Một xung đột giữa Minh Mạng và Lê Văn Duyệt: Xiêm La hay Miến Điện
Kể từ thời Gia Long, Đại Nam và Xiêm La thường xuyên phái sứ giả đi lại giữa hai nước. Sự giao hảo ngoài mặt này giữa vua Gia Long với các vua Xiêm La Rama I (ở ngôi 1782-1809) và Rama II (ở ngôi 1809-1824) vẫn không che giấu được sự tranh giành ảnh hưởng của hai vương quốc này trên đất Chân Lạp.
Bên phía Miến Điện, chính sách hiếu chiến của vua Badawpaya (1782- 1819) đã đưa đến nhiều sự xung đột với Xiêm La, kể từ khi Bodawpaya tấn công nước này lần đầu tiên vào năm 1786. Hòa ước ký kết giữa Xiêm La và Miến Điện năm 1793, theo đó miền duyên hải Tenasserim được sáp nhập vào Miến Điện, cũng chỉ xoa dịu mối bang giao giữa hai nước trong một thời gian rất là ngắn ngủi.
Tình hình này khiến các lực lượng đối diện nhau phải có những cố gắng về mặt ngoại giao, để tự tìm cho mình đồng minh. Việc sứ bộ mà vua Miến Điện Bagyidaw (ở ngôi 1819-1838) phái tới Đại Nam năm 1823 đặt ra cho triều đình Huế câu hỏi: nên liên minh với Miến đánh Xiêm hay không ?
—
Mối quan hệ giữa Minh Mạng lúc mới lên ngôi với Xiêm La có vẻ tốt đẹp. Năm 1820, vua Minh Mạng mới lên ngôi đã sai sứ qua nước Xiêm báo việc quốc tang, trong khi vua Xiêm cho sứ mang phẩm vật đến kinh đô Đại Nam mừng lễ đăng quang. Năm 1822, cũng đã lại có sự trao đổi sứ giả giữa hai nước. Cho nên Minh Mạng tỏ ra đắn đo trong việc trả lời cho sứ bộ Miến Điện : “Nhà vua có chỉ dụ là… người nước Miến Điện từ xa xôi vượt biến mà đến, chưa nên vội khiến họ đi…”.
Việc này đã kéo dài tới mãi đầu năm 1824, sứ bộ Miến Điện mới được thông báo kết quả đàm phán. Nguyên nhân là do ngược với Minh Mạng, Tả quân Lê Văn Duyệt nghiêng về việc thực hiện liên minh Đại Nam-Miến Điện (mà lúc này Minh Mạng chưa dám lấn át ông). Việc Miến Điện cử sứ bộ tới Đại Nam không phải hoàn toàn là một việc làm đơn phương của vua Miến Điện bị thúc đẩy bởi lòng lo ngại trước một liên minh gồm nhiều kẻ thù đáng sợ, mà cũng đã được phát khởi do Tổng trấn Lê Văn Duyệt.
Trong bức quốc thư sứ bộ Miến Điện mang theo, mà bản dịch ra Pháp ngữ còn được lưu trữ tại văn khố của India Office tại Luân Đôn (India Office, khố Home Miscellaneous, Tập 663, Tr. 309-318), được ghi những sự kiện xẩy ra trước khi sứ bộ này được cử đi. Theo bức thư này, có hai phái viên người Việt là ông Doi Lam và Thu hap Vinh (tức ông Đội Lâm, Thủ hạp Vinh) đã đến Penang và gặp tại đây một Hoa kiều lập cư tại Miến Điện và là “chủ nhân các đảo và núi sản xuất yến sào”. Sau khi đã thông báo cho nhân vật này sứ mạng của họ, họ được dẫn đến kinh đô Miến Điện. Tại đây các phái viên đã dâng lễ vật gồm những khí giới và lụa là lên vua Miến Điện. Họ cũng trình bày là vua Gia Long trước kia có dự định phái sứ giả đến Miến Điện, nhưng nhà vua đã mất, và phải đợi hai năm sau khi vua Minh Mạng lên ngôi, dự định này mới được thực hiện. Ông Doi Lam cũng thêm là người Việt gặp khó khăn với người Xiêm về vấn đề Chân Lạp, và nếu hai nước Đại Nam và Miến Điện liên minh với nhau, sẽ không khó gì mà thắng Xiêm La để sau đó có thể thiết lập những sự giao thông dễ dàng giữa hai nước.
Năm 1835, khi liệt kê các tình tội của Lê Văn Duyệt, các quan Nội các là Hà Tôn Quyền, Nguyễn Tri Phương và Hoàng Quýnh lại trình với vua Minh Mạng là : “Năm Minh Mạng thứ 4, Duyệt tự tiện sai bọn Phan Đồng Đạt là người của hắn, mượn tiếng đi dò thám, đáp thuyền riêng sang Diến Điện (tức Miến Điện) trong việc này văn thư hẳn có sự giao thông chiêu nộp…” (Đại Nam thực lực chính biên)
Như vậy 2 ông sứ giả kia rất có thể là người của Lê Văn Duyệt cử đi. Do đó mà sau loạn Lê Văn Khôi, vua Minh Mạng dựa vào đấy để truy tội vị cố Tổng trấn Gia Định, kết án ông là dự mưu làm phản : “…Sứ Diến Điện đến thành Gia Định, bấy giờ mới đem việc tâu lên. Việc đã được dự báo phải xử đoán theo đại nghĩa, không nên nhẹ dạ nghe người ngoài nói mà bỏ giao hiếu, gây cừu thù, thế mà Duyệt còn cố xin dung nạp. May mà trả 1ại những đồ cống phẩm, cho sứ giả về nước, danh nghĩa nước lớn được sáng tỏ ra với thiên hạ. Thế là Duyệt chẳng những vụng tính việc nước, mà lại cố muốn giữ ý kiến riêng để bào chữa cho điều đã sai trái…” (Đại Nam thực lục chính biên, đệ nhị kỷ, q. 162)
—
Trong các sứ giả được vua Miến Điện Bagyidaw giao phó toàn quyền thương lượng về các điều kiện liên minh giữa hai nước, có vị chánh sứ Nemis Siri Sura Noratha là một nhân vật đáng được chú ý đến. Đại Nam thực lục chính biên phiên âm là “Hợp thần thăng thụ nhĩ miêu ty chí tu giá nô tha”.
Nemis Siri Sura Noratha là danh xưng Miến Điện của George Gibson, một người lai cha Anh mẹ dân Nam Ấn Độ, sinh trưởng tại Madras, nhưng đã sống lâu năm tại Miến Điện và giữ nhiều chức vụ quan trọng tại đây. Ông nói thông thạo tiếng Miến Điện và hiểu rõ các phong tục tập quán của người Miến Điện. Ngoài ra, ông cũng đã tới Việt Nam một lần trước vào năm 1789, trên một chiến thuyền Đan Mạch (India Office, khố Home Miscellaneous, Tập 663, Tr. 208).
Sứ bộ cầm đầu bởi George Gibson rời Rangoon vào đầu tháng giêng 1823 và tới Penang ngày 26 tháng 2, sau khi đã ngừng lại Tavoy vài ngày. Sứ bộ đương chuẩn bị lên đường qua Đại Nam thì tai nạn xảy ra : thuyền của sứ bộ phát lửa cháy và bị tiêu hủy hoàn toàn. Vị đại diện của Đông Ấn công ty Anh ở Penang phải cho sứ bộ vay một số tiền là 4.000 dolars và can thiệp để sứ bộ đáp một chiến thuyền Bồ Đào Nha đương sửa soạn đi Ma Cao. Để đổi lấy sự giúp đỡ này, George Gibson hứa là sẽ ghi lại trong một quyển nhật ký tất cả những sự việc xẩy ra trong khi ông hoàn thành sứ mạng của ông (Home Miscellaneous Tập 663, Tr. 204-205 và Tr. 729-730) . Bản thảo quyển nhật ký này sẽ được trao cho vị công sứ Anh, John Crawfurd, ở Singapore năm 1824, khi George Gibson trở về Gia Định. Tài liệu này hiến chúng ta đầy đủ chi tiết về hoạt động của sứ bộ trong thời gian ở Đại Nam.
Theo nhật ký của George Gibson thì Tả quân Lê Văn Duyệt và các viên chức của ông am hiểu tường tận tình hình quốc tế, có lẽ nhờ ở vai trò của thành Gia Định như là trung tâm tại đó được thực hiện nhiều cuộc tiếp xúc với thế giới bên ngoài nước Đại Nam.
Vài thắc mắc được đặt về tính chất thiết thực của một sự liên minh giữa Đại Nam và Miến Điện, nhất là vì hai nước ở quá xa nhau, khó lòng mà có được một hành động chung trong việc hiệp kích Xiêm La; cũng có những câu hỏi về lực lượng thực thụ của Miến Điện, vì xứ này đã bao lần tấn công mà không thể đè bẹp Xiêm La. Tả quân Lê Văn Duyệt còn tỏ cho thấy là ông theo dõi sát sao các biến cố đang diễn ra trong bán đảo Mã Lai : ông cho rằng chiến tranh có thể xẩy ra giữa người Anh và người Xiêm vì vấn đề Kedah vì những lãnh thổ này cần thiết để khiến Pénang trở thành một đại trung tâm thương mãi.
Nhiều dấu hiệu cho thấy nhà vua và một số Đại thần tại triều đình đã bắt đầu nghi ngờ vị Tổng trấn Gia Định : đầu tháng 7-1823, Lê Văn Duyệt nhận được một bức thư do viên Tổng trấn Anh ở Pénang gởi cho ông, nhưng không dám mở ra xem và phải chuyển đệ về triều, vì sợ rằng nhà vua ngờ vực ông bí mật liên lạc với người Anh. Lê Văn Duyệt đã chỉ có thể trấn an nhiều lần George Gibson bằng cách nói rằng ông sẽ cố gắng hết sức để giúp sứ bộ Miến Điện đạt được kết quả mong muốn.
Tổng trấn Gia Định nhận được lệnh nhà vua triệu ông về kinh ngày 4-8-1823, nhưng đến ngày 19-11-1823 ông mới lên đường.
—
Tại triều, Tả quân Lê Văn Duyệt đã cố gắng biện hộ cho việc liên minh với Miến Điện. Ông viện lẽ rằng nhờ người Miến là kẻ thù thâm niên của người Xiêm mà Đại Nam có thể làm chủ được cả Chân Lạp và sau đó có thể thiết lập một sự mậu dịch với Miến Điện có lợi cho cả hai bên.
Trong số đại thần, có người không muốn tách ra khỏi đường lối ngoại giao cố hữu, cũng có người tỏ ý không muốn khước từ đề nghị của vua Miến Điện. “Bọn Nguyễn Đức Xuyên, Trần Văn Tinh cho là nước Miến Điện và nước Xiêm thù nhau lâu đời, nay đến thông hiếu, ý đó có thể biết được. Và ta với Xiêm hòa hiếu với nhau, mà lại giao thông với nước Miến Điện chỉ người Xiêm chưa chắc không ngờ, không bằng hậu tứ mà bảo về. Bọn Nguyễn Hữu Thận, Nguyễn Văn Hưng cho rằng dắt díu người phương xa đến, đời xưa lấy làm răn; nhưng kẻ mến nghĩa mà đến. cũng không nên cự. Huống chi Miến Điện thù với Xiêm, không can thiệp gì đến ta, ta khước từ Miến Điện, người Xiêm chưa chắc cám ơn ta. Xin cứ nhận lấy” (Đại Nam thực lục chính biên, đệ nhi kỷ, q. 24) .
Nhưng vua Minh Mạng nghĩ rằng không lợi đổi sự giao hảo sẵn có với nước Xiêm kế cận, lấy sự bang giao với Miến Điện mà người ta chưa biết rõ cho lắm. Cái nhìn chính trị thực tế của nhà vua không hoàn toàn bị che đậy bởi các sáo ngữ trong lời dụ sau : “trẫm nghĩ Hoàng khảo Thế tổ Cao Hoàng đế ta sang Xiêm, vua trước nước ấy đã sai quân giúp một lần, những sai tướng không được người khá, đến đâu cũng cướp bóc, làm mất lòng dân, nhân đó bị giặc đánh tan phải chạy, từ đó về sau sợ oai giặc, không dám hé răng nói đến việc xuất binh nữa, cho nên Hoàng khảo ta, khôn ngoan tính trời, biết cơ đã đến, không cần phải mượn quân của họ mà bị kềm chế, bèn tự quyết định, liền đêm đi đường biển về nước, từ đấy chiêu tập những người cựu thuộc, rộng nộp những người mới đến, oai trời đến đâu giặc đều tan vỡ, rồi lấy cả nước, thống nhất giang sơn, có thèm nhờ một mũi tên, một tấc gươm của nước Xiêm đâu… Những Hoàng khảo ta lại nghĩ đến tấm lòng tốt buổi đầu của người Xiêm, họ lại là láng giềng, nên từ trước đến giờ vẫn giao hiếu. Trẫm noi theo phép cũ, há lại nghe lời nói ngoài mà tự mình tước bỏ nghĩa láng giềng. Nếu ngày khác nước Xiêm mưu điều không tốt mà gây hấn ở ngoài biên, thì đã có lẽ phải trái, bên nào phải thì khỏe, trời sẽ giúp cho, mà việc làm một nữa thu công gấp đôi. Nay tự trẫm xem ra thì quyết không có lẽ bỏ giao hiếu gây hiềm thù để nhọc quân lính. Vậy lời xin của nước Miến Điện không cho thi hành…” (Đại Nam thực lực chính biên, đệ nhị kỷ, q. 24).
Vì vậy, Gibson được thông báo là ông đã thất bại trong sứ mạng của ông. Đồng thời, nhà vua cũng cho phái viên sang Xiêm thông báo về việc nhà vua khước từ đề nghị liên minh của Miến Điện.
—
Rời Sài Gòn ngày 14-3-1824, mãi ngày 30-3-1824 thuyền của sứ bộ Gibson mới nhổ neo khỏi Vũng Tàu. Thuyền cập bến Singapore ngày 9-4-1824. Vào lúc này, chiến tranh đã bùng nổ giữa người Anh và người Miến, thuyền của sứ bộ được người Anh hộ tống trên đường từ Penang đến Tavoy. Vì đầu tháng 5-1824, quân Anh chiếm được một phần miền Nam Miến Điện, các sứ giả Miến Điện mới từ Đại Nam về đã trở thành tù binh của người Anh. trong khi các phái viên của vua Minh Mạng được trả tự do. George Gibson tình nguyện làm thông ngôn cho bộ chỉ huy của quân đội Anh, nhưng chết vì dịch tả vài tháng sau, khi quân Anh chiếm Prome (India Office, Home Miscellaneous)
Những biến cố quân sự xảy ra ở Miến Điện trong năm 1824 có vẻ chứng minh là vua Minh Mạng đã có lý trong việc từ chối những mối liên hệ với quốc gia này. Thế nhưng, thời gian cho thấy là Tả quân Lê Văn Duyệt đã nhìn xa hơn trong việc tìm kiếm đồng minh để đối phó với Xiêm La : trong những năm tới sau, Xiêm La sẽ gây nhiều khó khăn cho Đại Nam, nhất là từ năm 1833 trở đi.
—
nguồn:
Sứ bộ Miến Điện phái đến Đại Nam năm 1823: Vài nhận xét về thế cờ ngoại giao trong bán đảo Đông Dương đầu thế kỷ 19 (Nguyễn Thế Anh)