Ngày 25/11, Bệnh viện E cho biết, các bác sĩ khoa Phẫu thuật tiết niệu và nam học của bệnh viện vừa phẫu thuật điều trị thoát vị bẹn thể cầm tù cho bệnh nhân người nước ngoài.
Theo TS, bác sĩ Nguyễn Đình Liên – Trưởng khoa Phẫu thuật tiết niệu và nam học, Bệnh viện E, người bệnh 54 tuổi (quốc tịch Nga) nhập viện trong tình trạng đau vùng bụng dưới, đi lại khó khăn, xuất hiện khối phình to vùng bẹn bìu trái…
Sau khi tiến hành thăm khám và làm các xét nghiệm, siêu âm cần thiết, các bác sĩ đã nhanh chóng xác định người bệnh bị thoát vị bẹn trái thể cầm tù. Ngay lập tức, các bác sĩ chỉ định làm các xét nghiệm và phẫu thuật sớm cho người bệnh bởi các triệu chứng đau ở người bệnh là dấu hiệu dọa nghẹt các tạng trong bao thoát vị.
Khai thác tiền sử bệnh án, người bệnh có tiền sử mổ mở cắt ruột thừa cách 18 năm, mổ mở giãn tĩnh mạch tinh năm 2003. Khoảng 3 năm nay, người bệnh phát hiện khối phồng vùng bẹn trái, khối to lên và gây đau tức khi sinh hoạt, vận động gắng sức…
Thời gian gần đây, tình trạng đau tăng lên khi vận động, và khối càng ngày to lên, không tự dùng tay đẩy lên được ổ bụng. Do đó, người bệnh được vợ đưa đến khám tại Khoa phẫu thuật tiết niệu – nam học, Bệnh viện E và được chỉ định phẫu thuật ngay lập tức.
Bác sĩ Liên giải thích, thoát vị bẹn nghẹt là tình trạng một phần cơ quan trong ổ bụng như ruột, mạc nối chui vào ống bẹn trực tiếp qua lỗ bẹn trong hoặc gián tiếp đi qua thành sau ống bẹn, tạo thành túi thoát vị và có thể bị cầm tù hoặc nặng hơn là thắt nghẹt.
Thoát vị bẹn gây ra nhiều biến chứng như: ảnh hưởng tới vận động, giảm chất lượng sống; gây teo tinh hoàn làm giảm khả năng sinh sản hoặc có thể gây đau tức, khó chịu nhiều khi khối thoát vị bẹn bị cầm tù; nặng nhất là khối thoát vị bẹn bị thắt nghẹt các tạng bên trong túi thoát vị có thể gây tử vong nếu ruột, đại tràng bị hoại tử.
Khi đã chẩn đoán thoát vị bẹn thì cần phẫu thuật sớm dù là trẻ em hay người trưởng thành. Đặc biệt, thoát vị bẹn nghẹt là một cấp cứu ngoại khoa không trì hoãn vì thoát vị không thể điều trị bằng thuốc mà giải pháp phẫu thuật là bắt buộc.
Bởi vậy, thoát vị bẹn nghẹt cần được chẩn đoán sớm nhất và xử trí ngay để tránh tình trạng tạng bị hoại tử dẫn đến viêm phúc mạc, tắc ruột, nhiễm trùng nhiễm độc do hoại tử các tạng (ruột, mạc nối, buồng trứng, vòi trứng)…
Theo bác sĩ Liên, bệnh thoát vị bẹn thường gặp nhất ở trẻ em nam dưới 5 tuổi do còn ống phúc tinh mạc và nam giới lớn tuổi do thành bụng yếu hoặc tăng áp lực ổ bụng. Trước đây, để điều trị cho các trường hợp bị thoát vị bẹn, các bác sĩ cần mổ mở khâu các lớp cân cơ sẽ gây đau do căng kéo, tăng áp lực vùng bẹn hoặc đặt lưới che kín lỗ bẹn vẫn có nguy cơ tái phát.
Nhưng hiện nay, lý do để các phẫu thuật viên lựa chọn phương pháp mổ nội soi này vì tính ưu điểm của các kỹ thuật nội soi điều trị thoát vị bẹn có tỉ lệ thành công cao, thời gian hồi phục sau mổ và trở lại làm việc nhanh do ít đau hơn so với phương pháp mổ mở truyền thống.
“Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ sử dụng kỹ thuật nội soi và đặt một tấm lưới nhân tạo vào khu vực lỗ cơ lược che phủ lỗ thoát vị, tăng cường sức bền chắc của thành sau ống bẹn ngăn ngừa tái phát, loại bỏ nguy cơ thoát vị tại các lỗ đùi, lỗ bịt; đồng thời còn có thể tầm soát thoát vị đối bên, không có triệu chứng để xử lý cùng một lần phẫu thuật.”, bác sĩ Liên giải thích.
Bác sĩ Liên cho biết thêm, sau phẫu thuật thoát vị bẹn dù mổ mở hay mổ nội soi thì người bệnh đều cần nghỉ ngơi, tránh vận động để vết thương nhanh phục hồi, ăn nhiều rau mềm, hoa củ quả có chất xơ tinh bột và uống nhiều nước nhằm phòng ngừa táo bón gây tăng áp lực lên ổ bụng.
Đặc biệt ở nam giới cần hạn chế sử dụng thuốc lá gây ra bệnh lý phổi tắc nghẽn mạn tính hoặc điều trị các bệnh lý tắc nghẽn đường tiểu dưới để giảm thiểu yếu tố gây tăng áp lực ổ bụng là nguyên nhân hàng đầu gây xuất hiện thoát vị bẹn đối bên hoặc thoát vị bẹn tái phát. Và đơn giản nhất là người bệnh cần theo dõi tình trạng sức khỏe và chủ động tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ.
“Thoát vị bẹn là bệnh lý thường gặp, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống, tâm lý của người bệnh nhưng nhiều người vẫn còn chủ quan, ngại đi khám dẫn đến việc điều trị gặp nhiều khó khăn, thậm chí việc đi khám ở giai đoạn muộn còn dẫn đến việc người bệnh gặp nhiều biến chứng nguy hiểm.
Do đó, khi nghi ngờ có bất kỳ dấu hiệu nào như: căng tức vùng bẹn một hoặc cả hai bên, sờ thấy khối vùng bẹn tăng lên khi vận động… người bệnh cần tới ngay các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và xử trí kịp thời”, bác sĩ Liên khuyến cáo.