Làm sao để đọc hiểu tranh: The Kiss của Gustav Klimt
Chuyên mục: Thinksheet | Jun 7 | 5 phút đọc | 313 Claps
Tác giả: Christopher P Jones
Link Medium: https://link.medium.com/66LCa91jm7
Subtitle: Lời ngợi ca tình yêu gợi mở bi thương.
Một chi tiết luôn thu hút ánh nhìn của tôi trong bức The Kiss của Gustav Klimt là tư thế bàn chân của người phụ nữ. Chúng tưởng như đang bám vào tận cùng của thế giới vậy. Ngoài kia là vô định: đám mây vàng lốm đốm có thể là bầu trời đêm hoặc cũng có thể là cái bóng lấp lánh của cơn giông bão, hoặc một vực thẳm vách đá.
Những ngón chân của người phụ nữ gập xuống để gót chân cô tựa vào hư vô. Tôi luôn để ý đến chi tiết này vì nó như giải thích rất nhiều cho tâm trạng toàn cảnh của bức tranh. Niềm đam mê vươn lên từ bờ vực, cặp tình nhân cuộn vào và bao bọc quanh nhau, một biểu hiện của cả niềm vui sướng và nỗi kinh hoàng từ những cái ôm.
Chủ thể của The Kiss tập trung vào một cặp tình nhân đang quỳ trên một bãi cỏ dại. Ngôn ngữ cơ thể của họ cho thấy một sự kết hợp đồng thuận. Cô vòng tay ôm cổ anh; anh ôm mặt cô khi anh ghé vào hôn cô. Họ mãnh liệt và tin tưởng cùng lúc. Không có cặp mắt nào xuất hiện – đôi mắt của cô đang nhắm lại, còn anh thì quay mặt đi – báo hiệu rằng sự thân mật của họ không thể bị gián đoạn bởi ánh mắt nhìn chăm chú của chúng ta. Chúng ta (người xem tranh) không thể lọt vào mắt họ, không bao giờ xâm phạm riêng tư của họ.
Hai con người được dát lá vàng. Đây là kỹ thuật yêu thích của Klimt, sử dụng trực tiếp vàng lá trên các bức tranh của mình, khéo léo pha trộn với các nét vẽ sơn dầu để tạo ra hiệu ứng đầy hoa lệ.
Có hai điều xây dựng nên phong cách nghệ thuật của Klimt giúp giải thích vì sao ông lại sử dụng vàng và các hoa văn kiểu ngọc ngà châu báu trang trí cho hình ảnh của đôi tình nhân.
Đầu tiên là cha của ông, một thợ kim hoàn người Vienna chuyên về kim loại và chạm khắc vàng. Thứ hai nữa là một chuyến đi đến Ý của Klimt vào năm 1903. Tại thành phố Ravenna, ông đã viếng thăm Vương cung thánh đường San Vitale (Basilica of San Vitale) xây từ thế kỷ thứ 6 và chiêm ngưỡng bức tranh khảm Byzantine tô điểm bên trong nhà thờ.
Tranh khảm (mosaics) có tính chất đặc biệt: khi bắt ánh sáng, từ mặt phẳng lại biến thành sống động. Nhiều bức tranh của Klimt hướng đến nắm bắt hiệu ứng tương tự với sơn màu và vàng lá, sử dụng các hình khối trong khuôn mẫu phong phú khiến chúng trở nên lấp lánh khi mắt người xem di chuyển.
Tuy nhiên, bề mặt trang trí của The Kiss không chỉ đơn thuần là vẻ đẹp hình thức. Lối chơi của những hình tròn và hình chữ nhật không chỉ phân định các nhân vật nam và nữ, nó còn thể hiện sự giằng co giữa họ. Hai hình dạng cơ bản có thể được hiểu là các hình mẫu nguyên thủy, tượng trưng cho cơ quan sinh dục nam và nữ. Klimt qua ngôn ngữ hình ảnh đã thể hiện được điều gì đó cơ bản và nguyên thủy về hai cá nhân đang yêu.
Tôi nghĩ điều làm cho bức tranh trở nên hấp dẫn là cách các chi tiết tượng hình – bàn tay, bàn chân và khuôn mặt của đôi tình nhân – luồn lách tự nhiên giữa các chi tiết tượng trưng. Hiệu ứng này tạo ra một tập hợp hình ảnh chỗ thì chi tiết lớn và chỗ thì ít hơn, ở đó mắt người xem được điều hướng và giải phóng, khi thì hướng vào các chi tiết nhỏ và khi thì mở rộng để quan sát tổng thể.
Các sử gia nghệ thuật đã đưa ra một số giả thuyết cho cặp tình nhân trong bức tranh. Đối với tôi, lựa chọn thuyết phục nhất là Orpheus và Eurydice, một cặp vợ chồng phải chia ly bi thảm ở rìa của Địa ngục.
Theo lời kể của nhà thơ La Mã Virgil, Orpheus và Eurydice nên duyên vợ chồng, nhưng ngay sau đó Eurydice bị một con rắn cắn vào mắt cá chân và c.hết. Phải chăng đó là lý do tại sao Klimt cho chúng ta thấy đôi chân trần của cô ấy trên bãi cỏ dài?
Orpheus rất đau lòng và quyết định đến Địa ngục tìm cách đưa cô vợ trở lại. Là một nhạc sĩ, Orpheus chơi đàn lia và thuyết phục được Âm phủ. Anh ta được phép đưa Eurydice trở về với điều kiện trên đường trở về không được ngoảnh mặt nhìn lại. Anh dẫn Eurydice ra khỏi Địa ngục đến ánh sáng ban ngày, nhưng lại nóng lòng muốn thấy vợ mình, anh ta ngoái nhìn qua vai, lúc đó Eurydice mờ dần vào sương khói, trở về cõi âm.
Liệu đây có là câu chuyện trong bức tranh của Klimt hay không? Cặp tình nhân thần thoại vừa bước lên từ Địa ngục, giờ quỳ xuống trong một tia nắng mỏng manh chiếu sáng những khoảnh khắc cuối cùng trong cuộc hội ngộ của họ? Liệu Klimt đã biến cái liếc mắt của Orpheus thành một nụ hôn?
Nếu đúng là vậy, thì trong bức tranh của Klimt cặp tình nhân được đóng băng trong vòng tay của họ – và chống lại hư vô thăm thẳm của nền vàng lốm đốm – ngưng đọng trong trạng thái vĩnh cửu. Họ mấp mé bờ vực của bi kịch, nhưng mãi mãi tĩnh lặng và bất động, và không bao giờ chịu khuất phục trước bi kịch.