1. “Người chưa từng vừa ăn vừa khóc thì chưa được nếm vị cuộc đời.”
* Xuất xứ:
– Tác giả Johann Wolfgang von Goethe (Đức)
* Nội dung:
Câu nói này của Goethe phải nói là kinh điển, phạm vi sử dụng trong lúc làm bài cũng rất rộng, thích hợp với các chủ đề trải nghiệm, nỗi đau, cuộc sống, vân vân. Có thể viết như sau:
“Tuổi còn trẻ đã sa sút ý chí, ca thán đời người chẳng qua là vậy, thậm chí cảm thấy không còn gì luyến tiếc, chuyện này thật hoang đường. Phải biết bạn chưa hề chạm đến tận cùng, cuộc đời còn quá dài, bao nhiêu con đường chưa đi qua, bao nhiêu ngọn núi chưa chinh phục, vô vàn thơ ca cùng những chân trời chưa từng trải nghiệm, năm tháng bãi bể nương dâu có bao giờ lĩnh hội tới… Bạn chưa đi đủ xa thì chưa thể than đường sao dài quá. Bạn chưa từng vừa ăn vừa khóc thì thực tế bạn chưa hề nếm vị cuộc đời.”
2. “Người dám tự thiêu giữa dòng thời gian, tất sẽ kết tinh cùng với vĩnh hằng.”
* Xuất xứ:
– Tác giả Dư Quang Trung (Trung Quốc)
– Tác phẩm “Tiêu dao du”
* Nội dung:
“Tự thiêu giữa dòng thời gian” tức là đốt cháy bản thân, hiến dâng ánh sáng và nhiệt huyết.
“Kết tinh cùng với vĩnh hằng” chính là được mọi người ghi nhớ, mãi mãi không quên.
Câu nói này có phạm vi áp dụng khá rộng, trong các chủ đề dâng hiến, hi sinh bản thân cùng các chủ đề vĩ mô khác đều dùng được. Ví dụ như khi đề ra về chủ đề cống hiến, có thể viết như sau:
“Thiêu đốt chính mình, chiếu sáng người khác chính là tinh thần lớn lao của cống hiến. Lòng vị tha có thể sưởi ấm người khác, đồng thời cũng là thành tựu của bản thân, bất kể ra sao, người có can đảm tự thiêu giữa dòng thời gian, tất sẽ kết tinh cùng với vĩnh hằng.”
(Từ “vị tha” nguyên nghĩa là “sống vì mọi người, biết suy nghĩ cho người khác”, không phải là “tha thứ” như một số học sinh ngày nay thường dùng)
3. “Ngày sau nếu không còn đuốc lửa, ta sẽ làm ánh sáng riêng ta.”
* Xuất xứ:
– Tác giả Lỗ Tấn (Trung Quốc)
– Tác phẩm “Gió nóng”
* Nội dung:
Thích hợp dùng cho chủ đề dâng hiến, trước tiên vì mọi người sau mới vì mình, ánh sáng của sự hy sinh, vân vân. Khi làm bài, có thể viết như sau:
“Mong những người trẻ ngày nay có thể cùng nhau thoát ra khỏi vũng lầy trì trệ, bước về phía trước, chớ nghe lời của kẻ cam chịu. Biết việc thì làm việc, biết tri thức thì lên tiếng, một chút nhiệt độ cũng có thể sưởi ấm, đom đóm cũng có thể thắp lên một điểm sáng trong màn đêm, không cần chờ đợi ngọn đuốc nữa. Ngày sau nếu không còn đuốc lửa, ta hãy cứ làm ánh sáng riêng ta.”
4. “Thứ áp đảo con người không phải sức nặng, mà là đời nhẹ khôn kham.”
* Xuất xứ:
– Tác giả Milan Kundera (Tiệp Khắc)
– Tác phẩm “Đời nhẹ khôn kham”
* Nội dung:
Thích hợp dùng trong chủ đề đảm đương trách nhiệm. Có thể viết như sau:
“Thuyền đi trên biển, khi gặp phải bão táp, thuỷ thủ có kinh nghiệm nhất định sẽ để nước tràn vào két nước dằn (ballast tank) trên khoang. Thuyền chịu sức nặng càng lớn, hãm nước càng sâu càng khó bị sóng gió lật úp. Con người cũng vậy, cần học được cách gánh vác, chịu nhịn tiến về phía trước. Bão tố biển khơi chỉ lật đổ được thuyền trống, gió trong khe núi chỉ thổi rạp cỏ lau. Tất cả cho chúng ta thấy một điều, thứ áp đảo con người không phải sức nặng, mà là đời nhẹ khôn kham.”
5. “Dùng đạo đức để tự hạn chế hiệu quả hơn tất thảy pháp luật, dùng đạo đức để phê phán người tệ hơn mọi thứ tư hình.”
(Tư hình là sự trừng phạt ngoài vòng pháp luật bởi một hội nhóm không chính thức. Từ này thường được sử dụng để mô tả xử tử công khai không chính thức bởi một đám đông, thường bằng cách treo cổ, để trừng phạt kẻ bị cáo buộc phạm tội, hoặc để đe dọa một nhóm thiểu số. Nguồn: Wikipedia)
* Xuất xứ:
– MC Đồ Lỗi (Trung Quốc)
– Show truyền hình Love Battle
* Nội dung:
Có thể dùng trong chủ đề đạo đức, tự kỷ luật, thiện ác, vân vân. Ví dụ về chủ đề đạo đức:
“Hiện nay, có một khái niệm mới xuất hiện thường khiến cho người nghe phải biến sắc, đó là ‘trói buộc đạo đức’. Khi một người đứng ở trên ‘cao điểm của đạo đức’ đi chỉ trích người khác, nhìn thì có vẻ hùng hồn, hợp lẽ, nhưng thực ra vô cùng ích kỷ, ti tiện. Phải biết rằng đạo đức vốn nên dùng để ước thúc bản thân mà không phải trói buộc người khác. Đúng như câu nói: Dùng đạo đức để tự hạn chế hiệu quả hơn tất thảy pháp luật, dùng đạo đức để phê phán người tệ hơn mọi thứ tư hình.”
6. “Biết ơn ngọn lửa cho bạn ánh sáng, nhưng cũng đừng quên người trong đêm thay bạn cầm đèn!”
* Xuất xứ:
– Tác giả Rabindranath Tagore (Ấn Độ)
* Nội dung:
Thích hợp dùng trong chủ đề bóng tối và ánh sáng, khắc ghi, biết ơn, vân vân. Ví dụ chủ đề biết ơn có thể viết như sau:
“Bạn cảm thấy cuộc sống thật tươi đẹp suôn sẻ, có lẽ là bởi có người đang thay bạn ngăn trở gió mưa. Bạn cảm thấy hiện tại bình yên tĩnh lặng, có lẽ là bởi có người đang vì bạn đảm đương gánh nặng. Trong cuộc đời này, bạn nhất định phải học được cách cảm ơn, biết ơn ngọn lửa cho bạn ánh sáng, nhưng cũng đừng quên người trong đêm thay bạn cầm đèn!”
7. “Mỗi người đi ngang qua cuộc sống của ta đều tham dự cùng ta, cuối cùng tạo thành bản thân ta.”
* Xuất xứ:
– Tác giả Thái Sùng Đạt
* Nội dung:
Có thể dung trong chủ đề trải nghiệm, quan hệ xã hội, biết ơn người khác.
Ví dụ cho chủ đề trải nghiệm:
“Có rất nhiều người từng xuất hiện trong cuộc sống của bạn rồi lại biến mất không dấu vết. Thế nhưng những gì họ mang đến và lấy đi không chỉ tồn tại ở dạng vật chất mà còn là những bài học kinh nghiệm muôn màu muôn vẻ vô cùng quý giá. Quả thật, mỗi người đi ngang qua cuộc sống của ta đều tham dự cùng ta, cuối cùng tạo thành bản thân ta, vì vậy hãy chọn để trải nghiệm những gì tạo thành bạn phiên bản tuyệt vời nhất.”
8. “Ta có thể ẩn mình trong vỏ hạt dẻ, nhưng cũng là Hoàng Đế của vũ trụ vô biên.”
* Xuất xứ:
– Tác giả: William Shakespeare
– Tác phẩm kịch “Hamlet”
* Nội dung:
“Mỗi người chúng ta phải chịu những trói buộc khác nhau, điểm chung là khiến bản thân mình không thể dang rộng đôi cánh, bay lên trời cao. Nhưng bạn biết không, Hawking có thể tưởng tượng ra điểm cuối huyền bí của thời gian, phác hoạ nên vũ trụ hoàn mỹ của mình khi đang ngồi trên xe lăn. Tương tự, chỉ cần bạn tích luỹ đủ sức mạnh, bạn có thể vượt qua mọi chướng ngại, phá tan mọi ràng buộc và giới hạn. Hãy nhớ rằng, bạn có thể ẩn mình trong vỏ hạt dẻ, nhưng đừng quên mình là Hoàng Đế của vũ trụ vô biên.”
9. “Con người chỉ có một trái tim nhưng lại có hai tâm nhĩ. Một bên chứa đựng niềm vui, một bên chứa đựng nỗi buồn. Đừng cười lớn tiếng quá, bằng không sẽ đánh thức nỗi buồn ở bên kia.”
* Xuất xứ:
– Tác giả Franz Kafka (Séc)
* Nội dung:
“Con người nên học được cách điều tiết bản thân, vui vẻ và đau khổ đều cần duy trì đúng mực, đừng để cảm xúc lấn lướt mọi giới hạn. Tác giả Franz Kafka từng nói: ‘Con người chỉ có một trái tim nhưng lại có hai tâm nhĩ, Một bên chứa đựng niềm vui, một bên chứa đựng nỗi buồn.’ Đừng khóc bi thương quá, nếu không sẽ làm niềm vui sợ chạy mất, cũng đừng cười lớn tiếng quá, bằng không sẽ đánh thức nỗi buồn ở bên kia.”
10. “Tôi cô độc tiến lên nhưng dường như đang dẫn dắt hàng vạn hùng binh.”
Tác giả: Maya Angelou (Mỹ)
11. “Một khoảnh khắc ngắn ngủi, chỉ cần đặt vào trong tim, nó sẽ trở thành vĩnh cửu.”
Tác giả: Ellen Brock (Mỹ)
12. “Hãy vui vẻ chấp nhận mỗi một nét bút của tự nhiên, từng nét từng nét đều là ý trời, trong cuộc sống của ta không có nét nào là nét bút hỏng.”
Tác giả Trát Tây Lạp Mẫu Đa Đa (Trung Quốc)
Rất là tuyệt vời luôn ạ. Em cảm ơn admin rất nhiều vì đã cho em biết đến những kiến thức thú vị này ^^
em cảm ơn admin ạ thật tuyệt vời