Có một thảo nguyên xanh hút tầm mắt, tránh nắng nóng chỉ cách Hà Nội 3 giờ đồng hồ
Cách Hà Nội khoảng 120km khu vực đồng cỏ Bãi Bùi thuộc Khu Bảo tồn Thiên nhiên Ngọc Sơn – Ngổ Luông, có diện tích rộng khoảng 9ha và nằm ở độ cao trên 500m so với mực nước biển với khí hậu trong lành và mát mẻ quanh năm.
Điều thú vị khi đến nơi đây là phải đi qua một dãy núi với những khúc quanh co, viền theo chân núi lên đến đỉnh núi, từ đỉnh núi này du khách có thể đứng ngắm thung lũng với một màu xanh mát mắt. Du khách cũng có thể check in và theo con đường nhựa quanh co xuống núi, sau đó là hiện ra trước mắt là một thảo nguyên xanh ngăn ngắt, với những tràng cỏ chạy dài tưởng như vô tận. Bao quanh tràng cỏ là dãy núi đá vôi phủ đầy cây rừng nguyên sinh.
Điểm xuyết của những tràng cỏ là những cây những cây tlau (hay còn gọi là cây châu) có tuổi đời trên 100 tuổi đang tỏa bóng mát giữa nền trời xanh.
Bên dưới những tán cây châu là những chiếc xích đu được làm theo cách handmade (làm bằng tay) với nguyên liệu là tre hay thanh gỗ cùng dây thừng dài để du khách có thể thả dáng check in hoặc chỉ đơn giản ngồi đung đưa trước gió thả hồn vào khoảng không cảm nhận sự bình yên.
Chia sẻ với Dân Việt, bà Bùi Thị Bẹp, 70 tuổi trú tại xã Ngọc Lâu, huyện Lạc Sơn (tỉnh Hòa Bình), một trong những hộ dân bán nước ở đây cho biết, hiện nay Khu Bảo tồn Thiên nhiên Ngọc Sơn có khoảng 60 cây tlau, từng được HĐND xã Ngọc Lâu ra nghị quyết bảo tồn vào năm 2007.
Bãi Bùi, trước đây là nơi chăn thả gia súc của người bản địa. Đến năm 2022, đường đi được cải tạo, hệ thống giao thông trở nên thuận tiện, nơi đây trở thành địa điểm lý tưởng để du khách đến. Hiện tại ngoài khu vực đồng cỏ Bãi Bùi còn có khu du lịch sinh thái Bãi Bùi phục vụ du khách nghỉ ngơi, thư giãn, cắm trại, ăn uống.
“Gia đình tôi có 7 người, tôi và chồng đều đã ngoài 70 tuổi, cũng không còn đủ sức khỏe để làm ruộng. Con trai tôi thì ốm đau bệnh tật với nhiều bệnh nền, ba cháu nội tôi thì còn đang tuổi đi học. Nhà chỉ có mình con dâu là đi làm kiếm tiền nuôi 7 người. Vì vậy, tôi đã quyết định ra gom chút vốn ra đây bán hàng nước, gọi là kiếm đồng ra đồng vào phụ với con dâu.
Tôi bán hàng ở đây được 2 năm rồi. Năm 2022, nơi đây vắng khách, tuy nhiên sang năm nay, du khách biết và đến đông hơn, đặc biệt vào những ngày cuối tuần”, bà Bùi Thị Bẹp nói.
Bất ngờ với cô gái Mường học cách làm du lịch nhờ trên mạng Internet
Chị Bùi Thị Đan, quản lý khu du lịch sinh thái Bãi Bùi, homestay Bãi Bùi chia sẻ với Dân Việt, chị làm du lịch được 2 năm nay và khách đoàn ngày càng đông điện thoại đến đặt phòng. Thậm chí khách đoàn từ Hà Nội đến đây nghỉ dưỡng cũng đã đông hơn.
“Chúng tôi không dám nhận nhiều, chỉ dám đón mỗi lần khoảng 80 khách, vì homestay chưa hoàn thiện. Hiện nay, chúng tôi mới chỉ có 6 căn chòi với đầy đủ tiện nghi, cùng đó là một căn nhà sàn cộng đồng, vài chiếc lều kiểu Mông Cổ để du khách có thể cắm trại ngoãi bãi cỏ.”, chị Bùi Thị Đan cho biết.
Theo chị Bùi Thị Đan, giá mỗi chòi vào ngày thường có giá từ 200.000 – 250.000 đồng/phòng; ngày cuối tuần tăng lên là 300.000 đồng/phòng.
Tâm sự thêm, chị Bùi Thị Đan cho biết, chị lấy chồng từ năm 17 tuổi, chưa kịp tốt nghiệp phổ thông trung học, một năm sau ngày lấy chồng chị mới học tiếp và tốt nghiệp. Còn chồng chị thì đi bộ đội nghĩa vụ về cũng không có nghề nghiệp nên cả hai lấy nhau đều làm nông nghiệp.
“Trước kia vợ chồng tôi làm ruộng, trồng ngô, mía rất vất vả cực nhọc từ sáng tới tối phơi mặt ngoài ruộng mà vẫn không có tiền, thậm chí còn nợ tiền. Nếu năm nào được mùa thì coi như năm đó có chút tiền để sinh sống nhưng nếu năm đó mất mùa thì tiền phân, tiền cây giống… chúng tôi không trả được phải chờ năm sau làm vụ ngô, mía mới trả.
Vì vậy mà cả hai vợ chồng quyết định chuyển sang làm kinh tế bằng nghề du lịch. Tôi không được đào tạo, học về làm du lịch, vì vậy mà tôi không hề có kinh nghiệm, kiến thức, trình độ. Ban đầu khi chuyển sang làm du lịch tôi cũng hoang mang và lo lắng mất ngủ nhiều đêm. Không biết phải bắt đầu như thế nào, thế rồi tôi lên mạng tìm kiếm và học hỏi từ trên mạng cách làm du lịch. Sau đó, tôi cũng có hỏi ý kiến, học hỏi những người chị làm du lịch ở homestay thác Mu.
Ngoài ra, tôi cũng lắng nghe và tiếp thu ý kiến từ chính những du khách khi đến đây nghỉ dưỡng”, chị Bùi Thị Đan cho hay.
Khu vực đồng cỏ Bãi Bùi đang dần trở thành điểm đến thu hút không chỉ các bạn trẻ quanh vùng tới check in mà nhiều đoàn khách của các công ty, gia đình ở các tỉnh, địa phương khác cũng đã tìm đến và bày tỏ thích thú, ấn tượng trước đồng cỏ xanh mịn màng chạy dài xa tít tắp. Thậm chí nhiều du khách còn phấn khích đặt tên nơi đây là thảo nguyên thu nhỏ đẹp nhất của tỉnh Hòa Bình.
Mặc dù đẹp, có không gian xanh mắt là vậy nhưng nơi đây vẫn đang còn khá hoang sơ, các dịch vụ chưa nhiều, chưa quy hoạch bài bản. Ngoài homestay Bãi Bùi thì xung quanh chỉ một vài căn lều được dựng lên của các hộ dân bày bán nước uống, một vài gói kẹo, gói bim bim.
Một hạn chế nữa của thảo nguyên thu nhỏ này là chưa có phương tiện công cộng như xe buýt, xe khách đi qua. Vì vậy nếu du khách ở địa phương khác, tỉnh khác muốn đến đây sẽ phải đi xe máy, xe ô tô riêng, tự lái hoặc thuê xe đến.
Theo chị Bùi Thị Đan, dù khu du lịch sinh thái Bãi Bùi đang được đầu tư đúng hướng thế nhưng nơi đây vẫn đang cần được hoàn thiện, đầu tư hơn nữa để dịch vụ chất lượng hơn phục vụ du khách gần xa.
Là du khách đến từ Hà Nội, anh Hoàng Thanh chia sẻ: “Lần đầu tiên tôi biết đến thảo nguyên thu nhỏ này, tôi khá bất ngờ, bởi cảnh đẹp và nên thơ đến thế. Khi du khách đến đây, cảm nhận sự trong lành, mát mẻ và bình yên. Tuy nhiên vẫn đang còn thiếu cơ sở lưu trú, dịch vụ ăn uống. Nhìn lại mới chỉ có một homestay Bãi Bùi phục vụ nghỉ, ăn uống thì quá ít”.