Câu trả lời có lượt thích cao nhất nói như thế này: “Một thân một mình cách gia đình ngàn cây số, bước ra khỏi trạm tàu điện ngầm, nhà nhà đều đã sáng ánh đèn. Thế nhưng ánh đèn rực rỡ của ngàn vạn ngôi nhà lại chẳng có lấy một ngọn đèn vì bạn mà sáng lên, mỏi mệt cả một ngày cũng chẳng ai tới xoa dịu nơi bạn.
Thì ra những thứ làm người trưởng thành vỡ vụn chỉ là những điều nhỏ nhoi đến nỗi không thể nhỏ hơn được nữa, mà nỗi cô độc xuất hiện cũng chính là từ những khoảnh khắc như thế…
Cách đây vài ngày tôi cùng vài người bạn nói về cảm giác cô độc. Tôi nhận ra rằng thì ra mỗi người trưởng thành trong một khoảnh khắc nào đó sẽ bất chợt cảm thấy cô độc.
Hơn 7h tối tan làm trở về nhà, lúc đi xuyên qua tiểu khu bỗng ngửi thấy mùi thức ăn thơm phức tỏa ra từ cửa sổ gia đình sống cách một tầng, nghe thấy những âm thanh nấu nướng “xèo, xèo” vang lên, ông chú đứng nấu cơm, vừa dọn mâm ra vừa gọi: “Bé con ơi, ăn cơm thôi.” Khoảnh khắc đó tôi bất giác ngưỡng mộ ngôi nhà có khói bếp kia, ngưỡng mộ cô bé có người lo lắng quan tâm ấy.
Tôi bật đèn pin điện thoại, mò mẫm trong bóng tối leo lên tầng 6 để trở về “nhà” của tôi – một căn phòng bé xíu chỉ mười mấy mét vuông. Tòa nhà phía Đông này của chúng tôi vốn đều là những người ngoại tỉnh đến thuê ở, đèn ở cầu thang đi lên đã bị hỏng từ rất lâu rồi thế những chẳng có ai sửa cả. Mọi người ai cũng giống tôi cả, đều không thuộc về nơi này, đều không thuộc về thành phố này, chỉ là đều ở cái thành phố này bôn ba, có thể qua một thời gian nữa thì chuyển đi chỗ khác rồi nên hoàn toàn chẳng quan tâm sửa bóng đèn ở đây càng chẳng để tâm sáng ăn gì, tối ngủ ở đâu cả.
Tôi nghĩ, đây chính là khoảnh khắc tôi cảm thấy cô độc nhất. Tôi không biết tôi còn có thể kiên trì được bao lâu nữa… bởi vì, tôi có chút nhớ nhà rồi!
Sau khi học cao học, cảm nhận lớn nhất của tôi là chẳng thể kết bạn tâm giao được nữa. Trước đây khi còn đi học, gặp chuyện gì không vui thì có thể tìm bất cứ một người bạn bên cạnh nào ra ngoài để tản bộ giải tỏa tâm sự, ai cũng đều chân thành cả, ai cũng sẽ nghĩ cách để an ủi bạn, sẽ đứng trên góc độ của bạn để giúp bạn nói.
Thế nhưng giờ đây chẳng có ai muốn nghe bạn kể khổ, giúp bạn gỡ bỏ sầu não, giải quyết khó khăn, “bạn đừng làm mất thời gian của tôi…”
Điều khiến cho tôi càng buồn hơn đó chính là có những lúc bản thân mình cũng lại chẳng chân thành đến thế, phản ứng đầu tiên của tôi đối với những bạn học xung quanh mình không phải là phải đối đãi thật tâm với họ mà là tự nói với chính mình là phải đề phòng.
Thực ra tôi có thể hiểu được điều này, là những bạn học có quan hệ cạnh tranh với nhau, ai cũng đều phải phát biểu luận văn, hoàn thành nghiên cứu…điều này có liên quan đến học bổng, liên quan đến việc sau này có thể ở lại trường hoặc sau khi tốt nghiệp có thể tìm được một công việc tốt hay không.
Ai cũng đều sống vì bản thân mình, mà tôi thì cũng chỉ là một kẻ nằm trong vô số những kẻ “lạnh nhạt” ấy. Có thể đây mới chính là điều đau lòng nhất, cũng là nỗi cô đơn nhất của tôi ở trong cái ngôi trường cao học này.
Con rùa nhỏ tôi nuôi chết rồi, tôi chôn nó trong một cái hố dưới tiểu khu, chôn nó rất sâu bởi vì tôi sợ có con chó nào đó sẽ đào hố tha xác nó lên.
Đây còn là con rùa nhỏ mà tôi nuôi khi vừa đặt chân đến Bắc Kinh. Thực ra lúc đầu tôi muốn nuôi một con mèo hoặc một con chó nhưng trong hợp đồng thuê nhà viết rõ là cấm nuôi chó mèo, vì vậy nên chọn nuôi một chú rùa nhỏ không gây phiền nhiễu đến người khác.
Bởi vì tôi quá sợ ở một mình rồi, mỗi ngày trở về nhà đều phải đối mặt với một căn phòng trống rỗng, cái cảm giác cô độc ấy sẽ bị phóng đại lên gấp một vạn lần.
Sau khi nuôi chú rùa nhỏ thì tôi còn thể an ủi bản thân mình, tôi không phải chỉ có một mình, mỗi ngày tôi vẫn có thể tìm cho mình chút việc để làm như thay nước cho rùa hoặc cho nó ăn.
Nó đã cùng tôi vượt qua vô số khó khăn ở Bắc Kinh, vượt qua những đêm dài cô đôc, bây giờ thì trong căn phòng lại chỉ còn mỗi mình tôi.
Gần đây tôi bị môi giới đen lừa mất một tháng tiền đặt cọc, công việc cũng gặp vài khó khăn, lại do không ăn cơm đúng giờ giấc nên tôi cũng bị viêm dạ dày rồi.
Tôi lật danh sách hơn 1000 bạn wechat trong điện thoại thế nhưng lại chẳng có lấy một người có thể khiến tôi không màng tất cả mà đứng trước mặt người ấy khóc to một trận, bởi vì tôi sợ bọn họ nghĩ tôi làm màu làm vẻ, nghĩ tôi yếu đuối, sợ bọn họ không có cách nào để có cảm nhận giống như tôi.
Cuối cùng tôi chọn một người bạn đã quen từ lâu, tôi gửi cho cô ấy vài tin nhắn, hỏi cô bạn tôi có ổn không? Cô ấy chia sẻ với tôi cuộc sống gần đây, có vui cũng có buồn.
Tôi lặng lẽ nghe cô ấy than vãn, trong lúc trò chuyện thì an ủi cô bạn vài câu nhưng từ đầu đến cuối tôi lại chẳng dám nói với cô ấy rằng: “Thực ra dạo gần đây tớ không ổn lắm.”
Có những lúc tôi thà là tự chịu đựng cảm giác cô độc trong lòng còn hơn là phải cảm nhận được một chút gì đó xa cách và không nhẫn nại của bạn bè.
Nỗi cô độc lớn nhất không phải là cái thành phố này, cũng chẳng phải là những điều khó khăn cuộc sống mang lại cho tôi mà là có biết bao nhiêu người bạn trong wechat nhưng tôi lại chẳng thể tìm thấy một người để có thể nói chuyện mà chẳng cần kiêng nể gì cả.
Lưu Lượng Trình trong “Thôn xóm của một người” có viết câu: “ Tuyết rơi trong cuộc đời của một người, chúng ta không nhìn thấy toàn bộ, mỗi người đều cô độc bước qua đông giá trong cuộc đời của mình.”
Mỗi người đều có vô số khoảnh khắc cảm thấy cô độc, đời này của chúng ta đều đang tìm kiếm tình yêu và sự ấm áp của người khác, khao khát có được sự quan tâm và an ủi, thế nhưng làm thế nào để hòa hợp với chính mình cũng là một “môn học” mà chúng ta nên học tập.
Bởi vậy có nhiều khi đừng quá vội vã thiết lập mối quan hệ với người khác mà thử trò chuyện với chính mình, lắng nghe âm thanh nơi đáy con tim mình… có lẽ mọi điều sẽ trở nên nhẹ nhàng, thản nhiên và tươi sáng hơn…