá tiêu dùng từ đó làm căn cứ để đề xuất, khuyến nghị Chính phủ phương án lương tối thiểu vùng phù hợp; kịp thời thông tin, tuyên truyền chính sách tiền lương của người lao động đối với khu vực doanh nghiệp.

Gần đây nhất, từ ngày 1/7/2024, Chính phủ đã điều chỉnh mức lương tối thiểu theo tháng tăng 6%, với các mức: Vùng I là 4,96 triệu đồng, vùng II là 4,41 triệu đồng, vùng III là 3,86 triệu đồng, vùng IV là 3,45 triệu đồng. Mức điều chỉnh này đã cải thiện hơn đời sống cho người lao động.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *