Mở Rộng Lãnh Thổ Bằng Các Cuộc Hôn Nhân Chính Trị | Những Công Chúa Lấy Vua Chiêm Thành, Chân Lạp
Trong lịch sử phong kiến Việt Nam, có 3 người công chúa có tầm ảnh hưởng lớn đối với các triều đại đương thời. Họ là những công chúa “tài sắc vẹn toàn”, dám hy sinh lợi ích bản thân để đổi lấy sự bình yên của trăm họ. Đó là công chúa Huyền Trân, Ngọc Vạn và Ngọc Khoa. Tuy họ sống trong những giai đoạn lịch sử khác nhau, ở hoàn cảnh không giống nhau, nhưng vì lợi ích dân tộc đã sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân.
XEM CLIP: https://youtu.be/-O2w55YE_yU
Huyền Trân công chúa là con gái của vua Trần Nhân Tông, em vua Trần Anh Tông. Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”, năm 1301, thái thượng hoàng Trần Nhân Tông đến Chiêm Thành chơi, được vua Chiêm là Chế Mân tiếp đãi rất hậu. Trước khi trở về Đại Việt, Trần Nhân Tông hứa đem con gái là Huyền Trân gả cho Chế Mân để kết tình thông gia giữa 2 nước. Đổi lại, Chế Mân đem đất 2 châu Ô và Lý làm quà sính lễ.
Cuộc hôn nhân của Huyền Trân bắt đầu như thế. Bấy giờ, Chế Mân đã 83 tuổi. Chỉ 1 năm sau khi trở thành “con rể” của Đại Việt thì Chế Mân chết. Trong sách “Đại Việt sử ký toàn thư” có đoạn chép rằng: Lúc bấy giờ theo tục lệ Chiêm Thành, vua chết thì hoàng hậu bị hỏa thiêu theo. Nhà Trần không muốn Huyền Trân bị chết oan khi còn quá trẻ nên đã sai Trần Khắc Chung vào Chiêm Thành tìm cách cứu công chúa.
Sau khi trở về Đại Việt, bà xuất gia rồi mất vào năm 1340. Dân chúng quanh vùng thương tiếc, tôn bà là Thần Mẫu và lập đền thờ cạnh chùa Nộm Sơn. Ngày bà mất sau này hằng năm trở thành ngày lễ hội đền Huyền Trân trên núi Ngũ Phong ở Huế. Huyền Trân chính là công chúa đầu tiên chấp nhận lấy người ngoại quốc để mang lại lợi ích cho hoàng tộc.
Công chúa Ngọc Vạn (có tài liệu ghi là công nữ Ngọc Vạn), là con gái thứ hai của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên – chúa thứ 2 của dòng họ Nguyễn. Năm 1620, theo lời cầu hôn của vua Chey Chettha II, chúa Sãi thuận gả công chúa Ngọc Vạn cho ông và bà trở thành hoàng hậu Chân Lạp với tước hiệu Brhat Mae Samdach Brhat Bhagavati Amara Deva Thida. Vừa đẹp người, lại đẹp nết nên bà được vua Chey Chettha II rất yêu quý. Nhờ vậy, nhà vua đã cho một số người Việt đi theo bà giữ những chức vụ quan trọng trong triều đình Chân Lạp thời bấy giờ, đồng thời cũng cho nhiều người Việt lập hãng xưởng và buôn bán ở gần kinh đô Chân Lạp.
XEM CLIP: https://youtu.be/-O2w55YE_yU
Lợi dụng mối quan hệ này, năm 1623, chúa Sãi cử 1 sứ bộ, đem theo thư cùng nhiều tặng phẩm, tới Oudong để tỏ tình thân hữu và bảo đảm sự ủng hộ của triều đình đàng Trong. Trong thư, chúa Nguyễn cũng đã yêu cầu vua Chey Chettha II cho lập một đồn thuế ở Prei Kor và lập một dinh điền ở Mô Xoài. Và nhờ sự vận động của Ngọc Vạn, cả hai việc này đều được vua Chey Chetta II chấp thuận. Nhận xét về công chúa Ngọc Vạn, tiến sĩ Trần Thuận viết: Cuộc hôn nhân này mặc dù không được sử nhà Nguyễn ghi chép vì một lý do nào đó. Song, xét đến cùng, đây là cuộc hôn nhân mang màu sắc chính trị có tầm quan trọng đặc biệt đối với lịch sử dân tộc Việt Nam…
Công chúa Ngọc Khoa tên đầy đủ Nguyễn Phúc Ngọc Khoa, là con gái thứ 3 của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên. Bà là em gái công chúa Ngọc Vạn. Cũng giống như chị mình, vì lợi ích của dân tộc, của dòng họ, bà đã chấp nhận “làm dâu xứ người”. Công chúa Ngọc Khoa được Sãi vương gả cho vua Chiêm Thành là Po Rômê. Từ cuối thế kỷ XVI, người Chiêm Thành thường buôn bán với người Bồ Đào Nha ở Ma Cao, một thuộc địa của Bồ Đào Nha trên đất Trung Hoa. Thương thuyền Bồ Đào Nha hay ghé buôn bán trao đổi với người Chiêm ở hải cảng Cam Ranh và Phan Rang. Sự liên hệ này khiến chúa Sãi lo ngại người Chiêm sẽ liên kết với Bồ Đào Nha để chống lại mình. Vì vậy, đây có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến cuộc hôn phối giữa Ngọc Khoa và vua Po Rômê, giúp Nguyễn Phúc Nguyên có được sự hòa hảo với Chiêm Thành. Và cũng nhờ có cuộc hôn phối này mà tình giao hảo giữa 2 nước được tốt đẹp, để chúa Nguyễn có thể dồn lực hòng đối phó chúa Trịnh, đồng thời cũng tạo thêm cơ hội mở rộng lãnh thổ về phía Nam.
XEM CLIP: https://youtu.be/-O2w55YE_yU