Dù là sinh viên, đã đi làm, hay là doanh nhân, tất cả chúng ta đều phải học. Tuy nhiên, tất cả những gì các bạn “học” qua trường lớp hay sách vở đối với tôi chỉ là thông tin chứ không phải là kiến thức. Ta chỉ có kiến thức khi ta hiểu rất rõ về một khái niệm, giải thích lại khái niệm đó một cách đơn giản, dễ hiểu nhất cho một người chẳng biết gì, không cùng ngành vẫn có thể hiểu được. Muốn làm được như vậy, bản thân ta phải trải qua quá trình xử lý thông tin, kết nối thông tin đó với trải nghiệm của chính bản thân mình, và tự sáng tạo, sản xuất ra một cách diễn đạt mới về thông tin này theo cách hay ho, dễ hiểu, đơn giản nhất của ta.
Nếu ta chỉ ghi nhận thông tin rồi phát lại i sì thông tin đó thì nó không phải là kiến thức. Thử tưởng tượng bạn học quá trời, cố tìm cách nhớ đủ thứ, sợ hãi và khổ sở vì chẳng nhớ được gì. Chuyện đó là bình thường, vì bạn thật ra đang không học mà là đang sắp xếp và lưu trữ thông tin. Hôm nay chia sẻ với các bạn một phương pháp học nhanh, hiệu quả, và giúp bạn chuyển hoá được thông tin thành kiến thức nhé. Đây là phương pháp Feynman. Richard Feynman là người đạt giải Nobel vật lý và là tác giả của phương pháp học nhanh, nhớ lâu bao gồm 4 bước như sau:
1. Chọn một chủ đề: bạn hãy chọn một chủ đề gì đó mà bạn muốn học, ví dụ AI – Artificial Intelligence – trí tuệ nhân tạo vì bạn biết rằng trí tuệ nhân tạo sẽ thứ sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ các ngành nghề trong tương lai. Sau đó, bắt đầu thu thập tất cả các nguồn tư liệu về đề tài này như sách báo, website, bài giảng online, video, blog của những người viết về đề tài này…. Bạn đọc và ghi chép lại những gì mình học được trong sổ ghi chép riêng. Mỗi khi học được điều gì mới, bạn lại ghi xuống.
2. Dạy cho một đứa trẻ hay một người chẳng biết gì: bạn thử giải thích về chủ đề đó cho một đứa trẻ hay một người chẳng biết gì, hiểu gì hay liên quan gì đến chủ đề mà bạn đang nghiên cứu. Và những người đang lắng nghe bạn sẽ chẳng hiểu thuật ngữ đâu nhé. Bạn thử đi. Không dễ đâu. Người không hiểu rõ, hiểu đủ về một vấn đề sẽ giải thích một cách vô cùng khó hiểu. Họ làm thế chẳng qua để che dấu sự không hiểu biết của mình. Nếu bạn giải thích điều gì một cách dễ hiểu, đơn giản cho ai đó không được, nghĩa là bạn chưa hiểu đủ sâu và cần học lại.
3. Đơn giản hoá: sau khi dạy thử, bạn sẽ thấy có rất nhiều vấn đề mình cần phải đơn giản hoá. Muốn đơn giản hoá, ta không đọc thêm thông tin mà ta cần phải suy nghẫm và phiên dịch lại thông tin theo ngôn ngữ của chính mình. Bạn nên kiểm tra xem mình có giải thích được một cách tự tin những thuật ngữ cơ bản nhất một cách dễ hiểu nhất. Đối với một khái niệm lớn, đôi khi phải cắt nhỏ ra thành nhiều chủ đề nhỏ. Ta sẽ giải thích từng chủ đề nhỏ, kết nối các chủ đề nhỏ này lại để người nghe có thể hiểu được một khái niệm lớn hơn.
4. Lặp lại quá trình đơn giản hoá: Sau mỗi lần giải thích, diễn giải cho người không biết gì, ta sẽ học được là còn rất nhiều chỗ có thể đơn giản hoá hơn nữa. Thế là ta lại tiếp tục tìm cách đơn giản hoá bài dạy hay cách giải thích của mình. Quá trình cải tiến liên tục này sẽ giúp ta ngày càng hiểu rõ và hiểu sâu hơn về chủ đề đang nghiên cứu. Nếu bạn đi giải thích cho ai đó mà người ta không hiểu, đừng cho rằng người ta dốt. Có khi là mình chẳng hiểu đến nơi. Nên thấy người khác không hiểu thì trước hết hãy nhìn lại mình, nhìn lại cách giải thích của mình, và thử phương pháp đơn giản hoá vấn đề trước đã.