Trở thành một nhà văn thay đổi cách đọc của bạn như thế nào?

Trở thành một nhà văn thay đổi cách đọc của bạn như thế nào?

Chuyên mục: Writing, Apr 19 · 4 min read
Tác giả : Elena Canty
Rất nhiều người rao giảng về lợi ích của việc đọc. Tôi tin chắc rằng với tư cách một nhà văn, bạn đã nghe đi nghe lại một lời khuyên hàng ngàn lần: “Đọc nhiều hơn nữa!”
Lời khuyên này được lan truyền rộng rãi bởi đọc sách thường xuyên và đa dạng là điều thiết yếu với một nhà văn. Trong tự truyện “Về việc viết”, Stepen King đã nói:

Nếu bạn không có thời gian cho việc đọc, bạn cũng chẳng có thời gian (hoặc công cụ) cho việc viết. Đơn giản vậy thôi.

Nhưng trong khi việc đọc thay đổi cách bạn viết lách, chiều ngược lại cũng hoàn toàn đúng. Viết lách, nếu bạn viết lách thường xuyên, sẽ thay đổi cách đọc của bạn.
Bởi thường xuyên viết lách, tôi bắt đầu để ý một số điều. Tôi vẫn chọn một cuốn sách và đọc, như bình thường. Nhưng trong khi đọc sách, nhiều suy nghĩ xuất hiện trong đầu tôi. Chúng thường xuyên là:
  • Mình yêu cách tác giả sử dụng ẩn dụ đó. Nó khiến cảnh sắc trở nên sống động. Ước gì mình cũng có thể mô tả được như vậy!
  • Chuyện gì xảy ra với cốt truyện phụ nhỉ? Nó có vẻ biến mất… phải chăng tác giả quên nó rồi? Mình cần tránh lặp lại lỗi này khi viết.
  • Cách tác giả thể hiện sự xung đột trong tích cách nhân vật qua cuộc đối thoại vừa rồi thật thú vị. Mình nên thử viết đối thoại như vậy.
  • Tác giả có vẻ quá nhọc công trong đoạn văn này. Quá nhiều miêu tả thừa thãi cùng lời văn hoa mỹ sáo rỗng. Giờ mình phải lấy chúng ra khỏi câu chuyện mình đang viết!
Cá nhân tôi chỉ tập trung viết tiểu thuyết hư cấu, bởi vậy những quan sát vừa rồi xảy đến khi đọc tiểu thuyết các loại. Nhưng cách nhặt nhạnh chi tiết khi đọc kiểu này có thể nảy ra trong đầu bất kỳ cây viết nào, từ tiểu thuyết gia đến blogger hay bất kỳ ai trong giới.
Nếu bạn không nhận thấy những kiểu suy nghĩ vừa rồi, đừng lo lắng! Nó sẽ tới khi bạn có kinh nghiệm. Nhưng nếu chúng tới quá thường xuyên thì có vẻ như việc viết lách đã thay đổi hoàn toàn cách đọc của bạn. Bởi khi quá quen thuộc với quá trình viết lách, bạn có thể nhận ra dấu hiệu của một tác phẩm tuyệt vời (hoặc không tuyệt cho lắm ^^) một cách tự động.
Có hai lợi ích từ việc đọc theo hướng phê bình tác động tới việc viết lách của bạn.
1 Nhận ra điều gì khiến cuốn sách hay
Rất dễ để biết rằng bạn yêu thích một cuốn sách. Nhưng khi được yêu cầu chỉ đích xác tại sao, bạn thường gặp rắc rối trong việc đưa ra câu trả lời.
May mắn thay, với việc trở thành một cây viết đầy kinh nghiệm bạn có thể chú thích được tại sao cuốn sách lại hay. Rồi, bạn có thể đưa những điểm bạn thích thú khi đọc hòa quyện với những gì bạn đang viết. Tất nhiên, tôi không nói về đạo văn – không được phép trộm cắp ý tưởng của người khác. Nhưng lấy cảm hứng từ cách sử dụng ngôn ngữ của một ai đó, rồi từ đó cải thiện bản thân, là cách tuyệt vời để mài dũa kỹ năng viết của bạn.
2 Nhận ra điều gì khiến cuốn sách dở
Một cây viết – một người ham đọc sách – có một kỹ năng vô giá, đó là tránh được những sai lầm trước khi họ mắc phải nó. Luyện tập giúp bạn hiểu rõ quá trình viết lách, từ đó những khuyết điểm trong tác phẩm của người khác sẽ hiện rõ lên trong mắt bạn. Nhận biết chúng là một điều cực hữu dụng – bạn sẽ biết điều gì không nên làm khi không mắc phải chúng và mất công đi sửa chữa.
Dù có là một câu đối thoại vụng về và giả tạo, một nhân vật chẳng mang ý nghĩa gì ngoài việc đưa ra vài câu bình luận hời hợt sáo rỗng, hay thậm chí cốt truyện của cả một tiểu thuyết, việc chú ý tới những điều khiến bạn khó chịu khi đọc giúp bạn không vô tình mắc phải chúng trong tác phẩm của mình.
Tuy nhiên, hãy nhớ rằng thuần túy chế giễu tác phẩm của người khác là điều vô nghĩa. Đừng nghĩ rằng tìm ra một vài điều bạn không thích trong tác phẩm của người khác giúp bạn vượt trội hơn họ. Để có thể tận dụng lợi ích này, bạn phải chuyển hóa những gì bạn học được vào trong chính tác phẩm của mình. Càng đọc nhiều với con mắt của một tác gia, tác phẩm của bạn càng có chất lượng cao hơn trước.
Một hạn chế bất khả kháng sẽ đến cùng những ích lợi vừa nêu. Ngay khi bạn để ý quan sát cách viết của tác phẩm, bạn sẽ đột ngột bị kéo ra khỏi câu chuyện tuyệt vời mình đang tận hưởng trước đó. Điều này khiến bạn khó có thể tận hưởng cuốn sách (hay bài báo, blog, hay bất cứ thứ gì) như trước.
Để ý từng chi tiết trong cách viết khi đang đọc sẽ không hủy hoại trải nghiệm của bạn, nhưng việc đó có thể khiến làm giảm thiểu mối liên kết của bạn với bản thân câu chuyện. Thay vào đó, bạn chú tâm hơn tới cách câu chuyện được kể.
Song le, là một nhà văn, đó là cái giá mà bạn phải trả. Với tôi, lợi ích từ việc đọc bằng con mắt của một tác gia vượt xa thất vọng nhỏ nhoi đôi khi chợt đến từ việc bị kéo tuột ra khỏi ảo ảnh hạnh phúc câu chuyện đưa tới.
***
Ngay khi học được cách soi xét thế giới qua ống kính một nhà văn, bạn sẽ nhận thấy cảm hứng có ở mọi nơi. Nhưng bạn cũng sẽ nhận ra rằng bạn càng ngày càng để ý hơn tới cách văn bản được hình thành, điều đó ngăn trở bạn hòa mình với câu chuyện.
Lần tới, khi bạn đọc một cuốn sách, hãy lên tinh thần chú thích và ghi chép những gì bạn nhận thấy trong cách viết. Rồi, khi ngồi xuống và viết, bạn có thể mang những quan sát đó vào tác phẩm của chính bạn.
Đọc như một nhà văn thực sự là một cách đẹp đẽ giản đơn để học hỏi. Tất cả những gì nó cần là sự kiên nhẫn và chu đáo, và bạn sẽ dần dần trở thành một cây viết tốt hơn.
Ảnh: Waiting, Alex Russell Flint, oil on canvas, 2016

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *