Nhiều thị trường đưa ra “chiêu” hút lao động đi làm việc ở nước ngoài
Lần đầu tiên sau nhiều năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đã khởi sắc trở lại. Số lượng lao động vượt kế hoạch tới hơn 130%. Dự báo năm 2024 hoạt động này tiếp tục khả quan bởi các thị trường có nhiều chính sách hưu đãi với lao động.
Thay đổi đầu tiên phải kể tới là những chính sách mới nổi ở thị trường Nhật Bản. Cuối năm 2023, Chính phủ Nhật Bản đã chính thức thay đổi chương trình thực tập sinh để tạo điều kiện hơn cho người nước ngoài muốn làm việc lâu dài tại đất nước này. Theo đó, các chính sách thiên về hướng đào tạo kỹ năng và tăng tiền lương, chế độ phúc lợi cho các lao động. Gần đây nhất, nước này đã công bố tuyển dụng thêm lao động nước ngoài có tay nghề làm trong 4 ngành nghề gồm: vận tải đường bộ, đường sắt, lâm nghiệp và gỗ. Đây là những chính sách có lợi cho lao động đi làm việc tại nước ngoài.
Ngoài Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) cũng có những thay đổi tích cực nhằm thu hút lao động. Đài Loan (Trung Quốc) đang rất cần lao động làm việc trong các ngành bán dẫn, bán lẻ, thực phẩm, khách sạn…
Chính quyền Đài Loan (Trung Quốc) cho phép nới lỏng các quy định về thị thực nhằm cho phép sinh viên đại học nước ngoài ở lại lâu hơn sau khi tốt nghiệp để kiếm việc làm. Thêm vào đó, từ đầu năm 2024, Đài Loan đã tăng lương cơ bản cho người lao động, trong đó có lao động nước ngoài. Mức lương cơ bản mới áp dụng từ ngày 1/1 là 27.470 đài tệ/tháng (tương đương 21,5 triệu đồng), tăng hơn 4% so với trước đây.
Mới đây nhất, Đài Loan (Trung Quốc) đã cho phép lao động làm công việc xây dựng dân dụng có thể làm việc cho nhiều công trình của cùng một chủ sử dụng lao động trong thời hạn hợp đồng là 3 năm. Quy định này có hiệu lực từ ngày 15/1 vừa qua.
Năm 2023, Việt Nam đã đưa 58.620 lao động sang Đài Loan (Trung Quốc) làm việc, đứng thứ 2 sau Nhật Bản.
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2023 là 159.986 lao động, đạt 133,3 % kế hoạch. Trong số này có 55.804 nữ, chiếm tỷ lệ gần 35%.Nhật Bản vẫn là thị trường hàng đầu tiếp nhận lao động Việt Nam, với hơn 80 nghìn người. Tiếp đó là một số thị trường chính thu hút nhiều lao động nước ta sang làm việc như: Đài Loan (Trung Quốc): 58.620 lao động; Hàn Quốc: 11.626 lao động; Trung Quốc: 1.806 lao động… Năm 2024 Việt Nam đặt mục tiêu đưa 125.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Còn tại Hàn Quốc, chính phủ nước này cũng vừa cho phép sinh viên nước ngoài mời cha mẹ đến Hàn Quốc làm việc tại các vùng sản xuất nông nghiệp hoặc làng chài nằm ở các khu vực gần trường học. Theo đó, phụ huynh của sinh viên nước ngoài đang theo học tại các trường đại học bên ngoài khu vực Seoul từ 1 năm trở lên, trừ các sinh viên đăng ký học các khóa học ngôn ngữ, có thể đến Hàn Quốc làm lao động thời vụ trong khoảng 8 tháng.
Đây là một phần trong chương trình lao động thời vụ cho phép thuê lao động nước ngoài hợp pháp trong thời gian ngắn nhằm giải quyết tình trạng thiếu lao động thường xuyên trong mùa nông nghiệp và ngư nghiệp của Hàn Quốc.
Như vậy, bên cạnh chương trình lao động thời vụ đang triển khai kết nối giữa các địa phương Hàn Quốc với các tỉnh/thành Việt Nam thì chương trình này tiếp tục mở ra cơ hội cho phụ huynh sang Hàn Quốc thăm con kết hợp làm việc.
Nước này cũng cho biết thêm sẽ tuyển thêm lao động làm trong các ngành nhà hàng, thực phẩm, khai thác mỏ và lâm nghiệp.
Lao động đi làm việc ở nước ngoài đang trên đà tăng trưởng mạnh
Sau 3 năm khốn đốn về dịch bệnh, từ năm 2023, hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài đã bắt đầu phục hồi, dần khởi sắc.
Năm 2023, lần đầu tiên hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của Việt Nam đạt đỉnh mới, Việt Nam đã đưa 159.986 lao động đi làm việc, đạt và vượt 133,3 % kế hoạch năm. Bộ LĐTBXH đặt mục tiêu trong năm 2024 sẽ đưa 125.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Chủ yếu tập trung vào các thị trường có thu nhập cao, ổn định như: Hàn Quốc; Nhật Bản; Đài Loan (Trung Quốc)… Đồng thời đẩy mạnh phát triển thị trường lao động ngoài nước, tăng cường công tác quản lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Tiếp tục hoàn thiện, thúc đẩy ký kết cũng như sửa đổi, bổ sung các Thỏa thuận, Bản Ghi nhớ về hợp tác lao động với các quốc gia và vùng lãnh thổ.
Ông Nguyễn Gia Liêm – Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động Ngoài nước (Bộ LĐTBXH) cho rằng lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài cần chú ý tìm hiểu kỹ các thông tin về thị trường lao động ở các nước định nộp hồ sơ đi làm. Theo đó, cần tìm hiểu kỹ các thông tin như: Đơn hàng; công việc; tiền lương; môi trường làm việc; chế độ phúc lợi; …
“Đặc biệt cần thông qua các đơn vị uy tín, các doanh nghiệp được cấp phép, hoặc các trung tâm dịch vụ việc làm công… để nắm bắt thông tin. Khi có thông tin thiếu chính xác thì phải kiểm chứng lại qua Phòng LĐTBXH các tỉnh thành”, ông Liêm nói.
Ông Liêm cũng khuyến cáo, đây là thời điểm hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài tăng trưởng tốt, sôi động vì thế nhiều đối tượng, tổ chức trục lợi nhằm lừa đảo lao động. Nhiều doanh nghiệp rao tin có thể đưa lao động sang Hàn Quốc làm việc, nhưng thực tế không phải, người lao động cần cảnh giác.