Không phải các Kỳ Lân, Lạc Đà mới là con cưng mới của Thung lũng Silicon
Bài viết bởi Sam Westreich, PhD
Link: https://bit.ly/3h74yBz
Những chú lạc đà bốc mùi, hay khạc nhổ và… cũng là hình ảnh mới cho sự thành công ở Thung lũng Silicon?
————————
Với đa số người, việc kiếm tìm sự tồn tại của những chú kỳ lân thường kết thúc khi họ khoảng chín mười tuổi, khi chúng ta nhận ra rằng những chú ngựa với chiếc sừng trên đầu sẽ vĩnh viễn chẳng bao giờ bước chân ra khỏi khu rừng. Nhưng đối với các nhà đầu tư mạo hiểm, và cả các doanh nghiệp, đang tìm cách thành lập hoặc tham gia đầu tư vào giai đoạn đầu của những công ty khởi nghiệp, thì hành trình tìm kiếm kỳ lân không bao giờ biến mất. Có khác chăng là trọng tâm của cuộc tìm kiếm thay đổi – từ một chú ngựa có sừng trên đầu, đến một start-up được đánh giá là hiếm gặp.
Trong kinh doanh, thuật ngữ “Kỳ Lân (Unicorn)” được dùng để chỉ bất kỳ một công ty tư nhân nào có trị giá hơn một tỷ đô. Thuật ngữ này xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2013, được sử dụng bởi nhà đầu tư mạo hiểm Aileen Lee, để chỉ mức độ hiếm gặp của các công ty này.
Thế nhưng Kỳ Lân Kỳ đã chẳng còn hiếm gặp giống như trước đây. Tính đến tháng trước, ước tính có khoảng 471 Kỳ Lân và thậm chí còn có những thuật ngữ mới được ra đời để chỉ các công ty lớn hơn: Siêu Kỳ Lân (Decacorn) đối với một công ty trị giá mười tỷ đô, trong khi Kỳ Lân Nhiều Sừng (Hectocorn) dùng để chỉ một công ty trị giá một trăm tỷ.
(Xét về mặt sinh học mà nói, những thuật ngữ mới này thật lố bịch. Bạn có thể tưởng tượng một con ngựa có một trăm sừng trên đầu không? Thuyết tiến hóa kiểu gì đây? Làm thế nào tất cả đống sừng đó nhét vừa hộp sọ của nó vậy?)
Việc tìm kiếm một công ty Kỳ Lân, đặc biệt là ở giai đoạn đầu (tức là trước cả khi công ty được định giá một tỷ đô) là mục tiêu của các nhà đầu tư mạo hiểm. Hãy tưởng tượng nếu bạn đầu tư vào các thương vụ thành công đột phá như AirBnB, Lyft, Stripe hay Palantir trước khi họ lớn mạnh mà xem! Tùy thuộc vào thời điểm đầu tư diễn ra vào giai đoạn nào, tỷ suất hoàn vốn (return on investment) có thể lên tới 100 lần hoặc 1.000 lần, hoặc thậm chí còn nhiều hơn.
Chí ít đó là chiến lược của các nhà đầu tư trong năm sáu năm qua.
Nhưng hiện tại, khi nền kinh tế toàn cầu thay đổi, trọng tâm của cuộc tìm kiếm lại có thể chuyển từ Kỳ Lân – sang Lạc Đà.
Ngày nay, một công ty được đánh giá là một Lạc Đà, nếu họ có thể sống sót trong thời kỳ suy thoái và các điều kiện kinh tế thay đổi mà vẫn kiên cường tồn tại. Thuật ngữ này bắt đầu được sử dụng vào năm 2017 bởi Yonatan Adiri, để ám chỉ các công ty có thể vượt qua các điều kiện khắc nghiệt giống như loài động vật này.
Khi sự gián đoạn do COVID-19 gây nên tác động đến sự phát triển của mọi nền kinh tế, thái độ của các nhà đầu tư, đặc biệt là đối với các công ty khởi nghiệp đang phát triển thần tốc, mà đốt tiền cũng thần tốc, đã bắt đầu chuyển từ tham lam sang sợ hãi. Nhiều công ty khởi nghiệp có quy mô nhỏ đột nhiên gặp khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng do có ít nhà đầu tư hơn, trong khi các công ty lớn cũng phải đang nỗ lực để cắt giảm những khoản chi tiêu tùy ý của mình nhằm bảo toàn vốn.
Nếu một công ty là Lạc Đà, thì với khả năng chống chịu với các tổn thất, bảo toàn doanh thu và vượt qua sự kiệt quệ (về mặt tài chính), họ sẽ trở nên hấp dẫn hơn trong giai đoạn suy thoái kinh tế.
Khi mọi thứ đều màu hồng với nền kinh tế tăng trưởng đều đặn liên tiếp chạm đỉnh mới và nguồn tiền mặt sẵn có, quả thực rất dễ dàng để mời chào các nhà đầu tư bỏ tiền vào một start-up không đem lại lợi nhuận.
Nhưng khi dòng tiền tự do cạn kiệt, thị trường chứng khoán lao đao và kéo theo nhiều bất ổn về tài chính, bỗng dưng sẽ chẳng còn là thông minh khi đặt cược vào một startup sẽ phải đốt hàng triệu đô trong nhiều năm liền, trước khi tạo ra được một dòng tiền dương (positive cash-flow: tức tiền kiếm về nhiều hơn chi tiền ra).
Các công ty Lạc Đà ít tập trung vào tăng trưởng, đặc biệt là khi họ phải bỏ tiền trợ cấp cho sự tăng trưởng đó (chịu một khoản lỗ để có được mỗi thuê bao hoặc khách hàng đăng ký mới). Họ đặt mục tiêu nhận ít tiền hơn từ các quỹ mạo hiểm, tập trung quản lý chi phí của họ một cách chặt chẽ và tìm cách xây dựng các hoạt động kinh doanh cốt lõi có thể đem lại lợi nhuận và chắc chắn trước khi theo đuổi những ý tưởng mới hay sự tăng trưởng vô tận.
Tất nhiên, việc trở thành một công ty lạc đà cũng đi kèm với sự đánh đổi. Trong một thị trường đang tăng trưởng và mọi thứ đều có vẻ rất lạc quan, thì chiến lược không dồn sức để tham gia vào các trò chơi mạo hiểm nhất đồng nghĩa với việc là bạn có thể không phát triển nhanh được. Tệ hơn là bạn còn có thể mất thị phần do cạnh tranh với những chú cá voi, những kẻ tập trung vào phát triển càng lớn càng tốt, càng nhanh càng tốt.
Không chiến lược nào đảm bảo rằng nó sẽ tốt hơn chiến lược kia. Hãy thử xem xét hai công ty sau:
Uber – Cá Voi
Chiến lược của Uber là luôn tập trung vào tăng trưởng và thống trị thị trường của mình, thay vì lợi nhuận. Uber chi mạnh tay để mở rộng sang các thị trường mới, đặt mức giá dưới cả thị trường và chi tiêu số tiền khổng lồ cho quảng cáo, vừa để tuyển dụng tài xế vừa kiếm thêm hành khách cho dịch vụ chia sẻ chuyến đi của mình.
Uber cũng đã chi những khoản tiền đáng kể để mua vào các lĩnh vực giao thông khác ngoài dịch vụ đi chung xe; Họ đã chuyển sang cung cấp thực phẩm với UberEats, cho thuê xe đạp và xe scooter với Jump, và cũng tham gia vào thị trường phát triển xe tự lái.
Uber đã phát triển vô cùng ấn tượng. Tổng doanh thu mà công ty đã thu về trong năm 2019 là 14,15 tỷ đô la. Tuy nhiên, họ đã tiêu tiền – rất nhiều tiền – để đạt được điều đó. Năm 2019, Uber đã lỗ 8,5 tỷ USD. Bất chấp tất cả số doanh thu khổng lồ trên, họ vẫn lỗ thêm tám tỷ rưỡi đô la. Số lỗ đó còn cao hơn tổng giá trị của WeWork hiện nay!
Vào cuối tháng 12, Uber tuyên bố rằng họ dự định sẽ có lợi nhuận vào quý 4 năm 2020. Tuy nhiên, đấy là trước khi tác động của COVID-19 diễn ra, còn bây giờ cái mục tiêu ấy đã bốc hơi chẳng còn lại gì rồi.
Trái ngược lại với…
Amazon – Lạc Đà
Thật thú vị khi nói về Amazon. Người ta cứ ầm ĩ lên rằng Amazon hoạt động thua lỗ suốt nhiều năm liền – nhưng phần lớn khoản lỗ đó là do họ đã chi cực kỳ nhiều tiền để tái đầu tư vào tăng trưởng, nghiên cứu và phát triển cho chính công ty.
Amazon chắc chắn đã thực hiện nhiều cú đột phá ở các lĩnh vực khác nhau, hầu hết trong số đó cũng là những thành công rực rỡ nhất, hoặc cũng là các thất bại tồi tệ nhất. Họ đã từng
- Cố gắng trở thành nhà xuất bản của riêng mình
- Cố gắng bán phần cứng điện thoại (có ai nhớ Fire Phone không?);
- Cũng nhảy vào lĩnh vực giao hàng thực phẩm;
- Tham gia vào kinh doanh cửa hàng tạp hóa bằng việc mua lại Whole Food;
- Và chuyển sang lĩnh vực điện toán đám mây và lao động theo yêu cầu với Amazon Web Services và Mechanical Turk.
Mặc dù nhiều trong số các lĩnh vực khác nhau này đã không thành công, Amazon đã xây dựng một cốt lõi kinh doanh vững chắc, với phần lớn thu nhập của nó đến từ các dịch vụ Amazon Web Services (AWS). Ngày nay, hầu hết các trang web mà bạn biết, bao gồm Netflix, Reddit, Pinterest, CDC, Etsy, AirBnB, v.v., tất cả đều chạy trên nền tảng AWS.
Amazon là một con lạc đà, bởi vì ngay cả khi các hoạt động của công ty vào các lĩnh vực công nghệ và kinh doanh khác nhau có thất bại thì họ vẫn luôn có một nguồn lợi nhuận cốt lõi của AWS để giữ cho công ty tiếp tục hoạt động.
Tính đến thời điểm năm 2020, cổ phiếu Uber đã tăng 11% nhưng cổ phiếu Amazon tăng 31%.
Cả hai công ty này đã phát triển thành những gã khổng lồ và có thể được coi là hình mẫu về thành công. Nhưng ngay bây giờ, với tư cách là một nhà đầu tư, nhìn vào sự không chắc chắn của nền kinh tế hiện nay, bạn sẽ đặt tiền của mình vào đâu? Bạn có muốn đặt cược vào cá voi, với một mục tiêu phát triển càng lớn càng tốt, càng nhanh càng tốt? Hay bạn sẽ chọn lạc đà, hy sinh tốc độ tăng trưởng để chắc chắn hơn khi đối mặt với suy thoái kinh tế?
Tôi vẫn thường nghe người ta nói lạc đà là “là kết quả của việc một ủy ban muốn tạo ra một con ngựa”, hàm ý rằng đó kết quả của một loạt các thất bại. Và chúng lại còn là những sinh vật kỳ lạ trông buồn cười chẳng có chút duyên dáng của một con ngựa hết. Nhưng trong khi một con ngựa được sinh ra để chạy thật nhanh, lạc đà đã tiến hóa thành một loài động vật vô cùng bền bỉ và đáng tin cậy, ngay cả trong điều kiện khắc nghiệt.
Cho nên, khi các thị trường vẫn còn đang chật vật để đối mặt với hậu quả ngắn hạn lẫn dài hạn do COVID-19 tác động lên nền kinh tế toàn cầu, Lạc Đà có thể sẽ trở thành con cưng mới của Thung lũng Silicon.
—-