1. Sinh viên thực tập có tính chủ động
Đối với những sinh viên mới vào công ty, nếu chưa nắm rõ quy trình làm việc thì nên mạnh dạn hỏi ngay, đừng ngại phiền phức, đừng sợ xấu hổ. Doanh nghiệp thường đánh giá cao những sinh viên có tính chủ động trong công việc. Vì điều đó cho thấy họ thật sự xem trọng và chú tâm vào những nhiệm vụ được giao.
Tất nhiên, thật sự không biết thì hẵng hỏi. Thời gian là vàng bạc, những gì có thể giải đáp được bằng Google thì nhất định không nên hỏi người khác. Có thể bạn nghĩ làm như vậy sẽ khiến cho mình trở nên ham học hỏi trong mắt đàn anh, đàn chị nhưng thật ra nó chỉ vô tình biến bạn thành một cô nhóc dựa dẫm và thiếu tính linh hoạt mà thôi!
Không ai có nhiệm vụ phải theo sát và nhắc nhở mỗi ngày để thúc đẩy bạn phát triển cả. Nên nhớ công ty là một xã hội thu nhỏ, không biết tự mình chủ động thì sớm muộn gì cũng sẽ phải chịu thiệt thòi!
2. Sinh viên thực tập “lanh lợi”, cởi mở trong giao tiếp
Dưới góc độ của người hướng dẫn, giữa một sinh viên thường xuyên báo cáo với bạn về tiến độ công việc và các vướng mắc gặp phải với một sinh viên ngày này qua tháng nọ chỉ biết thụ động hoàn thành công việc được giao mà chẳng có một chút tương tác nào với mọi người thì bạn sẽ thích ai hơn?
Kĩ năng giao tiếp đối với một nhân viên nói chung và sinh viên thực tập nói riêng quan trọng hơn những gì bạn nghĩ. Nó không chỉ dừng lại ở mức giúp tạo dựng các mối quan hệ giữa đồng nghiệp với nhau một cách tốt hơn mà nó còn là công cụ đánh giá khả năng làm việc của bạn.
Tôi đã từng dẫn dắt một sinh viên tên L ở phòng Kinh doanh vào năm ngoái. L tốt nghiệp loại giỏi của một trường đại học tuyến đầu trong tỉnh tôi, năng lực nghiệp vụ và thành tích phải nói là vô cùng xuất sắc.
Nhưng chỉ có một điều, cô bé là một người cực kì ít nói, nếu không muốn gọi thẳng ra là kĩ năng giao tiếp thật sự có vấn đề. Và điều đó đã dẫn đến sự phối hợp mất ăn ý giữa mọi người trong phòng ban và vô tình khiến cho dự án lần đó của đội chúng tôi bị thiệt hại khá nghiêm trọng.
Nếu như L chịu ngồi lại nói với chúng tôi những ý kiến, những suy nghĩ của em về công việc và cả cách mà em muốn đóng góp cho công ty thì mọi việc đã không đến nước này. Vậy mới nói, một sinh viên thực tập giỏi giang với thành tích học tập đáng nể cũng chưa hẳn đã bằng một người bình thường biết cách chủ động và có khả năng giao tiếp tốt ở môi trường công sở.
3. Sinh viên thực tập có chí tiến thủ và hiểu đúng về trách nhiệm của mình với công ty
Một số sinh viên thực tập nói rằng tôi đến đây để học tập nên đôi khi có sai lầm là điều khó tránh khỏi? Học? Nếu bạn có ý nghĩ rằng chúng tôi tuyển bạn đến đây làm chỉ với mục đích bồi dưỡng thì xin mời đi thẳng đến Phòng Tài chính để nộp học phí.
Nên nhớ dù bạn là ai, ở vị trí nào thì hãy nhớ bạn đến công ty là để làm việc, chúng ta thực hiện một hợp đồng trao đổ lợi ích công khai và minh bạch. Công ty chi tiền và mời bạn đến để tạo ra giá trị cho công ty. Học hỏi chỉ là một khía cạnh.
Quan trọng hơn hẳn là việc sử dụng nền tảng mà bạn đã học hỏi, tích luỹ được vào việc giúp công ty giải quyết vấn đề, đồng thời cũng từ đó nâng cao năng lực nghiệp vụ của bạn từng chút một.
Ngoài ra, tất nhiên là có thể mắc sai lầm, ai cũng mắc sai lầm, nhưng bạn không được để mình mắc phải những sai lầm tương tự nhiều lần. Và hãy chịu trách nhiệm và đừng tìm cách bao biện cho lỗi lầm của bản thân.
Khi mắc lỗi, đừng viện cớ rằng mình là người mới mà xem là điều hiển nhiên, thay vào đó hãy thẳng thắn kiểm điểm mình để từ đó kịp thời sửa chữa và rút ra được kinh nghiệm cho bản thân.
4. Sinh viên thực tập khiêm tốn, biết lắng nghe và có sự tinh tế trong ứng xử
Bạn có thế mạnh về một lĩnh vực nào đó trong công việc? Bạn hoàn toàn có quyền thể hiện bản thân vì nó tất nhiên là một điểm cộng rất lớn trong mắt sếp và mọi người xung quanh. Nhưng xin lưu ý, tuyệt đối đừng thể hiện quá đà!
Quá đà là như thế nào? Đôi khi bạn không thể biết được rằng sự say mê nhiệt thành của mình lại trở thành con dao hai lưỡi gián tiếp tạo ra ác cảm trong mắt mọi người.
Bạn có nhớ rằng mình đã từng thao thao bất tuyệt ra sao khi câu chuyện chuyển hướng đến chủ đề mà mình thích chưa? Bạn không ngừng nói về những gì mình giỏi và vô tình khiến cho người khác không có cơ hội để bày tỏ ý kiến. Hay cố chấp tiếp quản những nhiệm vụ rõ ràng là vượt quá năng lực của bản thân chỉ vì muốn “lấy le” trong mắt sếp.
Nếu bạn đã từng làm như vậy thì hãy dừng lại ngay đi trước khi quá muộn. Nhiệt tình thái quá và gượng ép quá mức sẽ gây cho người khác cảm giác tiêu cực và khó chịu. Trước khi nói một điều gì đó hãy suy nghĩ cẩn thận và đặt mình vào vị trí của người còn lại để kịp thời chấn chỉnh và tiết chế bản thân nhé!
5. Sinh viên thực tập biết tối ưu hoá giá trị bản thân
Nếu như bạn chỉ biết hoàn thành những công việc được giao một cách cứng nhắc và rập khuôn thì về lâu về dài, sếp sẽ mãi mãi không thấy được tiềm năng công việc nơi bạn. Nói cách khác trong mắt sếp bạn chỉ đơn giản là một người chấp hành và hoàn toàn có nguy cơ bị thay thế bất kì lúc nào. Vậy nên điểm mấu chốt ở đây là bạn phải học cách trở thành một người tiềm năng ngay từ khi chỉ mới là một người thực tập.
Đừng chỉ làm đúng và làm đủ những gì mình được giao. Hãy cố gắng tìm hiểu và học hỏi thêm về quy trình hoạt động và khái quát công việc của các phòng ban khác trong công ty. Những nhà lãnh đạo có tầm nhìn luôn đánh giá rất cao những nhân viên ham học hỏi và biết nâng cao giá trị bản thân.
Hơn nữa, việc kết giao với các phòng ban khác còn giúp mở rộng vòng tròn quan hệ của bạn trong công ty. Và biết đâu, trong quá trình tìm hiểu về những lĩnh vực mới bạn sẽ tìm ra được cho mình một hướng đi đầy triển vọng trong tương lai thì sao?
___________________
Cre: Hằng Trần