MAYBE YOU MISS THIS F***KING FOOD

MÓN “PAGPAG” CỬA ĐÔNG

“Pagpag” là thuật ngữ hiện nay để chỉ một loại thức ăn dành cho người nghèo ở Philippines. Pagpag là đồ ăn được thu lượm từ rác thải mang về tái chế biến nấu nướng rồi bán cho người nghèo. Pagpag có thể ăn được ngay nếu may mắn nhặt được đồ ăn còn nguyên vẹn hoặc chế biến theo những cách khác nhau sau khi thu gom.

Những tưởng Pagpag chỉ xuất hiện ở Philippines, nơi từng có nạn đói nghèo cùng cực. Nhưng ít ai biết ở Hà Nội những năm đầu thế kỷ XX cũng từng tồn tại món “Pagpag” như vậy. Đó là chợ bán đồ ăn thừa phố Cửa Đông.

Để hiểu rõ hơn tại sao tại phố Cửa Đông lại xuất hiện chợ kỳ lạ như vậy cũng cần nói qua về lai lịch con phố này. Phố Cửa Đông được hình thành vào cuối thế kỷ XIX, sau khi thành Hà Nội bị phá, cửa chính Đông bị đập bỏ, thay vào đó là một cổng sắt lớn có tên Cổng Tỉnh (nay là cổng doanh trại quân đội ở đầu phố Cửa Đông giáp Lý Nam Đế). Từ đây, người Pháp xây dựng một con đường rất đẹp nối Cổng Tỉnh ra khu dân cư, đó chính là phố Cửa Đông. Đây là con phố tuy ngắn nhưng rất hiện đại và sạch đẹp. Khi hoàn thành việc xây dựng, người Pháp lấy tên một viên tướng Pháp để đặt tên cho phố: Rue Général Bichot (Phố tướng Bi-sô). Sau năm 1945, được đổi tên thành phố Cửa Đông như ngày nay.

Do sát khu trại lính trong thành nên khu vực phố Cửa Đông hình thành rất nhiều cửa hàng phục vụ quan binh như tiệm cơm tây của ông Joseph, hiệu cơm Chú Sường, hiệu may âu phục – binh phục, nhà săm (phòng trọ)… Khu vực này vào các buổi chiều tối rất náo nhiệt, tụ tập những người chờ thu mua ve chai, đồng nát, đồ cũ phế thải của quân nhu từ trong thành mang ra. Đông hơn cả là những bà gồng gánh thu mua đồ ăn thừa (mì ống, xúp, bánh mỳ, salat…) của nhà bếp trong thành trút ra. Đồ ăn thừa được thu gom vào thùng lớn hoặc bao tải rồi chở ra Cửa Đông bán cho người thu mua. Những nguyên liệu bỏ đi này được chế biến thành món thập cẩm rồi bán cho dân nghèo. Từ đó hình thành một cái chợ đặc biệt: chợ cơm gánh, canh thừa.

Nhà văn Tô Hoài trong Chuyện cũ Hà Nội kể rằng, cứ nhá nhem tối chợ cơm bắt đầu hoạt động. Dưới các gốc cây, cột đèn là những mẹt cơm gánh bày sẵn cho người đến ăn. Trong những gánh cơm thừa này cũng phân hạng “cao cấp” và “bình dân”. Loại cao cấp là những thức ăn lành lặn, ngon nhất được lựa chọn từ thùng rác. Đôi khi là cái cái bánh tây còn nguyên vẹn hoặc cái lườn gà luộc bằng ba ngón tay. Loại bình dân là các loại “bạc nhạc, lều phều” như thịt vụn, xương xẩu, súp khoai tây, hành tây… được đổ chung vào một cái nồi lớn nấu lên thành món súp “hẩu lốn” bán cho người mua. Người có chút tiền thì ngồi quanh mẹt cơm với các món được chế biến tử tế. Giá cho mỗi bữa ăn như vậy từ 1 đến 2 xu. Người nghèo kiết thì tìm đến bà bán hàng có cái thùng dựng ở gốc cây đựng món “tả pí lù” nấu lệt xệt. Chỉ với 2 chinh Bảo Đại (6 chinh Bảo Đại bằng 1 xu) đã có muỗng “súp” rồi. Cũng chẳng có bát đũa gì, những kẻ ít tiền đó khum tay đón thứ “súp” thập cẩm này từ trong muỗng của bà hàng rồi dốc vào miệng, rồi vừa đi vừa mút các ngón tay.

Một số cửa hiệu cao lâu nổi tiếng của người Hoa cũng đến đây thu đồ ăn thừa về làm món đặc sản. Chân gà, cánh gà được các hiệu cao lâu như Mỹ Kinh, Tây Nam, Nhật Tân trên Hàng Buồm thầu mua toàn bộ về rút xương chế biến thành món canh gân gà, loại canh rất đặc biệt và đắt tiền chỉ có ở tiệm cao lâu của người Hoa mới có bán. Nhưng phần lớn khách đến chợ cơm này chủ yếu là những cu li đẩy hàng, phu hồ, thợ ngõa, người thất nghiệp… họ là những người dưới đáy của xã hội, kiếm sống chật vật qua ngày. Cũng không ít người trong số họ ngày cuối năm ra chợ Cửa Đông này mua thức ăn thừa của đám lính Tây về làm mâm cơm cho gia đình trong ba ngày Tết.

Với họ, ăn để sống chứ đâu phải sống để ăn.

Trích: Hà Nội chuyện xưa phố cũ | Tác giả: Tạ Thu Phong

Ảnh minh họa: Hàng cơm vỉa hè (Ảnh tư liệu)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *