MỘT Ý KIẾN NHỎ VỀ NHÂN CÁCH HỒ QUÝ LY

Hiểu Hồ Quý Ly cho đúng, quả là điều khó khăn, bởi vì khen hay chê ông thì từ xưa đến nay hầu như vẫn còn là một cuộc tranh luận chưa thể chấm dứt được. Theo tôi, để hiểu ông, chúng ta cần tìm đến một “điểm tựa”. Và tôi đã dựa vào sự đánh giá ông của Nguyễn Trãi, bởi hai lẽ:
Một là, chúng ta không nghi ngờ gì về nhân cách của Nguyễn Trãi, một nhà văn hóa vĩ đại. Sự khen chê của ông rất sáng giá, nó được soi chiếu qua nhân cách của ông.
Hai là, Nguyễn Trãi hiểu Hồ Quý Ly và vương triều Hồ hơn hẳn chúng ta, hơn hẳn tất cả các sĩ phu đương thời, vì ông là cháu ngoại của quan Tư đồ Trần Nguyên Đán. Hai cha con ông với vương triều Hồ lại là người “trong cuộc” nên mọi diễn biến của vương triều ấy từ lúc khởi đầu cho đến lúc kết thúc, ông đều tận mắt chứng kiến.
Bởi vậy, nếu ai đó không thực sự tin cậy vào sự đánh giá của ông về Hồ Quý Ly thì cũng không thể nào coi thường sự đánh giá này.
Vậy Nguyễn Trãi đã đánh giá Hồ Quý Ly như thế nào? Về điều này, ai cũng biết: ông coi Hồ Quý Ly là anh hùng.
“Anh hùng di hận kỷ thiên niên”
Không thể coi một con người hèn nhát, nhất là lại hèn nhát trước quân thù của đất nước là anh hùng. Cũng không thể coi một con người lấy thủ đoạn tàn ác để tiến thân, mưu đoạt đến đỉnh cao của quyền lực để hưởng thụ cho bản thân và cho dòng họ là anh hùng.
Chỉ có thể coi một con người là anh hùng, khi con người đó theo đuổi một sự nghiệp thiêng liêng, cao cả, sống chết với sự nghiệp ấy, bất luận thành bại.
Lấy Nguyễn Trãi làm “điểm tựa”, chúng ta có thể hiểu rằng Hồ Quý Ly đã có một sự nghiệp: đó là công cuộc cải cách đất nước. Ông đã theo đuổi sự nghiệp lớn lao ấy trong suốt đời mình, nhằm tạo dựng nên một Nhà nước cường thịnh. Vì vậy ông xứng đáng được chúng ta suy tôn anh hùng.
Tôi nghĩ rằng chúng ta nên tiếp cận công cuộc cải cách của Hồ Quý Ly theo hướng này.
Tuy nhiên, Hồ Quý Ly cũng có điều đáng trách. Ông đã để mất nước vào tay bọn phong kiến phương Bắc, để dân tộc ta rơi vào hiểm họa diệt vong lớn đến nỗi tưởng chừng như không thể nào cứu vãn được. Ông đã chưa nhận thức được rằng một Nhà nước phong kiến phương Đông dựa trên cơ sở làng xã (công xã nông thôn), thì nó không thể nào đứng vững, nếu không tranh thủ được sự ủng hộ của người dân làng xã.
Cũng phải đợi đến lúc khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi thì Nguyễn Trãi mới có thể nhận thức sâu sắc về nguyên nhân thất bại của Hồ Quý Ly. Người anh hùng dân tộc Lê Lợi đã làm được điều mà trước đó Hồ Quý Ly không làm nổi. Theo dõi sự nghiệp của Lê Lợi, từ trong trứng nước cho đến lúc thành công, chúng ta thấy mọi hành vi, hành động của ông đều nhằm bảo vệ dân, không gây phiền nhiễu cho dân, tôn trọng dân, thân dân, kết nghĩa với dân. Chính vì thế, từ tay không, Lê Lợi đã tạo dựng một sự nghiệp lớn lao, giành lại được giang sơn, đập tan được hiểm họa diệt vong của dân tộc, xây dựng được một cơ đồ xán lạn đến mức mà Nguyễn Trãi đã đặt Lê Lợi cao hơn cả những anh hùng cái thế của người Hán, cao hơn cả Lưu Bang, Câu Tiễn, đứng ngang hàng với Nghiêu, Thuấn là những vị anh hùng lí tưởng của Hán tộc.
Đây cũng là một điều đáng để suy ngẫm khi chúng ta muốn đánh giá một cách toàn diện về Hồ Quý Ly và vương triều Hồ.
Trích từ sách “Họ Hồ và Hồ Quý Ly trong lịch sử”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *