Đoàn Minh Hiếu (21 tuổi, quận 3, TP.HCM) nhớ như in cảm giác lạc lõng khi ngồi giữa vòng tròn lửa trại, gượng gạo trả lời những câu hỏi đố vui. Chuyến team building của công ty cô rất ổn, homestay đẹp, đồ ăn ngon, toàn bộ chi phí được ban giám đốc chi trả. Tuy nhiên, trái với sự phấn khởi của đồng nghiệp, nữ nhân viên này không hào hứng. “Chuyến đi 2 ngày 1 đêm nhưng tôi thấy rất dài”.
Là người hướng nội, Hiếu không thoải mái khi đi du lịch và tham gia hoạt động tập thể. Cô cảm thấy mệt mỏi và “muốn về nhà”. Sau chuyến đi kể trên, cô gái không còn góp mặt trong buổi giao lưu nào cùng công ty nữa. “Tôi thấy không thoải mái khi đi xa nhiều ngày và ở chung phòng với người lạ lâu”, cô nói.
Nguyễn Mai Anh (25 tuổi, Hà Nội) cũng không thích thú với những chuyến du lịch công ty, đặc biệt vào mùa hè. 3 năm làm việc, cô chưa một lần đăng ký đi chơi. “Năm nhất đại học, tôi đi team building tại Ba Vì. Hôm đó trời nắng gắt, mọi người đèo nhau bằng xe máy đến địa điểm cắm trại. Chưa kịp nghỉ ngơi, chúng tôi phải xếp hàng để chơi kéo co, nhảy bao bố ngoài trời.”, cô kể lại.
Thậm chí, Mai Anh và bạn bè còn bị buộc tham gia những trò chơi như chuyền bóng bằng ngực hoặc thơm má người khác giới. “Những trò chơi như vậy xuất hiện nhiều ở team building của học sinh, sinh viên. Giờ đây, tôi thấy hiếm hơn. Tuy nhiên, những hoạt động như kéo co, giải câu đố, xếp hình chụp ảnh giữa trời nắng vẫn có. Tôi không thích, cảm giác như trò dành cho con nít”, cô nói.
Mai Anh thích du lịch nghỉ dưỡng hơn là team building, hoạt động ngoài trời. Bởi sau thời gian làm việc căng thẳng, cô tin là mọi người thích được nghỉ ngơi hơn là mệt mỏi theo một cách khác. “Tôi biết team building là gắn kết tập thể, nhưng không phải cách duy nhất. Trên công ty, tôi vẫn thân thiết cùng đồng nghiệp”, cô giải thích.
Phương Khanh (26 tuổi, TP.HCM) luôn thích thú với những hoạt động tập thể. Cô dành cả ngày để mua sắm, chuẩn bị hành lý và hào hứng khi được tạm gạt công việc, deadline sang một bên để cùng đồng nghiệp vui chơi, chụp ảnh. Chỗ làm của Khanh ít người nên mọi người khá thân với nhau. Các hoạt động trong chuyến đi cũng tự do, không gò bó. Hầu hết chi phí chuyến đi đều do sếp chi trả nên ai cũng thích thú.
“Làm ở công ty hơn 2 năm, đợt team building nào tôi cũng tham gia. Thông thường, công ty tổ chức đi Đà Lạt, Hà Giang và Nha Trang, kéo dài khoảng 3 ngày, tự tổ chức, lên kế hoạch. Được ăn uống, chụp hình mấy ngày mà không cần bận tâm công việc nên tôi thích lắm”, Khanh kể.
Đỗ Hồng Sơn (25 tuổi, Hà Nội) chưa khi nào từ chối những chuyến team building lớn nhỏ cùng công ty. Đối với anh, đây là cơ hội để nghỉ ngơi, trải nghiệm du lịch. “Tôi ít đi du lịch nên khá hào hứng với những chuyến đi tập thể thế này. Công ty tôi đông nhân sự, đi chơi là dịp để mọi người làm quen, hỗ trợ quá trình làm việc”, anh nói.
Sơn thường là người nhiệt tình tổ chức, lôi kéo mọi người cùng tham gia trò chơi. Anh thấy nhiều đồng nghiệp trở nên thân thiện và dễ gần sau những hoạt động tập thể. “Theo tôi, đi du lịch công ty là phải vui chơi, khuấy động. Còn gì là tập thể nữa nếu mọi người chỉ ngồi yên trong resort hoặc tự chơi theo nhóm nhỏ”, anh bày tỏ.
(Theo: Zing)