Cây đa giếng nước sân đình. Quần thể này có thể coi là tinh hoa của làng quê Bắc Bộ. Đó cũng là biểu trưng cao nhất của làng quê Việt.
Trong khối quần thể ấy có âm, có dương, có tĩnh có động, có vật có sinh, có bắc có nam.
Nếu như Đình với mái đao cong, với hoành phi câu đối là một dư âm hay ít nhiều mang dấu ấn Hán (context Đông Bắc Á). Thì Giếng lại là dư âm Cham. Là cống hiến tuyệt vời mà Cham gian khổ bi thương dành cho Việt.
“Qua điều tra nghiên cứu ở miền Bắc Việt Nam, trên địa bàn các tỉnh Bắc Bộ như Hà Nội (địa bàn Hà Tây cũ), Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hòa Bình, Yên Bái… có rất nhiều giếng cổ có kĩ thuật Chăm Pa”.(Nguyễn Tiến Đông: Đi tìm bí ẩn giếng Cham).
Nước Giếng? Khi xưa mỗi dịp nhà có giỗ chạp chủ nhà lại lấy nước vừa từ Giếng lên để thắp hương ông bà, tổ tông, kính dâng thánh thần. Ở làng Đại Phùng (Đan Phượng, Hà Nội) có Giếng rất trong và lành, mát vào mùa hè, ấm vào mùa Đông. Nước giếng được múc lên để thờ nhà thánh. “Theo truyền thuyết các cụ ngày xưa kể, cái giếng này do người Chăm về đây làm” – Vov World: Giếng làng – “báu vật” của mỗi làng quê.
Nếu như Đình làng là cái phô phang, thì Giếng lại là thứ sâu lắng. Nếu như Đình là danh vọng của làng, Giếng lại là nơi nuôi dưỡng tắm mát làng quê. Nếu Đình là dương, thì Giếng lại là âm. Nếu Đình là Bắc thì Giếng lại Nam.
Giữa hai context hai “công trình” thuộc về hai khối đối lập Đông Bắc Á, Đông Nam Á, người Việt góp vào …cây Đa.
Đa sinh trưởng kết nối âm và dương, đất mẹ và không gian. Nếu Giếng, Đình đều là tĩnh, là vật thì… Đa là động, là sinh trưởng. Tự khắc Đa cân bằng hài hoà lại.
Cây Đa, Giếng nước, sân Đình (phải chăng là) một chỉ dấu của hỗn dung văn hoá ngay vùng lõi của Đại Việt? Và từ đó Làng Việt, người Việt lớn lên?
Ảnh minh hoạ
1. Một quần thể là biểu tượng của nông thôn Việt Nam. Ảnh ST.
2. Giếng cổ làng Phùng (xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, Hà Nội) ảnh Dân Trí!