Chuyển chủ đề sang Lịch sử và Hội họa tí các bác nhé!
Một người bạn vừa nhắn tin hỏi về một bài đăng hôm nay, 29/4/2020, trên báo điện tử kienthuc.net.vn của tác giả Tâm Anh. Bài báo có tên “Kinh hãi Sa hoàng Nga hung bạo đánh con dâu, giết con trai” ( ảnh chụp). Bài báo mô tả:
“Ivan Khủng khiếp hay Ivan Bạo chúa là Sa hoàng hung bạo khét tiếng lịch sử Nga. Ông hoàng này tra tấn, giết hại nhiều người. Thậm chí, ông còn đánh con dâu đến sảy thai và giết con trai cả trong lúc tức giận”.
Úi chà chà, thế cơ à?
Xin chia sẻ một bài viết của mình mấy năm trước về vị vua này và nỗi oan của ông trong miệng lưỡi người đời. Bài viết sử dụng các nguồn sử liệu nghiên cứu của các chuyên gia Nga có uy tín
“Bức “Ivan Hung đế và con trai Ivan 16/11/1581” (Иван Грозный и сын его Иван 16 ноября 1581 года)là một tác phẩm nổi tiếng của danh họa Nga Ilya Repin. Năm 2016, khi đến thăm Bảo tàng Tretyakov ở Moskva sau 31 năm, mình đã đến xem lại kiệt tác này.
Bức tranh mô tả một thời khắc khủng khiếp trong cuộc đời Sa hoàng Ivan Hung đế: sau khi ngộ sát con, Ivan Hung đế liền ôm lấy hoàng tử Ivan với đôi mắt thất thần, vẻ mặt đầy sám hối. Hoàng tử Ivan nằm quỵ trên thảm, giờ phút hấp hối, mắt vẫn tràn lệ, dưới chân là cây thương mũi nhọn…Ánh sáng được rọi từ bên phải sang, không mạnh, nhưng đủ nổi bật các nhân vật chính trên nền tối thẫm của tranh. Phải chăng, đó là buổi chiều tà?
Lúc bấy giờ, và thậm chí cho đến nay, vẫn lưu truyền câu chuyện cho rằng Sa hoàng Ivan Hung đế vô cùng khát máu. Đến con trai, là người thừa kế ngôi vua ông ta còn giết, nói gì đến với dân chúng Nga nói chung.
Repin vẽ bức tranh này trong 3 năm 1883-1885, theo những gì ông được nghe thấy về thảm kịch này. Khi nhìn thấy, giáo chủ Konstantin Pobedonostsev của Hội đồng Giám mục liền nói ngay bức tranh vẽ không đúng sự thật: Ivan Hung đế không hề giết con trai.
Từ ngày 1/4/1885, bức tranh bị cấm treo. Đến tháng 7 cùng năm, do có nhiều ý kiến tranh cãi khác nhau, lệnh cấm mới được dỡ bỏ.
Hồi bé, mình đã từng được xem bức tranh này in ở bìa 3 cuốn tạp chí khổ nhỏ Sputnik. Rồi khi mới sang Moskva năm 1985, đã đến Tretyakov xem được Mùa thu vàng của Levitan, Người đàn bà xa lạ của Kramskoi, Ca tụng chiến tranh của Vereshagin… rồi bức tranh trên. Suốt nhiều năm qua mình vẫn tin rằng giai thoại đẫm máu kia là có thật…Nghĩ thế, vì vẫn chưa biết được những thông tin dưới đây mà gần đây mới đọc được trên báo của Nga, xin tóm lược chia sẻ.
Năm 1963, tức gần 400 năm sau cái chết của hoàng tử Ivan Ivanovich và cha mình, các nhà khoa học Xô viết quyết định trưng cầu giám định y khoa các hài cốt.
Họ đã tiến hành khai quật mộ 2 cha con Sa hoàng ở Nhà thờ Arkhanghensky nằm trong khu vực điện Kremli và đem di cốt của họ gửi đi giám định pháp y.
Các số liệu giám định pháp y cho thấy trong hài cốt của hoàng tử Ivan có hàm lượng thủy ngân vượt quá 32 lần cho phép, hàm lượng chì và asen tăng cao một cách bất thường. Điều này cho phép suy đoán hoàng tử Ivan đã bị ai đó đầu độc.
Điều này thêm một nữa khẳng định ý kiến của nhà sử học Nikolai Likhachev đưa ra từ năm 1903. Theo đó, Likhachev cho rằng hoàng tử Ivan đã ốm nặng 11 ngày trước khi chết. Cái chết của con trai-người nối ngôi vua đã giáng một đòn mạnh vào vua cha khiến ông suy sụp tinh thần và sức khỏe, qua đời sau con trai hơn 2 năm.
Như vậy “huyền sử” Ivan Hung đế giết con đã được hóa giải.
Nói thêm, về biệt danh của vị Sa hoàng này vẫn bị dịch nhầm sang tiếng Việt là Ivan Hung đế, Lôi đế, hay Bạo chúa. Trong tiếng Nga cổ, biệt danh Грозный của vị vua này đồng nghĩa với Великий (vĩ đại). Thực tế, dưới triều đại của ông, nước Nga đã trở nên một quốc gia hùng mạnh, khi ông sáp nhập các Hãn quốc Kazan và Astrankhan, củng cố và tái thiết quân đội, đưa ra nhiều quốc sách để phát triển mạnh mẽ văn hóa, giao thương với nước ngoài …
Về luật pháp, vị Sa hoàng này không hề tỏ ra quá cứng rắn, mà trái lại, tỏ ra khá mềm mỏng so với các nước phương Tây thời đó. Không một án tử hình nào mà không được ông phê chuẩn và thực tế ông đã ân xá khá nhiều án tử, cho các tội danh đáng ra phải tử hình dù bất cứ lý do nào…
Sa hoàng Ivan Hung đế cũng nằm trong số không nhiều các vị vua Nga đã đi vào các câu chuyện cổ tích mà dân gian đã sáng tác ra sau khi băng hà. Trong các câu chuyện này, Ivan Hung đế không hề là một vị vua cường bạo khát máu, mà là một vị vua rất anh minh.
Chẳng thế sao mà mùa thu 2016, một cuộc thăm dò dư luận xã hội do Qũy “Dư luận xã hội”(ФОМ) về Sa hoàng Ivan Hung đế (tạm gọi là vậy vì đã trót gọi ở trên hehe ) đã cho thấy 71% người đánh giá tích cực về ông, thậm chí 65% còn muốn được dựng tượng ông ở địa phương của mình.
Ngạn ngữ Italia có câu “Để nhìn thấy sự oan sai, hà tất phải dùng đèn”. Cùng với thời gian, nhiều điều oan trái đã được giải. Lãnh tụ Stalin đã từng nói:” “Tôi biết rằng sau khi tôi qua đời, sẽ có những kẻ mang nhiều rác rưởi tới phủ lên mộ của tôi. Nhưng rồi ngọn gió của lịch sử sẽ thổi bạt tất cả những thứ rác rưởi đó”. Những điều bịa đặt về ông từ mấy chục năm trước đã dần được hóa giải, để giờ đây, qua nhiều cuộc thăm dò dư luận xã hội mới nhất, Stalin đã quay trở lại là một trong những lãnh tụ Xô-viết được người dân Nga yêu quý nhất trong suốt chiều dài lịch sử của Liên Xô.
Ilya Repin là một họa sĩ tài năng. Có thể có những ai không nhớ tên ông, nhưng nhớ các kiệt tác “Những người kéo thuyền trên sông Volga”, “Không ai chờ đợi”, “Những người Zaporozhe viết thư cho vua Thổ”…Và tất nhiên. “”Ivan Hung đến và con trai Ivan 16/11/1581”.
Cái “tội” của kiệt tác mới nhắc đến, là làm cho người xem sững sờ, rồi bị thôi miên và ám thị với các nhân vật trong tranh mà quên mất, đó không phải là sự thật”
Một vị vua anh minh đến nay, dù đã có những chứng cứ thuyết phục rành rành từ lâu, vẫn cứ tiếp tục bị bôi đen như thế đấy !
?Bổ sung thông tin ngoài lề:
Ngayf 25/5/2018, Igor Podporin, 37 tuổi, đến từ thành phố Voronezh khi thăm Bảo tàng tranh danh tiếng Tretyakov ở thủ đô Moskva đã đập vỡ tấm kính bảo vệ rồi rạch nhiều nhát lên kiệt tác “Ivan Hung đế và con trai” của danh họa Nga Ilya Repin.
Các chuyên gia cho biết thiệt hại gây ra khoảng 30 triệu rúp. Tay phá hoại đã bị bắt giam. Thằng điên này có lẽ muốn được lưu danh thiên cổ chăng?
Phan Việt Hùng