Có được cô vợ Việt Nam xinh đẹp chịu thương chịu khó lại giỏi nấu ăn, Mark thường mời anh em bạn bè đến nhà ăn uống để khoe các món ăn Việt Nam. Và để giải trí sau khi ăn, Hồng là vợ Mark bày mọi người chơi trò “Xóc Bầu Cua” mà người Việt chúng ta thường chơi vào dịp Tết. Nào ngờ món này được phe Mỹ khoái mê tơi, còn nhờ mua một bộ bầu cua để đem về nhà chơi với nhau.
Trò chơi Xóc Bầu cua thường được người dân Việt Nam chơi vào dịp Tết Nguyên Đán. Phải dùng 3 hột xí ngầu để trong cái chén ụp lên dĩa mà xóc hay lắc. 3 hột xí ngầu này có 6 mặt được in lên mỗi mặt một hình con Nai, Bầu, Gà, Cá, Cua, Tôm. Bàn bầu cua là một tấm giấy có 6 ô, mỗi ô vẽ hình một mặt của hột xí ngầu để người chơi đặt. Người làm “Cái” là người xóc hay lắc hột. “Con” là người đặt và muốn đặt mấy hình cũng được không giới hạn. Khi nhà cái xóc hột xong thì để xuống bàn chờ các “con” đặt xong mới mở chén ra xem xí ngầu ra những con nào. Trúng thì chung, không trúng thì ăn.
Chơi trò Bầu Cua còn có màn “tả” nữa chứ. Tức là một người “con” lấy tiền đặt của “con” khác đi đặt hình cửa khác. Nếu tả trúng hình mà hình cũ của con không ra thì coi như không bỏ vốn mà được tiền. Gọi là mượn đầu heo nấu cháo. Còn nếu hình của mình tả không ra mà hình cửa cũ lại trúng thì phải tự bỏ tiền ra chung trả cả vốn lẫn lời! Người tả là người vừa làm “con” vừa làm “cái “. Tiền bạc vụ này hơi lộn xộn nên thường nhà cái không cho tả.
Còn “bứng cái” là nhà cái bị thua cháy túi, ma – rốc tức móc ra chung đều đều. Hồi còn nhỏ có lần ông xã tôi làm cái bầu cua đang thắng toàn làng, bỗng một ông hàng xóm đi ngang qua thấy vậy cầm 1 con xí ngầu bầu cua lên xem rồi bỏ lại dĩa. Từ đó “cái” bị thua cháy túi luôn. Cuối cùng phải dọn sòng bỏ về mới thấy 1 con xí ngầu bị lão hàng xóm dùng nếp dán dính vô dĩa khiến con cá cứ ra hoài. Hại thằng nhỏ í quên thằng chồng của tôi bị “bứng cái” tội nghiệp hết sức.
Tết Nguyên Đán năm nào Mark và Hồng đều tổ chức buổi tiệc lớn mời hai gia đình sui gia Mỹ Việt gặp nhau ăn Tết. Nhóm Mỹ lúc nào cũng yêu cầu chơi xóc bầu cua thú vị này.
Tôi in mỗi tờ giấy khổ lớn một cái hình bầu, cua, gà, nai, tôm, cá. Ép plastic rồi dán dính sáu tấm hình với nhau nên bàn bầu cua rất rộng có thể trải ra trên một cái bàn dài, nhiều người có thể xúm quanh mà chơi. Già trẻ lớn bé Mỹ, Việt đều tham gia. Ăn tiền thẳng cẳng nhưng quy định chỉ được đặt tối đa $5. Bên Việt Nam lịch sự để phe Mỹ làm cái dù biết là làm cái xác xuất thắng rất cao.
Anh chồng của Hồng là Dan cùng con trai hùn chung vốn làm cái. Bố xóc, con thu và chung tiền. Dan rất tếu lâm, làm đủ trò cứ như phù phép ếm bùa trước khi xóc và chỉ xóc một cái rồi để xuống bàn chờ “con” (tức là những người đặt tiền) đặt xong hết rồi mới mở chén ra để xem bên trong ra những hình gì. Khi mở chén Dan còn hò la như xem những pha đấu thể thao thật là vui. Không khí trò chơi càng ngày càng náo nhiệt, tưng bừng.
Sau này xem lại video ai cũng không nhịn được cười. Mark thường đặt tiền cả 6 con, đến khi hết tiền thì kêu cứu “Honey ới ời” um xùm. Ông mục sư quen với gia đình Mark thì tuyên bố: “Chỉ đặt seafood Tôm, Cua, Cá” – Chắc ông ta mê ăn seafood lắm? Mark theo đạo tin lành nên ngày cưới ông mục sư này đứng ra làm chủ hôn lễ cho hai người. Ông rất vui vẻ dễ thương, làm lễ xong là thay quần short, xăn tay áo lăn xả vào bếp nấu nướng, thân tình như người trong gia đình chứ không như một số nhà tu hành của mình cứ làm như ông trời con chờ người hầu hạ.
Ngày xưa bên Việt Nam ta thường hát “Có cô gái Đồ Long xóc bầu cua, xóc ba cái ra ba con gà mái, chung hết tiền, chung hết tiền…” thì ngày nay phải hát là “Có ông Mỹ đẹp trai xóc bầu cua, xóc ba cái ra ba con gà mái. Ăn quá trời! Ăn quá trời!”. Dĩ nhiên là nhà cái thắng vì nhà con đông người đặt đủ sáu cửa, nếu ra ba con khác nhau thì lấy ba cửa kia chung qua. Còn nếu may mắn xóc ra ba con giống nhau thì ăn đến năm cửa mà chỉ chung ba lần cho một cửa thôi. Anh chàng Dan lại thường xóc ra ba con giống nhau. Cậu con tha hồ mà hốt tiền. Có lần sau khi ra ba con bầu, thấy nhà cái chỉ cầm lên xóc nhẹ một cái rồi đặt xuống, bà con bảo nhau:
– Hồi nãy ba con bầu, thế nào cũng còn ít nhất một hai con. Đặt bầu đi bà con ơi.
Thế là đám “con” cả Việt lẫn Mỹ xúm vào đặt bầu ai cũng hí hửng kỳ này ăn chắc. Đến khi nhà cái mở chén ra, chẳng có cái màu đỏ của con bầu nào cả. Lại tiếng kêu trời, tiếng xuýt xoa, ánh mắt thất vọng và cả ánh mắt thán phục lẫn lộn. Anh chàng Dan làm cái này hình như đã tập luyện xóc bầu cua dữ lắm hay sao đó mà hắn xóc rất nghề. Chỉ cầm lên lắc nhẹ một cái mà mấy mặt hột bầu cua thay đổi chứ không như cũ. Đám con nít được bao nhiêu tiền mới lì xì đều cúng hết, rồi đến người lớn cùng nhau nộp mạng. Nhưng ai cũng vui vì cười quá cỡ và nhà cái bảo ăn nhiều quá sẽ khao các “con” một chầu phở.
Chẳng phải chỉ có anh em nhà Mark mê chơi Bầu Cua mà cả bạn bè hàng xóm người Mỹ cũng thích mê trò chơi này. Chắc nhờ trò chơi đơn giản dễ học lớn nhỏ đều có thể chơi chung và những cái hình ngồ ngộ màu sắc bắt mắt, lại không giới hạn số người tham gia. Trò chơi cũng sôi nổi hào hứng và hồi hộp gây cấn đủ cảm giác chứ không đơn điệu.
Dù sao trò chơi Bầu Cua này cũng có tính chất bài bạc, ăn thua đủ nên chỉ chơi cho vui trong ba ngày xuân và cũng nên giới hạn số tiền đặt không nên chơi lớn. Trên xứ người, Tết đến mà tụ họp lại chơi bầu cua cho đỡ nhớ quê hương thì còn gì bằng. Và biết đâu trò chơi dân gian này cũng sẽ phổ biến trong cộng đồng Mỹ!!!
* Thanh Mai