Mondo film: sản phẩm quái dị của xã hội tư bản.

Mondo film: sản phẩm quái dị của xã hội tư bản.

(Một số phim Mondo sẽ được giới thiệu ở bài sau).
Trước tiên, không phải quốc gia ''tư bản'' cũng có phim Mondo. Thậm chí những nước như Anh, Hà Lan, Canada, Úc,…đều hạn chế hoặc cấm tiệt loại phim này. Nhưng một điều chắc chắn: phim Mondo chỉ xuất hiện tại các nước tư bản: Ý, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Hoa Kỳ,… và sau này xâm nhập châu Á qua Nhật Bản. Kỳ lạ thay, cả 3 nước cựu phát xít Đức, Ý, Nhật đều là những nước sản xuất hàng đầu về thể loại phim này, khiến nhiều người đã từng giải thích nó dưới góc độ dân túy và phân biệt chủng tộc.
Vậy phim Mondo là gì? Về cơ bản người ta nói rằng nó là một thể loại phim tài liệu, nhưng với những cảnh quay gây sốc với người xem.Vì vậy trong tiếng Anh người ta gọi nó với danh từ ghép ''Shockumentary'' = shock + documentary. Tuy vậy, đa phần người ta thích gọi nó bằng thuật ngữ tiếng Ý là “Mondo film'' như một cách để tưởng nhớ quốc gia sản sinh ra thể loại phim quái dị này.
Vào những năm 60s, dù nền điện ảnh được coi phát triển hàng đầu châu Âu và thế giới, một số nhà làm phim Ý mà nói tới đặc biệt ở đây là 3 đạo diễn huyền thoại Paolo Cavara , Gualtiero Jacopetti và Franco Prosperi vẫn thấy việc tìm kiếm lợi nhuận qua các bộ phim khá khó khăn, và cần một nội dung ''mới mẻ'' nào đó để thu hút ngay lập tức người xem. Và họ đã quyết định chọn những nội dung được được coi là cấm kỵ trên màn ảnh dù nó diễn ra thường ngày: cái chết, tình dục, bạo lực, nghèo đói,… Và từ đó Mondo film ra đời!
Trong hơn 2 thập kỷ từ những năm 60s đến 80s, các nhà làm phim Mondo đã đi khắp mọi ngóc ngách thế giới, quay lại những cảnh phim kỳ lạ với khán giả châu Âu. Những nghi thức kỳ dị của các thổ dân châu Úc, những hình thức tình dục kỳ quái ở châu Á, những cảnh săn bắt động vật đẫm máu ở châu Phi, bạo lực đường phố ở Nam Mỹ, nghèo đói cùng cực ở Ấn Độ, hay chỉ đơn giản là những cái chết do tai nạn, tự sát trên đường phố Âu Mỹ hàng ngày…. May mắn sao, vào lúc những bộ phim đầu tiên ra đời nó được đón nhận nồng nhiệt và thành công lớn về tài chính. Năm 1962, bộ phim ''Mondo Cane'' – tạm dịch ''Thế giới của chó'' được 3 đạo diễn Paolo Cavara , Gualtiero Jacopetti và Franco Prosperi thực hiện với một nội dung tổng hợp và không liên quan khắp nơi trên thế giới, đã gây tiếng vang lớn với khán giả châu Âu, mang lại thành công không tưởng về tài chính. Ở thời kỳ mà thế giới chưa được kết nối rộng như ngày nay, những thước phim mà các đạo diễn mang đến đã làm thay đổi suy nghĩ của khán giả châu Âu về các vùng đất xa xôi ở châu Á, châu Đại Dương,… Tuy nhiên, nó lại là những thước phim về hủ tục rùng rợn của thổ dân châu Úc và những cảnh tàn bạo với động vật ở châu Á: ăn thịt chó ở Đài Loan, thịt rắn ở Singapore, chặt đầu trâu ở Nepal,…
Thành công và lợi nhuận của ''Mondo Cane'' năm 1962 đã tạo ra cơn sốt, khiến các nhà làm phim đua nhau sản xuất thể loại phim này. Riêng 3 đạo diễn nổi tiếng ở trên còn sản xuất ra những bộ phim Mondo kinh điển khác là Mondo Cane 2 (1963), Women of the World (1963), Africa Addio (1966) hay ''Goodbye Uncle Tom'' (1971). Học tập theo, 2 anh em đạo diễn người Ý khác là Angelo Castiglioni và Alfredo Castiglioni đã dành hàng chục năm sau đó rong ruổi khắp lục địa châu Phi, cho ra đời 5 bộ phim Mondo về các phong tuc của thổ dân châu Phi – được đánh giá là thuộc những bộ phim có giá trị cao nhất. Rồi đến 2 đạo diễn Ý nữa Antonio Climati và Mario Morra, làm ra bộ phim ''Savana violenta'' – tạm dịch ''Thế giới bạo lực này'' – được coi là phản ánh trần trụi nhất góc tối của thế giới loài người với những cảnh bạo lực mà loài người làm với nhau khắp nơi trên thế giới.
Từ thập niên 70, Mondo phim xâm nhập Hoa Kỳ, và nhanh chóng tạo ra những bộ phim nổi tiếng nhất cho thể loại này. Hai serie đình đám người Mỹ đã tạo ra: ''Faces of Death'' và ''Banned from Television'' cho đến nay vẫn được coi là biểu tượng của dòng phim Mondo. Có thể nhiều bạn đã từng nghe qua ''Faces of Death'' – ''khuôn mặt tử thần'' là bộ phim kinh dị nổi tiếng với việc bị cấm trên hơn 40 quốc gia, cho chứa những nội dung chết chóc đáng sợ, nhiều cảnh quay trực tiếp cái chết lúc nó xảy ra. Hình ảnh biểu tượng của bộ phim – hình ảnh người đàn ông bị tử hình bằng ghế điện với máu trào ra từ 2 mắt đến nay vẫn được coi là ''thước phim ám ảnh nhất lịch sử phim ảnh''. Với chi phí chỉ 450.000 USD, những cảnh quay cái chết của ''Faces of Death'' đã mang lại doanh thu hơn 35 triệu USD. Để từ đó, một dòng phim ''ăn theo'' đã được sản xuất với 5 bộ phim nữa lấy tên ''Faces of Death'', nhưng đều không thể gây lại tiếng vang như bản ban đầu.
Rồi đến nâm 1980, thể loại phim Mondo được coi là ddatjd đến đỉnh cao với bộ phim đầy tai tiếng: Cannibal Holocaust – Bộ lạc ăn thịt người. Cái tên đã nói lên tất cả – bộ phim với cảnh ăn thịt người dù là dàn dựng. Với một nội dung mà ngay cả các nhà làm phim Mondo cũng ít dám đụng đến, Cannibal Holocaust đến nay vẫn được đánh giá là bộ phim ''kinh tởm nhất từng làm ra''. Cảnh ăn thịt trong phim chân thực đến nỗi tòa án Ý đã triệu tập đạo diễn Ruggero Deodato để điều tra liệu ông có giết người thật trong bộ phim. May là Ruggero Deodato đã chứng minh bộ phim chỉ là dàn dựng.
Ngoài Ý và Hoa Kỳ. Các quốc gia khác như Đức, Pháp, Tây Ban Nha cũng có một số bộ phim Mondo ít được chú ý hơn. Người Đức vào các năm 1974 và 1985 có 2 bộ phim thành công lớn ở châu Âu là loạt phim về các phong tục kỳ lạ châu Á – Shocking Asia (1974) và Shocking Asia 2 (1985) đều của đạo diễn Rolf Olsen. Không có những cảnh chết chóc nhưng với những cảnh quay tình dục trần trụi và nghi thức kỳ quái, bộ phim đã gây sốc cho các khán giả châu Âu về một châu Á xa xôi với những điều kỳ dị.
Cuối cùng, thể loại phim Mondo xâm nhập châu Á chỉ qua Nhật Bản khá muộn, nhưng lại kéo dài và sản sinh ra những sản phẩm mới lạ, mà từ đó được coi là tạo vị thế không thể lay chuyển của Nhật Bản trong dòng phim kinh dị. Phim Mondo thời đầu của Nhật Bản có nội dung không phong phú, gần như chủ yếu là các cảnh quay cái chết trong tai nạn ở các nước châu Á. Nhưng về sau, người Nhật đã tạo ra những thể loại phim như tra tấn, hành xác mà đình đám nhất là serie ''Guinea Pig'' của Hideshi Hino. Từ đó, một dòng phim khác được đặt tên là ''Snuff film'' – ''phim giết người''. Vào thời kỳ phim Mondo xâm nhập, nó từng được dùng để quy trách nhiệm cho tỷ lệ tội phạm tăng cao ở Nhật Bản cuối thập niên 80-90s, khi một số tội phạm giết người hàng loạt thừa nhận chịu ảnh hưởng của phim kinh dị.
Sau những năm 80s, nhất là sau vụ bê bối pháp lý của đạo diễn phim “Bộ lạc ăn thịt người'', dòng phim Mondo đi vào thoái trào. Đặc biệt khi bước vào kỷ nguyên Internet, lo ngại những nguy cơ tiềm ẩn về đạo đức nếu phổ biến phim Mondo, các nước đã có xu hướng kiểm duyệt và hạn chế thể loại phim này. Các nhà làm phim không kiếm được lợi nhuận nữa đã đặt dấu chấm hết cho dòng phim Mondo trước khi bước vào thế kỷ 21. Đến nay người ta gần như không nghe đến nó nữa.
Nhìn nhận dưới góc độ xã hội, nhiều người cho rằng thể loại phim Mondo vào thập niên 60s – 80s là sản phẩm sinh ra trong xã hội tư bản, với mục đích phục vụ những thú tính kỳ lạ của một bộ phận người xem. Một số người còn liên hệ sự ra đời của phim Mondo với khái niệm ''tha hóa hành vi'' của nhà bác học John B. Calhoun – giải thích rằng khi kinh tế, cuộc sống phát triển loài người sinh ra những thú vui bệnh hoạn biến thái, và phim Mondo tạo ra để phục vụ những người tìm kiếm hứng thú trước cái chết của đồng loại. Thực tế chỉ ra rằng, phim Mondo gần như chủ yếu xuất hiện ở các nước tư bản phát triển nhanh thời kỳ đó Mỹ, Đức, Nhật Bản, Italy,… Khi một bộ phận người giàu có hơn phần còn lại của xã hội, họ có nhu cầu tìm kiếm thú vui từ sự đau khổ của người khác.
Lại cũng có những người khác nhìn dòng phim Mondo dưới góc độ chủ nghĩa dân túy và phân biệt chủng tộc. Cụ thể, người ta cho rằng các nhà làm phim đã cố tình vào khán giả châu Âu những hình ảnh và ý nghĩ tiêu cực về các khu vực khác như châu Á, châu Phi hay châu Đại Dương. Thực tế khi bộ phim ''Africa Addio'' sản xuất năm 1966, người ta đã chỉ trích dữ dội bộ phim là ''phỉ báng một lục địa'' khi phơi bày những điều tiêu cực nhất ở châu Phi vào thời kỳ mà các nước này đồng loạt giành độc lập. Hoặc như bộ phim Shocking Asia của Đức khi làm ra đã bị coi là ''kinh tởm người châu Á'', chỉ tập trung vào những hủ tục lạc hậu trong khi đó là thời kỳ các nước châu Á như Nhật Bản phát triển về kinh tế còn vượt trội hơn châu Âu. Và có vẻ trùng hợp ngẫu nhiên, khi người ta thấy rằng các nước cựu phát xít như Đức, Italy, Nhật Bản,… là các nước phát triển mạnh thể loại phim này.
Dù có những lo ngại về đạo đức và hứng chịu chỉ trích nhắm vào phim Mondo, tuy nhiên sau này nhìn lại người ta cho rằng phim Mondo chỉ phát triển thời kỳ khi mà Internet chưa phát triển. Phim Mondo trên thực tế sản xuất chỉ nhằm phục vụ một bộ phận nhỏ người xem, và thường chỉ được phát hành dưới dạng băng đĩa cá nhân chứ ít khi được công chiếu rộng rãi trên truyền hình. Vì vậy mà khi Internet phát triển, những lo ngại về sự phổ biến phim Mondo có thể gây ra ảnh hưởng tiêu cực đã khiến các quốc gia hạn chế dẫn đến cấm thể loại phim này, và cuối cùng nó đã biến mất. Rốt cuộc, những giới hạn đạo đức của loài người vẫn được coi trọng và không bị vượt qua.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *