Mình có dịp đọc “Khi hơi thở hóa thinh không” từ 2 năm trước, nhưng gần đây có dịp đọc lại mới thật sự có nhiều cảm xúc để viết đôi dòng này. Mong mọi người đón nhậ bài đọc của mình.
Review cuốn sách “Khi Hơi Thở Hóa Thinh Không”
“Tôi không biết bằng cách nào mà Kalanithi đã có sức mạnh để viết nên cuốn sách này khi sức khoẻ cậu ta rất yếu. Thế nhưng, tôi mừng vì cậu ta đã làm được. Suốt cả cuộc đời, Kalanithi đã cống hiến cho y tế, khoa học cùng việc viết sách. Đọc cuốn hồi ký kia, tôi mừng vì được chứng kiến một phần nhỏ câu chuyện đời của Kalanithi”.
Đó là những dòng nhận xét đầy chân thành của tỷ phú Bill Gates khi đọc cuốn sách “Khi hơi thở hóa thinh không” của Paul Sudhir Arul Kalanithi. Và có lẽ không chỉ vị tỷ phú giàu nhất thế giới phải rung cảm để nói lên những lời chân thành như thế, cuốn sách đã chạm đến trái tim của rất nhiều người, trong đó có tôi.
“Khi hơi thở hóa thinh không” là cuốn tự truyện của bác sĩ khoa ngoại thần kinh trong những năm tháng cuối cuộc đời khi anh phát hiện ra mình bị ung thư phổi. 2 năm sau ngày phát bệnh, Paul ra đi. Cũng như rất nhiều bệnh nhân của căn bệnh ung thư quái ác, anh đã không thể chiến thắng. Nhưng cách anh và chính những người thân yêu của mình đối diện với bi kịch ấy thì hoàn toàn khác biệt. Đó là câu chuyện chúng ta ấn tượng và cần phải nhắc đến.
Cuộc sống luôn tiềm tàng những điều bất ngờ
Bạn sẽ làm gì, khi sắp hoàn thành được những mục tiêu của cuộc đời, sắp bước đến những vị trí bạn nỗ lực để có được lại nhận được tin dữ. Bạn không còn sống được bao lâu?
Bạn sẽ cảm thấy mùi vị của cuộc đời, của Thượng đế ban cho mình ra sao khi bạn là người đang cứu lấy sự sống của người khác một ngày lại biết được mình chính là bệnh nhân? Ai sẽ cứu lấy bạn?
Đó là tất cả những gì mà Paul đã trải trong những năm tháng còn trẻ, còn sung sức nhất. Anh có một tình yêu đẹp với người làm bác sỹ ngoại khoa tên Lucy. Anh sống với những lý tưởng rất cao đẹp của một người làm bác sĩ, 36 tiếng trong phòng mổ để dành lấy sự sống cho bệnh nhân. Mức lương của anh sẽ tăng gấp 6 lần trong năm tới khi anh tốt nghiệp bác sĩ nội trú. Nhưng chỉ một thứ mang tên căn bệnh ung thư phổi đã khiến cánh cửa tươi đẹp ấy đóng đi tất cả
Sự nhìn nhận cái chết đầy khác biệt
Chính Paul đã từng tâm sự trong cuốn sách, rằng anh biết một ngày nào đó cái chết rồi sẽ đến với mình nhưng chỉ không ngờ là mọi thứ lại nhanh đến vậy. Paul qua đời 2 năm sau đó. Khi con người chẳng còn lại gì để mất, họ thường đưa ra một trong hai lựa chọn:
Có người sẽ không chấp nhận hiện thực, nhốt mình trong căn phòng, vật vã với nỗi đau thể xác lẫn tinh thần rồi ra đi.
Có người chọn bên cạnh những người thân yêu, ăn món ăn mình thích, xem một bộ phim hay.
Với Paul thì có lẽ anh đã làm tốt hơn thế rất nhiều. Khi bệnh tình vẫn còn trong tầm kiểm soát, anh vẫn vào phòng phẫu thuật 16 tiếng mỗi ngày. Với Paul, căn bệnh của bản thân không thể ngăn sứ mệnh của mình là cứu chữa cho người khác. Đến khi bệnh tình trở nặng, khi những cơn đau kéo dài, anh quyết định viết lại cuốn tự truyện của chính cuộc đời mình, thực hiện ước mơ còn dang dở ngày xưa. Anh ra đi khi chương cuối của cuốn sách còn dang dở. Người vợ đã thay anh viết lên cái kết cuối cùng. Và khi cầm trên tay, với tôi đây đích thị là một tác phẩm vĩ đại.
Chúng ta thấy gì từ “Khi hơi thở hóa thinh không”?
Đầu tiên, chúng ta thấy ước mơ cháy bỏng nhưng dang dở một thời tuổi trẻ của Paul: Viết lách.
Paul phải chống chọi với căn bệnh quái ác trước khi ra đi nhưng ngay từ đầu cuốn sách, vấn đề này không được đề cập đến, chỉ đến phần sau tác phẩm. Ngoài nỗi đau ấy ra, anh kể cho chúng ta công việc của một bác sĩ nội trú khoa ngoại thần kinh. Đằng sau những ca mổ kéo dài hàng chục giờ là những chiêm nghiệm về sự sống, cái chết, về cách con người đối diện với những đớn đau trong cuộc đời. Những chiêm nghiệm đó, anh gửi hết vào những trang văn cuối đời này. Sẽ có những thuật ngữ y khoa trong bài viết nhưng bằng ngòi bút của một bác sĩ kiêm người viết lách được đào tạo bài bạn, những câu chuyện về ngành y, những chiêm nghiệm về nhân sinh được truyền tải một cách tình cảm, giàu hình ảnh. Tôi tưởng tượng một con người đang đau đớn chiến đấu với bệnh tật mà viết ra những dòng văn chân thật, hình ảnh mà trong lòng không khỏi sự nể phục dành cho vị bác sĩ này.
Và những dòng cuối cuộc đời, khi anh kể về cuộc sống của mình khi chiến đấu bệnh tật. Những giây phút anh kìm nén cơn đau, cùng người thân đi dã ngoại, mọi người quây quần kể những câu chuyện. Dòng thông điệp anh gửi đến con gái: “…Cha nguyện cầu con sẽ không quên rằng, con đã từng lấp đầy tháng ngày của một người đàn ông đang chết bằng một niềm vui chan chứa, một niềm vui cha chưa từng biết đến trong suốt những năm trước đây…” Tất cả đã khiến tôi rơi lệ, tôi đã khóc như chính mình là người thân của Paul, nhìn anh trên giường bệnh. Những dòng văn quá ư xúc động và chân thành. Cái cách anh đối diện với cái chết: Đầy thư thái và lạc quan, đầy sự biết ơn với cuộc đời này. Và tình yêu, tình yêu chân thành của Lucy, của ba mẹ, anh em thân thiết… Tất cả đã làm nên một tác phẩm tuyệt vời!
“Vấn đề không phải là bạn sống được bao lâu, mà là cách bạn chọn để sống cuộc đời mình như thế nào” (Ben Newman). Paul ra đi khi mới 36 tuổi, anh là một trong 0.0002% những người mắc ung thư ở độ tuổi này. Song, anh chưa bao giờ oán trách số phận nghiệt ngã, đớn đau lắm cũng chỉ là nuối tiếc cho những điều đã qua. Anh ra đi nhưng cuốn sách và giá trị anh làm được sẽ luôn còn mãi trong cuộc sống này.
Gấp cuốn sách lại, tôi có một chút suy niệm về nhan đề: “Khi hơi thở hóa thinh không”. Liệu khi chúng ta trút hơi thở cuối cùng, chúng ta có hối tiếc điều gì, có làm được những điều mình hằng mong cầu. Phải chăng, cái chết sẽ đến bất kì trong cuộc đời, nên hãy cỗ gắng sống trọn vẹn mỗi ngày để không phải hối tiếc như Paul đã nói: “Even if i dying, until i actually die, im still living”.