Những phận người mặc cảm vì vết bớt, chàm trên khuôn mặt
Bé Nguyễn Thị Phương Nhung (5 tuổi, ở huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) sinh ra vốn như bao đứa trẻ bình thường khác. Em không có bất kỳ vấn đề gì về sức khỏe hay cả một nốt ruồi trên mặt. Tuy nhiên, đến khi 3 tháng tuổi, chị Lê Thị Thanh Tâm (25 tuổi, mẹ bé Nhung) phát hiện con gái có một chấm đen bên thái dương. Nghĩ chỉ là chấm đen bình thường, thế nhưng vết bớt lan rộng nhanh chóng và trở nên ngày càng đậm màu.
“Đến 2 tuổi, vết bớt không lan rộng nữa, nhưng đã chiếm 2/3 khuôn mặt bé. Hai vợ chồng tôi vô cùng lo lắng, nhưng cũng chẳng biết làm cách nào, vì đồng lương công nhân ít ỏi, cộng với tuổi con còn nhỏ, không biết có thể điều trị được hay không”, chị Tâm tâm sự.
Theo chị Tâm, khi con gái bước vào độ tuổi đi học, ban đầu vẫn chơi đùa bình thường nhưng dần dần các bé lớn lên và nhận thấy điều không bình thường trên khuôn mặt.
“Nhiều câu hỏi: ‘Sao bạn lại có khuôn mặt một bên xấu, một bên xinh thế kia?’, những câu hỏi đó đánh vào nhận thức của con. Về nhà con bật khóc với mẹ ‘con muốn má xinh như các bạn, con không muốn má xấu như thế này đâu?…”, người mẹ trẻ bật khóc kể lại.
Những câu hỏi và ánh mắt tò mò dần tăng lên với em bé khi đó chỉ mới 3-4 tuổi, dần dần con trở nên tự ti. Đặc biệt mỗi khi ai hỏi hay chỉ trỏ về vết bớt trên khuôn mặt, Phương Nhung liền bắt mẹ đưa về nhà ngay lập tức, thậm chí cô bé liên tục ôm gục đầu vào, tay ôm chặt mẹ.
Chung hoàn cảnh như bé Phương Nhung, em Ma Thị Thu Hường (15 tuổi, ở huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang) mới sinh ra đã mang vết bớt thẫm màu ở một góc mặt. Càng lớn lên, Hường càng sống trong nỗi sợ hãi, tự ti mỗi khi soi gương cũng như chịu bao lời đàm tiếu, trêu đùa của các bạn cùng trang lứa.
Có những lúc nhìn vết bớt, Hường bật khóc. Chính vì nỗi mặc cảm luôn thường trực này khiến em không đủ tự tin khi tiếp xúc với các bạn nam. Từ bé đến giờ thậm chí Hường không dám nói chuyện với các bạn nam.
“Ngoài thời gian đến trường, hầu như em chỉ quanh quẩn ở nhà, phụ bố mẹ công việc nhà. Em luôn ao ước được tự tin đi chơi mà không phải để ý những ánh nhìn của mọi người.”, Hường tâm sự.
Thời gian trước, Hường vô tình đọc được thông tin “chữa bớt miễn phí”, niềm hy vọng le lói trong cô bé 15 tuổi. Em tâm sự với bố mẹ để được gia đình đồng hành. Nhìn cô con gái khóc, anh Ma Văn Tượng (43 tuổi) không cầm được lòng. Anh quyết tâm tìm lại vẻ đẹp bình thường cho con gái như bao bạn cùng trang lứa khác.
Anh Tượng tâm sự: “Hơn 10 năm nay, thấy con buồn phiền, đi học về hay bật khóc vì bị các bạn trêu chọc là ‘Hường đen’, làm bố làm mẹ vô cùng đau lòng, nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn cũng không thể có số tiền lớn chữa trị cho con được”.
Hai tuần trước, nghe con gái tâm sự được chữa bớt miễn phí, hai vợ chồng anh Tượng bàn nhau đưa con vượt quãng đường dài hơn 400km từ Hà Giang xuống Hà Nội. Hai vợ chồng vay mượn tiền xăng xe đi lại và ăn uống trong quá trình chữa trị với hy vọng một ngày được nhìn thấy con không còn bớt trên mặt, giúp con được như các bạn bình thường khác.
Hành trình đi tìm vẻ đẹp cho những người mang nỗi mặc cảm
Phương Nhung có chiếc bớt to chiếm 1/2 khuôn mặt. Gần 1 năm trước, chị Tâm được bạn giới thiệu chương trình điều trị bớt miễn phí, chị mới mạnh dạn đưa con đi.
Nhìn kết quả điều trị mới 1/2 liệu trình nhưng đã chữa khỏi khoảng 60% vết bớt trên mặt của con gái, chị Tâm không khỏi xúc động vì tương lai không xa, con gái sẽ không bị tự ti với các bạn khi có khuôn mặt khác lạ.
“Mỗi lần con điều trị về, bé thường soi gương và reo lên rằng ‘con sắp xinh như bạn này, bạn kìa rồi…”, khi đó 2 vợ chồng tôi vô cùng vui và hạnh phúc. Cũng mong sau khi kết thúc liệu trình, con sẽ có được khuôn mặt bình thường như bao bạn khác, để con không tự ti, rụt rè nữa”, chị Tâm cho hay.
Ths.Bs Chuyên khoa II Nguyễn Tiến Thành, Thành viên Hội Da liễu Việt Nam cho biết, chàm hay bớt được biết đến là những vết thay đổi màu sắc trên da. Theo định nghĩa trong chuyên ngành da liễu, chàm là tình trạng rối loạn trên da, liên quan tới dị ứng, do quá trình viêm tái đi tái lại nhiều lần, tạo thành tổn thương.
Tình trạng này khiến vùng da đó bị thay đổi màu sắc và có thể kèm theo các triệu chứng như: ngứa, đỏ, bong vẩy, xuất hiện ở nhiều vị trí trên cơ thể. Trong đó, chàm xuất hiện ở hai bên má trẻ nhỏ, được gọi là chàm nhũ nhi, gây ngứa ngáy, khó chịu, tình trạng này khác rất nhiều so với bớt sắc tố.
Theo bác sĩ Thành, bớt sắc tố là một loại tổn thương da lành tính, xuất hiện do sự tăng sinh tế bào tạo nên một mảng da hoặc một đốm trông khác với vùng da xung quanh. Các vết bớt xuất hiện từ khi trẻ mới sinh ra, màu sắc đã được định hình, kích thước ổn định và thường không thay đổi nhiều theo thời gian. Ở một số người, việc tăng kích thước hoặc màu sắc của các vết bớt có thể do cơ thể lớn lên, vùng da phát triển rộng ra khiến bớt giãn ra theo kích thước của cơ thể.
Tuy nhiên, một số loại bớt cũng phát triển theo thời gian, thường có màu nâu, đen, đỏ và đa số là không ngứa, không kèm theo triệu chứng cơ năng mà cảm giác hoàn toàn bình thường nhưng gây ảnh hưởng nhiều đến sự tự tin và tính thẩm mỹ. Tỷ lệ vết chàm, bớt ở trên cơ thể rất nhiều nhưng vùng khiến mọi người mất tự tin nhất là mặt.
“Tổn thương sắc tố thường ở cả ba lớp của da: thượng bì – hạ bì – trung bì. Khi áp dụng cơ chế bào mòn, sẽ lấy đi lớp da trên bề mặt, làm da mỏng đi. Nhìn vào, người bệnh có thể thấy vết bớt mờ hơn nhưng khi lớp da phát triển trở lại, sự dâng lên của tế bào sắc tố lại tiếp tục tạo nên vùng bớt như lúc đầu”, bác sĩ Thành nói.
Bác sĩ Thành cho hay, vết chàm, bớt có khả năng điều trị khỏi tới 90-95% và thậm chí tỷ lệ này còn cao hơn nữa, giúp vùng da sậm màu có thể trở lại gần như bình thường, nhưng cần theo phác đồ chuẩn y khoa.
Người bệnh nên đến thăm khám càng sớm càng tốt để đạt hiệu quả cao nhất. Tuy nhiên, bác sĩ cũng nhấn mạnh sự kiên trì của người bệnh trong quá trình điều trị bởi phải mất ít nhất 15-20 lần, áp dụng nhiều phương pháp, công nghệ khác nhau mới có thể cải thiện tình trạng da sậm màu.
Điều trị chàm, bớt rất tốn kém, mất nhiều thời gian, màu sắc mới mờ dần và có thể trở về trạng thái bình thường. Với những vùng diện tích lớn, chi phí điều trị mỗi lần lên tới 5 – 7 triệu đồng. Như vậy, người bệnh ít nhất phải chi trả khoảng 60-80 triệu đồng cho cả quá trình. Tuy nhiên, khi làm việc trực tiếp, bác sĩ nhận thấy không ít gia đình có hoàn cảnh khó khăn, số tiền điều trị đó với họ rất lớn, còn chưa kể tới chi phí đi lại, ăn ở với những bệnh nhân ở xa phòng khám.
“Những trường hợp có bớt sắc tố rất đáng thương. Thật sự trong quá trình làm việc, tôi vô cùng suy nghĩ, trăn trở làm cách nào, có con đường nào mà có thể giúp được các bệnh nhân chàm bớt, biến ước mơ có một khuôn mặt bình thường của họ trở thành hiện thực, muốn tìm mọi cách để giảm áp lực kinh tế cho họ. Chính vì thế những trường hợp mắc bớt trên khuôn mặt, chúng tôi luôn hỗ trợ tối đa, thậm chí hoàn toàn miễn phí 100% để giúp họ phần nào giảm áp lực kinh tế”, bác sĩ Thành chia sẻ thêm.