Tôi nhớ năm đó có xem một tập Mèo ú, nội dung là bánh rán có thể tự mình nhân đôi, một cái biến thành hai cái, thế là tụi nhỏ phải gọi cả Chaien đến mà ăn cũng không hết, Mèo ú cuối cùng phải lấy bảo bối ra để tống hết tụi bánh rán ra ngoài vũ trụ.
Hình như năm đó tôi là học sinh cấp Hai, nghĩ trong đầu rằng tụi bánh rán cứ phân chia thế này thì chắc cả vũ trụ sẽ bị lấp đầy sớm thôi. Nhưng mà cũng chỉ là suy nghĩ, tôi chưa ngồi nghiêm túc tính toán thử, mà cũng chẳng có đủ khả năng để tính toán nữa.
Hôm qua lúc lúc mồm đang nhai thì tôi lại chợt nghĩ tới câu hỏi này, thấy nó cũng rất hay đấy chứ, nên giờ mời các đấng đến tính toán xem, giả dụ cứ một phút thì bánh rán lại phân chia một lần, vậy mất bao lâu mới có thể lấp đầy vũ trụ (vũ trụ quan sát được). (*)
(*) Vũ trụ quan sát được (hay còn gọi là Vũ trụ khả kiến) đối với con người ở Trái Đất là một vùng không gian của vũ trụ tập hợp mọi vật chất, sự vật, hiện tượng mà con người với các phương tiện thiên văn có thể quan sát được trong thời điểm hiện tại. -> theo Wikipedia.
Bổ sung thêm: tôi mới kiểm tra lại, là “bánh bao nhân đường”, không phải là “bánh rán”. Nhưng mong các bạn đừng sửa đổi, vì những gì tôi kể ra là phần kí ức của tôi, nói theo logic để hiểu là được. Thứ hai là cũng không ảnh hưởng lắm đến tính toán (thể tích gần giống nhau). Thứ ba là bánh rán nổi quá rồi, đặt ở tiêu đề nhìn phát biết ngay, dễ gây chú ý.
Trans: mình cũng bổ sung một chút, theo trong truyện Đô-rê-mon tập “Thuốc nhân đôi số lượng” là 5 phút nhân đôi một lần. Và bên tiếng Nhật/Trung làくりまんじゅう/栗子馒头: bánh bao hạt dẻ, nhưng mình xin phép để theo bản tiếng Việt là “bánh bao nhân đường”.
_______
#1 [3461 likes] Răng Rồng:
Bánh rán không thể nào lấp đầy vũ trụ, khi bánh rán phân chia đến một số lượng nhất định thì nó sẽ tự suy sụp (*) thành một hố đen, đồng thời giải phóng một lượng lớn các tia gamma và bắn ra rất rất nhiều vật chất bánh rán, dần dần biến cả vũ trụ thành một vùng hỗn độn điên cuồng.
(*) Suy sụp hấp dẫn: hiện tượng co nén cực nhanh của các vật thể có khối lượng lớn (thiên thể) dưới tác dụng của lực hấp dẫn. Kết quả có hai khả năng xảy ra: một là hình thành sao siêu mới, hai là trở thành một lỗ đen.
Ta hãy giả sử bánh rán đã lấp đầy toàn bộ Hệ Mặt Trời, đường kính Hệ Mặt Trời là 3.4E16 m (tính theo Apogee (*) của quỹ đạo sao chổi), thể tích của Hệ Mặt Trời vào khoảng 1.64E50 m³. Chúng ta đặt giả thiết mật độ của bánh rán là 200 kg/m³, như vậy khối lượng bánh rán đã lấp đầy Hệ Mặt Trời là 3.28E52 kg.
(*) Apogee – 远地点: thuật ngữ Thiên Văn Học, là điểm cách xa Trái Đất nhất của Mặt Trăng và các vệ tinh khi chúng quay quanh Trái Đất theo quỹ đạo hình elip.
Dựa vào công thức tính bán kính Schwarzschild: Rs=2GM/c²
Ta tính được bán kính Schwarzschild của tinh vân bánh rán là: 2.44E24 m.
Xét thấy thiên thể chưa xác định này (thành phần chủ yếu là Hydrocarbon và một lượng nhỏ Natri Clorua) có bán kính Schwarzschild lớn hơn bán kính thực tế, nên chúng ta có cơ sở để tin rằng nó sẽ không thoát khỏi cái định mệnh suy sụp thành Lỗ Đen Bánh Rán. Bánh bao nhân đậu này, bánh báo nhân đường này, tóm lại là mấy cái bánh chúng ta vẫn hay thồn vào mồm có mật độ giống với tụi bánh rán, không khác biệt lắm về cấp khuyếch đại (*), dù có là tụi marshmallow bon chen vào thì cũng không ảnh hưởng gì đến kết luận này.
(*) Cấp khuyếch đại – 数量级 – Order of magnitude: chỉ mức độ số lượng hoặc cấp độ lớn nhỏ, giữa mỗi cấp độ luôn duy trì một tỉ lệ cố định. Các tỉ lệ thông thường được sử dụng là: 10, 2, 1000, 1024, e (số e tức hằng số Euler, là cơ số của logarit tự nhiên, giá trị số của e tới 20 chữ số thập phân là 2.7182818284590423536). -> theo Baidu.
Hệ Mặt Trời rồi sẽ bị lỗ đen ngấu nghiến nghiền nát thành đĩa bồi tụ (*) tỏa ánh sáng rực rỡ, ánh sáng này theo thời gian sẽ không ngừng suy yếu và cuối cùng là đi đến sự tàn lụi.
(*) Đĩa bồi tụ (hay đĩa bồi đắp) – 吸积盘– Accretion disc/Accretion disk: là một cấu trúc (thường là đĩa vũ trụ tròn), được hình thành bởi vật chất, chuyển động theo quỹ đạo xung quanh một vật trung tâm có khối lượng lớn, bị phân tán thành đĩa. Vật trung tâm thường là một ngôi sao. -> theo Wikipedia.
Và trong vụ nổ tia gamma siêu mạnh, các hệ sao gần Trái Đất đều sẽ bị nhấn chìm hoàn toàn. (Người Tam Thể: CÁI ĐM!!!)
(Trans: trong tiểu thuyết khoa học viễn tưởng “Tam Thể” của Lưu Từ Hân có tình tiết người Tam Thể cách Trái Đất 4 năm ánh sáng đang cần tìm chỗ ở mới thì nhận được tín hiệu chào mời của người Trái Đất, thế là người Tam Thể hăng hái thu dọn hành lý bay tới thăm sẵn xâm chiếm Trái Đất luôn. Nên mình nghĩ cái trong ngoặc ý bạn thớt là đại nạn bánh rán xảy ra, người Tam Thể nghĩ: “đám người Trái Đất bọn mày phá banh chành rồi còn rủ tụi tao tới làm gì!”, giận quá rồi chửi
Tiểu thuyết này rất nổi tiếng và nhận được Giải thưởng Hugo lần thứ 23.)
Tổng khối lượng Dải Ngân Hà cũng chỉ là 4.1771E41 kg, mà cái Lỗ Đen Bánh Rán này đã lên tới 3.28E52 kg, bán kính Dải Ngân Hà cũng chỉ là 20 cấp khuyếch đại, cũng chẳng sánh được bán kính Schwarzschild của cái Lỗ Đen Bánh Rán này, ôi chao đm, tình hình có vẻ không ổn chút nào, chỉ cần cho Lỗ Đen Bánh Rán thời gian, Lỗ Đen Bánh Rán sẽ cân luôn nguyên cái Ngân Hà…
Quào, mớ hỗn độn này chỉ vì một cái bánh rán mà ra đấy (hoặc là bánh bao nhân đậu, bánh bao nhân đường, bánh kem cuộn Thụy Sĩ, Mao Huyết Vượng, Diệp Nhi Ba). (*)
(*) Mao Huyết Vượng: một tô thập cẩm nhưng tiết vịt là chính, nhất định phải cay phải thơm, ăn kèm với cơm chắc được, là món ăn truyền thống của Trùng Khánh.
Diệp Nhi Ba: tròn tròn, mềm mềm, trắng trắng, tựa mochi lại như bánh ít, làm từ bột nếp, quấn lá hấp lên, hai loại ngọt – mặn, là cái bánh ăn chơi no thiệt nức tiếng ở Tứ Xuyên.
Chắc có lẽ trong đầu các bạn đã hình thành một ấn tượng rõ ràng đối với mật độ trong hệ thống thiên thể vũ trụ: mật độ của Hệ Mặt Trời thấp khủng khiếp, nên nếu cái khoảng không gian rộng lớn vl ấy nhét đầy bánh trái, thì tổng khối lượng của nó dám chắc là ăn đứt luôn nguyên cái Dải Ngân Hà.
Đã đi đến đây thì chúng ta không thể dừng bước được, còn phải hóng xem xem Đô-rê-mon có thể dùng tên lửa tống khứ tụi vật thể chưa xác định cứ một phút lại phân chia một lần này đến một khoảng cách an toàn kịp thời hay không.
Ta hãy cho là Đô-rê-mon tàng trữ một tên lửa có vận tốc ánh sáng, là hàng xịn không thể bị phá hủy, và cũng chẳng cần độ thêm bộ gia tốc. Nó là bảo bối thần kì đến thế đó, xuất phát với tốc độ ánh sáng, méo cần gia tốc theo thời gian, vào lỗ đen vẫn không sứt không mẻ, tung tăng vui vẻ. Thiệt cái tình tui cũng méo biết đào đâu ra cái vật chất thần kì vcl để có thể làm được như thế, thôi thì tui chỉ còn cách lên Zhihu xin mượn “muỗng bé nhỏ” để lắp ráp cái tên lửa ngon lành này vậy.
(Trans: theo mình tìm hiểu thì trên Zhihu có một “muỗng bé nhỏ”, bắt đầu từ một câu hỏi “nếu lỡ ăn phải một cái muỗng điện tử nhỏ thì tui thành cái dạng gì”, có một thánh phân tích rất khoa học và cái kết méo ngờ được là bạn sẽ thành đấng sáng thế cmnl =))) chắc là bạn thớt đang nói “muỗng bé nhỏ” này
)
Tên lửa được phóng đi ở Tokyo, Nhật Bản, Trái Đất, tụi bánh rán thì được gói ghém gọn gàng đặt ở vòm chỉnh lưu (*). Cái vòm che này vì được làm từ “muỗng bé nhỏ” của Zhihu nên sẽ không gây ra phản ứng hạt nhân với bầu khí quyển.
(*) Vòm chỉnh lưu – 整流罩: dùng để bảo vệ vệ tinh khỏi các ảnh hưởng xấu của môi trường xung quanh, đồng thời cũng là bộ phận cấu thành quan trọng của tên lửa vận chuyển. Mình cũng không tra được tiếng Việt gọi là gì.
1 phút ánh sáng, tên lửa đã bay xa tầng khí quyển của Trái Đất, vượt ra khỏi quỹ đạo Mặt Trăng, trong vòm chỉnh lưuđã có 2 bánh rán.
2 phút ánh sáng, tên lửa chưa đến được quỹ đạo sao Hỏa, bên trong có 4 bánh rán.
5 phút ánh sáng, tên lửa đã vượt ra khỏi quỹ đạo sao Hỏa, bên trong có 32 bánh rán.
34 phút ánh sáng, tên lửa đến gần quỹ đạo sao Mộc, bên trong đã có 17179869184 bánh rán, uầy uầy, cái vòm che dù thế nào đi nữa cũng quyết không ném bỏ tụi bánh rán.
Thể tích Hệ Mặt Trời là 1.64E50 m³, giả sử để lấp dày 1 m³ khoảng không gian cần 1E5 bánh rán, thì tổng số lượng bánh rán để lấp đầy Hệ Mặt Trời là 1.64E55 bánh rán, vậy mất bao nhiêu lâu để lấp đầy đây? Đại khái là khoảng hơn ba tiếng đồng hồ một chút thôi.
Còn chưa bay đến quỹ đạo của sao Hải Vương! Mới chỉ vượt ra khỏi quỹ đạo của sao Thiên Vương một tẹo thôi!
Giờ tui thấy chả cần tính độ lớn của nó tới đâu nữa đâu, phi thuyền tốc độ ánh sáng cũng bó tay không thoát ra bán kínhSchwarzschild được, tốc độ tối đa trong vũ trụ (*) cũng không thể vượt qua vận tốc thoát ly (**) của lỗ đen vũ trụ, cái Lỗ Đen Bánh Rán này hình thành là điều tất yếu rồi.
(*) 宇宙上限速度 – Tốc độ tối đa trong vũ trụ (dịch tạm): mình tìm hiểu cụm này bên tiếng Trung thì thế này: có ý kiến cho rằng “tốc độ ánh sáng” được cho là “tốc độ giới hạn của vũ trụ” nhưng chưa phải là “tốc độ tối đa của vũ trụ”, vì thực tế không gian vũ trụ có thể tự mở rộng với tốc độ lớn hơn tốc độ ánh sáng, nhưng chắc bạn thớt đang nói là tốc độ ánh sáng @@. Các bạn có thể tìm hiểu thêm các khái niệm: Superluminal expansion, Superluminal motion, Faster-than-light…
(**) Vận tốc thoát ly – 逃逸速度 – Escape Velocity: tốc độ một vật cần có để nó chuyển động theo quỹ đạo tròn gần bề mặt của một vật thể khác hoặc thoát ra khỏi trường hấp dẫn của vật thể khác. Một thiên thể nếu có khối lượng và lực hút bề mặt đủ lớn để vận tốc thoát ly lớn hơn vận tốc ánh sáng thì thiên thể đó chính là lỗ đen. – theo Wikipedia, Baidu.
Điều đó nghĩa là có dùng tốc độ tối đa trong vũ trụ để ném tụi bánh rán này ra ngoài thì cũng không có cách nào cứu vớt Hệ Mặt Trời thoát khỏi cái vận mệnh tăm tối bị biến thành lỗ đen vũ trụ đâu! Ngay từ cái khoảnh khắc định mệnh mà Đô-rê-mon lấy bánh rán ra ấy, Hệ Mặt Trời đã được định sẵn là sẽ tan tành banh chành rồi. Và cả Dải Ngân Hà nữa, cũng bị tàn sát dã man và rồi hóa thành một phần của lỗ đen. Chòm sao Tiên Nữ gần đó, các thiên hà của quần tụ thiên hà, cả đám này e là cũng không thoát cái kiếp đầu thai thành đĩa bồi tụ đâu.
Không biết bao nhiêu sự sống, nền văn minh, lịch sử ngày trước, tương lai ngày sau, tất cả đều bị hủy diệt chỉ trong chốc lát, Endgame!
Thế mới nói “Bảy mối tội đầu có tội phàm ăn”! (*) Chuẩn vcl! Cái gì chứ cái thứ tham ăn tục uống thì Chúa không tha, Phật không độ cho đâu! Chúng ta nên cấm Nhật Bản nghiên cứu chế tạo cái loại vũ khí có tính sát thương qui mô lớn này! Văn minh Ca Giả dùng cái Nhị Hướng Bạc chi cho phiền phức, chỉ cần a lê hấp ném một cái bánh rán vào Hệ Mặt Trời là xong rồi… (**)
(*) Bảy mối tội đầu: là nhóm các tội lỗi chính mà con người dễ mắc phải, và là nguồn gốc cho nhiều loại tội lỗi khác phát sinh, theo quan niệm của Kitô giáo, gồm có: Lucifer – Ngạo mạn, Mammon – Tham lam, Asmodeus – Dâm dục, Behemoth – Phẫn nộ, Beelzebub – Phàm ăn, Leviathan – Đố kỵ, Belphegor – Lười biếng. -> theo Wikipedia.
(**) Văn minh Ca Giả (Singer civilization) xuất hiện trong tiểu thuyết “Tam Thể” đã nói ở trên, là một nền văn minh cao cấp hơn cả Tam Thể và Trái Đất, chuyên đi xóa sổ các nền văn minh khác, khi đi thường mang theo Nhị Hướng Bạc. Nhị Hướng Bạc (Dual vector foil) là một vũ khí cực khủng bố, có thể phá hủy một chiều không gian, thường dùng để xóa sổ các nền văn minh. Mình chưa đọc tiểu thuyết này nên cũng không rõ, bạn nào đã đọc rồi thì giải thích thêm nha.
Phần còn lại xin nhờ các bạn học có tâm tính toán giúp xem mất khoảng bao lâu mới có thể hình thành nên lỗ đen. Còn ý kiến của tui là: chỉ cần hình thành nên lỗ đen thôi thì Tinh Vân Bánh Rán không thể nào tiếp tục mở rộng thêm được nữa, nên dùng bánh rán để lấp đầy vũ trụ là chuyện không khả thi chút nào.
—————- tuyến phân cách —————-
Đây là câu trả lời tui vừa lòng nhất, nó được viết ra bằng tất cả sự cẩn thận tỉ mẩn, nó làm tui vui còn hơn cả mấy chục ngàn lượt thích, vì tui đặc biệt yêu quý Mèo Ú.
Nhưng xem ra lại kéo đến một nhóm các bạn còn hiểu sai về khái niệm “lỗ đen”…
Trong đó còn có những người tự xưng là theo chuyên ngành vật lý nữa cơ đấy!
1. Lỗ đen không chỉ là “điểm kỳ dị” nằm ở tâm lỗ đen, mà là bao gồm toàn bộ vùng không gian bên trong bán kính Schwarzschild. Chúng ta biết rằng điểm kỳ dị có mật độ vô hạn, và thể tích là nhỏ vô hạn, cho nên điểm kỳ dị không có bán kính, nhưng lỗ đen có bán kính. Bán kính của lỗ đen là bán kính Schwarzschild, lỗ đen cũng có lớp vỏ ngoài, gọi là chân trời sự kiện (*), bên trong chân trời sự kiện, vận tốc thoát ly lớn hơn vận tốc ánh sáng, ánh sáng không thể thoát ra ngoài, nên mới gọi là “lỗ đen”. Bán kính Schwarzschild của siêu lỗ đen khối lượng lớn thật sự rất lớn, lớn kinh khủng luôn, và những lỗ đen như thế này có tổng khối lượng (bao gồm toàn bộ vật chất bên trong bán kính Schwarzschild) là vô cùng lớn, lớn không tưởng luôn, nhưng mà mật độ thì lại có thể nhỏ cùng cực luôn. Trong một câu trả lời có lượt thích cao rõ ràng là đã hiểu sai.
(*) Chân trời sự kiện – 事件视界 – Event horizon: là biên phía trong của không – thời gian gần một điểm kỳ dị, tất cả các loại vật chất nếu nằm dưới giới hạn này, kể cả các sóng điện từ (gồm cả ánh sáng) đều không thể vượt ra ngoài để đến với người quan sát. Chân trời sự kiện tức giới hạn sự kiện – giới hạn mà tại đó sự kiện (ở đây là ánh sáng và mọi thông tin khác) không thể thoát ra ngoài do lực hút quá lớn của lỗ đen. . -> theo Wikipedia.
2. Nếu từ Trái Đất ném tụi bánh rán thần kỳ này lên thì ngay từ mấy phút đầu đã buộc các định luật vật lý phải bị phá vỡ, bánh rán sinh sôi không ngừng đến mức lấp đầy Hệ Mặt Trời, sau đó thì các định luật vật lý lại được hồi sinh và lần nữa phát huy tác dụng, và Lỗ Đen Bánh Rán chắc chắn được hình thành với bán kính Schwarzschild là 2.44e+24. Thật ra khối lượng của nó chủ yếu là bánh rán, những thứ khác bên trong bán kính Schwarzschild cũng chẳng cần tính đến, đều có thể bỏ qua – bao gồm Hệ Mặt Trời, Dải Ngân Hà, và cả cái siêu lỗ đen khối lượng lớn ở trung tâm Dải Ngân Hà kia nữa, thế nên là tui, bạn, và Mèo Ú càng không cần phải nói đến đâu.
3. Một khi lỗ đen đã hình thành thì bất cứ vật chất gì đi chăng nữa cũng không thể tràn ra khỏi lỗ đen. Tức là cho dù bánh rán vẫn nhân đôi không ngừng thì từ bên ngoài lỗ đen cũng không thể nhìn thấy sự sinh sôi của bánh rán. Cho nên tất cả thông tin, năng lượng, vật chất, bất cứ thứ gì chỉ cần là nằm bên trong chân trời sự kiện thì đều không thể vượt qua chân trời sự kiện (chỉ giới hạn trong phạm vi được vật lý hiện thời công nhận).
4. Cho nên, dù bánh rán sinh sôi không ngừng, cũng mặc kệ khối lượng có lớn đến đâu đi chăng nữa, thì vốn dĩ tất cả đã dừng lại ngay tại khoảnh khắc nó suy sụp thành Lỗ Đen Bánh Rán.
(Trans: tiếp theo bạn thớt Răng Rồng đăng ảnh chụp bình luận của một thanh niên tạm gọi là “Tay dài ngân hà vạn con chữ”, bình luận này gáy cho sang, ai ngờ bị lòi ra tính toán sai, một lát bên dưới còn bị một đống cmt tag tên cà khịa lại
hình cũng toàn chữ nên mình gõ ra bỏ trong ngoặc nhé, chữ in đậm là bạn thớt gạch chân đỏ.)
>>> Tay dài ngân hà vạn con chữ:
Không chấp nhận được.
Tôi muốn chê trách một chút, nhưng lại sợ vì là lời chê trách nên sẽ bị ném qua một bên.
Mấy chuyện tào lao này mà mấy người cũng muốn khâm phục quỳ lạy à.
Khiếp, khả năng thường thức còn bé hơn con kiến.
Giả dụ để lấp đầy 1 m³ không gian thì cần 1E5 cái bánh rán.
Thì đi mà khen bánh rán ấy, quỳ lạy tụi nó ấy.
Chứ mấy người đi quỳ lạy ông trả lời câu hỏi làm gì.
Mấy người nghĩ 1 m³ chứa nổi 150 triệu cái bánh rán hả?
Nhiều người ở Zhihu thích quỳ lạy đến thế à? <<<
Ờ thì 1 m³ không thể chứa 150 triệu bánh rán, nhưng có thể chứa được 1E5 đó ông có tin không?
Nói về siêu lỗ đen khối lượng lớn thì có thể xem bộ phim “Hố đen tử thần – Interstellar” nếu bạn có hứng thú, trong đó có cái lỗ đen siêu to khổng lồ Gargantua đấy. Siêu lỗ đen này không chỉ có thể tích toàn phần lớn kinh khủng cùng mật độ nhỏ khủng khiếp, mà lực thủy triều (*) của nó cũng bé hết hồn. Nhân vật chính đi qua luôn chân trời sự kiện mà không rụng mất cọng lông nào. Nhưng nếu là lỗ đen khối lượng nhỏ thì nhân vật chính sẽ bị nghiền ép mất dép luôn.
(*) Lực thủy triều: là một lực biểu kiến kéo giãn một vật thể về phía và ra xa khỏi khối tâm của một vật thể khác do gradien (khác biệt về cường độ) trong trường hấp dẫn từ vật thể kia; nó chịu trách nhiệm cho nhiều hiện tượng đa dạng, như thủy triều, khóa thủy triều… – theo Wikipedia.
Còn về “tên lửa tốc độ ánh sáng” của Mèo Ú thì tui không có xét đến “thuyết tương đối”, vì hướng phân tích này cũng không ảnh hưởng đến kết luận: vũ trụ không thể bị phá hủy, cũng không thể được lấp đầy, vũ trụ là vô hạn trường tồn. Thứ nhất, Mèo Ú không cần gia tốc cho tên lửa vì tên lửa đã có vận tốc ánh sáng rồi; thứ hai, vật chất có khối lượng thì không thể đạt đến tốc độ ánh sáng.
_______
> [563 likes] Tiên Oracle nhiều muối: Anh Răng Rồng nhầm chút rồi~ tên lửa có tốc độ xấp xỉ tốc độ ánh sáng là được rồi, không cần phải đến tốc độ ánh sáng đâu~
Thời gian của bánh rán chuyển động theo tên lửa sẽ chậm lại cùng tên lửa, nên là không cần quan tâm, chúng ta ở trên Trái Đất là chuyện mấy nghìn hoặc thậm chí mấy chục nghìn năm, nhưng trên tên lửa vận tốc xấp xỉ tốc độ ánh sáng chẳng qua cũng chỉ là một khoảng ngắn ngủi mấy giây mấy phút thôi.
Đến khi tên lửa không chịu được sự sinh sôi của bánh rán nữa (tính theo giờ), thì có lẽ tên lửa cũng đã đến được chòm sao Tiên Nữ rồi~
> [274 likes] Răng Rồng gọi Tiên Oracle nhiều muối: Cẩn thận vạn lần, lại mần còn sót, aizzz…
> [491 likes] Răng Rồng: Tính toán đây: 1E5= 1*10^5=100000.
> [328 likes] Lạnh vl gọi Tay dài ngân hà vạn con chữ: Ái chà chà nào nào hãy tự nhiên hỡi vị anh hùng bàn phím đã mắc phải lời nguyền có trình độ văn – lý – hóa không tốt nghiệp nổi tiểu học và trung học. Lợi hại kinh người.
> [287 likes] Spadelee gọi Tay dài ngân hà vạn con chữ: 1E=100000000, tui cười tui ỉ* một hàng dàiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiii.
> [169 likes] Manas gọi Tay dài ngân hà vạn con chữ: Tui không biết ông có phải đang làm trò hề hước hay không, nhưng mà để tránh người khác hiểu nhầm thì tui sẽ sửa lại cho đúng, 1E5=1*10^5=100000 chứ không phải là 150 triệu đâu cha nội.
Nhưng mà thật ra con số 100000 cũng quá lớn, giả dụ lấy cái bánh bao đông lạnh (loại bánh bao đông lạnh bán trong siêu thị ấy) chứ không phải loại bánh bao Sơn Đông to ú nu, thì kích thước của nó khoảng là 2,5 cm x 2,5 cm x 5 cm, nên là 1 m³ chỉ chứa được 32000 cái thôi.
Èo, nhưng có làm trò mèo gì thì Dải Ngân Hà cũng sẽ tèo.