MỘT SỐ CÔNG THẦN SỐNG HẠNH PHÚC ĐẾN CUỐI ĐỜI THỜI HẬU LÊ

MỘT SỐ CÔNG THẦN SỐNG HẠNH PHÚC ĐẾN CUỐI ĐỜI THỜI HẬU LÊ

1. Đinh Liệt: Là em Đinh Lễ, khai quốc công thần trải bốn đời vua, công huân số một trong triều, sau khi Nguyễn Xí mất, ông làm thủ tướng (Tể tướng?) trong khoảng 10 năm, quyết định đại sự nước nhà, được vua hết sức tin tưởng, trong triều ngoài quận đều tôn trọng. Con của ông là: Công Nhiếp làm đến Thị lang bộ binh, tước Văn Thắng Hầu, tặng là Thượng thư Bộ Binh, con cháu về sau đều là trọng thần trong triều đình.

2. Nguyễn Xí: Trọng thần trải 4 đời vua, được phong Sái quận công, sau này gia phong lên đến Nhập nội hữu tướng quốc, con của Nguyễn Xí có hiềm khích với Lê Niệm, có hiềm nghi từng viết thư quẳng ra đường để muốn gia hại Lê Niệm, Thánh Tông ban chiếu phủ dụ cả 2 nhà, không trị tội ai, năm 1465, Nguyễn Xí bệnh mất, Thánh Tông thương xót tặng hàm Thái sư, thụy là Nghĩa Vũ. Ông có tất cả 16 người con, đa số đều quyền cao chức trọng, quan cao lộc hậu trong triều, gia tộc đông đúc kế nghiệp.

3. Phạm Vấn: Công thần hàng đầu của khởi nghĩa Lam Sơn, khi khắc biển công thần tên đứng thứ nhất, tước Huyện thượng hầu, được vua Thái Tổ khen là: “Ngay thẳng mà có tiết tháo, quyết đoán mà nhiều mưu hay”, là một trong 3 tể tướng đương triều phò tá Nguyên Long thái tử. Ông mất năm 1435, được tặng Thái phó, thụy: Tuyên Vũ

4. Lê Lý: Từng làm thứ thủ vệ Kỵ binh Thiết đột, tham gia hội thề Lũng Nhai, khi gia phong công thần ông được phong Nhập nội tư mã, tên đứng thứ 6, Hương thượng hầu. Đầu năm 1434, ông bị Lê Sát ghen ghét đẩy ra làm Đô tổng đốc lộ Thanh Hoa, đến khi Lê Sát bị Lê Thái Tông bãi chức trị tội, ông được vua gọi về làm Nhập nội thiếu úy trông coi việc quân các vệ thuộc Tây đạo, năm 1443, ông mất.

5. Lê Văn An: Giống Lê Lý, ông cũng từng làm thứ thủ vệ Kỵ binh Thiết đột, tham gia hội thề Lũng Nhai, bề tôi thân cận của vua, là người hòa nhã, giản dị trong số các võ thần, trải qua trăm trận chiến lớn nhỏ, lập nhiều công trạng, khi khắc biển công thần ông được phong Đình hầu, sau này gia phong Tán trị Hiệp mưu công thần, Nhập nội kiểm hiệu đại tư không, Bình chương quân quốc trọng sự. Năm 1437, ông mất, thụy là Trung Hiến.

6. Lê Thận: Người làng Mục Sơn, gần làng với vua Thái Tổ, quen biết vua từ buổi sớm, vua khởi binh, ông theo trước nhất, luôn đi sát bảo vệ vua, trong hội thề Lũng Nhai tên ông đứng thứ ba sau Lê Lai, năm Thuận Thiên thứ nhất, xếp người có công ông đứng thứ hai, phong là Trung Lượng đại phu, trông coi các vệ quân tả hữu Phủng thần, tước Đại trí tự, khi khắc biển công thần, ông được phong Á Hầu. Tháng 7 năm 1448, ông mất được truy tặng là Bình chương quân quốc trọng sự, tước Huyện thượng hầu, thụy Trung Tiết.

7. Trịnh Lỗi: Người thôn Cự Lại huyện Gia Viễn, làm tướng văn võ, trước sau chống giữ trải nhiều nguy hiểm, được phong đến chức Thiếu Úy, năm Thuận Thiên thứ nhất ông được phong Nhập nội thị trung, khi khắc biển công thần ông được phong Đình thượng hầu, sau được thăng đến Nhập nội đại hành khiển tả bộc xạ. Tháng 7 năm 1434, ông mất tặng là Bảo chính công thần, phụ quốc thượng tướng quân, thụy Trung Giản.

8. Lê Văn Linh: Người làng Hải Lịch, huyện Lôi Dương (Thanh Hóa), từ nhỏ đã có văn tài, theo về Lam Sơn từ khi khởi sự, ông là văn thần bên cạnh Thái Tổ, có nhiều công lao, Thuận Thiên năm thứ nhất ông được phong tước Khanh Thượng hầu, sau đổi sang chức Hữu bật, vì can vua Lê Thái Tông việc giết Lê Sát, ông bị giáng làm Bộc xạ, về sau được thăng lại làm Thái phó, đến đời vua Nhân Tông năm 1447, ông mất, thọ 72 tuổi, là công thần trải 3 đời vua, con cháu đều vinh hiển, hậu duệ của ông vẫn còn đến tận thời nhà Nguyễn.

9. Lê Lễ: (Khác với Đinh Lễ) ông có xuất thân thấp kém, là gia thần của Thái Tổ Lê Lợi, sức khỏe hơn người, hầu cận bảo vệ vua, nhiều lần giúp vua vượt qua gian hiểm, ông rất được Lê Thái Tổ tin cậy, từng nói rằng: “Nếu tính công lao thì ngôi tể tướng chẳng ngươi còn ai? Trẫm chẳng tiếc gì với ngươi, chỉ vì tài ngươi không xứng đó thôi”, khi gia phong tước vị ông được ban tước Định thượng hầu, trước khi Thái Tổ lâm bệnh băng hà, từng gọi ông vào khóc rằng: “Nếu trẫm không còn thì ai biết đến khanh nữa, chỉ sợ ngày sau bị giáng truất mà thôi”. Ông sau đó quả thật bị Thị Lộ thiếp của Nguyễn Trãi gièm pha giáng xuống làm Thái tử thiếu bảo, đúng như lời Thái Tổ từng nói trước lúc lâm chung. Năm mất của ông không được nhắc đến.
=====================================
Số lượng công thần khai quốc của Lam Sơn chỉ tính riêng những người được khắc biển công thần là 93 vị, đáng tiếc là tư liệu về họ thiếu thốn rất nhiều, kể cả những người được Thái Tổ coi là sủng thần như Lê Lễ, hoặc cả Lê Khôi (vừa là đại công thần vừa là thân thích), thậm chí đến cả bộ ba tể tướng đương triều, tư liệu cũng rất ít ỏi, thất lạc đi mất, vì vậy thống kê này chắc chắn còn thiếu sót rất nhiều người.

Bài viết sử dụng tư liệu từ Đại Việt Thông Sử của Lê Quý Đôn và ĐVSKTT, LTHCLC

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *