Mỗi khi Sally bé nhỏ chìm vào giấc ngủ, chúng tôi đều cầu nguyện rằng không ai chết đi

Ở phía Bắc Pennsylvania, tại một nơi gần như tách biệt hoàn toàn khỏi thế giới, có một thị trấn nho nhỏ, nhỏ đến mức gần như chẳng hề tồn tại. Và lọt thỏm trong thị trấn ấy là một trại trẻ mồ côi. Thề có Chúa, tôi không tài nào hiểu nổi vì sao có người lại quyết định mở một “Trại trẻ đặc biệt của Dawson” ở cái chốn này, thế nhưng mà, tôi cũng chẳng còn lựa chọn nào khác ngoài chôn chân ở đây cho tới khi trút hơi thở cuối cùng.

À nhưng đừng hiểu nhầm là tôi ghét nơi này, sau hơn một thập kỷ ở đây thì giờ tôi chẳng còn ý định rời đi nữa. Nếu như tôi có thể giúp, dù cho chỉ là một đứa trẻ, có được một tương lai tốt đẹp hơn, thì mọi khốn khổ tôi chịu đựng đều đáng giá cả. Ngặt nỗi, những đứa trẻ được gửi đến đây không được bình thường cho lắm.

Chúng là những đứa trẻ bị chính máu mủ ruột rà của mình chối bỏ, vứt lại trên bậc thềm trại mồ côi. Thông thường chúng sẽ chuyển từ hết trại trẻ này đến trại trẻ khác, hành xử theo cái lối không ai hiểu nổi. Bọn trẻ cũng không phải hư hỏng gì cho cam, chỉ là hơi kỳ dị một chút…Khó để mà miêu tả được những tồn tại không tuân theo bất kỳ lẽ thường nào.

Đối với đại đa số người, bọn trẻ ấy nghe cứ như thể sinh vật chỉ có trong truyền thuyết, hoặc chỉ đơn giản là sản phẩm được tạo ra từ bộ não điên loạn của bệnh nhân tâm thần. Nói thật thì ban đầu tôi cũng nghĩ hệt như thế. Nhưng rồi họ cho tôi gặp Laura, đứa trẻ bị thời gian lãng quên. Cô bé dậm chân ở tuổi lên mười biết bao nhiêu năm liền rồi, kể cả tâm trí cô bé cũng thế; mỗi khi ngày sinh nhật đến, ký ức của Laura sẽ lại quay về con số không, và cứ thế, cô bé mắc kẹt trong một vòng lặp vĩnh viễn không có ngày dừng.

Nhưng chỉ mỗi Laura thì vẫn chưa đủ để khiến tôi tin vào những chuyện huyền bí kia. Thế nên, tiếp đó họ dẫn tôi đi gặp Alexander. Alexander là một đứa trẻ không có khuôn mặt. Từ lúc ra đời, cậu bé chỉ có một cái đầu nhẵn nhụi da, ngoài ra chẳng còn gì nữa cả. Quả là một kỳ tích khi cậu có thể thở và di chuyển xung quanh trại trẻ mà không va phải cái gì. Cứ như thể là cậu bé vẫn có mắt, có mũi, có môi, chỉ là không thể mở miệng nói chuyện mà thôi. Lúc tôi đến trại trẻ thì Alexander đã ở đấy được ba năm rồi, và vẫn không thể giao tiếp được với bất kỳ ai.

Cũng có những trường hợp ít nghiêm trọng hơn, ví dụ như Daniel. Cậu bé trông như một người bình thường, cư xử cũng như một đứa nhóc bình thường nốt, nhưng hễ cậu mà bị bệnh thì chẳng cần biết đó có phải bệnh truyền nhiễm hay không, tất cả mọi người trong trại trẻ đều sẽ mắc đúng căn bệnh của cậu. Hoặc là James, người nói một ngôn ngữ chưa ai từng biết đến, và không thể học bất cứ thứ gì bằng tiếng Anh.

Chẳng có đứa nào mang tính ác cả, và tôi tin chắc rằng bọn trẻ không phải quỷ dữ như những gì người đời đồn thổi. Chúng cũng chỉ là nạn nhân của vô vàn lời nguyền mà vũ trụ vô tình này trút xuống thôi. Tôi luôn canh cánh nỗi lòng muốn giúp bọn trẻ, cho chúng một cơ hội sống bình thường, nhưng bọn trẻ cứ chết dần đi theo thời gian; không vì chính lời nguyền của mình thì cũng vì bị lời nguyền của những đứa khác hại. Những đứa bé chết sớm đó rồi cũng nhanh chóng bị thay thế bằng nhiều đứa trẻ bơ vơ mới đến khác.

Sau năm đầu tiên ở trại trẻ, từng tế bào trên người tôi đều kêu gào đòi thoát khỏi nơi này. Tôi gắng giúp lũ trẻ hết sức mình, nhưng cũng chỉ như công dã tràng. Tôi đổ toàn bộ số tiền mình có được vào việc giúp đỡ chúng, đến nỗi giờ chẳng còn đủ tiền để mua vé xe buýt, nhưng thật sự tôi cần phải thoát khỏi nơi này rồi sống một cuộc sống mới, nhanh trước khi tôi tự giết chết chính mình.

Nhưng rồi tôi gặp Sally…

Em ấy là một bé gái tuyệt vời, một đứa trẻ hoàn mỹ lạc bước đến trại trẻ này. Tôi là người tìm ra em, khi em đang đứng trước cổng trại mồ côi, đầu tóc quần áo bẩn thỉu vì đã lang thang khắp chốn trong nhiều ngày. Chẳng mảy may chần chờ, tôi mang em vào trong ngay, cho em thức ăn và vài bộ quần áo mới. Lúc ấy Sally chỉ mới sáu tuổi, nhưng cách em ấy thể hiện lòng biết ơn, sự lễ phép và trí thông minh lại hơn xa so với tuổi của mình.

Khi tôi đặt bát súp nóng xuống bàn, em chỉ ngồi nhìn, đợi tôi cho phép em ăn. Cơn đói cồn cào hiện lên trong mắt em, nhưng em chỉ ngồi yên chờ đến khi tôi bảo rằng cứ ăn đi. Trái tim tôi đã thắt lại khi nhìn thấy cảnh tượng đó. Lúc tôi ra hiệu rằng cứ tự nhiên, em gần như đã nuốt luôn cái bát, đến mức tôi phải cho em thêm một bát nữa.

Tôi cố hỏi tên của em, nhưng em lại chẳng tài nào nhớ nổi. Em chỉ nhớ rằng ba mẹ em từng gọi em là “Sally bé nhỏ”, nhưng giờ họ đi đâu rồi, em cũng không biết nữa.

Ăn xong rồi, Sally mới bắt đầu mở miệng nói chuyện. Em ấy không bao giờ nói những chuyện đã xảy ra trước khi bọn tôi tìm thấy em, mà lại kể về con vật em yêu thích, về những lần trèo cây ở sau nhà, và về sân chơi gần trường em. Tôi gắng hết sức hỏi thêm thông tin, nhưng với độ tuổi của em ấy thì cũng không tìm hiểu thêm được gì nhiều.

Tôi dần hiểu ra rằng, dù em ấy có là con nhà ai đi nữa, thì có lẽ bọn họ cũng không muốn có em trong đời mình.

Khi tôi thử hỏi lại Sally về ba mẹ em, em chọn cách im lặng. Em từ chối nhắc đến ba mẹ mình, nhưng khi nhìn những vết bầm trên người và thể trạng ốm đói của em, bọn tôi ngờ rằng em đã bị bạo hành. Nhưng, mặc cho tất cả những tổn thương ấy, Sally vẫn là một đứa trẻ xuất sắc, và dù rằng vẫn chưa thể biết được chuyện gì đã xảy ra với em, bọn tôi vẫn vui lòng giữ em bên mình.

Quan trọng nhất là, tôi gần như đã tin rằng Sally không phải là một trong số các đứa trẻ bị ám bởi những khả năng kỳ lạ. Ít nhất thì tôi đã tin như thế cho đến đêm đầu tiên em ấy ngủ lại tại trại trẻ.

Bọn tôi luôn luôn có một phòng riêng cho những đứa mới đến, để giúp chúng làm quen với nơi đây. Sally cũng không phải ngoại lệ, và khi bình minh tỉnh giấc, bọn tôi định rằng sẽ chào mừng em ấy đến với gia đình lớn này. Em chỉ cần một chút thời gian để làm quen thôi.

Khi ánh nắng lùi bước cho màn đêm buông xuống, tôi dẫn em đến căn phòng đó. Các mặt tường trong phòng phủ đầy tranh vẽ của những đứa trẻ đến trước, ai cũng đều để lại đây một tác phẩm vào ngày đầu tiên chúng đến nơi này. Tôi nói với Sally rằng em có thể vẽ bất cứ cái gì mình nghĩ ra. Đây là một hoạt động có lợi cho cả hai chúng tôi, vừa có thể biết được trí não em hoạt động như thế nào, vừa giúp em thả lỏng hơn.

Sally có vẻ thích ý tưởng này, và cứ thế, khi đêm đến, tôi để em lại một mình.

Đêm hôm đó, lần đầu tiên sau nhiều tháng trời tôi mới cảm thấy niềm vui chảy tràn lại trong mình. Cuối cùng tôi cũng có cơ hội giúp đỡ một ai đó và đem chúng hòa nhập với thế giới ngoài kia rồi, một nhiệm vụ vượt xa hơn là chỉ giữ chúng sống sót.

Nhưng trái với sự háo hức khi gia đình đón nhận thêm thành viên mới, giấc ngủ tối đó của tôi lại không mang đến chút bình yên nào. Những giấc mơ nhanh chóng trở mình thành ác mộng, mang theo đầy những nỗi lo âu và hình ảnh bất định về cái chết. Việc biết rằng những gì mình thấy không có thật khiến đầu óc tôi bình tĩnh hơn một chút, nhưng tôi vẫn không thể tỉnh giấc cho đến tận khi tiếng chuông báo thức vang lên, kéo tôi về lại với hiện thực.

Trong trạng thái kiệt sức, tôi ghé qua chỗ Sally để xem em trải qua đêm đầu ra sao. Lúc mở cánh cửa ra, chào đón tôi là một bức tường phủ đầy giấy. Chỉ trong một đêm thôi mà em ấy đã sáng tác ra hàng trăm bức vẽ mới, chất lượng lại còn không tệ nữa chứ. Hầu hết đều là các bức vẽ cây cối, đặc biệt là vào lúc hoàng hôn.

“Sally, đây là do em vẽ hết sao?” Tôi bàng hoàng hỏi.

Em gật đầu, nở một nụ cười nhẹ. “Vâng, em không ngủ được.”

Một câu trả lời khá lạ lùng, bởi em ấy trông không có vẻ gì là mệt mỏi cả. Sally nhìn vẫn tươi tắn hệt như hôm qua. Tôi ngồi xuống cạnh em, trong khi em tiếp tục vẽ bức tranh công chúa cưỡi rồng bay qua những ngọn cây.

“Em thích cây cối nhỉ?” Tôi hỏi, không biết nên gợi chuyện thế nào.

“Mhm,” em nhiệt tình tán thành.

Rồi tôi quay lại với những câu hỏi về việc em không nghỉ ngơi đêm rồi.

“Phòng này có gì lạ sao? Có phải đó là lý do em không ngủ được không?”

“Không ạ, chỉ là em không ngủ được thôi.”

“Ý em là sao?”

“Em không biết nữa. Mỗi khi ngủ, em đều gặp phải những giấc mơ rất tệ. Còn tệ hơn những giấc mơ của chị nữa.”

Tôi giật mình khi nghe em ấy nói. “Những giấc mơ của chị?”

Sally đặt chì màu xuống đất, rồi ngước lên nhìn tôi. Ánh mắt em xuyên thấu qua người tôi, và tôi có thể nhìn ra một chút thương hại trong cái nhìn đó.

“Em có thấy, chị sợ hãi.”

“Làm thế nào mà em biết chị gặp giấc mơ xấu?”

“Em luôn nhìn thấy những giấc mơ của người khác, nhưng chỉ thấy giấc mơ xấu thôi. Rồi khi em ngủ, em cũng gặp những giấc mơ giống như vậy.”

“Ác mộng?”

Em gật đầu.

Đó là lúc tôi nhận ra Sally đặc biệt đến mức nào. Em ấy là một đứa trẻ gần như không bao giờ ngủ, nghĩa rằng việc em đến trước bậc thềm trại trẻ này không phải là trùng hợp ngẫu nhiên. Em cũng là một đứa trẻ không nơi nương tựa, bị vứt lại giống như bọn trẻ ở nơi này, dù rằng lời nguyền mà em gặp phải chẳng đáng là bao nếu so với nhiều đứa khác. Thay vì giúp Sally đối phó với lời nguyền, tôi lại muốn dạy em ấy cách nắm giữ nó, và tự hào rằng mình là ai. Đó cũng là bài học tôi luôn cố gắng dạy cho những đứa trẻ khác: chấp nhận chính con người mình, hoặc ít nhất cũng là chấp nhận rằng chúng không chọn sinh ra cùng với sự nguyền rủa này.

Tôi nói với Sally rằng, em ấy cũng đặc biệt như những đứa trẻ khác vậy, và có vẻ như tâm trạng của em đã vui hơn một ít. Em thấy vui, vì đây là lần đầu tiên trong đời em không phải là kẻ lạc loài độc hành. Em ôm tôi, và cùng nhau, chúng tôi đã đi gặp gỡ những đứa trẻ còn lại.

______________________________________________________________________

Cuối cùng thì Sally cũng không cần đến giường ngủ làm gì, em ấy cứ thức là được. Dù thế, bọn tôi vẫn muốn cho em một nơi thuộc về riêng mình, một nơi để em có thể hòa nhập với chúng bạn. Toàn bộ bọn trẻ đều dang rộng vòng tay chào đón Sally, rồi tiếp đó dẫn em ấy đi thăm thú các nơi trong tòa nhà.

Em nhanh chóng trở thành một thành viên của gia đình. Lúc nào cũng thế, mỗi khi có đứa trẻ nào gặp ác mộng, em đều sẽ chạy đến gặp tôi ngay. Bọn trẻ làm em sợ, nhưng em lại lo lắng cho chúng nhiều hơn. Em muốn tôi giúp bọn trẻ cảm thấy an lòng hơn, giúp chúng biết được rằng trong những cơn mộng mị đó, chúng không đơn độc.

Dần dần, việc này cũng trở thành một phần công việc hàng ngày của tôi. Sally sẽ cho tôi biết về ác mộng của bọn trẻ, và tôi sẽ đến cứu chúng khỏi ác mộng. Mọi thứ đều đang ổn thỏa, nhưng lẽ dĩ nhiên, chuyện tốt đẹp nào rồi cũng phải đến lúc kết thúc thôi.

Khoảng một năm sau lúc Sally gia nhập với chúng tôi, một ngày nọ tôi thấy em ấy nằm bất tỉnh trên mặt đất. Đó là lần đầu tiên tôi thấy em yên tĩnh đến thế, cứ như thể năng lượng của em đã rời bỏ em đi hết rồi vậy. Phát hiện ấy làm tôi hoảng không thể tả nổi. Trông em không có vẻ gì là bị thương cả, và rõ ràng là em vẫn đang thở, mặc dù có hơi không ổn định. Thật ra thì, nhìn em giống như đang ngủ say hơn, và dường như trong giấc mộng em đang chạy trốn khỏi một thứ gì đó rất khủng khiếp.

Tôi ôm em vào lòng, rồi mang em đến bệnh xá trong khi chờ bác sĩ đến. Trại trẻ mồ côi này nằm ở một vùng nông thôn hẻo lánh tới nỗi chẳng có chiếc xe cứu thương nào có thể đến đây được, và như thế cũng đồng nghĩa rằng bọn tôi không có lựa chọn nào khác ngoài nhờ cậy vị lang y duy nhất ở nơi đây.

Khi tôi vừa đặt Sally xuống giường bệnh, người em bắt đầu vặn vẹo lại, và em lẩm bẩm gì đó về việc Daniel cần giúp đỡ. Ngay khi em nói những lời đó, tôi nghe thấy nhiều tiếng hét kinh hoàng vọng ra từ phòng vui chơi.

Nhân viên trại trẻ vội vã chạy đến nơi tiếng thét phát ra, chỉ để nhìn thấy cảnh tượng Daniel đang hợp nhất với bức tường. Toàn bộ cơ thể cậu bé dính chặt với mặt tường, và chúng tôi có thể nghe thấy tiếng xương cậu vỡ vụn dưới sức ép của bê tông. Daniel gào thảm thiết, nhưng khốn thay chúng tôi lại không thể nào kéo cậu bé ra được. Chúng tôi chỉ có thể đứng đó, nhìn thân hình Daniel chìm dần vào trong bức tường.

“Cây búa!” Tôi nắm lấy tay cậu bé, gào lên với mọi người.

Một trong số các nhân viên chạy ra khỏi phòng, tiến thẳng đến nhà kho để lấy vật dụng. Trong suốt khoảng thời gian đó, xương của Daniel vẫn tiếp tục bị nghiến nát, nội tạng cậu bé giờ đã thành một mớ bùn nhão bên trong đống bê tông. Lúc cây búa được đem đến nơi, lồng ngực cậu bé đã bị ép vụn, khiến cậu không thể thở được nữa.

Daniel bỏ mạng bên trong bức tường đó, đầy đau đớn, và chẳng bao giờ hiểu được vì sao cuộc đời mình lại chấm dứt như thế.

Cho đến tận khi đào thi thể cậu bé ra, chúng tôi mới biết được chính xác mức độ hủy diệt của vụ việc này. Cậu bé đã bị biến thành một đống thịt vụn chẳng còn tí hy vọng sống sót nào, và không một ai hiểu nổi chuyện gì đã xảy ra. Chỉ may là, tai nạn này không tác động đến chúng tôi như cách lời nguyền của cậu đã từng làm.

Trong lúc bọn họ dọn dẹp mớ máu thịt bầy nhầy kia, tôi quay lại kiểm tra Sally, người vừa mới tỉnh dậy và đang khóc.

“Em xin lỗi. Em xin lỗi. Em không cố ý ngủ quên. Em giết Daniel rồi,” em khóc.

Tôi cố dỗ dành em, nhưng không hiệu quả. “Không phải lỗi của em, Sally à,” tôi bảo, mặc dù chính tôi cũng không tin lời tôi nói cho lắm.

“Em thấy bức tường nghiền nát cậu ấy. Em đã mơ như thế.”

“Em mơ về Daniel?” tôi hỏi.

Em ấy gật đầu.

“Em đã thấy gì?”

Sally kể lại những gì em đã thấy, chi tiết đến rợn người, và mỗi câu em nói đều khớp với những gì Daniel đã trải qua. Thế đấy, cô gái ngây thơ mà tôi quen biết trong một năm qua đã tan biến, và bản chất của lời nguyền trên người em giờ đây mới lộ ra. Tôi ôm em một cái, rồi nói với em rằng đó không phải lỗi em. Dĩ nhiên tôi nghĩ như vậy chứ, vì em đâu có điều khiển được giấc mơ của mình. Nhưng nói cho cùng thì sự việc vẫn là từ em mà ra.

Chúng tôi quyết định rằng sẽ không nói cho những đứa trẻ khác biết sự thật, nhưng rồi bọn nhỏ vẫn nhận ra có gì đó trong Sally đã thay đổi. Nhân cách vui tươi trước đây của em đã hóa thành cát bụi, thế chỗ là một thứ lạnh lùng, xa cách và tan vỡ hơn.

Năm tiếp theo, chúng tôi dành phần lớn thời gian tìm hiểu xem năng lực của Sally hoạt động như thế nào, quả là một nhiệm vụ khó khăn khi đến giờ tôi mới chỉ thấy em ngủ một lần duy nhất.

Trong khoảng thời gian đó, tôi cũng cố gắng đào sâu hơn về quá khứ của em. Mất kha khá thời gian, nhưng từ những chi tiết vụn vặt mà em kể tôi nghe, cuối cùng tôi cũng có thể mường tượng ra được chuyện xảy ra trước lúc em đến nơi này. Em đang ngồi ở ghế sau trên xe bố mẹ mình, rồi bỗng đột ngột gục xuống ngủ. Thế rồi, em mơ rằng bố mẹ mình chưa từng tồn tại, và cứ thế, khi mở mắt ra em đã chỉ còn một mình bên vệ đường, ở một nơi đồng không mông quạnh.

“Em không muốn mình chìm vào giấc ngủ, nhưng nó vẫn cứ ập đến.” Sally nói.

Mất thêm một năm nữa em mới có thể hòa nhập lại với bọn trẻ. Đó là sinh nhật lần thứ tám của em, và em đang chơi trốn tìm với Alexander. Cậu bé giỏi trò này đến lạ lùng, ít nhất là giỏi so với một đứa trẻ không có gương mặt, nhưng đến tầm đâu đó lượt chơi thứ sáu, Sally không đi tìm cậu nữa.

Đến khi chắc chắn rằng không ai tìm thấy mình rồi, Alex quyết định tự mình đi tìm Sally, để rồi phát hiện em ngủ gật ngay tại chỗ từ lúc nào. Lúc biết chuyện gì đã xảy ra, chúng tôi lùa lũ trẻ xuống hầm tránh bom ngay lập tức vì nghĩ rằng cách Sally càng xa thì sẽ càng tốt.

Thế rồi, ngay khi chúng tôi vừa đóng cửa lại, cánh cửa bỗng bốc hơi khỏi thế gian, thế chỗ nó là một bức tường bê tông kín mít. Chúng tôi kẹt lại trong căn hầm, không cách nào thoát ra. Sau đó ánh sáng cũng vụt tắt theo, và chúng tôi chìm trong bóng đêm. Có một chiếc đèn pin nằm trong tủ quần áo, nhưng cũng chẳng khiến tình hình khá khẩm hơn là bao; chiếc đèn pin này cũ quá rồi, lại còn sắp cạn pin.

Chúng tôi đứng tụm lại với nhau trong nỗi im lặng kinh hoàng, còn tôi thì chỉ cầu mong Sally sẽ tỉnh dậy trước khi có ai đó bỏ mạng. Sau vài phút, tôi cảm giác mặt đất bắt đầu ươn ướt. Tôi chĩa đèn pin xuống đất, để rồi nhìn thấy mặt đất dưới chân mình đã chuyển thành màu máu. Không khí đặc quánh mùi kim loại, và tôi mau chóng nhận ra rằng chúng tôi đang đứng giữa một bể máu đang dâng lên rất nhanh.

Tiếng thét của lũ trẻ quanh tôi như xé lòng, nhưng âm thanh của chúng lại bị bức tường bê tông dày bao quanh bóp nghẹt, và như thế cũng có nghĩa rằng không ai ở bên ngoài có thể nghe thấy chúng tôi cả.

Chỉ trong ít phút, bể máu đã nuốt chửng mọi người. Chúng tôi cố gắng bơi, nhưng di chuyển trong một chất lỏng đặc sánh như thế này là việc cực kỳ khó. Một khi máu dâng đến trần nhà, tất cả chúng tôi đều sẽ bị nhấn chìm, không thể nào thở nữa. Tôi cố nhịn thở lâu nhất có thể để lặn xuống tìm bọn trẻ, nhưng máu đã che mờ tầm mắt tôi.

Tính toán thử thì tôi còn cố được tối đa là hai phút nữa trước khi cơ thể tới giới hạn, và ngay khi máu vừa tràn vào buồng phổi tôi, toàn bộ căn hầm lại trở về trạng thái vốn có, nghĩa rằng cuối cùng Sally cũng đã tỉnh dậy. Bể máu biến mất chỉ trong chớp mắt, và cánh cửa xuất hiện lại ở vị trí cũ.

Sau khi lấy lại cảm giác, tôi nhìn quanh bọn trẻ và các nhân viên. Đa phần vẫn ổn, đang ho ra những khối máu đông, nhưng James thì không còn thở nữa. Dù cho bản thân còn đang vật lộn để thở, tôi vẫn chạy vội đến bên cậu bé, bắt đầu hô hấp nhân tạo.

Những người khác bật khóc khi thấy tôi nâng ngực cậu bé lên rồi tuyệt vọng hít không khí vào đầy phổi mình để truyền lại cho cậu. Tôi cảm giác được xương sườn của James vỡ ra dưới tay mình, nhưng tôi vẫn phải tiếp tục. Và rồi, đến lần thứ ba, cuối cùng cậu bé cũng ho ra được chỗ máu kia và bắt đầu tự thở.

Sally là một đứa trẻ mang mầm mống hủy diệt, và mặc dù sự việc lần này được tạo ra từ ác mộng của em ấy, nhưng đến cuối cùng lại không có người nào chết cả. Chỉ là cũng từ lúc đó chúng tôi đã không thể nào giữ bí mật về lời nguyền của Sally được nữa; bọn trẻ đã phát giác ra rồi. Sally một lần nữa trở thành kẻ bị ruồng bỏ, ngay cả với chính đồng loại mình.

Thế là tôi quyết định, cách tốt nhất để giúp Sally là dạy em ấy cách điều khiển giấc mơ của mình. Chúng tôi học cách dùng lucid dream; kỹ năng kiểm tra thực tại có thể giúp em ấy quay về hiện thực, và trong vài năm tiếp theo, phương pháp này thực sự có hiệu quả. Mỗi khi Sally sắp ngủ gục, em sẽ lại nhận ra mình đang làm gì, rồi tự đánh thức mình dậy.

Nhưng trong những lần hiếm hoi em không điều khiển được mình, mọi người thường sẽ bị thương nặng. Vào sinh nhật lần thứ mười của mình, Sally mơ rằng tòa nhà bị thiêu rụi. May là chúng tôi kịp thoát ra ngoài, và đa phần đều chỉ bị bỏng nhẹ hoặc ngạt khói. Khi em thức giấc, tòa nhà vẫn hệt như cũ, như thể chưa từng có gì xảy ra.

Rồi vài tháng sau đó, Sally ngủ gục hai lần chỉ trong một ngày. Biến cố đầu tiên ập đến khi chúng tôi đang dùng bữa sáng. Em ấy đã tạo ra một thực thể gọi là “Ngài Syn”. Đối với chúng tôi, gã ta là một người đàn ông trung niên mặc vest đầy bí ẩn. Gã ngồi xuống cùng chúng tôi ở nhà ăn và bàn vài câu chuyện phiếm.

Mãi cho đến khi có người hỏi gã về chiếc cặp đựng hồ sơ, nỗi kinh hoàng mới bắt đầu. Nhét đầy trong chiếc cặp đó là da người. Gã nói gã cần thứ đó để xây nhà, và cố thuyết phục bọn trẻ đến xem căn phòng làm từ thịt tươi của gã. Khi nhận ra rằng chúng tôi sẽ không để gã làm như mình muốn, gã cứ thế đứng dậy và bỏ đi.

Sally tỉnh lại khá nhanh, nhưng chiều hôm đó em lại chìm vào giấc ngủ tiếp. Khi ấy, chúng tôi thoáng thấy bóng dáng Ngài Syn đi dọc hành lang, máu nhỏ ra từ chiếc cặp chứa đầy da người của gã.

Hướng gã xuất phát là từ nhà bếp, và khi đến đó chúng tôi chỉ còn thấy mỗi cô Ingridson nằm dưới sàn. Toàn bộ lớp da của cô đã bị lột sống. Lúc chúng tôi đến nơi, cô vẫn còn đang quằn quại trong đau đớn, nhưng cũng chẳng kéo dài được bao lâu nữa. Trước cả khi chúng tôi có thể giúp được gì, cô đã chết vì sốc.

Và đó chỉ mới là khởi đầu cho cơn ác mộng của chúng tôi sau này, vì khi Sally bước vào tuổi dậy thì, số lần em ngủ gật bỗng tăng vọt. Từ một năm một lần thành hai lần, rồi ba lần…Còn chưa đến mười bốn tuổi mà số lần em nằm mộng đã thành hai tháng một lần; những giấc mơ hoặc sẽ làm tổn thương người khác, hoặc là giết cả nhân viên và bọn trẻ.

Chính em cũng biết những giấc mơ của mình rồi sẽ giết chết những người em yêu thương, và chúng tôi không thể nào chối bỏ sự thật đó được. Nhưng chạy trốn không giúp giấc mơ biến mất, nhốt em ấy lại cũng thế. Em thử dùng nhiều loại thuốc giúp tỉnh táo khác nhau, nhưng đều chỉ là công cốc. Chẳng thứ gì có thể giữ cho em thức giấc.

Đến cuối cùng, tôi nhận ra chỉ còn lại một giải pháp. Thứ duy nhất chấm dứt được cơn mưa ác mộng của Sally chính là cái chết. Không phải tôi chưa từng nghĩ đến chuyện này, nhưng tôi đã ném ý nghĩ ấy vào nơi sâu nhất của tâm trí mình, sâu đến nỗi tôi chưa từng nghĩ có ngày mình sẽ lại phải tìm đến nó lần nữa.

Để cứu mọi người, chúng tôi buộc phải giết Sally…

Vì là người thân thiết nhất với em nên mọi người đã để tôi thực hiện việc này. Vị bác sĩ của chúng tôi đã chọn giúp tôi cách nhân đạo nhất để kết thúc cuộc đời em ấy. Ông đưa tôi một liều thuốc, hứa rằng đó sẽ là cái chết không đau đớn. Với mũi tiêm này, tôi sẽ đưa em ấy vào giấc ngủ vĩnh hằng.

Tôi chọn một ngày thứ bảy để kết thúc cuộc đời em. Em hỏi rằng tôi dẫn em xuống thị trấn được không, chỉ hai chúng tôi mà thôi, và cả hai sẽ cùng đến nơi em hay lang thang, một vùng thôn quê nằm cạnh chốn này. Đó là một nơi đẹp đẽ với những cánh đồng trải dài bất tận, kề bên là rừng cây xanh biếc bạt ngàn. Tôi mang theo một giỏ picnic đựng đầy những thứ em thích ăn, bữa ăn cuối cùng trước khi em tan biến khỏi cõi đời này.

Ăn xong, tôi nói những việc sắp làm với em. Tôi không muốn tạo bất ngờ cho em, và tôi muốn em biết rằng đó không phải lỗi em. Em còn chẳng có vẻ gì là ngạc nhiên. Thực ra thì, trông em gần như nhẹ nhõm vì sẽ không còn ai phải chịu đựng lời nguyền trên người em nữa.

Đó cũng là lý do vì sao tôi đưa em đến nơi này. Em muốn được tận hưởng khoảnh khắc hạnh phúc nhỏ nhoi cuối cùng, để giả vờ rằng mọi chuyện vẫn ổn. Em đã cân nhắc đến việc kết thúc cuộc đời mình rất nhiều lần rồi, nhưng lại không đủ can đảm để làm thế.

Chúng tôi ngồi đó, trò chuyện hằng giờ liền, vẽ nên những viễn cảnh cho một tương lai em sẽ không bao giờ có được, và cùng cười với nhau về những kỷ niệm đẹp còn sót lại trong ký ức em.

“Em xin lỗi,” em thì thào.

“Không phải lỗi của em Sally à. Giấc mơ của em có lẽ đã rò rỉ ra thực tại, nhưng đó đâu phải điều em chọn. Cuộc sống nào phải cán cân thiện ác công bằng, cuộc sống là một mớ hỗn loạn đầy rẫy những sự ngẫu nhiên. Em thiệt thòi hơn so với những người khác, nhưng như thế cũng chẳng thể làm em bớt là một con người toàn vẹn chút nào.”

“Em chỉ ước gì mình biết được tại sao lại thế. Tất cả những nỗi đau này có ý nghĩa gì cơ chứ?”

“Chị cũng chẳng biết nữa.”

Cùng với những lời đó, Sally gục xuống trên vai tôi. Tôi lấy ống tiêm ra, sẵn sàng đâm vào em trước khi ác mộng của em giết chết tôi. Nước mắt chảy tràn trên gương mặt tôi, và đôi tay tôi run lẩy bẩy khi chĩa đầu kim vào cổ em. Nhưng, dù cho em đã ngủ say rồi, thế giới quanh tôi vẫn chẳng hề thay đổi. Không có thứ kinh dị nào tuôn ra từ tâm trí vô thức của em, cũng không có thực thể ác độc hiện diện nào xung quanh nơi này.

Lúc đó, tôi nhận ra rằng Sally không chỉ đang ngủ. Em đã không còn thở nữa. Tôi đặt em xuống mặt đất, rồi kiểm tra mạch đập của em…Em đi rồi. Em đã trút hơi thở cuối cùng và đặt chân đến thiên đường rồi.

Đó là do em mơ về cái chết của chính mình hay do mũi thuốc đã tiễn em đi, tôi sẽ chẳng bao giờ biết được. Tôi tổ chức tang lễ cho em ngay trong rừng như em đã từng yêu cầu, và chôn em thật sâu dưới lòng đất, để em sẽ mãi được yên nghỉ giữa những tán cây.

Tôi đã chẳng cứu được Sally, cũng chẳng thể cứu được những đứa trẻ kia. Nhưng tôi vẫn cứ tiếp tục cố gắng, bởi nếu như tôi có thể giúp, dù cho chỉ là một đứa trẻ, thì mọi khốn khổ tôi chịu đựng đều sẽ đáng giá.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *