Mustafa Tlass – quyền lực, ngông cuồng, trung thành, thờ cha phản con

Mustafa Tlass – quyền lực, ngông cuồng,trung thành, thờ cha phản con,… và những chuyện về gia tộc quyền lực thứ 2 Syria. (Phần 1)
Nếu hỏi gia tộc quyền lực nhất đất nước Syria, dĩ nhiên nó sẽ là gia tộc al-Assad. Nhưng dưới gia tộc al-Assad, còn một gia tộc khác không kém phần quyền lực đã cùng kiểm soát Syria trong 4 thập kỷ qua – gia tộc Tlass. Nếu như trung tâm của gia tộc Assad xoay quanh cố Tổng thống Hafez al-Assad, thì trung tâm của gia tộc Tlass xoay quanh nhân vật được coi là quyền lực số 2 Syria – cựu bộ trưởng quốc phòng Mustafa Tlass. Cuộc đời của Mustafa Tlass gắn liền với thời đại thống trị của gia tộc Assad, cũng gắn liền với 4 thập kỷ hiện đại của đất nước Syria. Vì vậy, nếu ai thấy nội tình Syria của Bashar al-Assad hiện tại rối như nồi canh hẹ, thì đó là do họ mới chỉ nắm phần ngọn của vấn đề, nghĩa là chỉ xoay quanh ”Assad con”. Muốn hiểu rõ vấn đề, hãy tìm hiểu từ gốc ban đầu, nghĩa là từ Tổng thống Hafez al-Assad và Mustafa Tlass, với mốc ban đầu ít nhất là từ 1970.
Bài hôm nay để nói về Mustafa Tlass – một nhân vật đầy quyền lực, hết lòng trung thành với Tổng thống Hafez al-Assad, nhưng cũng không ít lần gây chấn động với những phát ngôn ”ngông cuồng”, đến nỗi trở thành meme trên mạng như dưới đây. Muốn biết câu chuyện đằng sau meme này, hãy chờ phần sau vì phần này chưa nhắc tới.
1/ Mustafa Tlass, Hafez al-Assad và đường lên quyền lực.
Thực ra mà nói, ngay từ ban đầu gia tộc Tlass đã là một gia tộc quyền lực trên đất Syria. Ngay từ thời đế quốc Ottoman cai trị, gia tộc Tlass đã có sự bắt tay với người Thổ để cai trị miền Bắc Syria, và ngay cả khi Syria mất vào tay Pháp sau Thế chiến 1, thì gia tộc này vẫn nằm trong bộ máy cai trị của người Pháp. Cha của Mustafa Tlass có gốc Thổ, trong khi mẹ là người Alawite. Khi trưởng thành, Mustafa Tlass định trở thành quân nhân và gia nhập trường quân sự tại thành phố Homs – thủ phủ miền Trung Syria.
Trong khi đó, Hafez al-Assad cũng sinh ra trong một gia tộc quyền lực, nhưng khác với gia tộc Tlass, gia tộc al-Assad là dòng Alawite, cai trị Tây nam Syria. Khi người Pháp định rút đi, họ dự tính sáp nhập miền Bắc và miền Nam Syria vào một nước Syria thống nhất, bất chấp việc người Alawite đã cầu xin người Pháp đừng bỏ rơi họ. Vâng, và đây chính là nơi mà những xung đột bắt đầu: vùng đất của người Alawite bị sáp nhập với Syria, khiến họ trở thành dân tộc thiểu số. Nhưng đó là chuyện sau này. Còn năm 1950, Hafez al-Assad gia nhập trường quân sự Homs, và không lâu sau đó trở thành phi công xuất sắc nhất đất nước Syria.
Mustafa Tlass và Hafez al-Assad gặp nhau ở Homs và nhanh chóng trở thành bạn thân trong thời gian đó. Họ cùng gia nhập đảng Ba’ath, tương tự như Saddam Hussein ở Iraq. Tuy nhiên, thời gian những năm 50s-60s là giai đoạn hỗn loạn ở Syria. Hỗn loạn đến mức Syria không có lãnh đạo và phải ”mượn tạm” Tổng thống Ai Cập Nasser làm lãnh đạo. Trải qua không ít lần hợp-tan-tan-hợp với Ai Cập, phải đến năm 1966, Syria mới có sự ổn định chính trị khi Tổng thống Salah Jadid – một người thân Liên Xô lên nắm quyền, loại bỏ ảnh hưởng của Ai Cập lên Syria.
Tuy nhiên, thời kỳ Salah Jadid là một thảm họa về kinh tế. Đất nước Syria chìm trong nghèo đói lạc hậu, và thậm chí không có điện để cung cấp cho dân chúng. Lý do là vì họ không dám xây đập thủy điện trên sông Ơ-phơ-rát do bị phía Iraq ”dọa nạt”, mà Iraq lúc đó là ”con cưng” hàng đầu của khối Arab lẫn Liên Xô. Kết quả một nửa dân số Syria không có điện dùng.
Trong lúc người dân Syria thiếu ăn, Salah Jadid còn định đẩy đất nước vào cuộc chiến tranh với Jordan. Tháng 9 năm 1970, những tay súng Tổ chức giải phóng Palestine (PLO) của Yasser Arafat đang tị nạn ở Jordan, nổi dậy định lật đổ vua Jordan. PLO nhờ các nước Arab giúp đỡ, và Syria đã mang quân qua Jordan hỗ trợ họ. Nhưng điều này bị quân đội Syria phản đối kịch liệt, cho rằng cuộc can thiệp vào Jordan là phi nghĩa. Kết quả là Hafez al-Assad, lúc này đã leo lên đến chức Bộ trưởng Quốc phòng, đã ra lệnh cho không quân Syria không được ra trận. Cuộc can thiệp vào Jordan thảm bại, và khi trở về, quân đội Syria đã ủng hộ Hafez al-Assad lật đổ Tổng thống Jadid.
Tháng 11/1970, Hafez al-Assad trở thành tổng thống Syria, đồng thời bổ nhiệm bạn thân của ông – Mustafa Tlass làm bộ trưởng quốc phòng. Từ đây, mở ra thời kỳ 2 gia tộc lãnh đạo và kiểm soát đất nước Syria.
2/ Những cuộc chiến của Syria dưới thời Hafez al-Assad.
Trong suốt thời gian làm Bộ trưởng quốc phòng, Mustafa Tlass đã dẫn dắt quân đội Syria trải qua hàng loạt cuộc chiến lớn nhỏ, với đủ những kết quả thắng bại
-Chiến tranh Yom Kippur 1973: tháng 10/1973. Ai Cập mở một cuộc tấn công bất ngờ vào bán đảo Sinai bị Israel chiếm đóng. Để phối hợp, quân đội Syria đã mở một mặt trận nữa ở phía Bắc để kẹp đầu Israel. Tuy nhiên, trong khi cuộc tấn công chớp nhoáng của Ai Cập giành được thắng lợi, thì cuộc chiến giành lại Cao nguyên Golan của Syria đã không mỹ mãn như thế. Cuộc chiến năm 1973 bị coi là thất bại của Syria, nhưng Mustafa Tlass vẫn không bị thất sủng mà ngược lại càng gia tăng quyền lực.
-Dập tắt ”Anh em Hồi giáo” 1982: việc đặt niềm tin vào Mustafa Tlass của Tổng thống Assad đã thu lại trái ngọt. Vào năm 1982, Mustafa Tlass đã giúp Assad loại bỏ mối nguy cơ được coi là lớn nhất trong thời gian cầm quyền của mình – nhóm cực hữu ”Anh em Hồi giáo”.
Anh em Hồi giáo (Muslim Brotherhood) là một tổ chức cực hữu thành lập ở Ai Cập, có chi nhánh khắp Trung Đông, và là tiền thân của nhóm Hamas ở Palestine hiện tại. Anh em Hồi giáo đã bị đàn áp ở hầu hết các nước Arab trong những năm 70s, nhưng khi Hafez al-Assad lên nắm quyền, ông đã cho phép tự do chính trị, và vì thế Anh em Hồi giáo được phép hoạt động. Tuy nhiên, đến những năm 80s, tư tưởng cực đoan của Anh em Hồi giáo đã trở thành mối nguy hại với quyền lực của Tổng thống Assad.
Tháng 2/1982, tại thành phố Hama, ”thánh địa” của người Hồi giáo Sunni ở Syria, tổ chức Anh em Hồi giáo đã nổi lên chiếm quyền lực lấn áp chính quyền Syria. Lo sợ cực đoan lan khắp Syria, chính quyền Tổng thống Assad đã quyết định cho quân đội bao vây, ném bom và pháo kích san bằng thành phố Hama. Và dù là người Hồi giáo Sunni, Mustafa Tlass đã tuân lệnh Tổng thống Assad, cho quân phá hủy Hama để tiêu diệt Anh em Hồi giáo. Kết quả của cuộc ”Thảm sát Hama 1982”, là thành phố bị phá hủy toàn bộ, với từ 20.000 đến 40.000 dân thường thiệt mạng. Nhưng Tổ chức cực hữu Anh em Hồi giáo đã bị dập tắt đến mức không thể ngóc đầu lên ở Syria được nữa. Sau cuộc đàn áp này, Mustafa Tlass đã vươn lên trở thành nhân vật thân cận nhất với tổng thống al-Assad.
-Chiếm đóng Lebanon: một trong những đặc điểm của Syria dưới thời Hafez al-Assad là việc ”đánh đu”. Trong các cuộc chiến trực diện khác với Israel, Syria đứng về phía phe Ai Cập, Liên Xô,… Tuy nhiên, ở Lebanon thì mọi chuyện đảo ngược: Syria đứng về phía các lực lượng cánh hữu Lebanon, chống lại dân quân cánh tả cũng như người Palestine.
Nội chiến Lebanon bắt đầu năm 1975, do nguồn cơn là từ những tay súng PLO bị đánh bại năm 1970 ở Jordan (nhớ chứ?) chạy đến Lebanon tị nạn. Lebanon trước đó có sự cân bằng mong manh giữa người Hồi giáo Sunni, Shia và cả người Thiên chúa giáo. Sự có mặt của hàng trăm ngàn người tị nạn Palestine phá vỡ sự cân bằng này. Và năm 1975, lực lượng Palestine đã cùng dân quân Hồi giáo cánh tả ở Lebanon kích động cuộc nội chiến chống lại các lực lượng cánh hữu của Thiên chúa giáo.
Cuộc chiến ở Lebanon sau đó đã thu hút các cường quốc khu vực vào một cuộc chiến khốc liệt ở một quốc gia nhỏ bé. Lợi thế ban đầu nghiêng hẳn về phe cánh tả, và phe cánh hữu do Israel hậu thuẫn đứng trước nguy cơ thất bại. Nhưng mọi việc thay đổi 180 độ từ năm 1984, khi quân đội Syria ngày càng can thiệp sâu vào Lebanon. Nhưng trong cuộc chiến này, Syria đã đứng về các nhóm cánh hữu để đánh lại người Palestine. Tổng thống Hafez al-Assad coi PLO của Arafat là nguồn cơn của mọi hỗn loạn trong khu vực, do đã quá rõ những gì PLO gây ra ở Jordan năm 1970. Với sự can thiệp của Syria, lợi thế đã quay ngược về phe cánh hữu, và đến năm 1987, lực lượng cánh tả Palestine cơ bản đã bị đánh bại, và bị trục xuất đến Tunisia. PLO sau đó đã phải từ bỏ con đường đấu tranh vũ trang, do không còn ai ủng hộ. Còn Syria, được coi là người chiến thắng lớn nhất trong cuộc chiến ở Lebanon.
Từ đó, Syria đã được các nước Arab ngầm ủng hộ, duy trì quân đội ở lại Lebanon để duy trì ổn định. Trong thời gian chiếm đóng, Bộ trưởng Quốc phòng Mustafa Tlass thường xuyên đi lại giữa Syria và Lebanon, và cũng chính ông được coi là cha đỡ đầu và người bảo trợ cho Tổ chức Hezbollah, lực lượng đang chi phối đáng kể nội tình Lebanon hiện nay. Cuộc chiến ở Syria hiện nay cho thấy điều đó: Hezbollah tuyệt đối trung thành với chính phủ al-Assad.
Cuộc ”chiếm đóng” của Syria ở Lebanon là một trường hợp kỳ lạ, khi nó được đa phần các quốc gia không phản đối. Quân đội Syria đã ở lại Lebanon trong gần 30 năm, tính từ năm 1976 đến năm 2005. Vào năm 2005, sau cuộc ”Cách mạng Cây tuyết tùng”, con trai tổng thống Hafez al-Assad, Bashar al-Assad mới cho quân đội Syria rút hết khỏi Lebanon.
-Chiến tranh vùng Vịnh 1991: cả trước đó lẫn sau này, mối quan hệ của Syria với Mỹ chưa bao giờ tốt đẹp. Dưới thời Tổng thống Hafez al-Assad, Syria bị Mỹ liệt vào danh sách ”Các nước bảo trợ khủng bố”, hay gọi với cái tên ”Trục Ma Quỷ” cùng với Iraq, Iraq, Libya, Cuba và Bắc Triều Tiên. Ví dụ, trong một cuộc phỏng vấn năm 1986 trên CNN, cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Alexander Haig khi được hỏi nước nào ông coi là nước tài trợ khủng bố tồi tệ nhất thế giới, đã trả lời “không nghi ngờ gì, đó là Syria”.
Tuy nhiên, điều đó không ngăn Syria đứng về phía Mỹ trong cuộc chiến vùng Vịnh 1991. Lý do là vì khi xâm lược Kuwait năm 1991, quân đội Iraq của Saddam Hussein đã ôm hết phần phi nghĩa vào mình. Với việc Iraq ngang nhiên chiếm đóng một quốc gia có chủ quyền, ngay cả một nước Arab chống Mỹ như Syria cũng không thể ngồi yên. Vì vậy, khi liên minh quân sự do Mỹ thành lập chống Iraq, Tổng thống Hafez al-Assad đã đề nghị gửi 16.000 quân Syria đến giúp đỡ. Đề nghị này được chấp nhận và đầu năm 1991, lực lượng Syria đã hợp nhất với 35.000 quân Ai Cập, tạo thành khối quân sự hơn 50.000 quân do đích thân Bộ trưởng quốc phòng Mustafa Tlass chỉ huy. Quân số của lực lượng Syria-Ai Cập chỉ đứng sau Mỹ và Arab Saudi trong chiến tranh Vùng Vịnh. Lực lượng này tham gia trực tiếp chiến dịch trên bộ của Liên quân.
Kết thúc cuộc chiến, cũng như thương vong khá thấp của Liên quân, chỉ có 2 binh sĩ Syria và 11 binh sĩ Ai Cập hy sinh. Tất cả họ đều được trao ”Huân chương Giải phóng Kuwait”.
Như vậy, cùng với cuộc chiến Lebanon, chiến tranh Vùng Vịnh là một cuộc chiến khác mà Syria ”đánh đu” sang phe đối thủ, lần này họ cùng phe với Mỹ. Sau cuộc chiến này, mối quan hệ lại đâu vào đấy, Syria của gia tộc Assad vẫn nằm trong ”danh sách đen” cần tiêu diệt của Mỹ.
Trên đây là 4 cuộc chiến tranh lớn mà Syria đã tham gia dưới thời Tổng thống Hafez al-Assad, cũng là những cuộc chiến đã làm nên sự nghiệp của tướng Mustafa Tlass. Bài sau sẽ dùng để nói những chuyện xung quanh tính cách cá nhân của Mustafa Tlass cũng như những sự kiện sau này khi gia tộc al-Assad chuyển ngôi, trong đó sẽ giải thích về meme dưới đây.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *