(Chuyện là em có cuốn sách lịch sử cổ đại tên là A Hisory of World Societies, thấy cũng hay hay, nên lược dịch dần dần cho các bác cùng đọc ạ)
…
Các nền văn minh và văn hóa như ta thấy hiện nay, chúng như những dòng sông, bắt nguồn từ nhiều nơi và chảy theo nhiều hướng. Con người sống tại châu Âu xây dựng nhiều hình thái xã hội độc đáo nhưng cũng có nhiều điểm chung. Họ thành thạo nhiều ngón nghề như thiên văn, toán học, địa lý, kỹ thuật, tôn giáo, và tổ chức xã hội. Nhưng những con người xa xưa nhất không ghi chép lại học vấn của họ, cho nên phần lớn chúng ta không biết họ sống và sinh hoạt thế nào.
Con người sơ khai bất kỳ nơi đâu trên mặt đất đều gặp phải những vấn đề giống nhau, nên họ đã thực hiện một bước tiến quan trọng là ghi chép lại kinh nghiệm sống của mình. Họ phát minh ra chữ viết và lưu trữ quá khứ truyền lại cho các thế hệ hiện tại và tương lai. Những phát minh lâu đời nhất xảy ra tại vùng Cận Đông, vùng đất nằm bên bờ Địa Trung Hải, bán đảo Ả Rập, một phần đông bắc châu Phi, và có lẽ quan trọng nhất là vùng Mesopotamia (Lưỡng Hà), nay là I rắc.
Sumer và Trung Quốc là hai nền văn minh phát minh ra những con chữ đầu tiên và truyền đi khắp thế giới. Chữ viết đã đặt những viên gạch đầu tiên xây nên những nền văn minh vĩ đại như Mesopotamia, Ai Cập, và Hitti. Những nền văn minh ấy lại tiếp tục đào luyện ra những thế hệ kế thừa, mang ánh sáng văn minh đi gieo rắc khắp địa cầu.
Chúng ta cùng tìm hiểu nền văn minh đầu tiên: Mesopotamia
Mesopotamia, hay Lưỡng Hà, là cái tên mà người Hy Lạp đặt cho vùng đất nằm giữa hai con sông Euphrates và Tigris. Tuy vùng này khô cằn, nhưng những cư dân cổ xưa tại đây là người Summer đã biết cách làm thủy lợi, xây hệ thống ngăn ngừa ngập mặn trên diện rộng. Công việc quy mô ấy đòi hỏi phải làm tập thể, và phải có một cơ quan chỉ đạo mạnh mẽ. Tinh thần tập thể ấy hình thành nên các chính quyền, trong đó cá nhân là một phần của tập thể, phụ thuộc lợi ích của tập thể. Khoảng năm 3000 TCN (tức là cách đây ngót nghét 5000 năm, lúc đó Văn Lang cũng chưa có, mà bên Tàu còn đang chìm trong truyền thuyết Tam Hoàng Ngũ Đế đồ) thì người Sumer, nguồn gốc vẫn còn là bí ẩn, đã hình thành những thành thị đầu tiên về phía nam Mesopotamia, gọi là Sumer. Người Sumer đã biến vùng đất ấy thành cái mà các thế hệ sau này gọi là “cái nôi của nền văn minh”.
PHÁT MINH RA CHỮ VIẾT
Từ xưa xửa xừa xưa con người đã biết dùng hình vẽ để truyền đạt ý tưởng. Ban đầu họ nặn đất sét thành những hình thù họ muốn diễn đạt. Dần dần họ thấy rằng việc vẽ hình lên bề mặt đất sét thì sẽ đơn giản hơn nhiều so với việc dùng chính viên đất sét ấy. Và họ có thể truyền đạt được nhiều thông tin hơn, chỉ cần vẽ thêm hình vào là được.
Với cách dùng chữ tượng hình ấy, người Sumer đã có một bước tiến lớn khi phát minh ra hệ thống chữ gọi là cuneiform, hay chữ nêm, tức là chữ có nét vẽ tạo bằng một thứ gọi là bút, hoặc kim.
Hệ thống này vận hành như nào? Rất đơn giản, họ sẽ vẽ những thứ họ muốn diễn tả lên những tấm đất sét, rồi đem nung cho cứng lại là thành một văn bản. Ai nhìn vào cũng hiểu họ muốn nói tới cái gì. Nhưng cách viết chữ khổ sở và công phu này sớm xuất hiện những hạn chế vì nó không thể diễn tả được những khái niệm trừu tượng. Ví dụ nếu họ muốn nói tới một người phụ nữ nô lệ thì không biết phải vẽ làm sao cho người ta hiểu.
Giải pháp xuất hiện khi các chuyên gia chữ nghĩa thời đó phát hiện ra rằng có thể kết hợp các biểu tượng lại để diễn tả ý nghĩa. Để biểu thị một người phụ nữ nô lệ thì họ sẽ vẽ biểu tượng người phụ nữ trước rồi kèm thêm biểu tượng ngọn núi, vậy là họ có từ “một phụ nữ sống trên núi”. Và theo quan niệm của người Summer thời đó thì những phụ nữ nô lệ là từ trên núi mà xuống. Cách kết hợp này tỏ ra khá dễ hiểu.
Bước đột phá tiếp theo là khi các chuyên gia chữ nghĩa nghĩ ra ý tưởng dùng dấu hiệu để diễn tả âm thanh, thay vì diễn nghĩa. Ví dụ, họ sẽ vẽ hai nét gợn sóng song song để biểu thị cho chữ a, hoặc ‘nước’. Ngoài nước thì chữ a trong tiếng Sumer còn có nghĩa là ‘ở trong’. Từ ‘ở trong’ diễn tả một mối quan hệ mà chữ tượng hình bó tay không diễn tả nổi. Vậy là thay vì cố gắng nghĩ ra một biểu tượng với nghĩa ‘ở trong’ thì các ‘cự nho’ đã khéo léo dùng biểu tượng của ‘nước’ vì cả hai từ ‘nước’ và ‘ở trong’ đồng âm trong tiếng Sumer.
Kiểu ghép các biểu tượng lại để tượng âm này đủ khả năng diễn tả những ý tưởng trừu tượng.
Tất nhiên dù đã rất được cải tiến là thế nhưng chữ nghĩa vẫn là một lĩnh vực siêu khó với người Sumer, và chỉ có giới ‘thâm nho’ mới viết nổi sau nhiều năm dùi mài. Chủ yếu họ đến từ các gia đình giàu có không phải lo cái ăn cái mặc.
Quy tắc học tập thì cực kỳ hà khắc, học sinh có thể bị đuổi cổ bất cứ lúc nào nếu phạm lỗi. Cho nên một học trò tốt nghiệp hiếm khi nào có kỉ niệm gì vui vẻ trong thời gian học tập.
Hệ thống đào tạo của người Sumer tạo thành những tiêu chuẩn giáo dục cho văn hóa Mesopotamia, và văn hóa Akkad sau này. Giáo dục Mesopotamia rất thực dụng, vì cánh nhà nho này sau sẽ giữ những vị trí quan trọng điều hành đất nước và kinh tế. Trường học của người Sumer cũng rất đa dạng các bộ môn chứ không chỉ dạy chuyện làm kinh tế, họ còn học toán, sinh học, ngôn ngữ học.
Người Sumer còn có một bước tiến xuất sắc khác trong toán học là biết dụng hệ thống chữ số dựa trên các đơn vị 60, 10, và 6 (không biết có phải là hệ lục phân không nhỉ? – ND). Họ phát triển khái niệm giá trị hàng chữ số (hay hằng số gì đấy, từ ‘place value’ trong tiếng Anh nhưng mình hơi dốt toán) – tức là giá trị của một số phụ thuộc vào vị trí của nó so với các số khác.
Toán học với người Sumer không chỉ là lý thuyết suông. Họ xây thành phố, điện đài, đền thờ miếu mạo, đào kênh đều dựa trên kiến thức hình học và lượng giác học.
Y học của người Sumer là sự kết hợp giữa ma thuật, bốc thuốc, và giải phẫu. Người Mesopotamia tin rằng ma quỷ và những ‘ác linh’ gây ra bệnh tật, cho nên phải niệm bùa chú để trị chúng. Họ cũng tin rằng thầy thuốc có thể đuổi quỷ bằng cách kê cho bệnh nhân một thứ thuốc hôi thối nào đó (chắc kiểu phân ngựa chăng!) Khi y học phát triển hơn thì các bài thuốc của cánh thầy lang cũng bắt đầu có hiệu quả và vì thế trở thành y dược thứ thiệt. Nhưng y học cổ đại là một sự pha trộn sâu sắc giữa mê tín và lý trí, còn phải rất lâu lâu nữa về tương lai mới tách biệt ra được.