Minh Mạng và giáo dục – hay là thói lười kiểm chứng thông tin của người V…

Minh Mạng và giáo dục – hay là thói lười kiểm chứng thông tin của người Việt ta

Minh Mạng và giáo dục – hay là thói lười kiểm chứng thông tin của người Việt ta.
Người mình vô cùng lười kiểm chứng thông tin. Mỗi khi đọc một bài viết, một câu nói trên mạng, chỉ cần nó phát ra từ miệng một người có nhiều like ( thậm chí ít like cũng rứa thôi), thì liền tin sái cổ. Bởi vậy nên những tin đồn thất thiệt chỉ cần một cái click cũng vang xa từ Bắc chí Nam, huống hồ là những thông tin sai lạc từng đưa vào sách này sách nọ.
I. FAN NGUYỄN: “ MINH MẠNG – NHÀ VUA MUỐN HƯỚNG TỚI NỀN GIÁO DỤC TIẾN BỘ, THỰC DỤNG.”:
Ở đây tôi muốn nói về chuyện Minh Mạng và giáo dục.
Chừng 10 năm trở lại đây, trong phong trào fan Nguyễn, người ta bắt đầu nhìn nhận lại triều đại này. Trước kia dìm tận đáy thì nay bốc bay tới trời xanh. Trong nhiều điểm được ca tụng, có 1 chi tiết về giáo dục, được dẫn đi dẫn lại nhiều lần. Nó được sử dụng như một bằng chứng cho thấy vua Minh Mạng đã nhận ra sự lạc hậu của lối học cổ câu nệ thơ phú, cổ sử thay vì phải hướng tới thực hành, kỹ thuật hiện đại.
VD như lời ông Dũng Phan dưới đấy:
“ Họ vẫn tin rằng không sao cả, vì giai đoạn ông hùng cường nên đâu có bị xâm lược. Nhưng chính nó sẽ như một con virus ngấm từ từ và sẽ tiêu diệt con cháu ông sau này. Bởi sau lớp nhân tài kia, sẽ sinh ra một lớp tài mà không phải tài. Đó là những con “mọt sách” chỉ biết thơ phú và nói chuyện trên trời dưới biển, lung tung xà beng cả lên. Sự yếu đuối của nho giáo là nguyên nhân khiến sức chiến đấu của họ suy giảm nặng nề. Cũng là lý do họ bại trận trước cái mãnh liệt của phương tây.
Và bi kịch ở chỗ này, Minh Mạng thấy được. Minh Mạng tâm sự với các quan thế này:
“Lâu nay cái học khoa cử làm cho người ta sai lầm, Trẫm nghĩ văn chương vốn không có quy củ nhất định, mà nay những văn cử-nghiệp chỉ câu nệ cái hư sáo khoe khoang lẫn với nhau, biệt lập mỗi nhà một lối, nhân phẩm cao hay thấp do tự đó. Khoa tràng lấy hay bỏ cũng do tự đó. Học như thế thì trách nào nhân tài chẳng mỗi ngày một kém đi. Song tập tục đã quen rồi, khó đổi ngay được, về sau dần dần đổi lại.”
Than ôi ! Nếu thời điểm này mà kiểu tư duy Hồ Quý Ly nắm quyền thì tốt biết bao? Còn Minh Mạng, ông đủ tài để thấy được nhưng tiếc thay ông không dám bước qua. ”
Đọc câu phẩm bình của Minh Mạng, người kỹ tính sẽ đặt dấu hỏi: Người viết bình rằng vua bài bác lối học chuộng thơ phú, muốn hướng tới lối học hiện đại. Nhưng theo lời vua nói mà xét, thì từ đầu tới cuối chỉ thấy nói chuyện nên luyện văn chương thơ phú như thế nào “Trẫm nghĩ văn chương vốn không có quy củ nhất định,…”????
II. ĐẠI NAM THỰC LỤC: “ MINH MẠNG – NHÀ VUA BẤT LỰC KHI CỐ XÂY DỰNG HỆ THỐNG GIÁO DỤC ĐẠT CHUẨN…PHONG KIẾN.”
Tra một hồi, tôi mới biết rằng đoạn trích dẫn lời nói của Minh Mạng kia, kì thực là lấy từ VIỆT NAM SỬ LƯỢC của ông Trần Trọng Kim. Nó nằm ở mục 10. “ Sự học hành thi cử” của phần về vua Thánh Tổ ( Minh Mạng). Nguyên văn:
“Vua Thánh Tổ là ông vua thông minh, ngài vẫn biết sự học của nước ta sai lầm, những sĩ phu trong nước chỉ học theo lối cử nghiệp, nghĩa là cốt học lấy thi đỗ, chứ không mấy người có thực học.
 Thường ngài nói chuyện với các quan rằng: "Lâu nay khoa cử làm cho người ta sai lầm. Trẫm nghĩ văn chương vốn không có qui củ nhất định, mà nay những văn cử nghiệp chỉ câu nệ cái hủ sáo, khoe khoang lẫn với nhau, biệt lập mỗi nhà một lối, nhân phẩm cao hay thấp do tự đó, khoa tráng lấy hay bỏ cũng do tự đó. Học như thế thì trách nào mà nhân tài chẳng mỗi ngày một kém đi. Song tập tục đã quen rồi,  khó đổi ngay được, về sau nên dần dần đổi lại". 
Vua Thánh Tổ thật là biết rõ cái tật của những người đi học ở trong nước ta, nhưng chỉ vì thói quen lâu ngày khó bỏ. Vả lại dẫu có muốn đổi, thì dễ thường cũng không biết đổi ra thế nào cho hay hơn được, cho nên sự học của mình vẫn nguyên như cũ.”
Sau đó, đoạn văn này được trích đi trích lại nhiều lần, từng xuất hiện trong SGK thời Việt Nam Cộng Hòa và nhiều sách sử khác rồi truyền tụng cho đến tận ngày nay. Nhưng sự thực về sự kiện này là sao?
Sự kiện này xuất hiện vào khoảng tháng 11-12 năm 1823, khi Minh Mạng lên ngôi được 3 năm. Nguyên văn câu chuyện thật ra là thế này:
“Vua từng cùng với thị thần bàn việc học, nói rằng : “Trẫm từ khi làm thái tử, sau khi vấn an được nhàn rỗi, không làm việc gì, chỉ chăm xem sách. Phàm những sử Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh, không bộ nào là không xem ; nhưng tính trẫm không nhớ lâu, nên khi nói chuyện, nhớ đến việc cũ nhà Nguyên, nhà Minh, có khi nhớ việc mà quên tên người, trẫm hỏi các khanh, cũng không trả lời được, có lẽ chưa đọc chăng ?”.
Quang lộc Tự khanh Phan Huy Thực tâu rằng : “Từ đời Lê trở lại, những người học thi cử chỉ đọc các sử Hán, Đường, Tống làm lối tắt thi cử”.
Vua nói : “Từ Nguyên, Minh cho đến Đại Thanh có đến 6, 7 trăm năm. Cứ nay mà xem thì từ Tống trở lên đã thành đời thái cổ rồi, mà kẻ học giả bỏ gần cầu xa là cớ làm sao ?”.
Lại quay hỏi Thiêm sự Lê Văn Đức. Lê Văn Đức đáp rằng : “Thần cũng chỉ học văn cử nghiệp mà thôi”.
Vua lại nói : “Văn cử nghiệp làm lầm người ta đã lâu. Trẫm cho rằng văn chương vẫn không nhất định. Nay văn cử nghiệp chỉ câu nệ sáo cũ, lên mặt với nhau, đứng riêng phe phái, nhân phẩm lấy đấy làm cao thấp, khoa trường lấy đấy làm đỗ hỏng, học hành như thế, lạ gì nhân tài mỗi ngày một kém. Nhưng tập tục theo nhau, khó mà thay đổi. Vài năm nữa nên bàn thay đổi”.”
Như vậy, thực chất sự kiện này nói lên cái gì? Nó nói lên rằng:
1/ – Trí thức Việt lúc đó chỉ ôn, học, đọc và biết những kiến thức dùng để đi thi ( Sử Tàu từ đời Hán đến Tống), còn bên ngoài đó thì hoàn toàn không biết, dù đó là sử Tàu đi chăng nữa.
– >Đây là lối học đối phó, vụ lợi, cốt để thi đậu làm quan chứ không cần gì nữa.
2/ – Vua than thở rằng quan lại chỉ biết những sử Tàu cách họ 2000-500 năm, mà không biết những sử Tàu cách họ …400-300 năm.
3/ – Vua có ý muốn cải cách về lối học văn chương và lịch sử ( ít nhất là sử Trung Quốc) ở nước ta. Chứ vua không hề có ý hướng tới lối học thực dụng, tiến bộ, nghiên cứu công nghệ-kỹ thuật gì gì cả. Vì thế nên lời tổng kết của vua cũng chỉ xoay quanh chuyện văn chương.
– > Minh Mạng thừa nhận rằng quan lại, trí thức thời ông quá tệ so với cả chuẩn…phong kiến.
= > Như vậy, qua câu chuyện này, vua Minh Mạng thể hiện rõ sự bất lực của ông khi cố chấn chỉnh và xây dựng một nền giáo dục đạt chuẩn Nho giáo phong kiến. Mà ông đã thất bại trong cùng môi trường đó ở TK19 thì có lí do gì để cho rằng ông sẽ làm được điều ông mong muốn nếu…xuyên không về trước đó 500 năm???
Mặt khác. Ai là người chịu trách nhiệm khi diễn giải sai lầm ý muốn của nhà vua từ “ xây dựng nền giáo dục đạt chuẩn Nho giáo phong kiến” thành “ xây dựng nền giáo dục hiện đại”? Trần Trọng Kim ư? Không phải. Nếu đọc kỹ lời bình của Lệ Thần, ta sẽ thấy lời giản lược của ông không hề mâu thuẫn gì với ý gốc của Minh Mạng.
“những sĩ phu trong nước chỉ học theo lối cử nghiệp, nghĩa là cốt học lấy thi đỗ, chứ không mấy người có thực học… Vua Thánh Tổ thật là biết rõ cái tật của những người đi học ở trong nước ta…”
Nhưng sau Lệ Thần Trần Trọng Kim vài chục năm, người hiện đại đọc vào lại không hiểu ông muốn nói gì. Dường như họ đinh ninh Nho học và nền giáo dục phong kiến tất luôn luôn là học vẹt, học cử nghiệp cốt thi lấy đỗ. Cho nên họ kết luận rằng vua Minh Mạng bài bác lối học cử nghiệp nghĩa là bài bác Nho học, bài lối học phong kiến, là có “ý muốn hướng tới một nền giáo dục hiện đại”? Tôi nói xin lỗi chứ. Nếu nền giáo dục phong kiến đơn giản đồng nghĩa với học vẹt, học đề cương, thì làm gì có Trạng Lường Lương Thế Vinh, Bác học Lê Quý Đôn ( không chỉ rành sử Tàu mà còn cả sử Việt), Lê Hữu Trác ( thần y của Việt Nam)? Tàu cũng làm gì mà có Tổ Xung Chi ( tìm ra số Pi), Trương Hoành ( phát minh máy đo địa chấn), Thẩm Quát ( bác học chuyên nghiên cứu triết học và các hiện tượng tự nhiên), Tử Quang Khải ( người dịch sách toán phương Tây),…?
Lời sau cùng:
Người đọc sử luôn luôn phải tâm niệm một điều: Đừng tin ai cả, kể cả cái thằng đang viết những dòng này đây. Hãy tôn Descartes làm thầy – Mọi thông tin chỉ đáng tin khi chính mình đã kiểm chứng nó.
————————————————————-
Tư liệu nguồn:
  • Việt Nam Sử Lược ( Trần Trọng Kim): Phần về vua Thánh Tổ ( Minh Mạng), mục 10. “ Sự học hành thi cử”.
  • Đại Nam Thực Lục. Nếu sử dụng bản file doc trên internet, thì nó nằm ở tập 2, trang 310.


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *