Khoa học kỳ lạ về cách con người nhận thức cơ thể
Hội chứng bàn tay ngoại lai có nghĩa là gì?
Tác giả: Tiến sỹ Jeremy Sutton
________________
Cơ thể con người đóng vai trò quan trọng trong việc nhận dạng một cá nhân. Tuy vậy, những bằng chứng từ các bệnh nhân tổn thương não cùng với khoa học về ảo giác tri giác cho thấy danh tính thể chất có thể dễ thay đổi hơn ta nghĩ.
Trong một báo cáo khoa học năm 2013 đăng trên tạp chí Journal of Neuropsychiatry and Clinical Neurosciences (Tâm thần học thần kinh và Khoa học thần kinh lâm sàng), có trường hợp đáng chú ý về một cụ bà 82 tuổi. Cụ tin là mình không còn điều khiển được tay trái nữa, mà nó đã thuộc về em trai cụ.
Sáu tuần trước đó, cụ bà bị đột quỵ làm ảnh hưởng đến phần bên trái của mặt, cánh tay và khả năng nói. Theo hai bác sỹ thần kinh học Hannah Shereef và Andrea Cavanna, cụ liên lạc với bác sỹ và phàn nàn rằng “cánh tay của em trai” không làm theo những gì cụ muốn, điều này khiến cụ rất mệt mỏi.
“Hầu hết mọi người đều tin rằng các bộ phận cơ thể trên thực tế là của họ, tuy nhiên trong một số trường hợp lâm sàng, cảm giác sở hữu này có thể biến mất” – nhà thần kinh học Nadia Barnsley thuộc Viện Nghiên cứu Thần kinh học Australia tại Sydney giải thích.
Các nhà thần kinh học gọi đây là “hội chứng bàn tay ngoại lai” hay “hội chứng dị thủ” (alien hand syndrom). Barnsley cho biết tuy đây là hội chứng hiếm gặp nhưng không phải có một không hai. Hội chứng này và một số rối loạn tri giác khác giúp chúng ta có cái nhìn cần thiết về cách con người hình dung cơ thể của mình trong tâm trí.
Nhà nghiên cứu đầu ngành Santiago Mendo-Lazaro viết trên tạp chí Frontiers in Psychology (Nghiên cứu mới về Tâm lý học): “Hình ảnh về cơ thể là một khái niệm phức tạp. Nó tượng trưng cho cách con người nhận thức bản thân, và cách họ cảm nhận và cư xử tương ứng với cơ thể của chính họ.” Tuy nhiên điều này vẫn làm dấy lên nghi ngờ.
Giả sử một người có hội chứng bàn tay ngoại lai có thể “mất đi” một vài bộ phận cơ thể, liệu họ có thể “chiếm quyền sở hữu” các bộ phận khác nằm ngoài cơ thể họ hay không?
Theo khoa học thì câu trả lời là có.
Trong một nghiên cứu đột phá năm 1998, các nhà khoa học tại đại học Pittsburgh thực hiện một thí nghiệm khác thường có tên là “ảo giác bàn tay cao su”. Họ yêu cầu người tham gia đặt một bàn tay ra khỏi tầm nhìn, đằng sau một thanh chắn. Một bàn tay cao su trông như thật được đặt trước mặt họ sao cho giống nhất với cách bàn tay bị che mất kia. Sau đó nhà nghiên cứu sẽ nhẹ nhàng lấy bàn chải cọ vào cả bàn tay thật bị che đi và bàn tay cao su – có điều thú vị đã xảy ra. Một người tham gia cho biết: “Tôi nhìn chằm chằm vào bàn tay giả đó và nghĩ nó thực sự là tay mình.”
Xem mô tả thí nghiệm rubber hand illusion: https://www.youtube.com/watch?v=sxwn1w7MJvk
Theo nhà thần kinh học Matthew Botvinick, tất cả 10 người tham gia thí nghiệm đều cho biết họ cảm nhận được bàn chải trên tay giả chứ không phải là bàn tay bị giấu đi, như thể là bàn tay cao su mới có xúc giác. Ảo giác đó kết hợp lệch lạc với thị giác, xúc giác và vị trí bàn tay đã dẫn đến cảm nhận sai về sở hữu cơ thể.
Các nhà nghiên cứu Maryam Alimardani (Đại học Tokyo), Shuichi Nishio (Viện Quốc tế Nghiên cứu Truyền thông Cao cấp) và Hiroshi Ishiguro (Đại học Osaka) giải thích: “Ảo giác về sở hữu cơ thể đưa ra bằng chứng rằng cảm nhận về bản thể của chúng ta không chặt chẽ, và cảm nhận đó có thể áp dụng lên cả những đối tượng nằm ngoài cơ thể.”
Các thủ thuật đánh lừa tri giác như trên giúp các nhà tâm lý và nhà khoa học nhận thức có thể hiểu được cách cảm nhận của các giác quan tái hiệu chỉnh những gì tâm trí hình dung cơ thể và hình thành một ý niệm mới về bản thể.
Bất ngờ thay, hiệu ứng này có thể được áp dụng cho toàn bộ cơ thể.
Trong một nghiên cứu năm 2016 trên tạp chí Nature (tạp chí hàng đầu về khoa học), những người tham gia sẽ đeo một kính thực tế ảo và được yêu cầu điều khiển một robot ảo có hình dáng con người với góc nhìn thứ nhất. Trong thử nghiệm đầu tiên, các tình nguyên viên sẽ điều khiển robot ảo bằng cách cử động tay (cử động được máy ghi lại chuyển động 3D thu thập và hiển thị trên màn hình thực tế ảo theo thời gian thực). Những người tham gia cho biết họ mạnh mẽ cảm nhận việc sở hữu cánh tay robot ảo, dù cánh tay này không hiện hữu trong thực tế.
Trong thử nghiệm thứ hai, những người tham gia đeo các điện cực được gắn vào điện não đồ (EEG) để ghi lại hoạt động điện từ của não. Họ được hướng dẫn để có thể tưởng tượng các động tác tay cơ bản, sau đó EEG sẽ phát hiện và điều khiển bàn tay ảo cử động. Cũng giống như thử nghiệm đầu tiên, những người tham gia dù không cử động trên thực tế, vẫn thực sự cảm thấy họ sở hữu bàn tay ảo.
(T/N: Tóm tắt thử nghiệm: tình nguyện viên được yêu cầu đeo kính thực tế ảo để điều khiển robot dưới góc nhìn thứ nhất – một thử nghiệm là họ thực sự cử động tay để điều khiển, một thử nghiệm là họ chỉ dùng suy nghĩ để điều khiển.)
Dù cử động thật hay chỉ dùng suy nghĩ thì cử động của người tham gia và việc nhìn thấy hành động tương ứng của cánh tay ảo đã gây ra ảo giác rằng họ sở hữu cánh tay robot – các nhà khoa học gọi đây là “chuyển giao sở hữu cơ thể”.
Nghiên cứu về các ảo giác như cánh tay cao su hay robot ảo “có thể cung cấp công cụ giá trị để hiểu về cách não bộ hoạt động để điều chỉnh ý thức sở hữu cơ thể và trải nghiệm bản thể” – theo Alimardani và Nishio.
Nhưng tại sao khoa học cần phải biết rằng cách con người nhận thức về cơ thể thực của họ có thể sai lệch như thế nào?
Theo nghiên cứu, cách con người nhìn nhận bản thân mình có thể – theo nghĩa đen – tác động lên hệ miễn dịch và làm suy giảm sức khỏe của họ. Điều này được chứng minh trong nghiên cứu năm 2011 tái hiện ảo giác bàn tay cao su. Các nhà nghiên cứu ghi nhận rằng bàn tay thật (bị khuất tầm nhìn) có nhiệt độ thấp hơn, và cơ thể gia tăng sản xuất histamine (có liên quan đến phản ứng miễn dịch cục bộ).
(T/N: Tức là cơ thể bắt đầu có dấu hiệu coi cánh tay thật bị giấu đi là ngoại lai và sinh miễn dịch để đào thải cánh tay đó)
Điều này được củng cố bởi một nghiên cứu năm 2014 về các bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp và bệnh đa xơ cứng. Nghiên cứu cho thấy khi cơ thể không nhận ra chính mình, nó có thể bắt đầu tự hoại. Nhà nghiên cứu thần kinh nhận thức Marcello Costantini cho biết: “Tự miễn thực sự là lỗi của hệ thống miễn dịch trong việc cho rằng các tế bào của chính cơ thể là ngoại lai”.
Do vậy, nếu chúng ta hiểu thêm về cách tâm trí nhận thức cơ thể và tác động của nó lên sức khỏe thể chất, thì ta có thể tìm ra bí mật của hệ thống miễn dịch và sức khỏe dài lâu.
_______________
Nguồn: https://elemental.medium.com/the-weird-science-of-how-we-perceive-our-bodies-1fbc147990ff
Mọi người có chỗ nào khó hiểu hoặc góp ý thì cứ nói để mình sửa ạ, dịch sinh học khó quá