MÔNG CỔ ĐÃ MẤT HƠN 40 NĂM ĐỂ ĐÁNH BẠI NHÀ TỐNG.

MÔNG CỔ ĐÃ MẤT HƠN 40 NĂM ĐỂ ĐÁNH BẠI NHÀ TỐNG.

*tất nhiên là Tống thua xa Đại Việt.
Trước hết, phải nói là xâm chiếm Trung Quốc là vô cùng khó khăn. Trong suốt chiều dài lịch sử vài ngàn năm, chỉ duy nhất hai lần, một quốc gia nước ngoài có thể thật sự đô hộ hoàn toàn Trung Quốc.
Trong toàn bộ lịch sử vĩ đại của mình, Đế chế Mông Cổ luôn xem Trung Quốc, đặc biệt là Nam Tống như một bài toán khó giải quyết. Để minh chứng cho điều này, hãy lướt sơ qua vài điểm trong lịch trình của Đế chế Mông Cổ.
Người Mông Cổ khởi phát các chiến dịch trên lãnh thổ Trung Quốc sớm nhất vào khoảng năm 1211. Bắt đầu bằng các chiến dịch tấn công nhà Kim (phía bắc Trung Quốc). Nhà Tống ở phía nam Trung Quốc lúc này tạo thành liên minh với người Mông Cổ. Họ muốn trả đũa nhà Kim vì đã hủy diệt kinh đô Khai Phong trong sự biến Tĩnh Khang cũng như mong muốn giành lại quyền kiểm soát những vùng đất cũ đã mất. Dù khá tự tin khi khước từ đàm phán và giết chết sứ giả Mông Cổ, nhưng rồi nhà Kim cũng sụp đổ trước vó ngựa Mông Cổ vào năm 1234. Đi kèm với đó là quyền tái kiểm soát các thành phố Lạc Dương, Trường An và Khai Phong (những nơi trước đây đều là kinh đô) của nhà Tống.
Thế nhưng, người Mông Cổ lại xem hành vi của nhà Tống chẳng khác nào “ăn ké” chiến thắng của họ. Nhận thấy sự đe dọa của Nam Tống, Mông Cổ quyết định phát động chiến tranh chỉ một năm sau đó, năm 1235.
Cùng lúc này, Mông Cổ điều động một lực lượng khá lớn vào khoảng 20 tới 35 vạn lính tiến hành viễn chinh nước Nga. Họ nhanh chóng hoàn thành cuộc chinh phạt với các chiến thắng dễ dàng trước hàng loạt quốc gia nhỏ. Thời điểm này, mặc dù sớm đánh giá Nam Tống là đối thủ mạnh, nhưng có vẻ Mông Cổ không cho rằng họ có thể đe dọa phần lãnh thổ phía bắc Trung Quốc của mình. Do đó, một phần quân lực tại đây được điều động tới Nga. Người Nga cũng là những đối thủ đáng gờm, nhưng họ không có kinh nghiệm đối đầu với các lực lượng du mục châu Á nhiều như người Trung Quốc. Quân đội Trung Quốc đã trải qua hàng thiên niên kỷ để chống lại các cuộc tấn công thường xuyên từ các tộc người du mục ở phía bắc đất nước. Họ cũng thiếu năng lực sản xuất đáng gờm mà nhà Tống sở hữu.
Tới năm 1241, khi mà phân bổ lực lượng của quân Mông Cổ đổ dồn vào chiến trường miền nam Trung Quốc hòng tiêu diệt Nam Tống. Lúc này, ở châu Âu, người Hungary tiến hành tổng lực tấn công quân Mông Cổ đang hoành hành. Dù chuẩn bị kỹ càng với quân số đông hơn, nhưng tại Mohi, hàng chục ngàn bộ binh và hiệp sĩ Hungary đã tử trận dưới làn mưa tên của quân Mông Cổ.
Nguyên nhân chính khiến người Mông Cổ ưu tiên cho các mục tiêu dễ xơi hơn ở phương Tây đến từ kiểu chiến tranh mà người Trung Quốc triển khai làm khó họ rất nhiều.
Quân Tống, theo kinh nghiệm chiến tranh của cha ông, có xu hướng giấu mình phía sau các bức tường công sự kiên cố. Họ rất hạn chế giao chiến trực tiếp, trừ khi quân Mông Cổ mắc lỗi hoặc đang kiệt quệ. Người châu Âu, những người chưa bao giờ phải đối phó với các chiến binh du mục thực thụ kể từ cuộc xâm lược Magyar vào năm 900, không có được kinh nghiệm này. Những chiến dịch đầu tiên ở châu Âu đối với Mông Cổ chẳng khác nào những cuộc dạo chơi.
Hãy nhìn xem, người Trung Quốc đã khôn ngoan, khéo léo thế nào khi xây hai bức tường bao quanh cùng với mở rộng thêm hào nước để chống lại các máy bắn đá trebuchet của quân Mông Cổ trong cuộc vây hãm thành Tương Dương, một cuộc vây hãm kéo dài tới gần mười năm. Thậm chí, họ còn đắp đất sét lên bề mặt tường thành hoặc căng các tấm lưới che chắn để giảm bớt uy lực từ đạn pháo của quân địch.
Biết được rằng, làm chủ toàn bộ Trung Hoa sẽ là một hành trình dài. Các Đại hãn nghĩ tới việc xâm chiếm các quốc gia khác để mở rộng đế chế và gia tăng của cải trước khi quay trở lại miền nam Trung Quốc. Vả lại, họ cũng đánh giá rất đúng khả năng tổ chức tấn công của Nam Tống. Nhà Tống không có năng lực kỵ binh, không đủ sức duy trì chút ảnh hưởng nào về mạn bắc. Đơn giản là họ không có khả năng đe dọa vùng lãnh thổ của Mông Cổ ở Trung Quốc.
Đó là lý do tại sao, Đại hãn Oa Khoát Đài lại ra lệnh cho Bạt Đô xâm chiến châu Âu với quân số đông đảo, bởi châu Âu thì thiếu năng lực phòng thủ trước người Mông Cổ còn nhà Tống thì lại thiếu khả năng tấn công.
Một lý do nữa giải thích cho lịch trình của Đế chế Mông Cổ, đó là vấn đế dân số giữa Trung Quốc và châu Âu. Chúng ta đang đề cập tới hơn 100 triệu người ở khắp Trung Quốc những năm 1200. Trong khi đó, Kievan Rus chỉ có khoảng 10 triệu người. Constantinople trong thế kỷ 12, đông đảo với 400.000 người nhưng nhiều thành phố ở Trung Quốc đã ở mức 100.000 người. Các nước châu Âu hoàn toàn không thể so sánh về nhân lực với nhà Tống được. Chẳng hạn, ở Tương Dương có tới 200.000 cư dân hỗ trợ chiến đấu với 8.000 lính bộ binh trong suốt sáu năm.
Tất nhiên, các đánh giá chính xác về năng lực mục tiêu của Oa Khoát Đài để từ đó lên kế hoạch chinh phạt đã mang tới thành công rực rỡ cho Đế chế của ông mãi về sau này. Điều này cũng được xem như yếu tổ nhỏ đem lại bước ngoặt cho quân đoàn của Hốt Tất Liệt trên chiến trường nam Trung Quốc. Khi các chiến binh của ông đem về những phương tiện lợi hại dành cho chiến tranh bao vây từ các cuộc chiến ở phương Tây và Trung Đông. Người châu Âu và người Hồi giáo có thể khờ khạo trong việc đối mặt với quân du mục, nhưng họ cho thấy mình là bậc thầy trong nghệ thuật chế tạo vũ khí công thành. Máy bắn đá trebuchet của người Mông Cổ thua xa máy bắn đá mangonel của người Ả Rập, những chiếc máy bắn đá có thể bắn những viên đạn nặng hơn 300kg xa tận 500m. Phàn Thành ngay bên cạnh Tương Dương gục ngã trước Mangonel Ả Rập trong vài ngày. Sáu tuần sau khi quân Mông Cổ lê cổ máy hủy diệt tới tòa thành lân cận, Tương Dương cũng đầu hàng. Khó mà chống cự trước một quân đội sở hữu mọi loại vũ khí trên thế giới. Tương Dương, cứ điểm vững chắc nhất sụp đổ cũng coi như dấu chấm hết cho Nam Tống. Sau khi chiếm được Tương Dương, Mông Cổ làm chủ hoàn toàn vùng đồng bằng Dương Tử trù phú, tiếp sau đó gần như xóa sổ nước Nam Tống vào năm 1276, chỉ ba năm sau khi chiếm được Tương Dương. Ba năm sau đó nữa thì họ tiêu diệt tận gốc mọi tàn dư của Nam Tống trong trận hải chiến Nhai Môn.
Khách quan thì cuộc kháng chiến dữ dội của nhà Nam Tống đã khiến người Mông Cổ sa lầy, chủ yếu là do người Trung Quốc sẵn sàng chịu đựng các cuộc bao vây kéo dài. Nhưng rồi, điều này trở nên vô nghĩa khi người Mông Cổ có thể đánh sập tường và lao vào tàn sát quân lính Nam Tống, những người không thể đối đầu với kỵ binh Mông Cổ mà không có công sự.
Tóm lại, việc nhà Nam Tống chống trả tới tận 40 năm trước đội quân hùng mạnh nhất thế giới đến từ sự kiên cường của quân dân Trung Quốc, sự khôn ngoan trong đường lối phòng thủ. Ngoài ra, cũng cần phải kể đến các yếu tố mang tính chiến lược khách quan đến từ các Đại hãn Mông Cổ.
Nhà Tống đương thời là đỉnh cao văn minh nhân loại, là vùng đất giàu có nhất, đông dân nhất. Có thể nói họ là “chén thánh”, màn chơi cuối cùng trong hành trình làm chủ thế giới của người Mông Cổ. Bốn mươi năm là cái giá xứng đáng cho hành trình chinh phục này.



Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *