Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) có đặc điểm ở hai phương diện: Một mặt là có những ám ảnh và suy nghĩ rất mãnh liệt, mặt khác là dùng hành vi mang tính nghi lễ để làm giảm lo lắng của bản thân. Mọi người thường cho rằng rửa tay nhiều lần, kiểm tra ổ khóa cửa nhiều lần, hoặc sắp xếp đồ đạc cực kỳ ngay ngắn, gọn gàng là bị ám ảnh cưỡng chế. Thật ra triệu chứng của ám ảnh cưỡng chế nghiêm trọng hơn rất nhiều.
Không phải mọi hành vi thói quen đều là rối loạn ám ảnh cưỡng chế, trong cuộc sống ai cũng có những hành vi lặp đi lặp lại để xác nhận một số chuyện. Điểm khác biệt lớn nhất giữa người mắc rối loạn ám ảnh cưỡng chế khác và người bình thường là họ không thể kiểm soát được suy nghĩ và hành vi ám ảnh cưỡng chế của mình, dù biết những suy nghĩ và hành vi này đã vượt ra khỏi nhu cầu thực tế.
Bệnh nhân rối loạn ám ảnh cưỡng chế mỗi ngày mất ít nhất một tiếng đồng hồ cho suy nghĩ hoặc hành vi ám ảnh cưỡng chế, kể cả khi đã hoàn thành hành vi hoặc nghi thức ám ảnh cưỡng chế họ cũng sẽ không thấy vui vẻ, mà chỉ tạm thời giảm bớt lo lắng mà thôi.
Căn bệnh này khiến người ta suy nghĩ và có hành vi ám ảnh, từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, học tập, công việc và các mối quan hệ xã hội của họ, thậm chí có thể khiến họ bị trầm cảm nặng.
Cần phân biệt rõ một người mắc bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế hay chỉ là người bình thường có khuynh hướng ám ảnh cưỡng chế, thích cuộc sống ngăn nắp tỉ mỉ, tiêu chuẩn để phán đoán là mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng và mức độ can thiệp vào cuộc sống của người này.
Một số danh nhân trong lịch sử cũng từng khổ sở vì bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Howard Hughes là một trong những người hùng hàng không của Mỹ, khi ngoài 30 tuổi ông mắc bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Ban đầu khi ăn đậu ông rất để ý đến kích thước lớn nhỏ của hạt đậu, dùng chiếc nĩa đặc biệt để sắp xếp chúng theo thứ tự kích thước rồi mới ăn; sau này ông bắt đầu sợ bụi bặm và vi khuẩn, để lấy máy trợ thính từ trong tủ ra, trợ lý của ông phải dùng 6 đến 8 tờ khăn giấy để bọc tay cầm rồi mở hộc tủ, và rửa tay bằng một miếng xà phòng đã qua sử dụng.
– Theo: Cơ thể và não bộ: Ai làm chủ?