“…Lúc ấy sẽ có nhiều ác tì-kheo phóng túng, buông lung, bè đảng chúng ma hủy hoại chính pháp, tự tạo kinh luận, kệ tán khen ngợi, lấy sai làm đúng, lấy đúng làm sai, sao lược, thêm bớt, … hủy hoại, rối loạn mùi vị chính pháp, khiến cho giáo pháp trở nên nhạt nhẽo, lại thêm vào đó những thuyết tà đạo, văn tự bất chính. Những người mê lầm thụ học kinh điển cũng không tôn trọng, cung kính cúng dường, trong lòng giữ lấy những điều tà siểm, vì tham lợi dưỡng cho nên bày vẻ hình tướng pháp lạc…”
Ở trên là những lời Phật nói về một tương lai mạt pháp trong kinh Đại Bát Niết Bàn (bản dịch của Pháp Hiển). Có vẻ như tương lai này thể hiện khá rõ và khá sớm đối với Trung Quốc khi mà không lâu sau khi có những bản dịch kinh Phật đầu tiên thì kinh giả dường như cũng bắt đầu xuất hiện. Trung Quốc là cái tên có duyên với chữ giả.
Khi biết tình hình này, các học giả thời bấy giờ đã cố gắng thống kê và phân loại các bộ kinh, qua đó mà phát hiện và, bằng cách chỉ ra những bộ kinh giả, sẽ ngăn cản việc những bộ kinh giả này được sao chép, lưu truyền, khiến chúng dần dần tự biến mất, vì lúc đó chưa có công nghệ in ấn hàng loạt.
Kinh giả ở đây được hiểu ở phạm vi hẹp là loại kinh nội địa Trung Quốc nhưng lại nói là kinh xuất phát từ nguồn tư liệu ngoại quốc hoặc nguồn gốc không rõ ràng. Chúng ta không bàn đến các loại kinh giả không có nguồn gốc Trung Quốc.
Những nhà thống kê này phân loại kinh ra thành một số mục, trong đó có nghi kinh (loại kinh đáng ngờ), ngụy kinh (loại kinh giả), và sao kinh. Trong ba loại này thì sao kinh là loại kinh rút ngọn của kinh thật. Do kinh thật dài và khó hiểu, nhiều người đã chép lại những nội dung cốt yếu của kinh thật thành một bản ngắn gọn, súc tích và dễ hiểu. Tuy nhiên, có vẻ như sao kinh này sau đó có phần biến tướng, việc cô đọng lại kinh thật hoặc không còn mang tính khách quan, hoặc cẩu thả dẫn đến sai lệch ý nghĩa kinh thật và nhiều khi bị thêm thắt. Tiếp theo xin giới thiệu một số bộ danh mục thống kê kinh Phật và phương pháp phân loại mà các nhà thống kê dùng để phát hiện kinh giả.
Tổng Lý Chúng Kinh Mục Lục (Đạo An, năm 374)
Kinh Phật nội địa lần đầu tiên xuất hiện trong bộ kinh lục này của Đạo An, tổng cộng 26 tựa được xếp vào nghi kinh. Đạo An nói những bộ kinh này không phải là kinh Phật, nhưng ông không đề cập cụ thể về việc làm sao để ông phân biệt được chúng. Chúng ta chỉ có thể giả định ông dựa vào hiểu biết là kinh nghiệm cá nhân.
Xuất Tam Tạng Ký Tập (Tăng Hựu, năm 515)
Đây là bộ kinh lục hoàn chỉnh sớm nhất còn tồn tại cho đến giờ. Phần kinh nội địa có 24 tựa, cộng với 26 tựa của Đạo An tổng cộng là 70 tựa, trong số này có 6 tựa là sao kinh (có 46 sao kinh khác được đưa vào danh sách sao kinh và hơn 450 sao kinh đưa vào danh sách dịch giả vô danh). Phần bình của Tăng Hựu trong bộ kinh lục có giải thích cách mà ông phát hiện ra các bộ kinh giả. Thứ nhất ông dựa vào văn phong và nội dung của các bộ kinh, ông cho rằng kinh thật thì trôi chảy, thuyết phục và sâu sắc trong khi kinh nhái thì nông cạn và thô thiển. Một ví dụ về kinh kiểu này là bộ Phật Bát Kinh. Thứ hai ông dựa vào bằng chứng bên ngoài, kinh thật sẽ có bằng chứng về việc được truyền từ ngoại quốc vào trong khi kinh giả thì chưa từng được nghe kể về những bằng chứng ấy. Cách này có vẻ không chính xác bởi nhiều kinh được dịch từ ngoại quốc đã lưu truyền mà thiếu những thông tin về nguồn gốc ngay từ thời Đạo An. Một tiêu chuẩn khác được Tăng Hựu sử dụng nhưng không nhắc đến trong bình luận đó là những bộ kinh mà ông ghi rõ tên của tác giả Trung Quốc, ngày tháng biên soạn, một số còn có cả địa điểm biên soạn cụ thể. Những bộ kinh này thì rõ ràng là kinh nội địa. Một ví dụ rất rõ ràng về kinh loại này là trường hợp những kinh được viết bởi Ni Tử (Tăng Pháp). Từ năm 9 tuổi cô bé Ni Tử đột nhiên bắt đầu đọc kinh chẳng biết từ đâu ra, đến năm 16 tuổi thì số bộ cô tự đọc ra đã lên đến 26 bộ.
Chúng Kinh Mục Lục (Pháp Kinh và những người bạn, năm 594)
Bộ kinh lục này được thực hiện dưới sự bảo trợ của Tùy triều gồm 20 trưởng lão tham gia với Pháp Kinh đứng đầu, liệt kê tất cả 197 bộ kinh nội địa. Bộ kinh lục này có sự tiến bộ là phân loại riêng nghi kinh và ngụy kinh chứ không còn dùng nghĩa lẫn lộn như những bộ kinh lục trước. Nghi kinh có khoảng 21 tựa được nhặt ra với hai tiêu chí chính: một là không nhất quán về tên dịch giả và thời gian dịch (qua so sánh với các bộ kinh lục khác), và hai là có nội dung đáng ngờ. Phần bình luận nói rằng những bộ kinh kiểu này cần phải được điều tra thêm. Những bộ ngụy kinh thì được phát hiện dựa vào cấu trúc và nội dung. Ngụy kinh có nội dung, khái niệm và thực hành về bản chất mang đặc điểm của toàn Trung Quốc và mang xu hướng phổ thông. Tuy nhiên, một số bộ kinh có nội dung tiên đoán về sự giáng thế của bồ tát hoặc Phật Di Lặc trong tương lai gần cũng được xếp vào ngụy kinh làm dấy lên câu hỏi về tính khách quan của những người biên soạn. Bởi vì để cho dân chúng tin vào sự xuất hiện của một vị cứu thế là việc nguy hiểm cho giới cầm quyền, cộng thêm việc bộ kinh lục này được soạn dưới sự bảo trợ của triều đình thì liệu rằng sự phân loại này có phản ánh đúng vấn đề của giới tăng lữ hay còn bị ảnh hưởng bởi vấn đề chính trị?
Một điểm khác biệt lớn nữa là bộ kinh lục này đặt các sao kinh không có người dịch ở bộ của Tăng Hựu vào phần ngụy kinh và gọi tên mới là biệt sinh để phân biệt sách loại này với kinh. Pháp Kinh và đồng nghiệp rất phê phán Tăng Hựu vì xếp sách loại này vào nhóm kinh dịch có giả vô danh.
Lịch Đại Tam Bảo Ký (Phí Trường Phòng, năm 597)
Bộ kinh lục này độc nhất ở chỗ nó không có mục riêng cho kinh nội địa. Danh mục của Phí bỏ qua gần một nửa ngụy kinh liệt kê trong bộ Chúng Kinh Mục Lục, số còn lại thì cho vào một trong hai mục, hoặc theo niên đại hoặc theo chủ đề. Chỉ có ba bộ kinh được Phí cho rằng của Trung Quốc.
Quyển đầu tiên là Đề Vị Ba Lợi Kinh có chứa những khái niệm Trung Quốc, ví dụ như ngũ phương, ngũ hành. Quyển thứ hai Tát Bà Nhược Đà Kinh lấy theo thông tin của Tăng Hựu, kinh này được viết bởi sư Diệu Quang đã thú nhận. Quyển thứ ba Chiêm Sát Kinh Phí bình luận nêu lý do rằng quyển này đã được Pháp Kinh cho vào mục ngụy kinh và bị triều đình cấm lưu truyền. Những bộ sao kinh trong Xuất Tam Tạng Ký Tập và nghi kinh trong Chúng Kinh Mục Lục được Phí quyết định không cho vào nhóm kinh thật hay ngụy kinh. Tám mươi tám ngụy kinh trong Chúng Kinh Mục Lục được Phí cho vào nhóm kinh thật mà không nêu rõ nguồn gốc. Những cuốn khác thì dựa trên những dữ liệu mà lạ thay không còn tồn tại. Những điều này đặt ra nghi vấn rằng dường như Phí không có mục đích phân biệt kinh thật kinh giả mà chỉ muốn tăng mạnh uy tính của kinh Phật. Có thể là do phản ứng lại với sự tăng mạnh kinh sách của tôn giáo đối nghịch lúc bấy giờ là Đạo giáo.
Chúng Kinh Mục Lục (Ngạn Tông và những người bạn, năm 602)
Đây là bộ thứ hai được soạn dưới sự bảo trợ của nhà Tùy với mục đích sửa lỗi những thiếu sót của bản cũ, cụ thể là bản cũ không phân biệt kinh hiện còn và không còn khiến cho việc thiết lập hệ thống kinh điển gặp khó khăn. Bộ kinh lục này không xếp riêng nghi kinh và ngụy kinh mà cho chung vào một mục nghi–ngụy kinh tổng cộng 209 tựa bao gồm một số sao kinh. Một số nghi kinh và ngụy kinh trong bộ của Pháp Kinh được xếp lại vào mục kinh thật như Phạm Võng Kinh, Nhân Vương Kinh, và Đại Thừa Khởi Tín Luận. Một số mục thì giống với Lịch Đại Tam Bảo Ký, không có thông tin rõ ràng về lý do phân loại.
Đại Đường Nội Điển Lục (Đạo Tuyên, năm 664)
Đạo Tuyên là một bậc thầy nổi tiếng về Luật tạng. Ông bỏ hoặc phân loại lại gần một nửa trong số 55 sách nghi hoặc của Chúng Kinh Mục Lục bản đầu và cuối cùng xếp được 183 tựa vào mục Nghi-ngụy kinh và luận, ít hơn so với cả 2 bản Chúng Kinh Mục Lục (lần lượt là 197 và 209). Cá nhân Đạo Tuyên thấy rất bất bình với sự lưu truyền của kinh giả và thấy mình có trách nhiệm chấm dứt sự suy đồi của Phật giáo này. Ông bị ảnh hưởng bởi thuyết về thời mạt pháp. Ở thời của ông, những ý tưởng về mạt thế rất thịnh hành và bất cứ một sự suy đồi nào về pháp cũng có thể dễ dàng bị phân tích thành dấu hiệu cho thấy thời mạt pháp đã đến.
Phần bình luận của Đạo Tuyên giải thích về nguyên tắc cấu thành ngụy kinh: chúng bao gồm những tập quán phổ biến, những yếu tố của Đạo giáo, thể hiện cảm xúc con người thế tục, hoặc liên quan đến những sinh hoạt thế gian hơn là tiến bộ tâm linh. Từ đó ông nhận thấy mục đích của kinh nội địa là nhằm cải đạo thường dân thành Phật tử. Đạo Tuyên cũng nêu rõ mức độ hiện tại của việc lưu truyền kinh giả “Chúng hưng thịnh ngay tại chỗ tôi ở.” Mặc cho những nỗ lực phân loại trước đây, kinh giả vẫn được sao chép và lưu hành hết sức sôi nổi, một số còn tìm được lối vào trong những bộ sưu tập kinh tạng chính thống.
Đại Châu San Định Chúng Kinh Mục Lục (Minh Thuyên và những người bạn, năm 695)
Đại Châu Lục là bộ kinh lục chính thức biên soạn bởi 70 sư tăng đứng đầu là Minh Thuyên dưới sự bảo trợ của Võ Tắc Thiên. Phần bình luận nói chung không có gì mới, tất cả kinh nội địa được cho hết vào ngụy kinh gồm 231 tựa, trong đó có 110 tựa là mới so với các bộ kinh lục trước. 121 tựa cũ ít hơn Chúng Kinh Mục Lục vì việc loại ra các sao kinh và chấp nhận không nghi ngờ cách phân loại của Phí Trường Phòng trước đây.
Điểm nổi bật nhất của bộ Đại Châu Lục có sẽ là về số lượng: 3616 tựa, nhiều hơn khoảng 60% các bộ kinh lục trước. Sau này Chí Thăng phát hiện ra rằng phần lớn số lượng văn bản và quyển đã được phóng đại, không hề có nền tảng thực tế.
Việc chấp nhận danh sách vô căn cứ của Phí Trường Phòng và nâng cao số lượng tựa sách này dường như để gây ấn tượng và lôi kéo ảnh hưởng chính trị của Võ Tắc Thiên, một Phật tử nhiệt thành. Antonino Forte cho rằng chính những Phật tử là những người chịu trách nhiệm cho việc soạn ra hai bộ Đại Vân Kinh và Bảo Vũ Kinh, những bộ kinh đã cung cấp ý tưởng biện hộ cho việc chiếm ngôi của Võ Tắc Thiên. Thực tế, lời giới thiệu của bộ kinh lục này cũng ca ngợi Võ Tắc Thiên như một vị chuyển luân vương. Những kinh sách của Tam Giai Giáo được xếp vào mục kinh bản địa cũng là kết quả từ án lệnh của Võ Tắc Thiên chứ không phải qua điều tra từ chúng tăng.
Khai Nguyên Thích Giáo Lục (Chí Thăng, 730)
Khai Nguyên Thích Giáo Lục được coi là bộ kinh lục đơn quan trọng nhất về vai trò trong lịch sử xuất bản kinh Phật Đông Á, là cơ sở cho nội dung và sắp xếp của những bộ kinh về sau thời Hậu Đường. Đặc biệt quan trọng là ảnh hưởng của nó lên việc in kinh sau này.
Đặc điểm nổi bật của bộ kinh lục này là sự sắp xếp hoàn hảo, loại bỏ những khác biệt giữa hai cách sắp xếp theo niên đại và theo chủ đề trước đây. Trong mục ngụy kinh có 406 tựa, chia làm hai mục phụ là ngụy kinh và kinh còn có nghi ngờ (14 tựa). Chí Thăng dựa vào việc phân tích nội dung để phân loại kinh, ông ghi chú rằng nghi kinh dạy những điều trái ngược và liên quan đến cảm xúc con người, và nếu như không chắc chắn về kinh nào thì không nên xếp nó vào mục kinh thật, điều này ông nói rằng ông dựa theo lời Phật trong Tăng Chi Bộ Kinh:
“Ðương nhiên, này các Kālāma, các Ông có những nghi ngờ! Ðương nhiên, này các Kālāma, các Ông có những phân vân… Này các Kālāma, chớ có tin vì nghe báo cáo, chớ có tin vì nghe truyền thuyết; chớ có tin vì theo truyền thống; chớ có tin vì được kinh điển truyền tụng; chớ có tin vì lý luận suy diễn; chớ có tin vì diễn giải tương tự; chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dữ kiện; chớ có tin vì phù hợp với định kiến; chớ có tin vì phát xuất từ nơi có uy quyền, chớ có tin vì vị Sa-môn là bậc đạo sư của mình.”
Yếu tố đầu tiên để chỉ ra ngụy kinh là đã biết rõ tác giả, ví dụ như Cao Vương Quán Thế Âm Kinh(kinh này vẫn đang lưu truyền ở Việt Nam). Tiêu chuẩn thứ hai đến từ bản thân văn bản, ví dụ như Du Già Pháp Kính Kinh được gán cho Bồ Đề Lưu Chí dịch, hoặc Xả Thân Kinh được gán cho Huyền Trang dịch nhưng Chí Thăng chỉ ra rằng không phải. Tiêu chuẩn thứ ba Chí Thăng sử dụng kết hợp cả đánh giá các yếu tố trong ngoài: những xem xét về mặt xã hội, chính trị, ví dụ như những cuốn kinh về việc Phật Di Lặc sắp xuất hiện (mà Chí Thăng chỉ ra rằng không đúng vì Phật Di Lặc chỉ xuất hiện khi Phật pháp hiện tại hoàn toàn biến mất) hay những cuốn kinh thuộc về Tam Giai Giáo. Mục ngụy kinh kết thúc với 54 kinh thuộc loại sao kinh mà Chí Thăng nói rằng có sự pha trộn những học thuyết lẫn lộn.
Trong khi những bộ kinh lục trước chỉ dừng lại ở việc phác họa các tiêu chuẩn đánh giá thì Chí Thăng ít nhất đã cung cấp những tiêu chuẩn khá chính xác đánh dấu một sự cải tiến vượt bậc. Dù vậy, cuộc chiến với nạn kinh giả vẫn còn nhiều khó khăn trở ngại. Quay trở lại với đoạn trích ở đầu bài, liệu có ai tự hỏi rằng có khi nào kinh giả lại tự dự đoán trước về sự xuất hiện của chính nó, hay kinh fake loại 1 đang báo trước về sự xuất hiện của kinh fake loại 2, loại 3…?
_____________________
Nguồn tham khảo:
Chinese Buddhist Apocrypha – Robert E. Buswell
Phật Thuyết Đại Bát Nê Hoàn Kinh – Pháp Hiển dịch Hán, Thích Nguyên Hùng dịch Việt
Tăng Chi Bộ Kinh – Thích Minh Châu dịch Việt