Trong lịch sử Triều Tiên, ngoài vị vua Triều Tiên Thế Tông (Sejong Taewang), người đã đưa triều đại Triều Tiên lên đỉnh cao về văn hóa và khoa học, Triều Tiên còn có 1 vị vua vĩ đại khác. Nếu vua Thế Tông đưa Triều Tiên thành 1 nước cực thịnh về văn hóa, thì vị vua này nổi tiếng với những cuộc chinh phạt bành trướng. Ở thời kỳ của ông, lãnh thổ của dân tộc Triều Tiên chiếm gần như toàn bộ phía nam Mãn Châu và 1 phần duyên hải miền nam nước Nga. Ông là vua Quảng Khai Thổ Thái Vương (Gwanggaeto Taewang). Với công lao mở rộng lãnh thổ cực lớn thì ông có điểm tương đồng với 1 vị vua khác của Việt Nam, vua Minh Mạng (Chỉ tính về việc mở rộng lãnh thổ, không nói văn hóa, kinh tế,v.v..).
1.Thiếu thời:
Ông sinh năm 374, tên khai sinh là Cao Đàm Đức, là con của Cố Quốc Nhưỡng Vương, vị vua thứ 18 của Cao Câu Ly. Lúc này, Triều Tiên đang bị chia thành nhiều nước (Cao Câu Ly, Bách Tế, Tân La, Già Da, Đông Phù Dư, v.v..). Vào khoảng thời gian mà ông sinh ra thì Cao Câu Ly đang suy yếu dần, bị nhiều nước khác xâm lược, phía Bắc phải đối phó với người Tiên Ti (1 dân tộc du mục phía Bắc Trung Quốc), phía Nam phải đối phó với Bách Tế. Trước đó vài năm, họ đã bị Bách Tế đánh chiếm Bình Nhưỡng và giết vua Cố Quốc Nguyên Vương. Không còn khả năng tranh chấp với các quốc gia khác, Cao Câu Ly phải củng cố quan hệ với người Tiên Ti, Nhu Nhiên để tránh bị diệt vong.
2.Trị vì:
Năm 391, Cố Quốc Nhưỡng Vương mất, ông lên ngôi vua, tự xưng là “Thái Vương,tương đương với “Hoàng Đế” của Trung Quốc. Khi lên ngôi, ông xây dựng lại lực lượng quân đội, đặc biệt là hải quân và kỵ binh để chuẩn bị cho những cuộc chinh phạt của mình.
Trả thù Bách Tế.
Năm 392, ông đích thân chỉ huy 5 vạn kỵ binh tấn công vào Bách Tế và đoạt lấy 10 thành trì tại khu vực biên giới của hai nước. Bách Tế liền chống trả nhưng bị đánh bại. Những năm liên tiếp sau đó (393, 394, 395), Cao Câu Ly liên tiếp đánh bại Bách Tế, đẩy lui quân Bách Tế về tận thủ đô của họ, Úy Lễ Thành (nay là phía Nam Seoul).
Năm 396, Quảng Khai Thổ dẫn lực lượng hải quân của mình mở một cuộc tập kích vào Úy Lễ Thành. Vua Bách Tế hoàn toàn bị bất ngờ và bị bắt sống khi không kịp phòng bị. Quân Cao Câu Ly sau đó đốt phá 58 thành trì của Bách Tế. Vua Bách Tế buộc phải đầu hàng và giao nộp người em trai của mình cho Cao Câu Ly làm con tin. Với chiến thắng này, Cao Câu Ly đã đánh bại được kẻ thù truyền kiếp là Bách Tế và và giành lấy ưu thế trên bán đảo Triều Tiên.
Chinh phạt phía Bắc.
Năm 395, ngoài việc đánh Bách Tế, Quảng Khai Thổ còn tiến vào lãnh thổ của người Khiết Đan ở miền Trung Mãn Châu, tiêu diệt 3 bộ tộc và cướp được vô số ngựa, cừu và gia súc khác.
Năm 398, ông lại tiến về Đông Bắc, tấn công và chinh phục người Túc Thận (tổ tiên của người Mãn Châu).
Khi thấy Cao Câu Ly đang lớn mạnh như vậy, nước Hậu Yên (của người Tiên Ti) không thể ngồi yên. Năm 400, khi Cao Câu Ly đang bận đối phó với nhiều kẻ thù ở phía Đông, Hậu Yên liền tấn công Cao Câu Ly nhưng cuối cùng thất bại. Năm 402, Quảng Khai Thổ trả thù, đem quân tấn công Hậu Yên, chiếm được nhiều thành trì ở dọc biên giới 2 nước.
Năm 405, 406, Hậu Yên lại tấn công Cao Câu Ly nhưng đều thất bại cả 2 lần. Quảng Khai Thổ sau đó chiếm được toàn bộ bán đảo Liêu Đông. Nhờ việc này, ông đã giành lại được phần đất của tổ tiên họ (Cổ Triều Tiên ngày xưa). Cao Câu Ly kiểm soát toàn bộ Liêu Đông cho đến khi họ sụp đổ ở thế kỷ 7.
Năm 410, ông lại đem quân tiêu diệt nước Đông Phù Dư và sáp nhập vào nước mình.
Chinh phạt phía Đông:
Năm 400, Tân La cầu cứu Cao Câu Ly để đẩy lui sự xâm lược của liên quân 3 nước Bách Tế, Nhật Bản và Già Da. Quảng Khai Thổ đem 5 vạn quân tiền về phía Đông, đánh tan liên quân 3 nước, hủy diệt hoàn toàn nước Già Da, biến Tân La thành chư hầu của mình.
Với những chiến dịch quân sự này, Quảng Khai Thổ đã làm cho lãnh thổ Cao Câu Ly trở nên rộng lớn hơn bao giờ hết. Vị thế nước này cũng được đảo ngược, từ 1 nước suy yếu trở thành 1 nước hùng mạnh. Mặc dù ông mất sớm (mất năm 39 tuổi), nhưng con trai ông, vua Trường Thọ Vương đã duy trì sự hưng thịnh của Cao Câu Ly, tiếp tục mở rộng lãnh thổ, cùng với Ngũ Hồ (5 dân tộc du mục phía Bắc Trung Quốc) tranh giành quyền lực ở khu vực Đông Bắc Á.
Tài liệu tham khảo
Tam Quốc Sử Ký
East Asia: A New History
Korea Now
Namu Wiki.