Trận động đất mạnh 7,7 độ richter xảy ra vào giữa trưa thứ Sáu đã khiến hơn 1.000 người thiệt mạng và gần 2.400 người khác bị thương tại Myanmar. Tâm chấn nằm gần thành phố Mandalay, nơi có mật độ dân cư cao và nhiều công trình hạ tầng quan trọng. Cú chấn động kéo dài hơn một phút và đi kèm nhiều dư chấn mạnh, trong đó có một đợt lên tới 6,4 độ richter, khiến nhiều tòa nhà đổ sập, đường sá hư hại và một con đập bị vỡ.
Chính quyền quân sự Myanmar xác nhận 1.002 người đã thiệt mạng, 2.376 người bị thương và 30 người khác đang mất tích. Cơ quan chức năng cho biết con số này có thể tiếp tục tăng do quá trình thống kê vẫn đang diễn ra trong điều kiện hết sức khó khăn.
Tình hình càng trở nên nghiêm trọng khi Myanmar đang phải đối mặt với cuộc nội chiến kéo dài, khiến công tác cứu trợ và tiếp cận các khu vực bị ảnh hưởng trở nên vô cùng phức tạp. Giao thông bị gián đoạn, nhiều khu vực trở nên nguy hiểm hoặc không thể tiếp cận, khiến việc vận chuyển thiết bị cứu hộ và nhu yếu phẩm gặp nhiều trở ngại. Theo báo cáo từ Liên Hợp Quốc, hơn 3 triệu người đã phải rời bỏ nhà cửa do chiến sự và gần 20 triệu người đang cần hỗ trợ nhân đạo.
Một công trình đổ nát do động đất. Ảnh: Reuters.
Tại thủ đô Naypyidaw, đội ngũ công nhân đang nỗ lực sửa chữa hệ thống đường sá bị hư hỏng. Tuy nhiên, điện, điện thoại và internet vẫn chưa được khôi phục hoàn toàn tại nhiều khu vực. Một số tòa nhà chính phủ, trong đó có nơi ở của cán bộ công chức, đã sụp đổ hoàn toàn. Lực lượng an ninh đã phong tỏa khu vực này vào sáng thứ Bảy để đảm bảo an toàn và hỗ trợ công tác tìm kiếm cứu nạn.
Tổ chức Plan International cho biết họ chưa từng chứng kiến mức độ tàn phá như lần này. Ông Haider Yaqub, giám đốc tổ chức tại Myanmar, cho rằng nhu cầu cứu trợ nhân đạo sau thảm họa sẽ rất lớn, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế nhanh chóng hành động.
Trận động đất không chỉ gây hậu quả nghiêm trọng tại Myanmar mà còn ảnh hưởng đến nhiều khu vực khác, đặc biệt là thủ đô Bangkok của Thái Lan. Tại đây, một tòa nhà cao 33 tầng đang được xây dựng bởi một công ty Trung Quốc đã sập hoàn toàn gần khu chợ Chatuchak nổi tiếng. Vụ việc khiến 6 người thiệt mạng, 26 người bị thương và 47 người vẫn đang mất tích. Chính quyền thành phố đã huy động thêm thiết bị hạng nặng để tìm kiếm người sống sót dưới đống đổ nát.
Nhiều người thân của các nạn nhân đã tụ tập tại hiện trường trong nỗi tuyệt vọng. Bà Naruemol Thonglek, 45 tuổi, bật khóc khi chia sẻ rằng bạn đời người Myanmar của bà và 5 người bạn cùng làm tại công trường đã mất tích. Bà nói: “Tôi cầu nguyện rằng họ còn sống, nhưng khi nhìn thấy cảnh tượng này, tôi không thể chấp nhận được.”
Tương tự, bà Waenphet Panta cho biết chưa liên lạc được với con gái Kanlayanee từ một giờ trước khi trận động đất xảy ra. Bà chia sẻ: “Tôi hy vọng con tôi đang ở bệnh viện, rằng nó đã sống sót.” Người cha của Kanlayanee ngồi lặng bên cạnh, không giấu nổi lo lắng.
Bè bạn quốc tế hỗ trợ
Các chuyên gia địa chấn cho biết Myanmar nằm trên đới đứt gãy Sagaing, nơi thường xuyên xảy ra các trận động đất mạnh. Ông Brian Baptie, nhà địa chấn học thuộc Cơ quan Khảo sát Địa chất Anh, nhận định rằng một đoạn dài 200 km của đới đứt gãy đã bị trượt trong vòng hơn một phút, với mức độ dịch chuyển lên tới 5 mét ở một số điểm. Sự rung chuyển dữ dội xảy ra tại khu vực có dân cư đông đúc, chủ yếu sống trong các công trình xây dựng bằng gạch không gia cố và gỗ, đã dẫn tới hậu quả nghiêm trọng.
Cùng lúc đó, chính quyền Myanmar cũng thông báo rằng nguồn máu đang cạn kiệt tại các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề. Dù trong quá khứ từng từ chối sự giúp đỡ từ bên ngoài, lần này người đứng đầu chính quyền quân sự Myanmar, ông Min Aung Hlaing, tuyên bố nước này sẵn sàng tiếp nhận viện trợ quốc tế.
Phản ứng trước thảm họa, nhiều quốc gia đã nhanh chóng gửi hỗ trợ. Trung Quốc điều một đội cứu hộ gồm 37 người từ tỉnh Vân Nam đến Yangon cùng với thiết bị dò tìm và máy bay không người lái. Nga cũng gửi hai máy bay chở 120 nhân viên cứu hộ và hàng cứu trợ. Ấn Độ cử đội tìm kiếm, cứu nạn và một nhóm y tế cùng với lương thực, thuốc men đến Myanmar. Bộ Ngoại giao Malaysia thông báo sẽ điều 50 người đến các khu vực bị ảnh hưởng vào Chủ nhật.
Hàn Quốc cho biết sẽ viện trợ nhân đạo trị giá 2 triệu USD thông qua các tổ chức quốc tế và sẽ xem xét hỗ trợ thêm nếu cần thiết. Liên Hợp Quốc đã phân bổ 5 triệu USD để khởi động các hoạt động cứu trợ khẩn cấp.
Từ phía Hoa Kỳ, ông Donald Trump tuyên bố nước này sẽ hỗ trợ Myanmar đối phó với thảm họa. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại rằng các khoản cắt giảm viện trợ quốc tế dưới thời ông Donald Trump sẽ làm suy yếu năng lực phản ứng của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ. Trong thời gian qua, việc giảm ngân sách đã buộc nhiều tổ chức phi chính phủ phải ngừng hoạt động tại Myanmar, ngay cả khi nhu cầu nhân đạo đang gia tăng chóng mặt.